Chuyện ông TRẠNG TRÌNH

Chuyện ông TRẠNG TRÌNH

ĐỖ NGỌC GIAO 1
             (Bài viết được tác giả dịch từ bài Histoire du Trạng nguyên Trình – nguyên tác tiếng Pháp – được trích từ trong sách Contes et Legendes Annamites2 của Antony Landes3, Sài Gòn 1886)

      đất Hải Dương có cô kia tài sắc vẹn toàn, muốn lấy người chồng sao cho đẻ ra đứa con làm vua mà chưa kiếm ra ai. Rồi cổ lấy một ông có tước Công tên là Luân, vài tháng sau thì có bầu. Sau chín tháng mười ngày, cổ biểu chồng dựng một cái chòi cao, bốn bề che kín [a], dặn rằng :
     ‘Chừng nào thiếp sanh, chàng mặc kệ thiếp, đừng thăm viếng gì, không thôi hư chuyện.’

     Chồng nghe lời. Cô kia sanh con được ba ngày, muốn thử chồng lần nữa, nên để con trên võng, dặn chồng đừng vô thăm, rồi bỏ đi. Ba ngày sau, người chồng muốn coi mặt con, lên chòi, thấy nó trên võng. Đứa con thấy cha, nó nói liền :
     ‘Dạ thưa, cha tới thăm con!

     Người cha sợ hãi, xuống chòi. Vợ về trách :
    ‘Thiếp muốn con chàng làm vua, nhưng cha con chàng muốn nó làm trạng nguyên, thời loạn mà thôi. Vậy thiếp chiều theo ý chàng, nhưng giữa hai ta không còn chi hết.’

     Nói xong, biến mất! Hai cha con ở với nhau. Khi lên mười bảy, đứa con tên Trình thi đậu trạng nguyên nhà Mạc, nhưng lòng theo nhà Lê, nên cáo bịnh không làm quan nhà Mạc, về sau giả đui vô chùa ở. Khi nhà Mạc [bị nhà Lê đánh] thua mà rút lên Thái Nguyên, Trình cho người em trai cùng mẹ khác cha là Trại ra giúp nhà Lê, dặn rằng nếu có gì khó thì về gặp ổng. TrạiThanh Hóa, thi đậu trạng nguyên nhà Lê, nhưng tài thua xa Trình, việc chi cũng nhờ Trình sắp xếp.

     Khi nhà Mạc thua lần nữa và rút lên Lạng Sơn, thì Trại cho một tên lính về hỏi anh mình tiếp theo phải làm sao. Tên này về tới chùa, nhưng ba ngày liền chẳng thấy báo tin chi. Bữa đó – lúc hừng đông, Trình tới chỗ tên lính nằm, xé chiếu của y, xua tay nói :
     ‘Đi lẹ! Lẹ lên!

     Nghe lính về báo vậy, Trại lắc đầu, nói :
     ‘Anh ta nói đi lẹ sẽ thắng.’

     Quân nhà Lê theo gấp tới sát biên giới, bị Trình chặn lại. Trại lúc đó đang đi cùng vua Trang Tông, nghe tướng tiên phuông báo vậy, thì tới gặp hỏi Trình sao chặn đường tiến quân. Ổng đáp :
     ‘Chớ dồn ai tới đường cùng [b]. Anh còn một việc phải làm cho nhà Mạc, để họ khỏi bị diệt. Xin em rút quân, cho nhà Mạc sang Tàu.’

     Vua Lê nghe theo, rút quân về. [c]

      xứ An Nam, từ đời Hồng Bàng tới nay, chưa có ai xứng danh Trạng nguyên hơn ông Trình. Ổng biết mọi thứ năm trăm năm về trước và mọi thứ năm trăm năm về sau, mà còn ghi lại những thứ đó trong một cuốn sách cho người ta coi. Song le, vua Minh Mạng phật ý bởi một điều mà ổng dự đoán, nên ra lịnh hễ ai coi sách đó sẽ bị xử tử, để thiên hạ đừng coi. [d]

CHÚ GIẢI :

[a]:  Dựng chòi cho đàn bà ở đẻ là thói tục thời xưa.
[b]:  Ý này lấy trong Đạo đức kinh của người Tàu.

[c]:  Trình ở đây là NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491–1585), trạng nguyên nhà Mạc (1527–1592), và Trại là PHÙNG KHẮC KHOAN (1528–1613), trạng nguyên nhà Hậu Lê. Truyền thuyết này có những chi tiết khác với sách sử, nhưng ở đây ta không bàn thêm.

[d]:  Ở chuyện ‘Bà chúa Liễu’ không kể ra đây, ta được biết: Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng rút vô Trấn Ninh thì dòng dõi sẽ làm vua bốn đời. Có lẽ điều đó làm vua Minh Mạng phật ý, nhưng điều đó chẳng sai tí nào: sau bốn đời – vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì trên thực tế rõ ràng người Pháp đã cai trị xứ An Nam.

CHÚ THÍCH :

1:  Nguồn:  Bài viết – được trích từ Bài Antony Landes Với Chuyện Dân Gian Người Việt của ĐỖ NGỌC GIAO – do tác giả gửi bài qua email bantuthu1965@gmail.com

2:  ANTONY CHARLES LANDES (1850–1893) là học giả đầu tiên (ở nửa cuối thế kỷ thứ 19) quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép những câu chuyện dân gian của người Việt. Sang thế kỷ thứ 20, onng vẫn nối tiếp công việc ấy với Nguyễn văn Ngọc (1890–1942), Nguyễn Đổng Chi (1915–1984), Tô Nguyệt Đình (1920–1988), Lê Hương (1922–1976) và Sơn Nam (1926–2008). Những vị này đã góp công rất lớn giúp tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu trong nhà nghe được nữa’. LANDES viết bằng tiếng Pháp để cho người Phápngười Âu đọc được, nên người Việt ít ai biết tới!

3:  Cuốn sách CONTES ET LEGENDES ANNAMITES do Landes ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, do hai người kể chuyện – một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar) – đều là dân tỉnh đó.
    Cuốn sách có 2 phần: Phần 1 có 127 câu chuyện đời xưa và truyền thuyết được ghi theo nguyên văn của lời kể: Phần 2 có 22 câu chuyện cười được ghi đại ý theo lời kể. Kèm theo những câu chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm Văn hóa Việt. Cuốn sách được xuất bản do Nhà in Imprimerie Coloniale tại Sài Gòn năm 1886.

GHI CHÚ :
◊  Những chữ nghiêng, chữ in và hình ảnh minh hoạ do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thực hiện.

MỜI XEM :
◊  Nguyên bản tiếng PhápCONTES ET LEGENDES ANNAMITES – Histoire du Trạng nguyên Trình.

BAN TU THƯ
05 /2022

(Visited 32 times, 1 visits today)