CÁCH TIẾP CẬN MỚI trong việc tìm hiểu PHAN THANH GIẢN

   Tác giả: PGS. TS. Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG

    Bước vào thế kỷ XIX – Xã hội châu Á bị đặt trước những chọn lựa mới: một nền văn hóa cố hữu mang tính phong kiến với nền sản xuất lạc hậu lấy luân thường đạo lý làm cơ sở Nhân trị; và một nền văn minh vật chất phương Tây, lấy sự tự do ngạo nghễ và lạnh lùng làm cơ sở Pháp trị. Hai nước Nhật Bản và Việt Nam đều cùng chịu chung loại hình văn hóa ảnh hưởng lâu đời của Trung Quốc hàng nghìn năm nhưng lúc này lại có những chọn lựa khác nhau: Nhật Bản dựa vào học thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Vương Dương Minh và cuối cùng chọn con đường hợp tác với phương Tây. Trong khi đó, Việt Nam muốn chọn đối đầu bằng những loại vũ khí thô sơ và tư tưởng Nho giáo đang suy tàn. Thế nhưng Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 lại vẫn có thể là thời điểm đánh dấu cột mốc của sự chuyển mình quan trọng dọc theo chiều dài lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

    Nếu trong giai đoạn lịch sử trước đó – Việt Nam đấu tranh trong nền tảng tư tưởng Nho giáo để chống đế chế phong kiến Trung Hoa – khá tập trung, khá đoàn kết – thì giai đoạn lịch sử này cuộc đấu tranh gay go hơn nhiều, do có sự phân hóa trong nhân dân và nhất là trong triều đình ngay khi phát súng đầu tiên bắn vào Đà Nẵng năm 1858 của đội quân viễn chinh Pháp.

   Sự phân hóa này là do những đánh giá khác nhau trước một tình hình hoàn toàn mới mẻ và do có những chọn lựa khác nhau về cách thức phục vụ dân tộc và đất nước, nhiều khi xa lạ, vượt ra ngoài truyền thống yêu nước bình thường của dân tộc.

   Những tư tưởng xa lạ ấy ngay lập tức đã vấp phải một sự chống trả mãnh liệt từ những người yêu nước truyền thống. Trong số họ, có những người có thể là do tầm nhìn hạn chế, như trường hợp những nhân vật chủ chiến Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích đã cho rằng “địch không đủ sức làm gì ta cả”. Từ đó những nhân vật chủ chiến này đã đề nghị Tự Đức dời đô về Thanh Hóa, Ninh Bình.

   Những nhân vật lịch sử có tư tưởng xa lạ, bị đánh giá là chủ hòa và đã từng bị khép tội là bán nước còn tồn tại cho đến ngày nay một nỗi nhức nhối về hành vi của họ là Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký và đặc biệt là Phan Thanh Giản.

   Thật đau lòng thay 3 nhân vật nói trên cùng rơi vào lãnh địa Nam kỳ – một vùng đất mới khai hoang – môi trường màu mỡ có thể xa địa bàn lãnh đạo của triều đình Huế dễ phát sinh ra những tư tưởng mới, phương thức mới để bị khép tội đại nghịch do đã hợp tác với kẻ thù – theo cách nhìn đương thời.

   Nếu Lê Văn Duyệt và Trương Vĩnh Ký đã tạm thời xác lập được hồ sơ mà khái niệm yêu nước còn bảo tồn trong dòng máu của họ qua những cuộc hội thảo mới đây, thì nhân vật Phan Thanh Giản vẫn còn đọng lại một nỗi ưu tư phân hoá thành hai luồng tư tưởng đối lập nhau: yêu nước hay bán nước?

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHÁC NHAU:

   Qua những tài liệu – còn lại đến nay, chúng ta có thể hiểu được nhiều nhà nghiên cứu đã không ngừng đi tìm một giá trị đích thực về tư tưởng và hành vi của Phan Thanh Giản. Ngoài những phương pháp sử học, phương pháp tư duy lô gích biện chứng hết sức quen thuộc trong giới sử học trước đây, ngày nay còn xuất hiện những nhà khoa học, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã không ngừng tìm hiểu, vận dụng những phương pháp chuyên ngành để phân tách tìm hiểu những loại hình chân lý thích nghi có thể nhận được tùy theo nhận thức riêng của từng cá nhân.

