ĐỖ NGỌC GIAO1
(Bài viết được tác giả dịch từ bài Histoire d’une Impératrice de la dynastie Tong – nguyên tác tiếng Pháp – được trích từ trong sách Contes et Legendes Annamites2 của Antony Landes3, Sài Gòn 1886)
Dưới trào Trần [a] ở cửa Quèn, tỉnh Nghệ An, có một người ngư phủ già. Năm đó, ngày mồng một tháng sáu, ổng ra vàm tính câu cá, thì thấy một thân cây bạch đàng [b] mắc cạn trên bãi, dài sáu chục thước, ngang ba thước [c]. Ổng ngồi lên cây, đặt mồi câu trên đó, lấy dao chặt. Thì, lạ thay, thấy máu trong cây ứa ra từng dòng, bốc mùi thơm phức. Ổng vụt chạy về làng cho hương hào biết, họ liền đem trầu cau, rượu và nhang ra cúng. Họ nhờ đồng hỏi [thần trong cái cây là ai] thì nghe nói như vầy : “Tôi là Thái hậu của trào Tống [d], mất nước về tay giặc Nguyên, không còn chốn dung thân. Nên tôi và ba con gái đành nhảy xuống biển. Trời thương, cho chúng tôi biến ra cây bạch đàng này, trôi tới nước Nam để ở lại đây. Bây giờ dân làng lấy cây này tạc cho chúng tôi bốn bức tượng, kỳ dư thì làm đồ thờ. Chúng tôi sẽ phù hộ cho làng.”
Hương cả nói: “Nếu là thần, xin dời cây về làng, chúng tôi sẽ tin và dựng đền thờ.”
Tức thì họ thấy cây bạch đàng trên bãi tự nó đi về tới làng qua chặng đường dài chừng một trăm cột dây thép [e].
Dân làng thấy hiển linh, cùng nhau quyên góp cất đền. Mười ngày sau, một cơn bão nổi lên, bão ngưng thì một đống cột kèo không biết từ đâu trôi xuống bãi Quèn. Nhờ vậy dân làng cất một cái đền ở giữa và hai mươi tư cái tháp mỗi bên [f]. Từ đó họ bắt đầu thờ bốn vị tinh nương, ai tới cầu chi cũng được đáp ứng.
Khi vua Gia Long ra Hà Nội nhận sắc phong [g], có đi ngang trước đền, vô thăm. Nghe nói đền thờ Thái hậu trào Tống, nhà vua nói: “Nếu là thái hậu, xin cho ta bằng chứng.”
Thần liền nhập vô đồng, nói: “Ngài muốn bằng chứng chi?”
Nhà vua đưa ra ba cây lụa thêu chỉ vàng [brocade], truyền lịnh may một bộ đồ trong một khắc đồng hồ. Vừa nói xong, một tiếng sấm nổ ra, một cô bận đồ xanh từ trên trời bước xuống, vô đền nhận ba cây lụa rồi biến vô mây. Hồi sau, nghe một tiếng sấm nữa, một cậu bận đồ đỏ đem xuống một bộ đồ làm bằng ba cây lụa rồi biến mất. Nhà vua e dè, bảo các quan: “Mấy vị này thiệt là linh.”
Ngài ban tước và phong cho bốn vị làm thượng đẳng thần, truyền quan tỉnh mỗi năm làm lễ cúng hai lần; mỗi lần được cấp ba ngàn quan cả thảy. Người An Nam với người Tàu đều thờ đền này, cúng dường hậu hĩnh. Có lần bọn Tàu Ô cả gan vô đền ăn cướp nữa chớ, nhưng chúng mới đưa súng lên ngắm thì hộc máu chết tươi; nên về sau hết dám. [h]
CHÚ THÍCH :
1: Nguồn: Bài viết – được trích từ Bài Antony Landes Với Chuyện Dân Gian Người Việt của ĐỖ NGỌC GIAO – do tác giả gửi bài qua email bantuthu1965@gmail.com
2: ANTONY CHARLES LANDES (1850–1893) là học giả đầu tiên (ở nửa cuối thế kỷ thứ 19) quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép những câu chuyện dân gian của người Việt. Sang thế kỷ thứ 20, onng vẫn nối tiếp công việc ấy với Nguyễn văn Ngọc (1890–1942), Nguyễn Đổng Chi (1915–1984), Tô Nguyệt Đình (1920–1988), Lê Hương (1922–1976) và Sơn Nam (1926–2008). Những vị này đã góp công rất lớn giúp tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu trong nhà nghe được nữa’. LANDES viết bằng tiếng Pháp để cho người Pháp và người Âu đọc được, nên người Việt ít ai biết tới!
3: Cuốn sách CONTES ET LEGENDES ANNAMITES do Landes ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, do hai người kể chuyện – một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar) – đều là dân tỉnh đó.
Cuốn sách có 2 phần: Phần 1 có 127 câu chuyện đời xưa và truyền thuyết được ghi theo nguyên văn của lời kể: Phần 2 có 22 câu chuyện cười được ghi đại ý theo lời kể. Kèm theo những câu chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm Văn hóa Việt. Cuốn sách được xuất bản do Nhà in Imprimerie Coloniale tại Sài Gòn năm 1886.
GHI CHÚ :
◊ Những chữ nghiêng, chữ in, chú giải và hình ảnh minh hoạ do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thực hiện.
MỜI XEM :
◊ Nguyên bản tiếng Pháp: CONTES ET LEGENDES ANNAMITES – Histoire d’une Impératrice de la dynastie Tong.
BAN TU THƯ
07 /2022