Con người sinh ra đã có cha có mẹ. Do vậy, “chữ Hiếu” là phạm trù đạo đức được nhân loại ý thức rất sớm, ngay từ thời cổ đại. Dù ở phương Ðông hay phương Tây, người ta cũng đã cố công tìm kiếm và đề ra những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cho phạm trù này. Chuẩn mực đạo đức Hiếu, dù được đề cập dưới nhiều giác độ khác nhau tuỳ theo từng giai đoạn, từng thời kì lịch sử, từng nền văn hoá, nhưng điểm chung nhất mà con người có thể thấy được là thái độ ứng xử một cách hài hoà trong mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Cũng chính nhờ điểm này mà tư tưởng Hiếu đã trở thành một trong những giá trị chung nhất cho toàn nhân loại từ xưa đến nay, nhưng lại vẫn có những nét đặc thù riêng cho từng dân tộc.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa Hiếu là “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ” (Hoàng Phê, 1992). Trong tiếng Hán, chữ “Hiếu” 孝 được ghép từ một phần của chữ “Lão” 老 ở trên và chữ “Tử” 子 ở dưới. Như vậy, “Hiếu” là mối quan hệ tôn ti giữa cha mẹ và con cái; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Ở Việt Nam, khi bàn tới chữ Hiếu, người ta thường nghĩ tới Nho giáo với những quy tắc Khổng Mạnh hoặc lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo vào ngày rằm tháng bảy. Nguyễn Thế Long khi bàn về “Ngày lễ Vu Lan và chữ Hiếu” đã cho rằng: “Chữ Hiếu trong dân gian vốn có sẵn trong đời sống con người nhưng cũng bắt nguồn từ các giáo lí nhân sinh của Phật giáo và Nho giáo khi được truyền vào nước ta từ thời kì đầu Công nguyên” (1999, tr. 53).
1. Tư tưởng Hiếu của Phật giáo trong văn hoá Việt Nam
Thực ra, lễ Vu Lan và tư tưởng Hiếu không được bàn nhiều trong Phật giáo nguyên thuỷ ở Ấn Độ. Nhưng sang tới Trung Quốc nó được khúc xạ dưới lăng kính của văn hoá bản địa và phát triển lên rất nhiều. Từ đó, Việt Nam hấp thu những thành tựu này và dịch các kinh sách theo cách tuyển chọn phù hợp với truyền thống của mình, nên lượng kinh liên quan tới chữ Hiếu và đạo làm con khá nhiều. Thích Nguyên Hiền đã sưu tập được hơn 60 loại 1.
Đạo Hiếu trong các kinh này chủ yếu đề cập tới ba phương diện sau:
(1) Biết ơn và đền ơn cha mẹ là lẽ đương nhiên:
“Có hai hạng người, này các Tì kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha…” (Kinh Tăng chi I).
Làm con mà không biết ơn cha mẹ hoặc biết ơn mà không lo đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là người con bất hiếu. Người như vậy sẽ bị xã hội lên án, đạo đức sẽ bị đánh giá thấp, cuộc sống về sau sẽ phải trả giá. “Ai thành tựu thân làm ác với cha mẹ, lời nói ác đối với cha mẹ, ý nghĩ ác đối với cha mẹ; không biết ơn, không trả ơn, sẽ tương xứng rơi vào địa ngục và hiện đời sẽ bị đau khổ” (Kinh Tăng chi I).
(2) Nguyên nhân tại sao phải biết ơn cha mẹ: Trong kinh Báo ân nêu ra mười nguyên nhân chính khiến chúng ta phải biết ơn cha mẹ: 1. Chín tháng cưu mang khó nhọc; 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh; 3. Nuôi con đành cam cực khổ; 4. Nuốt cay mớm ngọt cho con; 5. Chịu ướt nhường ráo cho con; 6. Súc nước, nhai cơm cho con; 7. Giặt đồ dơ bẩn cho con; 8. Nhớ con khi con xa nhà; 9. Có thể tạo tội vì con; 10. Nhịn đói cho con được no (Vũ Ngọc Khánh, 1998, tr. 111).