   Trước hết, một số nhà ngôn ngữ học đã sử dụng ngôn ngữ sử học xác lập những tiêu chí và biểu hiện lòng yêu nước trong quá trình đánh giá những nhân vật lịch sử. Theo nhà ngôn ngữ học Darmesteter, thì “ngôn ngữ có sinh hóa như một sinh vật”. Nghĩa là ngôn ngữ cũng trải qua 3 gian đoạn: ấu trĩ, trưởng thành và lão suy. Cái mà chúng ta gọi là “chủ hòa hay hợp tác” là bán nước ở giai đoạn đầu thế kỷ XIX khi nó được đặt tên vào lúc mới sinh ra đời còn non nớt ngay ngày đầu xâm lược của thực dân Pháp, thì vào đầu thế kỷ XXI khi khái niệm của nó đã trưởng thành và được hiểu là “Mở cửa và hội nhập” rất có thể đã trở thành một khái niệm yêu nước. Khái niệm ấy có thể sẽ lão suy khi phía trước nó là hàng chục hay hàng trăm năm nữa. Khi ấy khái niệm mở cửa để hội nhập không còn tồn tại trong xã hội của chúng ta vì đã được toàn cầu hóa?!

   Chúng ta có thể nghe nói đến phương pháp Tự kỷ trầm tư để xâm nhập vào hồn của những tư tưởng thoát tục tự bịt mắt mà không thấy những diễn biến của xã hội. Phương pháp này dựa vào cơ sở hạ tầng của thuyết Chân như duy tâm của nhóm Phật giáo đại thừa với di sản Lão Trang để có thể nhận ra bóng dáng còn bị che lấp của loại Hội chứng X – một hội chứng chưa từng có tên gọi mà Phan Thanh Giản đã trở thành bệnh nhân của hội chứng ấy!

   Những phương pháp mang tính siêu hình này nếu không đưa nó vào cuộc thì không thể thỏa mãn được những viễn tưởng u uẩn của tiềm thức hay vô thức linh động hóa những nhận thức phân tích tâm lý.

   Nhưng với một Phan Thanh Giản tất cả vẫn còn chưa đủ – nếu nhà khoa học của thế kỷ XXI từ chối sự thèm khát của phương pháp Cực tỉnh và Thái hư (yên lặng và trống rỗng). Như thế nghĩa là gì?

PHAN THANH GIẢN MỘT NHÀ NGOẠI GIAO HAI MẶT?

   Chúng ta hãy theo dõi lịch sử bang giao quốc tế của nước Việt Nam hàng nghìn năm trước theo chiều dọc và cắt lát theo cách bổ ngang từng giai đoạn để soi rọi – kể từ khi nước Đại Nam gặp gỡ với Tây dương. Sự gặp gỡ ấy đã mở ra tầm nhìn rộng rãi từ một quốc gia bên này địa cầu có thể thấy một quốc gia bên kia.

   Hiện nay, không một quốc gia nào có thể tự cô lập mình theo cách đã làm thời phong kiến “bế quan tỏa cảng” hay “mũ ni che tai”.

   Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản với chủ trương mở cửa đã đi trước một bước dài so với những bước đi của các nước châu Á mà không gây ra tổn thất nào đáng kể trong quốc nội – trong khi đó Việt Nam khư khư đóng cửa đã diễn ra nhiều mốc thảm họa trong lịch sử.

   Xét về mặt thể lực cho đến đầu thế kỷ XIX Việt Nam là một vương quốc thống nhất và phát triển vượt trội so với các nước trong khu vực về ba phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế với một uy lực hùng mạnh.

   Nhưng khi tiếp xúc với phương Tây, trước mưu đồ xâm nhập đòi mở cửa thông thương, thì Việt Nam đã đối phó lại bằng cách xây đồn đắp lũy cho kiên cố tại các hải cảng (đồn An Hải, Điện Hải tại cửa sông Hàn), lập nên nhiều hải đài tối tân vào thời ấy để theo dõi sự xâm nhập và chống trả lại quyết liệt với đôi mắt bịt kín để không thể nhận diện được kẻ thù. Vào đầu thế kỷ XIX, sau khi phục hồi và cường thịnh Âu Mỹ đã khao khát phát triển mở rộng sang các nước châu Á, họ đã đoạt được nhiều hải cảng tại Trung Hoa, chiếm Ấn Độ, đánh Miến Điện, bắt Xiêm La mở cửa thông thương, đánh Mã Lai, Nhật Bản, và xâm nhập vào Đông Dương. Vào giai đoạn này các nước châu Á nhìn chung đã tử thủ để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ màu sắc văn hóa riêng để chống lại ảnh hưởng vật chất cá nhân làm lu mờ tinh thần nhân ái bằng các dịch vụ thương mại – như trường hợp nhà Thanh tại Trung Quốc đã áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng. Tất cả dịch vụ thương mại trực tiếp giữa dân chúng và người da trắng (Bạch qũy) đều bị tuyệt đối ngăn cấm. Bên cạnh đó đường lối bài xích và sát đạo Thiên Chúa được cổ xúy tại Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La, và đặc biệt tại Việt Nam. Cái sắc thái bảo vệ bản sắc văn hóa ấy của các nước châu Á đã mang tính đặc trưng cá biệt của thế kỷ XIX này. Phan Thanh Giản cũng như Trương Vĩnh Ký đã được sinh ra trong giai đoạn lịch sử ấy.

