Nhà Báo PHAN KHÔI

Nhà Báo PHAN KHÔI

     PHAN KHÔI (6/10/1887, làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – 16/1/1959, Hà Nội, 72 tuổi), là nhà văn, nhà báo nổi tiếng với các bút danh Chương Dân, Tú Sơn, Nam Âm và là thành viên nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ông đã gặp cụ PHAN BỘI CHÂU, PHAN CHÂU TRINH và bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng của hai cụ Phan. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và từng làm Giám khảo trong các Giải thưởng văn học của Hội.

     Ông học rất giỏi – nổi tiếng trong làng – và dự thi Hương (năm 1905) đậu Tú tài Hán học (năm 18 tuổi) nên nhiều người gọi ông là Tú Khôi. Ông ra Hà Nội (năm 1907) tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và cổ xuý cho chữ Quốc ngữ trên tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo (khi tờ tạp chí bị thực dân Pháp cấm, ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu mật thám Pháp). Ít lâu sau, ông về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân Cứu quốc (do Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo). Trong cuộc Trung Kỳ dân biến (năm 1908) đòi giảm thuế cho dân ở Faifo (Hội An) – Quảng Nam, ông bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam (được ân xá vào năm 1914). Trong tù, ông đã học thành thạo tiếng Pháp – 1 trong 4 ngôn ngữ chính lúc bấy giờ (chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc ngữ, Pháp văn) mà ông đã nắm. Ông nhận dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ Tin Lành để trau giồi thêm tiếng Pháp. Ông được giáo sĩ E.F. IRWIN mời tham gia Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh (năm 1916) sang chữ Quốc Ngữ.

     Ông là người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, tiếp thu nhiều tư tưởng mới và đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, …, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiếnthực dân Pháp không e dè kiêng nể, phê phán Khổng giáo, … Ông nổi tiếng vì sự trực ngôn – mang danh là Ngự sử văn đàn (trước 1945)… và cũng vì cung cách ấy mà ông bị buộc phải dừng sáng tác (năm 1958).

     Ông trở về Hà Nội và viết bài cho Nam Phong Tạp Chí (phần Quốc văn); sau đó (năm 1915), ông vào Sài Gòn và viết bài cho báo Lục Tỉnh Tân Văn đồng thời tập trung dịch Kinh thánh Tin Lành (chữ Hán) sang chữ Quốc ngữ (năm 1916). Ông là người phiên dịch chính và làm việc suốt 10 năm (1916-1925, Sài Gòn-Hà Nội) chung với ông bà giáo sĩ WILLIAM C. CADMAN (Hà Nội), giáo sĩ JOHN DRANGE OLSEN (Sài Gòn), ông TRẦN VĂN DÕNG (Sài Gòn), cụ Tú NGUYỄN HỮU PHÚC (Hà Nội). Bản dịch Kinh Thánh chữ Quốc ngữ được in tại Trung Hoa và mang về Việt Nam phát hành (năm 1926). Ông lại trở ra Hà Nội (năm 1920) và viết bài cho báo Hữu Thanh, Thực Nghiệp Dân Báo.

     Ông lại trở vào Sài Gòn (năm 1924, khi Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh bị đóng cửa) và tiếp tục viết bài cho báo Lục Tỉnh Tân Văn, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn (từ 1929). Ông đã phát động Phong trào Thơ mới Sài Gòn (năm 1932) qua bài thơ ‘Tình già’ trên báo Phụ Nữ Tân Văn.

     Ông lại trở ra Hà Nội (từ tháng 9/1933 đến 2/1935) làm Chủ bút cho tuần báo Phụ Nữ Thời Đàm. Thời kỳ 1933-1945, ông là một đảng viên nòng cốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

     Ông vào Huế (năm 1935) làm Chủ bút cho Tràng An Báo (tháng 3/1935 – 2/1936). Ông xin được giấy phép xuất bản báo Sông Hương (năm 1936) và tổ chức thành cơ quan bí mật của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Trung Kỳ. Song sau đó (tháng 3/1937), ông bán lại báo Sông Hương cho tổ chức Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản đảng, rồi trở vào Sài Gòn mà dạy chữ Nho và viết tiểu thuyết.