(3) Phương pháp báo hiếu: Con cái báo hiếu cha mẹ có nhiều cách, nhưng tựu trung không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.
Báo hiếu về vật chất: Người phật tử phải hầu hạ vâng thờ cha mẹ, thay làm các việc nặng nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ.
Báo hiếu về tinh thần: Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin nhân quả tội phước và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sinh, niệm Phật, làm các việc lành, giữ giới và tu nhân giải thoát 2.
________
1. Tìm hiểu về Vu-lan, http://www.thuvienhoasen.org/vulan-09.htm.
2. Ý nghĩa Vu Lan, http://www.thegioiphatgiao.vn/dactrung/y-nghia-vu-lan-ram-thang-bay.
2. Tư tưởng Hiếu của Nho giáo trong văn hoá Việt Nam
Cũng như các dân tộc khác, Nho giáo Trung Hoa đề cao chữ Hiếu. Người Trung Hoa lấy sự hiếu với cha mẹ làm đầu trăm nết hay ở con người. Nho giáo nhấn mạnh rằng “hiếu đễ là gốc của đức nhân” (Luận ngữ), hiếu đễ là cái gốc của đạo đức con người. Người đã hiếu đễ thì mọi đức tốt khác đều có được, không những trong mối quan hệ gia đình mà cả ngoài xã hội.
Với quan niệm “thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà” và mục đích của người quân tử là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cho nên tư tưởng Hiếu ở Trung Hoa được khái quát hoá thành đạo hiếu với những quy tắc rõ ràng, trong đó có cả những điều cực đoan hoặc thái quá tới mức có thể gọi là “ngu hiếu”, ví dụ: người con phải làm đúng như ông cha đã làm “làm theo lễ của cha ông, tấu nhạc như ông cha” (Trung dung), cha chết trong 3 năm vẫn giữ đạo nghệ của cha, cha con phải che lỗi cho nhau (Luận ngữ), người con “đem cả thiên hạ mà phụng dưỡng cha mẹ”, “vứt cả thiên hạ đi mà thờ cha” hoặc “được lòng thiên hạ mà không được lòng cha mẹ thì chẳng đáng làm người” (Mạnh Tử) (Vũ Khiêu, 1995, tr. 127-137). Một số những điều thái quá này và những quy tắc không phù hợp với văn hoá Việt Nam, khi vào Việt Nam đã không những không được dân chúng tiếp nhận mà ngược lại còn bị tẩy chay, chống đối (Viện Triết học, 1994, tr. 101-104) hoặc bị biến đổi cho phù hợp với văn hoá Việt Nam (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr. 499). Nho giáo từ thời Hán trở đi đã có nhiều thay đổi so với Nho giáo nguyên thuỷ, đến Tống Nho lại một lần hoàn chỉnh nữa, và chính Tống Nho mới có ảnh hưởng lớn tới văn hoá Việt Nam.
Vào tới Việt Nam, Nho giáo trên cơ sở hệ triết lí của mình đã giúp các nhà trí thức và giới cầm quyền hệ thống hoá các tư tưởng, bản địa hoá chúng thành những quy định cụ thể trong từng lĩnh vực và thể hiện chủ yếu ở các bộ sách về tế lễ, sinh đẻ, tang ma, cưới hỏi, việc nước, việc làng,… Tư tưởng hiếu cũng được cụ thể hoá trong các sách này.
Về nội dung thì tư tưởng hiếu của Nho giáo ảnh hưởng vào Việt Nam không khác Phật giáo bao nhiêu bởi chúng đều đã có sẵn ít nhiều trong văn hoá bản địa. Chính vì sự giống nhau này, mà trong văn hoá dân gian đôi khi người ta không còn phân biệt được ảnh hưởng nào là của Phật giáo hay Nho giáo (Vũ Ngọc Khánh, 1998, tr. 112-113). Tuy nhiên, trong các sách về tế lễ thì lại có thể phân biệt được rõ ràng vì có điển tích hoặc những quy tắc cụ thể, và hơn thế nữa, một số còn được quy thành những điều khoản thưởng phạt rõ ràng trong các bộ luật.