   Hai nhân vật lịch sử nói trên đã có cách suy nghĩ và hành động khác thường so với tập quán và nghi thức thông thường của dân tộc.

   Những hành vi khác biệt ấy đã nói lên điều gì trong lịch sử quan hệ quốc tế của dân tộc, nó đã mở ra một cơ hội để tiếp cận và hòa nhập vào chân trời mới hay dẫn đất nước vào thảm họa diệt vong? Hành vi khác thường hay phi thường nói trên của Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, trong điều kiện một đất nước có chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, như một sức đề kháng mãnh liệt, như một mũi tên lao thẳng phía trước. Ai dám đứng ra làm lá chắn để chặn đường đi của mũi tên lịch sử ấy?

   Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đã dám làm điều phi thường đó. Họ không quay mặt lại để đi theo kẻ thù mà đứng ở ngã ba để chỉ đường cho dân tộc đi theo chiều hướng mà các nhân vật lịch sử này đã thấy được qua trực giác. Muốn được thế, họ phải có hành động cụ thể. Theo các nhà phân tâm họcTrương Vĩnh Ký đã bộc lộ chân thật thái độ dũng cảm của mình trước mũi dùi của tuyệt đại bộ phận quần chúng thời ấy:

   “Tôi đã phục vụ cả hai – đất nước đẻ ra tôi và Tổ quốc lớn là nước Pháp – tổ quốc tôi là đại gia đình phương Tây(1).

   Lời phát biểu này như báo trước một nước Việt Nam sau này phải chấp nhận cho công dân của mình nhận hai quốc tịch mà lịch sử đã xác định số phận của nó.

   Trong khi đó, Phan Thanh Giản đã ký hàng ước Nhâm Tuất 5-6-1862, để mất ba tỉnh miền Đông Nam kỳ rồi để buông rơi vào tay Pháp ba tỉnh miền Tây Nam kỳ vào năm 1867.

   Nếu họ Trương chỉ bộc lộ qua lời nói với tư cách là một nhà văn hóa, thì họ Phan thể hiện bằng hành động, với tư cách là một nhà ngoại giao. Người ta nói rằng ông hành động như một sứ giả hai mặt.

   Cái mặt chân chính thuộc về tâm hồn (qua lối sống yêu nước chuẩn mực) và thuộc về thể xác (qua chén thuốc độc) để dâng hiến cho nhân loại mổ xẻ nó nhằm góp phần tìm hiểu nội tạng lịch sử Việt Nam, ở mặt bổ ngang vào giai đoạn đặc trưng này của lịch sử thế giới. Còn mặt kia, cái mặt u uất trầm lặng chìm lấp của mô típ điển hình về “lòng bao dung và yêu chân lý” còn sót lại như một nhân vật anh hùng ca thời cổ đại. Nói theo cách giải thích của Carl Jung – cha đẻ của khoa phân tâm học: “Nó đã trỗi dậy như một cơn ác mộng lịch sử  trong thời đại – có mặt của họ Phan –  để cảnh báo với thế giới về cái xã hội vật chất đê tiện của phương Tây đã bắt đầu tiến vào thời kỳ tha hóa cực điểm, để biến nhân loại trở thành công cụ của nó”. Phan Thanh Giản được xem xét như một nhà triết học hơn là nhà chính trị và vận dụng phép Thái hư để tìm hiểu ý nghĩa chính đáng về hành vi của ông mà tránh xuyên tạc theo những điều đã không hề thấy trước hay những quan niệm, những nhận thức quen thuộc của thời đại.

CHÚ THÍCH:
(1) PHAN THỊ MINH LỄ, PIERRE PH. CHANFREAU – Phan Thanh Gian patriote et précurseur du Vietnam moderne (Phan Thanh Giản, nhà yêu nước và người báo hiếu của nước Việt Nam hiện đại), NXB. L’Harmattan – Paris, tr.236.

BAN TU THƯ
08/2019

GHI CHÚ:
◊  Nguồn:  Bài viết đã được đăng trên Nhà Xuất bản Văn hoá Sài Gòn, trang 57 ~ 61, năm 2006.

(Visited 11 times, 1 visits today)