CHỮ NÔM và CỐNG HIẾN với VĂN HỌC CỔ Việt Nam – Phần 1

NGUYỄN KHẮC KHAM *

    Chữ Nôm (chữ = văn tự; và Nôm = nam = phía Nam trong tiếng Việt) là tên gọi được người Việt dùng để định danh một trong hai hệ thống văn tự của Việt Nam, được sáng tạo qua việc cải biến chữ Hán. Nó được định danh như thế để đối lập với chữ Hán1 và chữ Nho (văn tự của các nhà Nho Việt Nam). Trong nội hàm thứ hai, nó có nghĩa là chữ viết thông tục hoặc chữ viết nôm na của nước Việt Nam xưa2.

Sự ra đời của chữ Nôm**

    Thời điểm ra đời của chữ Nôm đến nay vẫn chưa được xác định dù đã có nhiều tranh luận. Theo Ngô Thì Nhậm 吴 時 任 (1726 – 1780), “quốc âm ta được dùng nhiều từ Thuyên3Thuyên ở đây là Nguyễn Thuyên 阮 詮, một học giả sống vào cuối thế kỉ XIII dưới triều nhà Trần. Ông đỗ Tiến sĩ dưới đời Trần Thái Tông  陳 太 宗 (1225 – 1257). Mùa thu năm 1282, khi đang giữ chức Hình bộ Thượng thư, ông được vua Trần Nhân Tông  陳 仁 宗 lệnh cho viết một bài văn đuổi con cá sấu xuất hiện ở sông Hồng. Khi đã đuổi được cá sấu đi, vua ban cho ông đổi từ họ Nguyễn 阮 sang họ Hàn 韓, bởi từng có một sự kiện tương tự xảy ra trước đây ở Trung Quốc đối với thi nhân – học giả Hàn Dũ 韓 愈 (768 – 824). Giai thoại này được ghi lại trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目, quyển 7, trang 26a4; cũng theo ghi chép này thì Hàn Thuyên giỏi làm thơ phú, và nhiều người đã học theo ông5.

    Căn cứ vào những thực tế trên, Hàn Thuyên được khẳng định là người sáng tạo ra chữ Nôm. Đó là ý kiến của P. Pelliot6 và H. Maspero. Maspero, người đã chia sẻ quan điểm với Pelliot, cũng đề cập đến một tấm bia được phát hiện tại núi Hộ Thành 護 城 山, tỉnh Ninh Bình, ở miền Bắc Việt Nam7. Tấm bia này khắc một bài minh có niên đại năm 1343, trong đó có hai mươi chữ Nôm ghi tên làng xã Việt Nam.

    Giả thiết trên chưa được các học giả khác thừa nhận. Nguyễn Văn Tố nêu giả thiết rằng chữ Nôm đã tồn tại từ cuối thế kỉ VIII khi danh hiệu Bố Cái đại vương 布 蓋 大 王 được hậu duệ và thần dân dùng để tôn xưng Phùng Hưng, người đã đánh bại chính quyền phương Bắc và nắm quyền cai quản An Nam Đô hộ phủ8. Đó cũng là quan điểm của Dương Quảng Hàm trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu9.

    Giả thiết thứ ba được đề xuất năm 1932 bởi Sở Cuồng, một học giả Việt Nam khác, ông đã cố gắng chứng minh rằng chữ Nôm ra đời ngay từ thời Sĩ Nhiếp [hoặc Tiếp] 士 燮 (187-226). Luận cứ của ông chủ yếu dựa trên lời của một nhà Nho Việt Nam dưới triều vua Tự Đức 嗣 德 tên là Nguyễn Văn San 阮 文 珊 có hiệu là Văn Đa cư sĩ  文 多 居 士. Trong cuốn sách nhan đề Đại Nam quốc ngữ  大 南 國 語 của mình, Nguyễn Văn San nói rằng Sĩ vương là người đầu tiên cố gắng phiên dịch kinh điển Trung Quốc ra tiếng Việt bằng cách sử dụng chữ Hán như là những phù hiệu chỉ âm đọc để ghi từ tiếng Việt bản địa. Trong số những khó khăn mà Sĩ vương gặp phải khi nỗ lực phiên dịch, Nguyễn Văn San trích xuất hai ví dụ: thư cưu 雎 鳩 (tên một loài chim) và dương đào 羊 桃 (quả khế), hai trường hợp mà Sĩ Nhiếp không biết là chim gì và quả gì là tương đương trong tiếng Việt. Sở Cuồng tán thành ý kiến của Văn Đa cư sĩ, cho dù ông lấy làm tiếc vì vị cư sĩ này không đưa ra nguồn dẫn cho ý kiến ấy. Để ủng hộ ý kiến này, Sở Cuồng đề xuất những luận cứ sau:

