CON NGƯỜI là TRUNG TÂM trong NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ (Qua nghiên cứu về ĐỒNG TÍNH NỮ trong VĂN HÓA ỨNG XỬ của người Việt)

1. Lời mở *

       Khi nghiên cứu về khoa học nhân văn nói chung hay về văn hoá nói riêng, nhiều nhà nghiên cứu chú trọng đến những giá trị được bảo lưu trong quá khứ bởi tính giá trị, sự thừa nhận cũng như sức ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội. Xu hướng này có cơ sở khi cho rằng việc thu thập, nghiên cứu và truyền bá nền văn hoá trong quá khứ là biểu hiện của sự uyên bác về học vấn, là thước đo giá trị cho những hành vi, nhận thức đúng đắn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn hoá rất cần quan tâm đến đặc tính của một dân tộc, trong đó lấy con người làm trung tâm. Đó là một trong những biện pháp để chỉ ra những yếu tố cần khích lệ và những yếu tố cần hạn chế trong quá trình phát triển của một đất nước.

2. Xu hướng nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh hiện nay

       Nghiên cứu văn hoá về cơ bản là nghiên cứu quá khứ nhưng công trình nghiên cứu văn hoá rất cần vươn tới những mục tiêu phát triển của cộng đồng, vì đó là cái đích cao cả nhất của các giá trị văn hoá. Các nhà nghiên cứu văn hoá góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong cuộc sống, qua trao đổi với nhân dân, chứ không thể chỉ có mục đích nhằm trao đổi học thuật trong giới nghiên cứu, bởi văn hoá thuộc về nhân dân và chính họ mới là người truyền tải văn hoá trong đời sống xã hội. Muốn thực hiện theo cách tiếp cận này, nghiên cứu văn hoá cần phải trở thành một khoa học mang tính nhân văn thực sự, tránh được sự lạc hậu so với đời sống hay chệch khỏi những mục đích ban đầu khi nó hình thành.

       Lí do của sự sai lệch so với mục đích ban đầu được lí giải bởi chính tính hệ thống trong khái niệm của văn hoá. Khoa học được cấu thành và liên hệ với nhau nhờ các khái niệm và logic tư duy. Các khái niệm được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và logic tư duy dẫn nhà nghiên cứu đến những kết luận và đưa ra khái niệm. Nhưng một khi đã có tính lịch sử, các khái niệm không còn được xác định như trước mà nó chuyển đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Nội hàm của khái niệm thay đổi theo hoàn cảnh mới, cùng sự lạc hậu của cách tiếp cận, logic tư duy dẫn đến việc nhận định các khái niệm và đưa ra kết luận sai lầm. Nói cách khác, trong nghiên cứu văn hoá, khi người ta mặc nhiên chấp nhận những khái niệm đã có từ trước thì chỉ tư duy trên các khái niệm này. Các khái niệm không thay đổi cùng sự biến chuyển của lịch sử sẽ dần xa rời cuộc sống thực, chúng trở thành đối tượng tồn tại độc lập và trói buộc tư duy của chính nhà nghiên cứu. Trong nghiên cứu, đối tượng có liên hệ mật thiết với phương pháp nên khi khái niệm không còn đúng với hoàn cảnh lịch sử thì đã hạn chế sự lựa chọn phương pháp phù hợp, khu biệt chính khả năng của mình trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo.

       Trong nghiên cứu liên quan đến văn hoá và con người cũng có tình trạng tương tự. Trước đây, do ảnh hưởng của những cách tiếp cận không thật tối ưu, nên khi nói đến con người, người ta thường chỉ hiểu đó là con người xã hội hay là con người trong các quan hệ nhóm, tập thể, cộng đồng,… mà không bàn đến vai trò của nhân tố cá nhân, cá thể, nòi giống. Về mặt phương pháp luận, tất cả mọi hiện tượng phong phú, phức tạp ở mỗi cá nhân với nhân cách riêng biệt của nó đều chỉ được giải thích bằng các nguyên nhân xã hội. Sự chi phối của các đặc tính sinh học đến bản tính, bản chất và nhân cách con người hầu như không được chú ý. Vào thời đó, con người chủ yếu được xem xét trong yếu tố bị hoàn cảnh tác động, thường bị nhìn nhận hạn hẹp theo một vài góc nhìn đã được mặc định mặc dù nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận con người là đối tượng phức tạp, đa diện và độc đáo. Dĩ nhiên là vấn đề rất khó khi tiếp cận nghiên cứu văn hoá và con người theo đủ mọi khía cạnh nhưng không có nghĩa là logic tư duy của việc nghiên cứu cho phép bỏ qua một vài khía cạnh nào đó.

