Ba hồn & Bảy vía – Phần 2

Ba hồn & Bảy vía – Phần 2

BAN TU THƯ
Viện Nghiên cứu Việt Nam học

(… tiếp theo) :

Bảy vía

     Thất phách hay 7 vía của người bao gồm: Thi Cẩu, Tước Âm, Thôn Tặc, Phục Thỉ, Phi Độc, Trừ Uế, Xú Phế. Thất phách có vai trò điều tiết vô cùng quan trọng trên cơ thể của con người; mỗi phách sẽ đảm đương một nhiệm vụ khác nhau như: tiêu hoá, hô hấp, sinh sản, nhịp tim, … Lý luận Đông Y cho biết rằng “gan tàng hồn, phổi tàng phách” và thân thể có một cánh cửa – được gọi là phách môn (hay hậu môn) – nó là cửa mà phách sẽ rời khỏi thân thể người; vì thế mà người xưa khi cấp cứu người sắp chết thì việc đầu tiên là họ bịt hậu môn lại.

      Theo quan niệm của Đông y, Bảy phách có vai trò như sau :

Phách thứ nhất chi phối hô hấp

     Khi người ta ngáy ngủ thì phách này là có vấn đề! Muốn biết một người có tính quyết đoán hay không thì hãy xem khi ngủ họ như thế nào; nếu khi ngủ mà nhìn giống như một đứa trẻ, hô hấp đều đặn, không trở mình, không vặn vẹo, ngủ thẳng một giấc thì phách thứ nhất của người này là khỏe mạnh; còn nếu khi ngủ mà thở khò khè như có đờm chắn, luôn ho khan, thở gấp, không thể nằm thẳng, … hay phải đệm gối thật cao mới có thể ngủ ngon thì phách thứ nhất có vấn đề. Cần phải xem xét điều chỉnh hệ thống phổi và đại tràng.

Phách thứ hai chi phối nhịp tim

     Trong giấc ngủ, nhịp tim đột ngột tăng lên, huyết áp đột ngột tăng cao, hoặc tim đập quá chậm, thậm chí gián đoạn, … thì rõ ràng là phách thứ hai có vấn đề!

Phách thứ ba chi phối tiêu hóa

     Nếu khi ăn cơm buổi tối xong và sáng sớm hôm sau khi thức dậy mà cảm thấy đói bụng, nghĩa là thức ăn đều đã được tiêu hóa; điều này cho thấy phách thứ ba ổn. Còn người nào khi thức dậy đánh răng mà cảm thấy buồn nôn, bụng vẫn no, miệng có mùi hôi, không muốn ăn gì thì phách thứ ba có vấn đề!

Phách thứ tư khống chế thủy dịch

     Nếu khi buổi tối uống nước nhiều và sáng hôm sau khi thức dậy đi tiểu ra nhiều nước, rất thoải mái; điều này cho thấy phách thứ tu khá mạnh – không chỉ có thể tiêu nước mà còn có thể giữ kín nó lại. Người có phách lực này yếu, sẽ hay đi tiểu đêm; buổi tối dù chỉ uống chút ít nước cũng phải đi tiểu vài lần.

Phách thứ năm phục hồi chức năng sinh dục

     Nếu buổi tối có sinh hoạt tình dục, sau đó ngủ cả đêm, hôm sau thức dậy “sinh khí” vẫn ‘bừng bừng’; điều này cho thấy phách thứ năm rất tốt. Còn ngược lại! nếu hôm sau khi thức dậy mà cảm thấy xương sống nơi thắt lưng đau, toàn thân mệt mỏi; điều này cho phách thứ năm bị dùng quá sức hoặc chức năng phục hồi kém.

Phách thứ sáu quản chế cảm giác nóng lạnh

     Khi ta ngủ say song cảm giác vẫn còn; nếu lạnh thì dù đang ngủ cũng sẽ tự thức giấc mà đắp chăn. Nếu phách thứ sáu gặp vấn đề thì sau khi ngủ dậy thường hay bị cảm. Rất nhiều trẻ em khi ngủ được đắp nhiều chăn mền nhưng ngày hôm sau khi thức dậy vẫn bị cảm lạnh chảy nước mũi. Còn có một số người bị nóng lạnh thất thường, sau khi ngủ toàn thân ướt đẫm mồ hôi; điều này cho thấy phách thứ sáu có vấn đề!

