Câu đối đỏ – Một loại hình văn học phương Đông

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học
Người tạo hình trang web
http://thanhdiavietnamhoc.com/)

 Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Hình 1: Dán Câu Đối

     Ngoài việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, sắm sửa các thứ trên bàn thờ, dù có nghèo túng lắm cũng không quên tìm mua một bức đại tự, một vài đôi câu đối in, viết tay hay khắc như loại câu đối tre nói trên.

     Có người mua giấy hồng điều về xin chữ các cụ đồ hay thầy khoá có hoa tay. Có người xin được câu đối của cả ông nghè, ông cống vào giấy hồng điều hay giấy xuyến để đem về treo. Song không phải chuyện dễ vì các ông không sẵn chữ mà vung với bất kỳ ai. Nhiều trọc phú chẳng thiếu gì vàng son để sơn thiếp hoành phi câu đối thờ, thế mà vẫn không mua được chữ của các ông nghè, ông cống ấy. Dù có mua được thì nó cũng chẳng khác nào “văn bã mía”, chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, không ai coi ra gì! Câu đối được dán ở đâu?

     Câu đối dán ở trên tường, hai bên bàn thờ, dán ngoài cổng, dán trên cột nhà như chúng ta trông thấy ký họa (hình 1).

“Hướng (dương) hao tháo dịch vi  xuân

Có nghĩa: “Có hoa hướng về mặt trời đổi theo xuân”.

Hình 2: Bồn nước

     Câu đối không chỉ được dán ở các nơi mà còn được dán ở chuồng lợn, chuồng trâu. Henri Oger cho ta thấy câu đối còn xuất hiện ở bồn nước mà H. Oger gọi là: “citerne de l’atrium” (hình 2).

     Ở Đàng Trong, một ngôi nhà năm căn dán ba câu đối, còn câu thứ  tư dành cho nhà bếp. Riêng có vài mươi từ giấy đỏ chói khác để dành cho các cây ăn trái ngoài vườn, kể cả xe bò, xe trâu cũng được trang điểm. Đã thế, cái giếng nước cũng được dán lên một tấm, cái chuồng heo cũng không chịu thiệt thòi! Đặc biệt những quả dưa hấu trên bàn thờ cũng được trang sức cho thêm mỹ miều. Song những chữ được viết trên loại giấy hồng điều này có khi chưa hẳn ra câu đối.

     Nhà giàu chơi câu đối đã đành, nhà  nghèo cũng không vì cảnh túng bấn mà không biết thưởng thức. Nhưng còn nhà chùa thì sao? Nhà chùa lại càng trau chuốt hơn. Ở đây không rõ nhà chùa nào lại hé một cánh cửa cho thấy một vế đối (hình 3)

“Quy mô y cựu đồng lương tân”

(Cách thức thì như cũ mà rường cột  thì mới).

Hình 3: Cánh cửa nhà chùa

     Câu đối viết bằng chữ Hán cũng có, bằng chữ Nôm cũng có. Câu đối nói lên cảm nghĩ của gia chủ đối với cuộc đời với ngày xuân, có khi nêu lên một lẽ biến dịch thông thường của vạn vật, có khi hàm súc một triết lý cao xa, mang giá trị phương châm.

     Có người bảo: “Câu đối vốn là một loại hình văn học phương Đông, một tác phẩm nghệ thuật trau chuốt, cô đọng, có khi  rất thâm thuý”. Những câu đối quen thuộc nói lên phong vị đặc biệt của những ngày Tết Việt Nam. Nó đã trở thành một phong tục chơi câu đối và được các cụ gọi là “xuân liễn”.

     Khi nhắc đến Vũ Đình Liên – người đời nhắc ngay đến bài thơ “Ông Đồ”. Sau này, chính nội dung bài thơ đã gây cảm hứng sáng tác cho Bùi Xuân Phái để cho ra đời bức tranh “Ông Đồ” được ghép bằng giấy màu. Chính bức tranh này lại tiếp tục gây cảm xúc cho Vũ Đình Liên qua bài thơ hoài niệm có nội dung như sau (nhân lúc nhà thơ ngồi ngắm tranh vào năm 1974)

“Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ

Cả hồn quá khứ có “Ông Đồ”

Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ.

Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.

Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ.

Ảnh hình thêm đậm mối thương xưa

Hỡi người nghiên bút nghìn năm trước

Mối hận đến giờ đã nhẹ chưa?

     Bài thơ nổi tiếng trên đây được sáng tác (khi tác giả mới 23 tuổi) trên cơ sở ghi chép lại hình ảnh cuối cùng của một cụ đồ Nho (đây là thân sinh của tác giả Vũ Đình Liên) – tác giả sinh ngày 12.11.1913 tại làng Châu Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sau ra Hà Nội cùng gia đình làm ăn sinh sống tại phố Hàng Bạc. Quyển Thi nhân Việt Nam “có nhận xét về bài thơ bất hủ này của tác giả” theo đuổi nghề văn mà làm được bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đua với người đời.

     Vũ Đình Liên đỗ cử nhân Luật khoa và tham gia Cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông dạy học và hoạt động trong Hội văn nghệ Liên Khu III. Năm 1953, ông về Hà Nội và tham gia vào Ban Tu thư  Bộ Giáo dục, thành viên  của Nhóm văn học Lê Quý Đôn, biên soạn “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, góp phần phiên dịch bộ “Hoàng Việt thi văn tuyển”, chủ biên “Hợp tuyển văn thơ Việt Nam” tập 4, trong nhiều năm ông còn giảng dạy tại Đại học Sư phạm và làm chủ nhiệm khoa tiếng Pháp.

     Nhận xét về nhân cách và sự nghiệp của ông, Hoài Thanh, Hoài Châu – từ sáu thập kỷ trước – đã viết: “Từ khi có phong trào thơ mới ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên, trên các báo. Người cũng ca ngợi tình yêu như hầu hết các nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tính hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh của người xưa”.

     Nỗi ưu tư về bản thân từ năm lên ba, cha bị mù lòa, mẹ sống trong cảnh nghèo khó phải nuôi chồng con cùng với nỗi đau buồn về thời cuộc và thế thái nhân tình đã luôn xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Người ta kể lại: một hôm vào năm 1973 khi từ Sơn Tây về Hà Nội, cụ dừng chân lại tại Cầu Trò để thăm hỏi sự tích cây cầu. Do cảm xúc cuộc đời của cô gái hát ả đào nghèo (người xứ Đoài gọi là hát nhà trò) đã chết tại cây cầu này (vì bị nhiễm lạnh khi đi hát về khuya) mà ông đã cảm tác bài thơ để lại nơi dân làng đã lập miếu Trò để thờ hồn thiêng của cô:

Đường về Hà Nội, cầu Trò qua Nghe chuyện người xưa dạ xót xa

Đêm tiệc ai say làm phách đổ

Mai sương người thấm lớp mưa sa

Hai mảnh áo xiêm khôn ngàn giá

Một kiếp phong trần luống rụng hoa

Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ

Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca”

     Bạn bè thân thuộc đã kể lại hình ảnh – mỗi lúc giao thừa hàng năm – Vũ Đình Liên cứ khoác cái túi nhỏ lên vai đựng tiêu chuẩn Tết đã được phân chia thành nhiều phần để du xuân tại các bến tàu, bến xe – nơi có nhiều cụ già, cháu bé lang thang, cơ nhỡ đang cần đến những chút bánh trái để đón xuân.

     Nhà thơ đã mất vào ngày 18.1.1996, trước khi nhìn thấy tập “Thơ Vũ Đình Liên” mà Nhà xuất bản Văn hoá sẽ ấn hành(1).

_______
(1). Theo Trần Văn Mỹ – Bài Vũ Đình Liên – “Một hồn  thơ một nhân cách lớn” – Hà Nội ngày nay – Phụ trang số 26 – 6 -1996 – trang 53~55.

Nguồn: Ban Tu thư thanhdiavietnamhoc.com

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 5 times, 1 visits today)