       Vậy, nghiên cứu văn hoá lấy con người làm trung tâm là hướng đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi văn hoá là nhân tố bên trong và coi con người là trung tâm của sự phát triển là quan điểm nghiên cứu của thời đại. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh hiện nay là làm thế nào để những thành tựu của khoa học đương đại bổ sung cho các khái niệm trong văn hoá học, theo những tiêu chuẩn của cuộc sống. Thông tin kịp thời là một trong những giải pháp để chống lại sự suy thoái của khái niệm và logic tư duy. Văn hoá cần được hiểu là một thực thể gắn liền với cuộc sống, không phải là những giá trị “khô cứng” cho nên trong nghiên cứu văn hoá rất cần đặt ra câu hỏi: nghiên cứu văn hoá để làm gì? Có phải nghiên cứu chỉ để nghiên cứu hay vì cuộc sống, lấy con người làm trung tâm? Qua nghiên cứu một vấn đề của cuộc sống, dưới góc độ văn hoá học để làm rõ hơn cho những luận điểm nêu trên, đó là tìm hiểu về đồng tính nữ trong văn hoá ứng xử của người Việt.

3. Đồng tính nữ trong văn hoá ứng xử của người Việt
3.1. Phụ nữ trong văn hoá ứng xử của người Việt

       Nét đặc trưng trong văn hoá ứng xử của người Việt là sự tôn trọng phụ nữ. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội vẫn được đề cao. Phụ nữ Việt Nam là người quản lí kinh tế, tài chính trong gia đình – người nắm tay hòm chìa khoá. Chính bởi vậy mà người Việt Nam coi Nhất vợ nhì trời; Lệnh ông không bằng cồng bà,… [3]. Ngôi chùa được xây dựng vào loại sớm nhất trên đất Việt là các chùa mang tên Bà Dâu (chùa Pháp Vân – Thuận Thành, Bắc Ninh), trong chùa, tượng Bà Dâu to hơn mọi tượng Phật,… Trong nghiên cứu văn hoá, GS Trần Quốc Vượng đã đưa ra nguyên lí Mẹ khi lí giải một số vấn đề của cuộc sống [6]. Yếu tố quyết định đặt người phụ nữ vào địa vị cao chính bởi năng lực làm nên cuộc sống của họ, không kể năng lực sáng tạo ra của cải vật chất của họ cũng rất to lớn. Người phụ nữ cùng đàn ông tham gia vào việc cày, bừa, vỡ đất, be bờ, đắp đập, tát nước và các công việc khác như chăm sóc cây lúa, làm cỏ, gặt hái mùa màng, bảo quản và chế biến,… Lao động của người phụ nữ rất nổi trội và có tính chất quán xuyến. Trong quan hệ kinh tế, cái thực tế “của chồng công vợ” nói lên vai trò không thể bỏ qua của người phụ nữ. Nguyên lí Mẹ ăn sâu trong tâm trí và biểu hiện thành các chuẩn mực ứng xử. Không chỉ trong cuộc sống, khác với hầu hết các tôn giáo du nhập vào Việt Nam, vai trò của người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giáo lí cũng như trong giáo đoàn. Điều này được thể hiện khá rõ trong tín ngưỡng bản địa của người Việt là đạo Mẫu. Trong đạo Mẫu, người phụ nữ là hình ảnh dễ bắt gặp nhất và gây ấn tượng mạnh. Hình ảnh đó xuất hiện tại trung tâm các điện thờ trong Phủ, tiêu biểu nhất phải kể đến là Phật bà Quan âm, người dẫn đạo cho Mẫu, tiếp đến là ngôi thần chủ Tam toà thánh Mẫu, Mẫu Liễu Hạnh và các bà đồng, người thực hành, kết nối các con nhang đệ tử với đạo Mẫu. Hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong Tam toà, Tứ phủ phá tan tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu và tồn tại trước và trong thời kì ra đời cũng như phát triển của đạo Mẫu [4]. Trong cách ứng xử, người Việt Nam lấy sự hài hoà âm dương làm trọng nhưng vẫn thiên về âm hơn và trong cuộc sống, người Việt Nam sống có lí có tình nhưng vẫn thiên về tình hơn: “Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”.