Phách thứ bảy có chức năng cảnh giác

      Người có phách thứ bảy mạnh thì khi chỉ cần có một chút động tĩnh nhỏ là đã thấy lo lắng; nếu đóng cửa tắt đèn khi ngủ mà hoặc vợ hay chồng đi ra ngoài là thức giấc mà không ngủ lại được. Người có phách thứ bảy yếu thì khi ngủ giống hệt như bị bất tỉnh, có ai vào phòng cũng không biết.

Nam 7 – Nữ 9

     Nói chung, đối với người có phách bình thường khỏe mạnh thì có thể có khả năng tự điều chỉnh khá tốt. Ví dụ như sáng ngày hôm sau cần phải thức dậy vào lúc 6 giờ sáng thì đều không cần dùng tới đồng hồ báo thức, mà chỉ cần làm trước khi đi ngủ là tự nhắc nhở bản thân rằng “sáng mai mình phải dậy vào lúc 6 giờ sáng” thì phách của người đó sẽ tự động đánh thức tỉnh giấc đúng giờ.

     Quan niệm của người Việt đối với vía (phách) thì còn phong phú hơn và cho rằng người nam thì có 7 vía, còn người nữ thì có 9 vía. Sự khác biệt này có thể xuất phát từ quan niệm cho rằng thân thể của đàn ông có “thất khiếu(7 lỗ: 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, 1 lỗ miệng, 1 lỗ tiểu, 1 hậu môn); còn phụ nữ thì có “cửu khiếu(9 lỗ: 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, 2 lỗ vú, 1 lỗ miệng, 1 lỗ tiểu, 1 hậu môn).

Ngày vía

      Ngày vía là các ngày sinh, ngày mất, ngày hành đạo. Theo quan niệm của Phật giáo, vào các ngày vía mà nếu làm việc tốt, việc thiện thì sẽ tích đức được rất nhiều. Vào các ngày vía, các phật tử thường ăn chay, làm từ thiện, hay phóng sinh. Các Ngày vía trong năm theo Phật giáo có như sau:

+  Vía Đức Phật Di Lạc (ngày 1/1 âm lịch),
+  Vía Phật Thích Ca xuất gia (ngày 8/2 âm lịch),
+  Vía Phật Thích Ca nhập diệt (ngày 15/2 âm lịch),
+  Vía Quán Thế Âm đản sanh (ngày 19/2 âm lịch),
+  Vía Phổ Hiền Bồ Tát (ngày 21/2 âm lịch),
+  Vía Chuẩn Đề Bồ Tát (ngày 16/3 âm lịch),
+  Vía Văn Thù Bồ Tát (ngày 4/4 âm lịch),
+  Vía Phật Thích Ca giáng sanh (ngày 15/4 âm lịch),
+  Vía Quán Thế Âm thành đạo (ngày 19/6 âm lịch),
+  Vía Đại Thế Chí Bồ Tát (ngày 13/7 âm lịch),
+  Vía Địa Tạng Bồ Tát (ngày 30/7 âm lịch),
Vía Quán Thế Âm xuất gia (ngày 19/9 âm lịch),
+  Vía Phật Dược Sư (ngày 30/9 âm lịch),
+  Vía Phật A Di Đà (ngày 17/11 âm lịch),
+  Vía Phật Thích Ca thành đạo (ngày 8/12 âm lịch).

GHI CHÚ :
◊  Các chữ nghiêng, chữ in, chữ đậm, hình ảnh minh hoạ do BAN TU THƯ vietnamhoc.net thiết lập.
◊  MỜI XEM:  Ba hồn & Bảy vía – Phần 1.

BAN TU THƯ
5 /2022

(Visited 36 times, 1 visits today)