Nho giáo dạy chúng ta về công ơn cha mẹ sinh ra và nuôi nấng chúng ta bằng “chín chữ cù lao”, dạy chúng ta biết kính trọng cha mẹ, vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ bằng những câu chuyện “Thập nhị tứ hiếu”.
Về phụng dưỡng cha mẹ, Nho giáo cũng phân biệt hai lĩnh vực vật chất và tinh thần.
Về vật chất, người con có trách nhiệm “hiếu kính cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được để thiếu thốn,… Các việc tế tự và an táng thì phải căn cứ vào lễ kí”. Pháp luật cũng xem xét giảm hình phạt cho những người có hiếu hoặc đang phải nuôi ông bà cha mẹ già. Nếu không thực hiện đúng thì luật cũng có điều luật nghiêm trị, ví dụ: tội thứ 7 trong “thập ác” dành để trừng phạt những kẻ “bất hiếu đi tố cáo, nguyền rủa trách mắng ông bà, cha mẹ mình, ông bà, cha mẹ chồng,… hoặc là nuôi nấng không đầy đủ; hoặc là đang để tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng; hoặc là cứ hát xướng làm trò vui; bỏ áo trở mặc áo thường; nghe tin cha mẹ ông bà mất mà giấu không phát tang hoặc nói dối là ông bà cha mẹ đã chết” (Quốc triều hình luật). Như vậy người con phải có trách nhiệm với cha mẹ, tổ tiên khi còn sống và cả khi đã mất. Việc cúng kị cũng được quy định chi tiết, ví dụ: Quốc triều hình luật (triều Lê) còn chỉ rõ nếu ngày giỗ (kị) vào các tháng nhuận thì “lễ làm vào tháng chính, đến tháng sau phải làm lễ cáo”. Trong các sách lễ còn dạy con cháu cách tế lễ đối với từng trường hợp cụ thể theo quan hệ gần xa, nội ngoại và theo thời gian các đời khác nhau (Phạm Côn Sơn, 1996).
Phụng dưỡng về mặt vật chất là lẽ đương nhiên. Nhưng Nho giáo chủ yếu nhấn mạnh về khía cạnh phụng dưỡng tinh thần với đạo đức triết học sâu xa của nó. Ngay từ Nho giáo nguyên thuỷ, Khổng Tử đã nhấn mạnh khía cạnh tinh thần của đạo hiếu: “Ngày nay, nói người có hiếu là người biết nuôi nấng. Đến như con chó, con ngựa cũng đều có nuôi nấng. Không có lòng tôn kính thì có gì phân biệt?” (Luận ngữ).
Về mặt này, ngoài những yêu kính thông thường “vào ra thưa gửi, sớm hỏi chiều thăm”, người con có hiếu phải biết lập gia thất, sinh con nối dõi tông đường để tránh tội “vô hậu”, làm cha mẹ vui lòng bằng cách nối nghiệp, nối chí cha ông và cao nhất là thành đạt làm vinh hiển cha mẹ. Hiếu Kinh cũng nêu rõ: “Lập thân, hành đạo, nêu cao thanh danh đến đời sau để làm vinh hiển cho cha mẹ”. Những điều này được nhấn mạnh, bởi Nho giáo Trung Hoa từ thời Hán trở đi được sử dụng làm công cụ chính trị điều hành đất nước bắt nguồn từ tư tưởng hiếu đễ không chỉ trong gia đình mà được sử dụng trong phạm vi cả nước và thiên hạ “Hiếu là để phụng sự vua, đễ là để phụng sự bề trên, từ là để sai khiến dân chúng” (Đại học).