       Người Việt Nam luôn coi trọng tình cảm hơn mọi thứ ở đời nên rất trọng danh dự và chính lối sống trọng danh dự dẫn đến cơ chế tin đồn, tạo nên dư luận. Người Việt Nam sợ dư luận đến mức như tác giả Lê Lựu trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã viết: “họ chỉ dám lựa theo dư luận mà sống chứ không ai dám dẫm lên dư luận mà đi theo ý mình”.

3.2. Đồng tính và đồng tính nữ (lesbian)

      Có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận về người đồng tính, cũng như ngày càng nhiều người đồng tính công khai xuất hiện và nói lên những tiếng nói về đời sống của chính họ. Dưới góc độ khoa học, theo quan điểm của Hiệp hội tâm lí học Mĩ (American Psychological Association – APA), đồng tính không phải là một sự rối loạn tâm sinh lí mà là một hiện tượng sinh học tự nhiên, chịu sự tác động qua lại phức tạp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tử cung trong giai đoạn đầu ở thai nhi. Khi nói đến đồng tính, xu hướng tình dục là yếu tố để nhận biết, trong đó không chỉ bao gồm hành vi tình dục đồng giới mà còn là quan hệ yêu đương, các dạng thức gắn bó bình thường để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về tình yêu, sự gần gũi và quan tâm.

        Vậy, nữ giới hay nam giới có hiện tượng đồng tính nhiều hơn?

       Có ý kiến cho rằng, hiện tượng này phổ biến ở phụ nữ, bởi vì thái độ xã hội dễ chấp nhận ở họ những biểu hiện phong cách nam tính về tư duy và lối sống hơn là nam giới mang những đặc điểm nữ tính. Điều này có thể thấy rõ ở cách nhìn khá mềm mỏng của xã hội đối với hiện tượng đồng tính nữ. Nhiều nhà nghiên cứu khác lại nhấn mạnh đến tính ưu thế của hiện tượng đồng tính ở phái nam, những đối tượng vốn có bản chất thích “nổi loạn” chống lại các mô típ tồn tại sáo mòn của xã hội. Có thể nói rằng, các đối tượng đồng tính rất dễ thích ứng với những nhu cầu tình dục của nhau trên cơ sở khả năng đóng vai giới tính này hay giới tính kia. Quan hệ tình dục nhờ đó được thiết lập và thúc đẩy một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Hiện nay, ở Việt Nam, đồng tính nam đã phần nào được biết đến và sự kì thị đã giảm bớt, với nhiều đồng tính nam công khai về giới tính thật của mình, nhưng với đồng tính nữ thì định kiến vẫn rất nặng nề. Họ thường bị đánh đồng với lối sống buông thả, hư hỏng, mất nết và dị thường, đây chính là rào cản lớn khiến cho người đồng tính nữ sống thu mình và không dám “lộ diện”.

       Cuối tháng 5/2009, Viện Nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường (ISEE) tại Hà Nội cho công bố kết quả nghiên cứu ban đầu đề tài: “Vài nét về những người nữ yêu người nữ”. Phỏng vấn sâu hơn 30 người ở Hà Nội với nghề nghiệp đa dạng, trong độ tuổi 7x và phần lớn là 8x hoặc đầu 9x, những người thực hiện đề tài nhận thấy đa số những người nói trên giữ bí mật với gia đình; chỉ có một số nhỏ chủ động “lộ diện”. Bên ngoài xã hội, số đông những người được phỏng vấn cảm nhận sự kì thị đối với xu hướng tính dục của họ. Trong khi đó, những người chưa lộ diện cho biết không phải trải qua sự kì thị, phân biệt hướng đến mình. Nếu có, đó là sự kì thị gián tiếp như nghe lời bàn tán, xầm xì, dư luận,… [5].

