Có hay không CHỮ VIẾT thời kỳ HÙNG VƯƠNG?

Có hay không CHỮ VIẾT thời kỳ HÙNG VƯƠNG?

Tô Minh Trung
Đại học Quốc gia Hà Nội

     Vấn đề có hay không có chữ viếtthời Hùng Vương1 là một vấn đề chưa được khẳng định dứt khoát trong nhiều nhà nghiên cứu cổ sử.

    Nhưng gần đây đã có ý kiến kết luận rằng: “một đặc điểm của lịch sử dân tộc ta là trong một thời gian rất dài, ta không có chữ viết. Và chỉ từ sau khi nước ngoài có chữ viết đến xâm chiếm và đô hộ thì các sự kiện lịch sử mới được ghi chép lại, truyền đến nay, như vậy, cũng có nghĩa là: ở thời Hùng Vương chưa có chữ viết.” Đúng hay không đúng?

    Theo chúng tôi, đây là một vấn đề cần được trao đổi, bàn bạc nhiều, nhưng có một trở ngại rất lớn là hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm ra một dấu vết nào chứng tỏ trong thời kỳ Hùng Vương đã có chữ viết – Mà ai cũng biết rằng chỉ có di vật khảo cổ mới nói cho chúng ta biết về điều bí ẩn xa xôi ấy.

      Vậy thì, kết luận trên đây đã đúng chưa?

Chữ viết cổ trên các di vật khảo cổ

    Chúng tôi vẫn chưa tin là đúng. Bởi lẽ, kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới cổ đại, trong việc phát biểu về chữ viết thời cổ, đòi hỏi phải rất công phu, trải qua một quá trình rất lâu, và phải có thiên tài khảo cứu nữa. Ví dụ: Trong lịch sử Hy Lạp cổ đại, cách đây gần 4000 năm đã có chữ viết rồi; nhưng hai bản trường ca nổi tiếng của Homer2Illiad và Odyssey3 vẫn chỉ là những tác phẩm truyền miệng. Mãi đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên mới được chép thành sách. Và chính vì lẽ đó, mà nhiều người đã không tin hoàn toàn vào chuyện của Homer, bởi lẽ nó mang nhiều tính chất thần thoại, hoang đường. Nhưng khi thế giới được biết kết quả khai quật thành Troia4 (1868) và thành Mi-xen5 của nhà khảo cổ học Đức Sơ-li-man6, với những thành quách, di vật giống như Homer đã kể, thì nhiều người mới tin: IlliadOdyssee là chuyện thật. Lúc này, chữ cổ của Hy-lạp cũng chưa được phát hiện. Phải đợi đến năm 1890 khi E-van7, nhà khảo cổ học người Anh, bắt đầu khai quật thành phố Cơ-nô-dốt8 và tìm thấy mấy nghìn tấm đát sét có chữ viết: một số chữ viết gồm toàn những hình vẽ người, động vật và các vật khác nhau, và một số chữ viết khác, đơn giản hơn, gồm những đường gạch hơi khác nhau một ít. Vậy là, chữ viết Hy lạp cổ đại đã được phát hiện sau khi nó có hơn 3000 năm. Nhưng, sau khi đã phát hiện rồi, cũng không phải các nhà nghiên cứu đã đọc và hiểu nghĩa ngay. Ê-van cũng bó tay, dù rằng ông đã có công phân biệt các dạng chữ khác nhau. Tiếp theo Ê-van, còn có bà A-lít Cô-be9, đã có công nghiên cứu, tiến lên một bước xác định được từ nào ở dạng số nhiều, từ nào ở dạng số ít, và từ nào ở cách một, từ nào ở cách gián tiếp trong những dòng chữ cổ đó. A-lít Cô-be đã mất trước khi đạt được hy vọng là sẽ đọc được chữ viết Hy-lạp cổ do Ê-van phát hiện. Đến năm 1940, một kiến trúc sư thiên tài trẻ tuổi người Anh là Mi-ca-en Ven-tơ-rít10 (mới 18 tuổi), đã khám phá toàn bộ bí ẩn của các dạng chữ tượng hình và binh học của Hy-lạp cổ đạichữ Crét-mi-xen11. Ven-tơ-rít đã cho in tác phẩm đầu tiên của mình về cách đọc chữ huyền bí đó. Từ đấy, nhiều điều thú vị về các chế độ của các quốc gia thành thị Hy-lạp đã được sáng tỏ. Những chi tiết anh hùng ca trong trường ca của Homer cũng được xác minh.