1) Vào thời Sĩ Nhiếp, khi người Việt lần đầu tiên học chữ Hán, họ có thể chỉ hiểu thông qua tiếng Việt, và thầy dạy chữ Hán phải sử dụng những chữ Hán có âm đọc giống với các từ trong tiếng Việt để dạy người Việt cách đọc một chữ Hán nào đó. Mặt khác, bởi các âm đọc và kí hiệu chữ Hán không thể ghi hết các từ tiếng Việt bản địa, những người Việt học chữ Hán khi ấy phải cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách ghép nhiều bộ phận của các chữ Hán lại với nhau để tạo nên chữ mới trên cơ sở các nguyên tắc cấu tạo chữ Hán như hài thanh, giả tá  hội ý. Có thể chính là nhờ cách này mà chữ Nôm được sáng tạo ra.

2) Hơn nữa, Sĩ Nhiếp vốn người vùng Quảng Tín 廣 信, theo sách  Lĩnh ngoại đại đáp 嶺 外 代 答 của Chu Khứ Phi  周 去 非 người đời Tống, thì từ xa xưa đã tồn tại một thứ văn tự bản địa rất giống chữ Nôm Việt, như chữ   (= nhỏ),  (= yên lặng).

3) Hai chữ tiếng Việt là 布 Bố (cha) và 蓋 Cái (mẹ), được tìm thấy trong thụy hiệu Bố Cái đại vương để tôn xưng Phùng Hưng, về mặt lịch sử là những chứng cứ sớm nhất chứng tỏ chữ Nôm đã được sử dụng từ thế kỉ VIII. Muộn hơn nữa, dưới triều nhà Đinh, trong quốc hiệu Việt Nam bấy giờ là Đại Cồ Việt cũng có cả chữ Nôm 瞿 Cồ. Trong thời Trần, chữ Nôm đã được sử dụng rộng rãi với chứng cứ là có một viên quan Hành Khiển đã dùng chữ Nôm để chú thích các sắc lệnh của triều đình để dân chúng dễ hiểu hơn10.

    Tất cả những ý kiến lược thuật trên đều có cơ sở nào đó. Tuy nhiên chưa ai là người có đủ thẩm quyền để được chấp nhận như là người đưa ra giả thiết cuối cùng về vấn đề thời điểm ra đời của chữ Nôm.

    Thực ra, chữ Nôm không phải được sáng tạo ra bởi một cá nhân ở một thời điểm nào trong lịch sử Việt Nam, mà nên coi nó là sản phẩm nảy sinh sau nhiều thế kỉ chuẩn bị bền bỉ và thầm lặng. Đó là kết luận hợp lí nhất được đa số các học giả chấp nhận gần đây khi tiến hành nghiên cứu chữ Nôm.

    Như trên đây đã giải thích, chữ Nôm về cơ bản được cấu thành bằng cách cải biên theo kiểu Việt Nam những chữ mượn Hán. Vì vậy, có thể nhận thấy rằng chữ Nôm chỉ ra đời khi hiểu biết về chữ Hán đã đủ rộng rãi ở Việt Nam.

