Cha Cả PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE

Cha Cả PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE

    PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE (2/2/1741, Origny-en-Thiérache, Aisne, Hauts-de-France, Pháp – mất 9/10/1799, Quy Nhơn, Bình Định, lúc 57 tuổi); tên viết tắt là Pigneau de Behaine; tên Việt là Giám mục BÁ ĐA LỘC (百 多 祿) hay Bách Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả, là Giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Vương NGUYỄN PHÚC ÁNH trọng dụng trong khi tranh đấu lấy lại quyền lực từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ thứ 18. Ông được phong làm Giám mục hiệu tòa Adran nên được gọi là Giám mục ADRAN. Sách sử Việt Nam thời nhà Nguyễn còn dùng danh hiệu Bi Nhu (gọi theo âm Pigneau) Quận công – là sắc phong do vua GIA LONG ban – để gọi cho ông.

    Thời thanh niên, ông theo học trường dòng để trở thành nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris (Séminaire des Missions Étrangères, SMEP) phục vụ ở hải ngoại.

      Ông rời cảng Lorient, Pháp (tháng 12/1765) với sứ mạng truyền giáo tại Đàng Trong. Ông cập cảng tại Pondichéry  (ngày 21/6/1766, vịnh Bengale, phía Đông nam Ấn Độ) và lưu trú tại Ma Cao, sau đó (tháng 3/1767) đến Hòn Đất, Hà Tiên (gần Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Ông trở thành Linh mục Giám đốc Chủng viện tại Hòn Đất song phải rời khỏi Đàng Trong (ngày 11/12/1769, vì quân Xiêm đốt phá) để trở lại Pondichéry và thành lập (năm 1770) một chủng viện ở làng Virampatnam (cách Pondichéry một dặm về hướng Bắc). Ở đây, ông đã học thông thạo tiếng Hoa, tiếng Việt và biên soạn Từ điển Việt-Latinh Dictionarium Anamitico-Latinum (năm 1773, bút tích viết tay còn được lưu giữ tại Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc Paris) và được JEAN-LOUIS TABERD xuất bản (năm 1838).

     Ông được Giáo hoàng CLÉMENTÉS XIV tấn phong làm Giám mục hiệu tòa Adran (năm 1771) và bổ nhiệm ông làm Giám mục Tông tòa, phụ tá cho Giám mục GUILLAUME PIGUEL rồi bổ nhiệm (ngày 24/2/1774) làm Giám mục Chính tòa tại Madras (hay Chennai 1996, hải cảng nằm bên bờ Đông nam Ấn Độ, vịnh Bengal). Ông trở lại Đông Dương (ngày 12/3/1775) với chức Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong trong bối cảnh đạo Công giáo bị cấm. Ông đến Chủng viện Prambey Chhom toạ trên một hòn đảo ở sông Mê-kông (thuộc tỉnh Kong-Pong-Soai, Cao Miên) rồi chuyển chủng viện này về Việt Nam.

     Ông gặp NGUYỄN PHÚC ÁNH tại đảo Thổ Chu (năm 1777) và vận động chúa Nguyễn tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước Pháp. Ông đã vận động được Nhà phiêu lưu người Pháp MANUEL (Mạn Hòe) trang bị vũ khí mới của Bồ Đào Nha cho quân đội của chúa Nguyễn (trong đó có 3 tàu chiến kiểu Tây phương, 2 tàu của lính đánh thuê Bồ Đào Nha năm 1781). Ông cùng chúa Nguyễn bỏ chạy ra Phú Quốc (tháng 3/1782, tháng 2/1783) vì thua quân Tây Sơn; sau đó, ông cùng chúa Nguyễn trở lại Sài Gòn. Ông đã vận động vua CHẤT TRI (Xiêm La, tháng 11/1783) giúp quân cho chúa Nguyễn (đội viện binh 3 vạn lính này đã bị quân Tây Sơn đánh tan trong trận thủy chiến Rạch Gầm-Xoài Mút – tháng 1/1785).

      Ông cùng hoàng tử CẢNH đi Pondichéry (tháng 11/1784) để tìm sự giúp đỡ từ triều đình Bồ Đào Nha (dẫn đến Hiệp ước Liên minh giữa Nguyễn Vương và Bồ Đào Nha – ngày 18/12/1786, Bangkok) và đi Pháp yết kiến vua LOUIS 16 (dẫn đến Hiệp ước Versailles – ngày 21/11/1787, Paris – nhưng cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã nổ ra nên Hiệp ước không thực thi). Ông đã tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Đại Việt cùng với 15.000 franc Pháp của riêng mình để mua vũ khí, thu nạp được 350 lính cùng 20 sĩ quan Pháp trợ giúp cho chúa Nguyễn. Ông cùng hoàng tử CẢNH trở về Việt Nam và đến Gia Định (tháng 7/1789).

      Ông đã giúp cho chúa Nguyễn trong việc xây dựng, củng cố thành Gia Định và khiến cho thế lực của chúa Nguyễn ngày càng mạnh, nên NGUYỄN ÁNH đã rất quý trọng và coi ông là ân nhân (ban cho ông ngôi nhà số 180 đường Richaud – nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 ngày nay).

      Ông bệnh và mất (Quy Nhơn năm 1799) trong cuộc vây thành Quy Nhơn của Tây Sơn. Vua Nguyễn đã phong ông là Thái tử Thái phó Bi-nhu Quận công (太子太傅 悲 柔 郡 公) thụy là Trung Ý (忠 懿) và cho xây mộ phần Lăng Cha Cả Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định (có người nói rằng mộ thật của ông nằm ở Lăng Ngọc Hội, cách thành phố Nha Trang 8 km). Hài cốt của ông được chuyển về Pháp (năm 1983) và gìn giữ trong Nhà thờ của Đại chủng viện Hội Thừa sai tại Paris quận 15.

BAN TU THƯ
10 /2022

MỜI XEM :
◊  Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 1.
◊  Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 2.

(Visited 139 times, 1 visits today)