Chữ viết Việt cổ và nền văn minh Việt Nam thời Hùng Vương

    Sự việc trên đây, tuy nhiều người trong chúng ta đã biết, nhưng chúng tôi cũng xin nhắc lại để liên hệ đến sự suy nghĩ của chúng tôi về con đường phát hiện chữ viết của thời kỳ Hùng Vương.

    Từ trước đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương đều nhất trí rằng nước ta ở buổi đầu dựng nước, giữ nước, đã có một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo,… tạo nên một văn minh Việt Nam thật sự. Đây không phải là dự đoán, suy luận mà đã có nhiều chứng tích bảo đảm.

    Vậy thì, lẽ nào, một xã hội đã phát triển đến mức có một nền nghệ thuật tuyệt tác, có những công trình thủy lợi đại quy mô, có một tổ chức, cơ cấu quốc gia ổn định, có những trí tuệ thiên tài trong việc dựng nước và giữ nước,… như các vua Hùng, lại không có chữ viết? Khó hiểu quá!

    Biết rằng, có người đã đưa ra ý kiến: việc có chữ viết là một chứng chỉ của trình độ văn minh của một dân tộc, nhưng đó không phải là một quy luật có tính chất quyết định và phổ biến. Một dân tộc không có chữ viết sớm không nhất thiết là một dân tộc không thể có được một nền văn hóa riêng, độc đáo và lâu dài. Dân tộc ta ở trong trường hợp này.

     “Một dân tộc không có chữ viết sớm không nhất thiết là một dân tộc lạc hậu so với các dân tộc khác”. Điều này, theo chúng tôi có thể đúng. Bởi vì, cứ nghiệm trong cuộc sống hiện tại, cũng thấy một người có trình độ văn hóa thấp không nhất thiết là một người lạc hậu so với người có trình độ học thức cao. Nhưng, đấy chỉ là một thực tế, một khía cạnh để nhìn nhận một vấn đề cá biệt, một trường hợp không phổ biến. Có thể, dân tộc ta ở thời cổ đại, cũng ở trường hợp này. Tuy nhiên, nếu lịch sử cổ đại của dân tộc ta đã thật sự có chữ viết, càng giúp cho chúng ta hiểu rõ và có chứng cớ chắc chắn. Có luận cứ đầy đủ để đánh giá tính chất độc đáo của nền văn minh Việt Nam ở buổi bình minh của dân tộc hình thành. Vì vậy, nếu còn có khả năng nào để tìm đường phát hiện cho được chữ viết, thật sự đã có trong thời kỳ Hùng Vương, theo chúng tôi vẫn có giá trị rất lớn.

    Đây không phải là một ảo tưởng, một hy vọng không căn cứ. Kinh nghiệm quá trình: nghiên cứu những vấn đề của lịch sử thế giới cổ cận đại, hay những vấn đề xa xưa của nước ta, cho phép chúng ta hy vọng. Bởi vì, lịch sử luôn luôn được bổ sung do việc tìm ra ngày càng nhiều tư liệu mới.