Những điều này người Việt cũng tiếp thu, nhưng tiếp thu một cách chọn lọc, bỏ bớt đi những chi tiết cực đoan. Ví dụ: việc lập gia thất và sinh con nối dõi thì rất phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam, nhưng đối với Nho giáo thì nhất thiết phải là con trai với tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, điều này đã dẫn đến sự phản ứng của dân chúng: “Trai mà chi, gái mà chi? Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn”.
Hoặc Nho giáo sau này cực đoan hoá thành thuyết “tam tòng tứ đức”, ép buộc con cái phải phục tùng cha mẹ một cách tuyệt đối thì Quốc triều hình luật của Việt Nam có những điều luật nêu lên trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái: “Làm cha mẹ phải biết sửa mình để ngay thẳng gia đình, lấy lí dạy con trai, lấy nữ công, nữ tắc dạy con gái…”, “Nếu cha mẹ không biết dạy dỗ con cái… thì trừng phạt bằng roi vọt, nếu lỗi lớn thì chiếu phép trị tội”. Điều này có nghĩa là văn hoá Việt Nam đã quay lại với Nho giáo nguyên thuỷ với quan hệ hai chiều “phụ từ tử hiếu”, “cha nên cha, con nên con, anh nên anh, em nên em”, cha mẹ có mẫu mực thì con cái mới hiếu thảo (Vũ Khiêu, 1995, tr. 126).
Như vậy, từ tầng lớp trí thức phong kiến, chữ Hiếu trong Nho giáo đã ảnh hưởng rộng rãi tới đông đảo nhân dân lao động. Người Việt Nam đã tiếp thu những mặt tích cực của chữ Hiếu, đó là tình cảm cao quý nhân bản, biết ơn công dạy dỗ, biết nghĩa vụ chăm sóc, nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ, thuốc men khi ốm đau, tống táng chu đáo khi về già và tang trở nhớ công ơn khi đã khuất. Cùng với truyền thống giáo dục của Nho học, các gương thực hiện chữ Hiếu của thế hệ trước ghi dấu lại cho thế hệ sau, và cứ thế được phát huy trên nền tảng tư tưởng hiếu hoà sẵn có của người Việt.
3. Dòng chảy mạnh mẽ của đạo Hiếu trong văn hoá bản địa
Tư tưởng Hiếu của Phật giáo, Nho giáo được người Việt Nam tiếp nhận một cách sâu rộng là do có sự tương đồng với văn hoá bản địa. Không phát triển những bài học thành sách, thành kinh kệ, tư tưởng hiếu của người Việt mặc nhiên đi vào đời sống con người một cách tự nhiên và tồn tại dai dẳng, da diết. Người Việt Nam ngay từ trong nôi đã được mẹ cha hát ru bằng những câu ca dao ngọt ngào: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Trước nhất và quan trọng hơn hết, ca dao nhấn mạnh đến công ơn trời biển và công đức sâu dày của cha mẹ, một thứ công ơn khó mà diễn tả cho cùng: “Anh ơi, em bảo anh này/ Công cha nghĩa mẹ cao dày chớ quên!”.
Từ những tình cảm, kinh nghiệm đó, người Việt Nam có những cách chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ riêng: “Em thời đi cấy ruộng bông/ Anh đi cắt lúa để chung một nhà/ Đem về phụng dưỡng mẹ cha/ Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền”; “Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”; “Đói lòng ăn đọt chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.
Và quả thật người Việt Nam cũng rất vật chất, cụ thể. Nếu như Nho giáo dùng giáo dục để duy trì truyền thống thì người Việt Nam nôm na hơn, họ tin rằng nếu mình có hiếu với cha mẹ, thời con cháu mình sẽ có hiếu với mình: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Chắc con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.