    Những người Việt Nam đầu tiên sử dụng thành thạo chữ Hán là một vài trí thức được Hán hóa triệt để. Đó là trường hợp Lí Tiến 李 進, Lí Cầm 李 琴, Trương Trọng 張 重 (thế kỉ II). Sau đó, một vài người trong những trí thức này làm thơ và phú bằng chữ Hán theo lối Trung Quốc. Như trường hợp Phùng Đái Tri 馮 戴 知 được Đường Cao Tổ (618-626) khen là hay thơ; hay trường hợp Khương Công Phụ 姜 公 輔 với bài phú còn có thể tìm thấy trong các bộ sưu tập thơ văn Trung Quốc11.

    Trong suốt thời gian từ đời Hán đến đời Đường, rất có thể một số mã chữ Nôm đã được tạo ra để ghi từ bản địa, nhất là tên đất, tên người và tên chức quan ở Việt Nam. Chỉ có một số ít lưu tích của những nỗ lực này còn tồn tại được đến ngày nay. Đó là hai chữ 布 Bố và 蓋 Cái được ghi bằng hai chữ Hán mà âm đọc [Hán] Việt giống với âm đọc của hai từ tương ứng trong tiếng Việt.

    Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIII, mặc dù người Việt đã giành lại độc lập dân tộc, nhưng chữ Hán luôn có được một đặc quyền, đặc quyền ấy được củng cố bằng chế độ khoa cử theo mô hình Trung Quốc12. Với lí do này, trí thức Việt Nam tiếp tục diễn đạt tư tưởng tình cảm của họ bằng chữ Hán. Không chỉ thơ, phú và sử kí, mà cả bố cáo của triều đình, sớ tấu, luật lệ… đều được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, tất cả tác phẩm viết bằng chữ Hán của những người Việt này có thể không giống với những trí thức Việt Nam đầu tiên kể trên. Hình thức là Trung Quốc nhưng bản chất là Việt Nam. Mặt khác, rất nhiều thể loại văn học Trung Quốc mà các tác giả Việt Nam từng thử sức là những nền tảng cho văn học Nôm của Việt Nam sau này. Đến khi chữ Nôm được đặc biệt quan tâm [nghiên cứu], thì cách dùng quan phương của hai chữ Nôm Bố 布 và Cái 蓋 ở thế kỉ VIII cũng như chữ Cồ 瞿 ở thế kỉ X là những dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ một số chữ Nôm đã được người Việt đề xuất muộn nhất là từ thế kỉ VIII đến thế kỉ X. Ngoài những chữ Nôm như Bố, Cái, Cồ, những chữ khác có thể đã được tạo ra trong cùng khoảng thời gian ấy bằng cách sử dụng mặt âm hoặc mặt nghĩa của chữ Hán. Ví dụ, các từ thuần Việt một (số 1) và ta (tôi) lần lượt được ghi bằng hai chữ Hán 没  và  些 đọc theo âm Hán [Việt]. Những từ thuần Việt cày, cấy, ruộng, bếp lần lượt được ghi bằng các chữ Hán 耕, 稼, 田, 灶 và đọc theo nghĩa của các chữ Hán này13. Còn những chữ Nôm khác có cải tiến hơn (tức là những chữ được tạo ra dựa trên nguyên tắc cấu tạo chữ Hán theo kiểu hội ý và hài thanh) thì phải được sáng tạo muộn hơn, có thể là sau khi cách đọc Hán Việt đã định hình14.

    Tóm lại, chữ Nôm không phải được sáng tạo một cách đột xuất và được Hàn Thuyên sử dụng để làm thơ phú, mà quá trình hình thành của chữ Nôm chắc chắn đã phải trải qua nhiều thế kỉ, bắt đầu muộn nhất là từ thế kỉ VIII trước khi đi đến hoàn tất ở một mức độ nào đó trong triều Trần. Sau đó, qua quá trình sử dụng, chữ Nôm liên tục được cải tiến từ triều sang triều Nguyễn trước khi đạt đến một sự ổn định tương đối như trong các truyện thơ phổ biến như Kim Vân Kiều 金 雲 翹, Lục Vân Tiên  蓼 雲 仙…

◊◊◊… còn tiếp ở phần 2 …

Người dịch: Nguyễn Tuấn Cường

MỜI XEM:
◊  CHỮ NÔM và CỐNG HIẾN với VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM – Phần 2.