    Chúng tôi xin được phép nhắc lại đây một luận đề khoa học, có tính chất chủ đạo của đồng chí Lê Duẩn12, để chúng ta cùng tham khảo. Đồng chí Lê Duẩn trong buổi đi xem phòng trưng bày về thời kỳ Hùng Vương ở Viện bảo tàng Lịch sử, ngày 25-8-1969, có nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần thiết phải chứng minh rằng có thời đại Hùng Vương. Bởi vì cuộc khởi nghĩa của chị em hai Bà Trưng13 đã thật sự diễn ra trong lịch sử nước ta ở buổi đầu Công nguyên và đã được nhiều sử sách có tính chất khoa học nghiêm túc đã ghi chép lại rõ ràng,… điều đó đã xác nhận rằng trước cuộc khởi nghĩa này, từ lâu trên đất nước Việt Nam đã có ý thức dân tộc mạnh mẽ và đã có những truyền thống văn hóa độc lập và bền vững rồi. Như vậy, tôi muốn nói rằng thời đại Hùng Vương đã thật sự tồn tại trong lịch sử nước ta. Bởi vì, phải có thời kỳ Hùng Vương mới có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được. Đây không phải là một sự suy diễn, phỏng đoán, mà chúng ta có thể xét kết quả để biết được nguyên nhân, chúng ta xét sự kiện lịch sử này mà có thể biết được nguyên nhân xảy ra nó. Đó là một phương pháp khoa học”.

    Về luận đề khoa học này, chúng tôi suy nghĩ: cứ xét các kiệt tác nghệ thuật được biểu hiện trên thạp đồng Đào Thịnh14, trống đồng Ngọc Lũ15, Hoàng Hạ, Miếu Môn, Việt Khê, Quảng Xương, cũng có thể đoán định khoa học rằng, dân tộc ta thời kỳ Hùng Vương đã có một trình độ hình học, một tài năng nghệ thuật khắc đồng rất cao. Mà như ai nấy đều biết: nghệ thuật được phát triển trên cơ sở tri thức tổng hợp nhiều mặt của con người. Vậy thì lẽ nào, chữ viết lại chưa có, ít ra cũng đồng thời với trình độ phát triển của nghệ thuật khắc đồng lúc ấy. Đó là chưa nói đến trình độ trị thủy đại quy mô, đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về địa lý học, về khí hậu học, về thủy văn học, về toán học, lý học,… Hơn nữa, một tài năng quân sự đặc biệt, liên tiếp chiến thắng giặc ngoại xâm, mà bản anh hùng ca Phù Đổng16 là điển hình, không lẽ không đủ chứng minh rằng: dân tộc ta đã có một trình độ trí thức khá toàn diện hay sao?

    Và khi nhận những điều ấy, lẽ tất nhiên sẽ đến, với sự biến diễn lô gích của nó là: trong thời kỳ Hùng Vương có thể đã có chữ viết bởi vì chữ viết là một phương tiện tối thiểu để phổ biến những thành tựu văn hoá nghệ thuật của dân tộc ta ở thời kỳ ấy.

Những giả thiết về chữ viết cổ Việt Nam

    Nếu chữ viết đã có ở thời kỳ Hùng Vương, nhưng hiện nay chưa thấy bảo lưu ở trong bất cứ một bảo tàng nào của dân tộc; đó là một mâu thuẫn, là cái gốc nảy sinh những ý kiến khác nhau. Vậy nên giải quyết như thế nào?

    Chúng tôi xin phép nêu lên 3 giả thuyết:

Một, có thể những di vật mang theo trong mình nó những chữ viết của ông cha ta thời Hùng Vương, vẫn còn nằm sâu trong lòng đất, mà các nhà khảo cổ học chúng ta chưa tìm ra được. Nếu đúng như thế, thì một yêu cầu quan trọng đặt ra là: các nhà khảo cổ học cùng với những chuyên gia cổ sử hãy ra công nghiên cứu tất cả các nguồn sử liệu để tìm cho ra cái chìa khóa bí hiểm để mở toang nơi còn bảo tàng thứ vốn quý giá đó của dân tộc ta.

Hai, biết đâu, chữ viết ở các dạng tượng hình và hình học đang phơi bày trước mắt chúng ta từ lâu, ngay trên các di vật đang nằm ở các bảo tàng, mà chúng ta chưa có thiên tài khảo cứu chữ viết thời cổ, để đưa nó ra ánh sáng, như Mi-ca-ven Ven-tơ-rít đã làm đối với chữ viết Cờ-rét – Mi-xen.

    Do đó, đòi hỏi các nhà khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học và nhiều nhà nghiên cứu khác hãy tập trung trí tuệ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia về lịch sử chữ viết của thế giới, để khám phá cho được cái ẩn số vô giá đó.

Ba, có thể nghĩ rằng: trong cuộc đấu tranh chống sự đồng hóa của kẻ xâm lược phương Bắc, yêu cầu quan trọng là bảo tồn cho được tính cách của dân tộc, sự tồn tại của dân tộc, bản chất tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc nói chung, nên chữ viết lại trở thành cái phụ, không chủ yếu, và từ đấy mà chữ viết của dân tộc đã bị mai một đi. Mãi đến sau này, những trí thức chân chính của dân tộc đã quyết tâm khắc phục và phát triển lại chi tiết của ông cha dưới dạng mới, sáng tạo hơn: chữ Nôm17. Theo chúng tôi, phải chăng chữ Nôm của ta là một sự kết hợp đầy sáng tạo giữa những quy tắc của chi tiết chữ cổ với chữ Hán? Mong các nhà cổ sử, các nhà nghiên cứu chữ cổ làm giúp cho bài toán này.

     Trong lịch sử khảo cứu của dân tộc ta, cũng đã có những người đề xuất ý kiến rằng: dân tộc ta đã có chữ viết trước thời Bắc thuộc. Đó là Trương Vĩnh Ký18. Đó là công trình nghiên cứu chữ viết kiểu cổ ở miền tây Thanh Hóa19 của Vương Duy Trinh20 (hiện vật khảo cổ đã có đủ tư liệu này). Chúng tôi đề nghị các nhà nghiên cứu cổ học cơ sở vào đó để tham khảo và đi sâu thêm, cùng với những hướng tìm khác, để có thể tìm ra chữ viết thật của ông cha chúng ta trong thời kỳ Hùng Vươngloại chữ gì (?).

Trọng trách của các nhà nghiên cứu Việt Nam học

    Đã qua 4000 năm có lẻ, chữ viết cổ của dân tộc ta vẫn chưa phát hiện được, quả là có chậm, so với các thành tựu khác trong lĩnh vực khảo cổ. Nhưng, theo chúng tôi, thực tế ấy không có nghĩa là chấm hết; mà chỉ có nghĩa là lịch sử của dân tộc đang thúc bách chúng ta phải tìm cho ra sự thật huy hoàng ấy.

    Có thể trong vòng nhiều năm nữa, chúng ta vẫn chưa có một tác phẩm chỉ cách đọc chữ cổ Việt Nam (như cách làm của Mi-ca-en Ven-tơ-rit hồi năm 1940). Nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ tìm ra nhiều lý lẽ, nhiều chứng cớ có cơ sở khoa học chắc chắn, để chứng minh rằng: trong thời kỳ Hùng Vương, đã có chữ viết.

     Những suy nghĩ trên đây có thể chưa đúng, thậm chí còn làm khó chịu đối với một số nhà nghiên cứu đã khẳng định: thời kỳ Hùng Vương không có chữ viết. Nhưng, với tinh thần dám nghĩ dám nói, xin nêu vài ý kiến ra đây, mong được cùng bàn bạc. Nếu đúng, là một điều phán khởi. Nếu không đúng thì mong được sự góp ý của nhiều người.

BAN TU THƯ
02 /2002

GHI CHÚ:
1  Thời Hùng Vương … đang cập nhật …
2  …

◊  Nguồn:  Đại học Quốc gia Hà Nội
◊  Chữ đậm, chữ nghiêng, tiêu đề và hình ảnh sê-pia hoá do Ban Tu Thư thiết lập.

(Visited 1.484 times, 1 visits today)