Chuyển đổi số trong giáo dục

Chuyển đổi số trong giáo dục

PHAN NỮ LA GIANG
Báo Lao Động trực tuyến

     Các từ khóa “Chuyển đổi số”, “Chuyển đổi số trong giáo dục” đang được nhiều người quan tâm. Vậy chuyển đổi số là gì, chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi những gì?

Chuyển đổi số là gì ?

     Một số chuyên gia cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

     Microsoft lại định nghĩa chuyển đổi số là việc thay đổi tư duy về cách thức mà các tổ chức đã tập hợp dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.

      Còn theo quan điểm của FPT1, chuyển đổi số – trong các tổ chức, doanh nghiệp – là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số – bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data2), Internet vạn vật (Internet of Things /IoT 3), điện toán đám mây (Cloud 4), … nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc văn hóa công ty.

     Do cách tiếp cận từ các giác độ khác nhau nên cách diễn đạt của các định nghĩa trên không giống nhau. Nhưng! về nội hàm thì tất cả các định nghĩa trên đều có điểm chung – đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng.

     Chuyển đổi số khác với số hóa. “Số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số; còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ mới như AI 5, Big Data, … để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra những giá trị mới khác.

Chuyển đổi số giáo dục quốc gia

     “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg6 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ có ghi như sau: “…

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa;
+  Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập;
+  Số hóa tài liệu, giáo trình;

+  Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến;
+  Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

+  100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.
+  Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”…

     Như vậy, việc chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hai nội dung chính, là :

Chuyển đổi số trong quản lý, và
Chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.

     Chuyển đổi số trong quản lýsố hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain7, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.

      Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giásố hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, …; chuyển đổi toàn bộ cách thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học ở không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy có chất lượng cao…

Cần gì để “Chuyển đổi số trong giáo dục”?

     Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm với thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform8) để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp phải diễn ra ở trên đó.

     Nếu như trước đây ứng dụng công nghệ mới vào giáo dục mà chủ yếu chỉ đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, thì chuyển đổi số giáo dục ngày nay yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích, kết nối với nhau và tích hợp tất cả trên cùng một nền tảng số.

     Nền tảng số này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên, người học- giáo viên và nhà trường phải cùng diễn ra.

    Đồng thời, chuyển đổi số đòi hỏi tư duynăng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi.

    Cuối cùng! văn hóa giáo dục số cần được hiểu là phải bao gồm tất cả các vấn đề về thái độ học tập, hiểu biết về đạo đức học thuật, tính tự giác, ý thức về học tập suốt đời, v.v...

CHÚ GIẢI :
1:  

2:

3:

4:

5:

6:

7:

8:

9:

GHI CHÚ :
◊  Nguồn tham khảo: Báo Lao Động trực tuyến.
◊  Các chữ nghiêng, chữ đậm, chữ màu, tiêu đề, chú giải, hình ảnh minh hoạ và một ít ‘hiệu đính nhẹ‘ do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thực hiện.

BAN TU THƯ
5 /2022

(Visited 28 times, 1 visits today)