3.3. Quan niệm về đồng tính nữ trong văn hoá

       Về hiện tượng đồng tính đã từng tồn tại những quan niệm khác nhau trong một số nền văn hoá, được phản ánh qua các truyền thuyết, thể hiện dưới các hình tượng thần thánh. Trong đó có quan niệm cho rằng con người lúc đầu là vô dục, duy tính nhưng dần dần dưới ảnh hưởng của những tác nhân xung quanh lên sự phát triển tâm lí mà cuối cùng nó được phân nhánh thành hai giới tính. Có ý kiến lập luận rằng con người mang những đặc điểm của hai giới tính luôn luôn hoàn hảo hơn là một giới tính. Đồng tính chính là biểu hiện trở về của một trật tự, một sự hài hoà ban đầu và là một thứ thiên đường. Trong thời kì chủ nghĩa lãng mạn, đồng tính trở thành đối tượng sáng tác của nhiều nhà văn và hoạ sĩ, nó thể hiện một mối quan hệ tương hỗ tinh tế, thông qua phương thức tư duy và tình cảm nữ tính – nam tính.

      Trong văn hoá người Việt, các chính quyền trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ đưa ra luật về quan hệ đồng tính. Luật Hồng Đức có đề cập đến hãm hiếp, ngoại tình và loạn luân nhưng không nhắc gì đến đồng tính. Ngày 7 tháng 3 năm 1998, hai người đồng tính nữ làm đám cưới tại Vĩnh Long, nhưng giấy xin phép kết hôn không được chấp nhận. Sau đám cưới này, Quốc hội thông qua đạo luật cấm hôn nhân đồng tính vào tháng 6 năm 1998.

      Mặc dù không được chính thức thừa nhận nhưng một số hoạt động xã hội của cộng đồng những người đồng tính nữ vẫn tồn tại và phát triển, với sự cố gắng của những cơ quan tổ chức để bảo vệ và hỗ trợ. Tháng 10 năm 2009, triển lãm tranh với chủ đề Góc nói về người đồng tính nữ đã diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội do diễn đàn bangaivn.net thực hiện, với sự hỗ trợ của CSAGA và Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về nữ đồng tính của CSAGA cũng cho thấy có nhiều người trong số họ thành đạt và có một công việc ổn định, mức lương cao, được xã hội tôn trọng.

      Ngày 25/2/2011 bộ phim tài liệu về đồng tính nữ đầu tiên tại Việt Nam có tên Đường nào đi tới biển? (Which way to the sea?). Lần đầu tiên, những hình ảnh thật, những sinh hoạt đời thường của chính những người trong cuộc được đưa lên màn ảnh. Bộ phim là một chuỗi tự truyện của 5 đôi bạn. Những cảm xúc, suy nghĩ, những mong muốn đưa ra trong bộ phim tài liệu cũng là những gì cộng đồng người đồng tính nữ muốn gửi gắm tới người xem. Không chỉ vậy, trong văn học nghệ thuật những năm gần đây, mảng đề tài này cũng khá được quan tâm và các nhân vật đồng tính nữ từng bước xuất hiện. Thành công nhất phải nói đến bộ ảnh The Pink Choice (2013) của nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật là Nguyễn Thanh Hải, đoạt giải nhất thể loại Contemporary Issues (Vấn đề đương đại) trong cuộc thi World Press Photo 2012. Tác giả trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng World Press Photo, một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Trong điện ảnh, người đồng tính ngày càng xuất hiện nhiều, hoành tráng thì lấy người đồng tính làm nhân vật chính như phim: Hot boy nổi loạn, Cảm hứng hoàn hảo, thường thường thì để nhân vật đồng tính điểm xuyết, chủ yếu tạo hài hước như phim: Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Vũ điệu đường cong,… Phim Việt dịp Tết 2013 Mĩ nhân kế cũng hé lộ mập mờ những cảnh thân mật của hai nhân vật nữ chính. Phần lớn, các đạo diễn muốn chuyển tải những góc nhìn đa dạng về thế giới người đồng tính, để người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về cộng đồng người còn chưa được xã hội công nhận rộng rãi này. Có nhiều bài hát được viết về tình yêu đồng tính trong đó Tình tuyệt vọng của nhạc sĩ Thái Thịnh, Chiếc bóng của nhạc sĩ Phương Uyên và Tìm lại chính tôi là những bài hát được công khai là viết về đồng tính luyến ái. Tuy xuất hiện có phần muộn màng hơn so với truyện đồng tính nam nhưng vai trò của những tác phẩm ấy cũng khá quan trọng. Hàng loạt các truyện ngắn mà chúng ta có thể kể đến như “Tôi là Les” trong tập Dị bản của Keng, “Bầy thú bông của Quỳnh” trong tập Mưa đời sau của Trần Thuỳ Mai. Những truyện ngắn trong tập Chuyện tình Lesbian và Gay của nhà nghiên cứu Nguyễn Thơ Sinh và đặc biệt là hai cuốn tiểu thuyết rõ nét nhất 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang và Les – vòng tay không đàn ông của Bùi Anh Tấn,…