Những nội dung kể trên của chữ Hiếu Việt Nam về bản chất tương đồng với chữ Hiếu trong Phật giáo và Nho giáo. Nhưng nếu xét kĩ thì thấy chữ Hiếu Việt Nam về mặt sinh hoạt đời thường tương đối giống với Nho giáo. Tức là người Việt quan tâm nhiều tới đời sống hiện tại của cha mẹ hơn. Trong khi đó, Phật giáo lại quan tâm tới hiện tại để nhắm tới tương lai sau này sang kiếp khác được giải thoát 1.
Một điểm khác nữa so với Phật giáo là ở Ấn Độ, nếu người con theo Phật xuất giá đi tu hoặc sau 50 tuổi vào rừng tu luyện thì cắt đứt hẳn quan hệ với gia đình, thì ở người Việt vẫn không cắt đứt tình cảm đối với cha mẹ, gia đình, thân thuộc. Người xuất gia chỉ đặt tình cảm đó trên một bình diện khác mà thôi: “Bạch Vân khuất nẻo xa xa/ Song thân ta đấy là nhà phải không?” (Quan Âm Thị Kính).
Ngoài ra, ca dao Việt Nam còn ví cha mẹ như Phật, mà theo kinh điển Phật là đấng cao quý nhất trong ba cõi, là thầy của chư thiên và loài người. Nghĩa là ca dao đã trân trọng đặt cha mẹ lên vị trí tôn quý nhất trong tam giới: “Gió đưa cành trúc la đà/ Cha mẹ còn sống Phật đà hiện thân”.
Do sự tôn kính đó, ca dao đã dạy trước phải kính dưỡng cha mẹ trong nhà rồi sau mới kính dưỡng đức Phật bên ngoài. Đức hiếu hạnh của người con vẫn luôn phải được đặt lên trên vì công ơn trời biển của cha mẹ trong suốt quá trình dưỡng dục sinh thành, bao nhọc nhằn, gian khổ không bao giờ đền đáp nổi. Trên cơ sở này, người Việt có quan điểm rằng sự đi tu với hình thức “cắt ái từ thân, xuất ly gia đình” không còn là điều tiên quyết: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ cũng là chân tu”.
Hơn thế nữa, người Việt Nam coi trọng truyền thống thờ cha mẹ ông bà hơn là thờ Phật: “Lên chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu không đành”; hoặc có những ví von, so sánh giữa ông bà cha mẹ với Phật: “Phật trong nhà không thờ đi thờ Thích ca ngoài đường”.
Và khi Phật giáo và Nho giáo có ảnh hưởng vào nước ta, thì hai câu ca dao: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Lại có thêm dị bản nữa là: “Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Như vậy, người con còn nhờ tới Phật, Trời – những vị trí cao nhất, linh thiêng nhất trong Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian, làm công cụ phụ giúp mình thực hiện đạo hiếu, đền đáp công ơn cha mẹ.
___________
1. Chữ Hiếu trong đạo Phật qua Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/047- chuhieu.htm.
4. Vị trí của người mẹ trong đạo hiếu
Tuy về lí thuyết, đạo hiếu dạy con người biết ơn và báo ơn cha mẹ tổ tiên, nhưng trong lòng một nền văn hoá âm tính ưa ổn định như văn hoá Việt Nam nó không thể không có những yếu tố khác biệt.
Thứ nhất, người con ngay từ nhỏ cũng nhận biết được cha mẹ thương con không phải giống nhau. Cha có lòng thương của người cha, mẹ có lòng thương của mẹ, nên người con cũng biết phân biệt: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”; “Mẹ dạy thì con khéo/ Bố dạy thì con khôn”.
Nếu khi không may cha hoặc mẹ mất sớm thì hoàn cảnh người con cũng rất khác nhau: “Mồ côi cha, ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm”. Và do vậy việc phụng dưỡng, báo hiếu cũng có phần phân biệt: “Con về lập miếu thờ vua/ Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha”. Sự phân biệt đó xuất phát từ chính sự phân công giới tính sinh học đi kèm với phân công lao động theo bản năng: “Nhớ ơn chín chữ cù lao/ Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”.