     Theo lời mời của Chủ tịch HỒ CHÍ MINH, ông lại ra Hà Nội (sau năm 1945) tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa và về sau nhận chức Chủ nhiệm Chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng. Ông đã ở Việt Bắc suốt 9 năm và vì bị bệnh nên phải nằm bệnh viện một thời gian.

     Trong thời gian 1956-1957, ông là một trong những người thành lập, Chủ nhiệm tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ nên ông bị buộc phải ngừng sáng tác (năm 1958).

     Sau 72 năm đời (6 năm tuổi nhỏ, 16 năm học chữ Hán và đi thi, 2 năm tham gia Phong trào Duy tân, 3 năm ở tù, 10 năm dịch Kinh Thánh, 30 năm làm báo), ông đã để lại các tác phẩm bao gồm :

Bàn về tế giao (1918);
Tình già, Hai cảnh trên xe hỏa, Hớt tóc, Hồng gai, Nắng chiều (thơ mới, 1932);
Chương Dân thi thoại (Thơ, 1936);
Trở vỏ lửa ra (tiểu thuyết, 1939);
Tìm tòi trong tiếng Việt (1950);
Ngẫu cảm (thơ chữ Hán);
Ông Năm chuột, Ðọc lệch giết lầm (1936), Ông Bình Vôi (truyện ngắn);
Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951);
Việt ngữ nghiên cứu (1955);
Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957);
Viếng mộ ông Lê Chất,  Vịnh Thủy Hử, Khai bút, Chơi thuyền trên sông Tân Bình (thơ chữ Hán);
+  Dịch Kinh Thánh Tin Lành (chữ Hán) sang tiếng Việt;
+  Dịch sang tiếng Pháp: 10 bài thơ liên hoàn của Thứ phi (của vua Thành Thái, mẹ vua Duy Tân).

Tình già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
– “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi! 

(Báo Đông Tây, số Tết Nhâm Thân 1932, Tập văn mùa Xuân, Hà Nội, Phụ nữ Tân văn, số 122 ngày 10/3/1932, Sài Gòn)

CHÚ THÍCH

◊  Giáo sĩ WILLIAM C. CADMAN: tốt nghiệp Trường Toronto Theological College (Canada) và được huấn luyện tại Trường Đào Tạo Giáo Sĩ tại Nyack (New York).  Thành thạo các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Hán, Greek (Hy Lạp), Hebrew (Hi-bá-lai), Quốc Ngữ.  Chức vụ: Trưởng Ban Phiên Dịch Kinh Thánh thuộc Hội Thánh Kinh Anh Quốc và Hải Ngoại (The British and Foreign Bible Society).

◊  Giáo sĩ WILLIAM (GRACE) C. CADMAN: Thạc sĩ về Văn chương Hy Lạp (Greek). Thành thạo các ngôn ngữ: Anh, Pháp, La-tinh, Greek (Hy Lạp), Hebrew (Hi-bá-lai), Hòa Lan, Quốc Ngữ.

◊  Giáo sĩ JOHN DRANGE OLSEN: tốt nghiệp Trường Đào Tạo các Giáo sĩ tại Nyack (New York). Thành thạo các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hán, Quốc Ngữ.

◊  TRẦN VĂN DÕNG (Sài Gòn): tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Đông Dương tại Hà Nội. Thành thạo các ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp, Quốc Ngữ.

◊  NGUYỄN HỮU PHÚC (Hà Nội): Tú tài. Thành thạo các ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp, Quốc Ngữ.

BAN TU THƯ
10 /2022

(Visited 120 times, 1 visits today)