3.4. Đồng tính nữ trong văn hoá ứng xử của người Việt

       Nhìn vào văn hoá ứng xử của người Việt với người phụ nữ và những quan tâm của xã hội đến đời sống của cộng đồng những người đồng tính nữ, những tưởng đồng tính nữ được đối xử một cách bình đẳng, được xã hội nhìn nhận bình thường, như những thành viên trong cộng đồng, chưa muốn nói là được sự thừa nhận hơn so với đồng tính nam, nhưng trên thực tế không hoàn toàn như thế. Trên các diễn đàn, những tâm sự về sự kì thị, phân biệt không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong bản thân gia đình của những người đồng tính. Trong gia đình, đó thường là phản ứng tiêu cực, đa số là ngăn cấm cả hai phía, giục giã thúc có bạn trai và lấy chồng, đôi khi tiến tới dùng bạo lực với nhiều hình thức khác nhau.

       Lí giải về điều này, cần tìm hiểu về thói quen và nhận thức trong cộng đồng. Trong quan niệm phổ biến về tình dục ở Việt Nam, chỉ có tình dục khác giới (dị tính) mới là tự nhiên và giao hợp qua âm đạo là thực hành phổ quát. Chỉ có tình dục khác giới và giao hợp âm đạo mới đem lại sự thoả mãn, mới là đúng đắn. Những gì liên quan đến tình dục nằm ngoài các chuẩn mực này là phi tự nhiên. Với những “chuẩn mực” như vậy, tình dục đồng giới là không thể hiểu được, là vô nghĩa và không chấp nhận được. Với số đông, đàn ông thì chỉ có thể thích phụ nữ và phụ nữ sinh ra là để dành cho đàn ông. Tình dục đồng giới vì vậy là kì cục, là không có giá trị. Và cũng chính sự phổ quát hoá tình dục khác giới dẫn đến sự phủ nhận giá trị của các khuynh hướng tình dục khác và cuối cùng là dẫn đến sự lên án các hành vi tình dục mà không phải là phổ biến trong xã hội. Trong cộng đồng, sự kì thị do vô tình hoặc cố ý thường được biết đến có nguyên do từ sự thiếu trách nhiệm và khả năng thấu hiểu tâm lí, nhưng có lẽ bắt nguồn sâu xa của các dạng kì thị này là sự nhận thức không đúng. Những cụm từ “em thấy nó”, “tôi cho rằng”, “mình nghĩ là” thường được nhắc đến khi nói đến người đồng tính. Một sự nhận định mang tính chủ quan và không rõ ràng, chủ yếu theo hình thức của tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa. Cụ tôi sợ gián, ông tôi sợ gián và tôi sợ gián mặc dù không cần biết con gián có thể làm gì mình và tại sao lại sợ nó. Nỗi sợ kiểu “mong manh” này trong tâm lí có nguồn gốc từ vô thức, mà không có căn cứ cũng như lí giải (tại sao sợ, làm gì nó mà phải sợ, mà có sợ thì làm gì để không sợ nữa?). Từ thủa xa xưa, nỗi sợ đấy chính là nguồn gốc của tín ngưỡng sơ khai, khi con người không lí giải được những bất thường của thiên nhiên (như sấm, chớp, mưa, gió) thì họ hay tôn thờ và thần thánh chúng. Ngày nay, khi khoa học phát triển, hầu hết cuộc sống con người được soi chiếu dưới lăng kính của khoa học thì việc để tồn tại những nỗi sợ kiểu “tôi sợ nhưng không hiểu vì sao tôi sợ” đã trở nên vô nghĩa và lạc điệu.