GHI CHÚ
*  Nguyễn Khắc Kham: Giáo sư, thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản.
◊  Nguyên bản bằng tiếng Anh:  Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script and Its Past Contributions to Vietnamese Literature, đăng trên: Area and Culture Studies 24, Tokyo University of Foreign Studies 1974. Dịch theo bản điện tử do Nguyễn Quang Trung và Lê Văn Đặng thực hiện tháng Sáu năm 2001, đăng tải trên website http://www.viethoc.org ngày 2/11/2005. Những phần trong ngoặc vuông […] là của người dịch. Trong nguyên bản, do tác giả sử dụng quá nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Việt [gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ], Nhật, Hàn) nên người dịch đã gặp không ít khó khăn, một số đã được các bạn bè xem giúp, nhưng chắc hẳn còn không ít sai sót. Khi đọc bản dịch, đề nghị quý vị đối chiếu lại với bản điện tử tại địa chỉ mạng đã dẫn.

1 Việt Hán từ điển tối tân 越 漢 辭 典 最 新, Nhà sách Chin Hoa, Saigon, 1961, tr.549: Nôm = 喃 字{意 印 < 南 國 的 字 >}. 
2 Hội Khai trí Tiến đức khởi thảo, Việt Nam tự điển, Saigon Hanoi, Văn Mới, 1954, tr.370: Nôm = Tiếng nói thông thường của dân Việt Nam đối với chữ Nho. 
3 Ngô Thì Nhậm 吳 時 任Hải Đông chí lược 海 東 誌 略 ”. 
4 Nguyễn Ðình Hòa: Chữ Nôm, The Demotic System of Writing in Vietnam [Chữ Nôm, hệ thống chữ viết bình dân ở Việt Nam], Journal of the American Oriental Society, Volume 79, Number 4, Oct. Dec. 1959. tr.271. 
5 阮詮海陽青林人善為詩賦人多效之後為國音詩曰韓律者以此 [Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm tỉnh Hải Dương, giỏi thơ phú, nhiều người bắt chước theo, sau làm thơ quốc âm, từ đó gọi là thơ Hàn luật] ( 欽定越史通鑑綱目). 
6  P. Pelliot, Première étude sur les sources Annamites de l’histoire d’Annam [Bước đầu nghiên cứu về nguồn gốc An Nam của lịch sử An Nam], BEFEO, t. IV, tr.621. 
7  H. Maspero: Etudes sur la phonétique historique de la langue Annamite. Les initiales [Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng An Nam. Những phụ âm đầu], BEFEO, t. XII, No 1, tr.7, chú thích 1. 
8  Nguyễn Văn Tố: Phan Kế Bính – Việt Hán văn khảo – Etudes sur la littérature Sino-Annamite, 2 edit. Hanoi, Editions du Trung Bắc Tân văn, 1930 in 8, p.175) BEFEO, t. XXX, 1930, No. 1-2 Janvier-Juin, tr.141-146. 
9  Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ bảy, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960, tr.101. 
10  Sở Cuồng: Chữ Nôm với chữ Quốc ngữNam Phong, số 172, tháng Năm, 1932, tr.495-498. 
11  Nguyễn Ðổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử, Hàn Thuyên, H. 1942, tr.87-91. 
12  Khoa thi đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào năm 1075 trong đời vua Lí Nhân Tông (1072-1127), xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ nhất, Trung Bắc Tân văn, H. 1920, tr.81. 
13  Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính: Tự điển chữ Nôm, Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1971. 
14  H.Maspero: Le dialecte de Tch’ang Ngan [Phương ngữ Tràng An (Hà Nội)], BEFEO, 1920 – Mineya Toru 三根谷徹, 越南漢字音の研究 [Nghiên cứu âm đọc chữ Hán ở Việt Nam], 東洋文庫, 昭和 47  3  25.

GHI CHÚ:
◊  Các tiêu đề đính dấu **, các chữ đậm và hình ảnh sê-pia hoá – do BAN TU THƯ thiết lập.
◊  Nguồn tư liêu:  hannom.org.vn

(Visited 85 times, 1 visits today)