Thêm vào đó, văn hoá Việt Nam có khuynh hướng đề cao phụ nữ, hài hoà thiên về âm tính, ổn định thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr. 254), cho nên tư tưởng Hiếu ở Việt Nam cũng không thoát được ra khỏi khuynh hướng này. Trong ca dao chúng ta thấy có rất nhiều bài tán dương lòng mẹ thương con cũng như lòng con nhớ mẹ: “Nuôi con chẳng quản chi thân/ Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”; “Lòng mẹ như bát nước đầy/ Mai này khôn lớn, ơn này tính sao”.
Vì lòng thương mẹ dạt dào, vì nhớ đến công ơn bú mớm, sinh thành, nuôi nấng, nên mối dây liên kết tình mẹ con cũng chặt hơn và người con luôn luôn nhớ đến mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Đối với công ơn trời biển của mẹ, các người con luôn luôn tìm cách báo đáp ơn sâu nghĩa nặng và làm tất cả những gì có thể làm được để đền ơn mẹ: “Dấn mình gách nước làm thuê/ Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân”; “Đói lòng ăn trái ổi non/ Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa”.
Khảo sát ca dao Việt Nam trong hai tập Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002) cũng cho thấy thực tế này: Từ “mẹ cha” xuất hiện 168 lần sai lệch không đáng kể so với từ “cha mẹ” 165 lần, nhưng từ “mẹ” xuất hiện tới 1638 lần, có số lượng áp đảo so với từ “cha” chỉ xuất hiện 686 lần. Điều này đã thể hiện tính thống nhất của tư tưởng Hiếu với các đặc trưng chung trọng nữ của văn hoá Việt Nam (Xem thêm Trần Ngọc Thêm, 2004, tr. 42-44): “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Điều này cũng khẳng định sự khác nhau giữa chữ Hiếu Việt Nam với chữ Hiếu Nho giáo. Một bên là “trọng nữ”, còn bên kia là “trọng nam” nhấn mạnh quan hệ cha con – phụ tử. Về điểm này, chữ Hiếu của người Việt gần với chữ Hiếu trong Phật giáo với Tết Vu Lan báo hiếu hơn.
5. Ý nghĩa mở rộng của chữ Hiếu hiện đại
Ngoài chữ Hiếu trong gia đình, người Việt còn mở rộng chữ Hiếu ra với nước, với dân tộc. Vũ Khiêu trong cuốn “Văn hiến Việt Nam” đã cho rằng tiếp thu ảnh hưởng của Nho giáo, “khái niệm chữ “Hiếu” đến Việt Nam đã bị khúc xạ, người Việt Nam chia “hiếu” thành hai loại: đại hiếu và tiểu hiếu, tiểu hiếu giống hệt như ý nghĩa ban đầu của tư tưởng Nho gia: hiếu kính với cha mẹ, còn đại hiếu là hiếu với Tổ quốc, người Việt coi đại hiếu là biểu hiện cao nhất của chữ Hiếu” 1. Khác với Nho giáo hiếu với vua, mà vua thì không vĩnh cửu, các triều đại thay nhau trị vì, người Việt hiếu với dân tộc – một khái niệm không thay đổi, có nghĩa là hiếu với tổ tông của mình. Người Việt Nam hiện nay cũng phân biệt rõ: “Quân đội ta, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”. Lịch sử Việt Nam đã có những trường hợp như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã đặt lợi ích dân tộc lên trên chữ Hiếu của gia đình.