       Trong văn hoá người Việt mang tính trọng âm, việc “di truyền văn hoá” của thế hệ đi trước như việc trọng tình hơn trọng lí có ảnh hưởng tích cực trong nhận thức về giới, nên việc thừa nhận quan hệ đồng tính, đặc biệt là đồng tính nữ là điều có cơ sở. Có thể trong tâm thức mỗi người Việt, việc thừa nhận đồng tính nữ là điều chấp nhận được nhưng thực tế để vượt qua dư luận xã hội, những người xung quanh là điều không dễ dàng. Người đồng tính đến với nhau vì sự hấp dẫn về mặt tình cảm, về mặt tình dục bởi người cùng giới tính với mình một cách lâu dài. Sự ý thức giới tính của họ chỉ là sự ý thức của chính cá nhân đó về giới tính sinh học của họ. Sự thể hiện giới tính của họ qua các điệu bộ, cử chỉ, cách cư xử của cá nhân và từ đó liên quan đến sự tưởng tượng, mong mỏi, khao khát. Hay nói cách khác, đồng tính là sự ngưỡng mộ vẻ đẹp nội tại, niềm sung sướng tràn trề của từng cá thể và khi gặp nhau thì chia sẻ với nhau, cộng hưởng với nhau. Tình yêu luôn đẹp, thì không lí gì tình yêu của những người đồng tính lại không đẹp đẽ! Chẳng có lí gì lại nhìn họ bằng “con mắt khác”, giễu cợt hay kì thị. Điều đáng buồn là chính những người kì thị, phản đối nhiều khi cũng theo số đông, theo cái lí lẽ mà họ “cho là đúng”. Bằng ý chí chủ quan, họ muốn người đồng tính sống cuộc sống mà theo họ “cho là sẽ hạnh phúc”. Phần lớn trong số họ không quan tâm đến bản chất của sự việc, đến lí do quyết định chung sống của các cặp đồng tính, hay đến chính lợi ích của người mà họ “lên án”.

4. ……

       Như vậy, nghiên cứu văn hoá trong xã hội đương đại rất cần nói lên và lí giải những hiện tượng văn hoá trong cuộc sống, lấy con người làm trung tâm và vì giá trị, lợi ích của họ. Khi cuộc sống của mỗi cá nhân được tôn trọng, từng cá nhân tự quyết định và chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình thì những sự kì thị, ngăn cấm hay chối bỏ, can thiệp thô bạo vào đời sống người đồng tính là không công bằng, phản văn hoá. Hãy để cho những người đồng tính được nói lên tiếng nói của chính họ, được bày tỏ, bộc lộ những cảm xúc của mình và chính những điều đó mới làm nên cuộc sống thật, vì lợi ích của chính họ. Đối với nhiều nữ đồng tính, việc công khai giới tính của mình thực sự là một trải nghiệm khó khăn với nhiều trăn trở, thậm chí cả sự đánh đổi. Tuy nhiên, khát vọng sống như chính mình mong muốn vẫn chưa khi nào tắt trong trái tim họ. Vẫn còn một quãng đường dài để tiến tới cái nhìn tiến bộ hơn về đồng tính nữ. Quãng đường này sẽ rút ngắn lại khi có sự đồng hành của cộng đồng và chính sự nỗ lực của những người trong cuộc.

THƯ MỤC THAM KHẢO
  1. Nguyễn Trần Bạt, Văn hoá và con người, NXB Hội Nhà văn, 2011.
  2. Dương Phú Hiệp (chủ biên), Cơ sở lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá và con người Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2012.
  3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999, tr. 23.
  4. Nguyễn Đắc Toàn, Bình đẳng giới trong quan niệm một số tôn giáo ở Việt Nam, Nghiên cứu Văn hoá, số 2, trường Đại học Văn hoá Hà Nội, 2012, tr. 30.
  5. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Trung tâm Tư vấn & Thông tin tư liệu về bạo lực giới (CMRC), Chuyên san thông tin về bạo lực giới số 7, 2011, tr. 47.
  6. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, 2001, tr. 467.

PHẠM DUY ANH – PHẠM XUÂN THỊNH  – ĐINH VĂN HIỂN 1

__________
1. ThS, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

*: Tiêu đề do Ban Tu Thư thiết lập

(Visited 14 times, 1 visits today)