CON NGỰA THỒ trong LÀNG ĐẠI HỌC

CON NGỰA THỒ trong LÀNG ĐẠI HỌC

BAN TU THƯ
(vietnamhoc.com)
Bài viết đã đăng trên báo Giáo Dục, chuyên mục Người Đương Thời (5/2014).

     Phó giáo sư, tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng – người tự xưng mình là con ngựa thồ trong làng Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gánh vác trên lưng mình nguồn tư liệu về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam và một số dân tộc Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Hoa, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong hơn 30 năm qua. Nhiều người sống bên cạnh ông cũng không thể tin được rằng, ông đã làm việc như một cổ máy mà chưa hề thấy ngưng chạy. Làm sao tin được, khi sáng hôm nay vừa thấy ông thuyết trình đề tài về Bộ Đại từ điển Bách khoa Hà Nội học để chào mừng 1.000 năm Thăng Long thì chiều đã thấy ông có mặt ở sân bóng đá để chỉ đạo cầu thủ. Còn tối đến lại thấy ông trong Ban giám khảo để chấm thi trong đêm ca nhạc vũ thời trang của Hội sinh viên. Rồi rạng sáng hôm sau, lại thấy ông xuất hiện ở phòng tập thể hình như mọi ngày để rèn luyện các con chuột trong cơ bắp! trước khi vào trường đứng lớp với phong thái thản nhiên, tươi tỉnh!. Con ngựa ấy dường như chưa hề biết nghỉ ngơi – trừ khi gặm cỏ. Ngay cả khi được nghỉ ngơi để gặm cỏ, ông vẫn tỏ ra nhiều suy tư cho bầy đàn đang phi nước kiệu!. Này chú ngựa ô nhanh chân lên nào! Còn anh ngựa vằn cất vó lên! Được đấy chàng trai! Khá đấy! Mà này, đừng chủ quan! Nhớ bài học về cuộc đua giữa “chú thỏ và chú rùa” trong truyện ngụ ngôn!?

     Thầy Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số nhà nghiên cứu có năng lực tạm sử dụng được 4 ngôn ngữ: HánAnhPhápNhật, trong những công trình của mình. Xuất thân là con gia đình Nho học thuộc triều đại Nguyễn, ông đã được giáo dục từ bé trong hoàn cảnh chiến tranh. Cha mất sớm trong cuộc chiến tranh chống Pháp tại chiến khu D, khi ông mới lên ba!. Biết bao khó khăn trong cuộc đời ông khi mẹ ông ở Sài Gòn, để nuôi dưỡng đứa con mình trong cảnh bất hạnh. Đó là đứa con biết nhường cho mẹ ngọn đèn dầu để đan xong đường rua nắp bàn – hầu sáng hôm sau được đổi lấy ít đồng tiền đong gạo!. Còn ông, chọn lấy ngọn đèn đường để ôn tập bài vở  trong suốt quãng đời sinh viên. Những điều đó chưa nói hết thời thơ ấu của ông vì còn những gai góchiểm nguy. Cuộc đời ông gắn liền với người mẹ lầm lũi và đầy lo âu. Cho đến bây giờ, dù ngồi ghế Hiệu trưởng! ông có quyền thụ hưởng những buổi vui chơi trong những quán nhạc để nghe nhịp sống thời đại trước lời mời gọi của đồng nghiệp. Ông không từ chối! Nhưng xin nán lại vì “Mẹ tôi như ngọn đèn dầu trước gió, bà có thể bỏ tôi ra đi bất kỳ lúc nào, nhịp sống thời đại ấy đã có anh em, còn nhịp thở của mẹ tôi đã có ai để ý đến!?

     Ông không nhận mình là người con có hiếu vì trong suốt thời kỳ chiến tranh ông không được sống bên cạnh bà để chăm sóc cho bà mà luôn biệt tăm biệt tích!. Bà chỉ gặp đứa con trai của bà trong cuộc hẹn bí ẩn tại bến bãi đông người hay bên cạnh bãi rác trông như ngọn núi. Khi ấy, bà cho đứa con mình một ổ bánh mì to nhiều thịt để kéo dài thời gian gần gũi. Tuy nhiên, bà đã có nhiều lần thất vọng! – vì ổ bánh mì vừa mới gặm được một nửa thì con bà đã biến mất! – khi nghe tiếng còi xe tuần tiễu. Nhưng chỉ có một lần trong đời, ông cảm thấy mình có hiếu thật sự khi báo tin cho bà biết rằng ông đang ở trại giam!. Trong buổi sáng tinh sương, bà đi thăm con với túi quà trong tay vượt qua những dòng người cùng số phận. Cuối cùng, bà cũng gần gũi được đứa con của mình qua chiếc hàng rào kẽm gai ngăn cách. Bà vươn cánh tay vào trong để sờ đầu thằng con bất hiếu!. Còn cánh tay bên kia cứ quẹt lên đôi mắt đỏ ngầu. Trong khi thằng con cứ bình thản nhìn ngó xung quanh mình để trông chừng những số phận còn bi đát hơn!. Bất chợt, bà mủm mỉm cười – cái cười hồn nhiên chua xót như bắt lấy một niềm hạnh phúc bâng quơ trong gió!.

    Phó giáo sư, tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng – người tự xưng mình là con ngựa thồ – chỉ mơ ước một điều là được nghỉ ngơi bên vệ đường trong sự lãng quên của mọi người.

Ảnh đại diện: do Ban Tu thư (vietnamhoc.net) thiết lập.
Nguồn ảnh: Bức tranh “Một mình” của họa sỹ Đỗ Đức –
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri

BAN TU THƯ (vietnamhoc.net)

(Visited 156 times, 1 visits today)