Tiếp thu truyền thống đó, những tôn giáo mới của Việt Nam đưa ra những giáo lí với chữ Hiếu khá rộng. Phật giáo Hoà Hảo thì đưa ra thuyết tứ ân: (1) Ơn tổ tiên cha mẹ; (2) Ơn đất nước; (3) Ơn tam bảo; (4) Ơn đồng bào nhân loại. Còn đạo Cao Đài thì cụ thể hơn chỉ rõ rằng người con “phải luôn có hiếu thảo với các đấng sinh thành, tức là cha mẹ sinh ra mình bằng xương, bằng thịt, bằng xác thể hay xác phàm trong kiếp người của cuộc đời này; Phải luôn trọng hiếu với cha mẹ sinh ra dân tộc của mình. Người Việt Nam là con của Rồng, cháu của Tiên thì phải đền ơn đáp nghĩa Quốc phụ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ tạo ra nòi giống Lạc Hồng và khai lập Văn Lang Quốc, nay là Quốc gia Việt Nam; Phải luôn hiếu kính với đức cha Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đấng Cao Đài sáng lập tinh cầu này ban cho chơn linh, chủ về luật tiến hoá, và đức mẹ Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chơn thần, chủ về tình thương yêu” 2.
Sau này chữ Hiếu trong Phật giáo Việt Nam cũng được hiểu rộng ra thành báo ơn những người đã có công với mình. Năm 2006, Tiến sĩ Phật học, Ðại đức Thích Thanh Quyết – Trụ trì Tổ đình Phúc Khánh đã phát biểu: “Trong dịp lễ Vu Lan, chư tăng, bà con: Thứ nhất, tụng kinh Vu Lan bồn nguyện cầu cho vong nhân của gia đình, bè bạn, xã hội được siêu thoát. Mùa báo hiếu, báo ân Thầy tổ mình (báo ân lớn nhất) đã có công giáo dưỡng, hướng dẫn sự nghiệp cho mình; thứ hai, là cha mẹ mình – người có công sinh thành dưỡng dục mình; thứ ba là những người xung quanh mình, giúp đỡ cho mình hoàn thành sự nghiệp; thứ tuư (điều rất quan trọng) đó là báo ân cho những anh hùng liệt sĩ, những người có công dựng nước và giữ nước của dân tộc từ xưa đến nay.” 3
__________
1. http://www.viethoc.org/phorum/read.php?15,25480,page=1.
2. http://www.vietlyso.com/forums/archive/index.php/t-1042.html.
3. www.phattuvn.org/index.php?nv=News&at=article&sid=824.
6. Kết luận
Tư tưởng Hiếu được người Việt hấp thu ngay từ thuở lọt lòng và xuyên suốt trong mọi khía cạnh đời sống, nó tồn tại từ rất lâu đời dưới nhiều hình thức khác nhau từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phong tục trọng lão, lễ tế, lễ tang, lễ cưới, kể cả sinh đẻ, xây nhà dựng cửa, hội hè đình đám, việc nước, việc làng, thuần phong mĩ tục,… cho tới lời ăn tiếng nói hàng ngày của chúng ta, trong đó lòng hiếu kính và tinh thần phụng dưỡng cha mẹ là chủ đạo.
Thêm vào đó, đạo Phật và đạo Nho từ những nền văn hoá mạnh hơn với tư duy phân tích hệ thống hoá tư tưởng hiếu của mình, đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn chữ Hiếu của chúng ta và làm giàu thêm cho văn hoá Việt Nam.
Từ những so sánh tư tưởng hiếu của người Việt với những ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại lai này, chúng ta có thể khẳng định rằng, chữ Hiếu là một giá trị của văn hoá Việt Nam, nó có đặc điểm riêng và ngày càng phát triển.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Bảy, Văn hoá Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997.
2. Phan Đại Doãn, Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
3. Quang Đạm, Nho giáo xưa và nay, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1994.
4. Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá gia đình Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1998.
5. Vũ Khiêu (chủ biên), Nho giáo và đạo đức, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.
6. Nguyễn Thế Long, Gia đình và dân tộc, NXB Lao động, Hà Nội, 1999.
7. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hà Nội, 1992.
8. Phạm Côn Sơn, Gia lễ xưa và nay, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, Đồng Tháp, 1996.
9. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 2004.
10. Từ điển hội hè Việt Nam, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993.
11. Từ điển lễ tục Việt Nam, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1996.
12. Viện Triết học, Nho giáo tại Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1994.
NGUYỄN THỊ TUYẾT NGÂN 1
___________
1. ThS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh.