TRẦN ĐÌNH SỬ
Trich dẫn từ nhiều nguồn
… GS ĐẠI là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không hiểu về văn học. Tư duy của GS ĐẠI là “tư duy tự do”. GS HỒ NGỌC ĐẠI cho rằng, tư duy cũ thì không thấy được vấn đề gì hết.
Nói cụ thể về viết sách cho học sinh tiểu học, ông ĐẠI nêu ra quan điểm mỗi lớp chỉ dạy rất ít khái niệm mang tính cốt lõi. Theo ông ĐẠI, Tiếng Việt là môn khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có một khái niệm là tiếng. Lớp 2 là từ và câu, lớp 3 là ngữ, lớp 4, lớp 5 là bài.
Công nghệ kêu to
… Xem hướng dẫn của sách giáo viên thì cách dạy theo công nghệ là giáo viên thực hiện răm rắp theo sách giáo viên, y như người thợ dạy một cách máy móc. Thậm chí sách công nghệ cấm giáo viên thay đổi các quy định của sách. Giáo viên được hình dung như một robot, cho nên giáo viên lười và kém có thể thích sách giáo khoa này.
Sách Công nghệ Giáo dục không yêu cầu cha mẹ học sinh tham gia phối hợp. Về thực tiễn, nghe nói cách dạy này học chắc, không tái mù. Nhưng xin hỏi ai xác nhận điều này, có các khảo sát và đánh giá?
Chỉ là do các anh kêu to lên mà thôi. Yêu cầu học chữ không chỉ để chống tái mù. Theo tôi cần có sự kiểm định khách quan, có đối chứng với sách giáo khoa Tiếng Việt 1 khác mới khoa học. Tôi nghe nói Viện Khoa học giáo dục đã nghiên cứu Tiếng Việt 1 của Công nghệ Giáo dục, nhưng không đối chứng thì có giá trị gì?
Về lí thuyết, sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục có những khiếm khuyết nghiêm trọng không thể chấp nhận được.
Một là, sách Tiếng Việt 1 không phải là sách khoa học. Chỉ có ngành ngữ học, Việt ngữ học, ngữ âm học mới là khoa học. Còn sách giáo khoa Tiếng Việt là sách học tiếng Việt trong nhà trường, nhằm dạy học sinh đọc chữ, viết chữ đúng chính tả, đọc hiểu nghĩa, biết nói, viết các bài văn bằng tiếng Việt.
Nó có nội dung khoa học và các nội dung khác như đạo đức, thẩm mĩ, các tri thức cảm tính, các bài thơ, bài văn, không phải đều là khoa học cả. Xem sách giáo khoa Tiếng Việt 1 là khoa học là một ngộ nhận ấu trĩ. Học sinh lớp 1 chưa cần học khoa học cực đoan như thế.
Hai là, dạy học Tiếng Việt, dù dạy gì, đều là dạy học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt: đọc, viết, nói, nghe, suy nghĩ, không phải nghiên cứu tiếng Việt. Phương pháp của nó là phương pháp giao tiếp: đọc, viết, nói nghe, hỏi đáp những điều có nghĩa.
Còn chỉ học đọc âm, viết đúng chính tả mà không hiểu nghĩa, không biết nói thì đó là một yêu cầu quá thấp, không phải yêu cầu học tiếng. Sách thiếu hẳn phần kể chuyện, nói, nghe, chào hỏi.
Tôi biết chắc anh HỒ NGỌC ĐẠI chưa hề có một chương trình hoàn bị cho các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Cách dạy thực nghiệm của anh là nghĩ đến đâu dạy đến đó, chưa có hệ thống gì. Nếu ai không tin, đề nghị anh ĐẠI công khai chương trình đầy đủ của anh cho mọi người biết và nhận xét, thẩm định.
Và xin anh ĐẠI đừng tự huyễn hoặc rằng không ai có đủ trình độ thẩm định sách của anh. Đó là nói về chương trình, còn nhìn sách giáo khoa của anh thì người ta thấy còn lâu mới đạt được yêu cầu đó, vì như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ có quá nhiều sai sót ấu trĩ.
GS HỒ NGỌC ĐẠI đi đâu cũng nói sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ của ông là môn khoa học, đã là khoa học thì phải học khái niệm. Tiếng Việt 1 theo ông, chỉ học một khái niệm, đó là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Vậy chữ viết là gì? Là vật thay thế cho âm là vật thật.
Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa, bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ, mà theo ông đó là nội dung của lớp 2. Bài học của ông là một không gian chân không về nghĩa. Quy tắc chính tả là các quy ước.
Sách của ông dạy học sinh phân biệt âm và chữ, tập đọc vần và viết theo vần, kết hợp dạy chính tả và cố nhiên là học sinh biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm của sách giáo khoa này. Nhưng học sinh đọc mà không hiểu nghĩa là một thiếu sót lớn.
Yêu cầu vô lí, vi phạm Luật Giáo dục
Sách Tiếng Việt 1, theo GS HỒ NGỌC ĐẠI, đã được viết 40 năm nay, từng được đem sử dụng đại trà mà không qua thẩm định.
Năm 2017 Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định để khỏi phạm luật, Hội đồng đã chỉ ra nhiều bất cập, nhưng GS HỒ NGỌC ĐẠI đã không chấp nhận. Hội đồng cho phép sách của GS HỒ NGỌC ĐẠI chỉ được sử dụng cho đến khi có chương trình mới. Đến nay chương trình mới đã ban hành, sách của GS HỒ NGỌC ĐẠI đã hết thời hạn sử dụng.
Thế mà ông lại đem sách cũ, không sửa một chữ, đưa cho Hội đồng thẩm định, yêu cầu Hội đồng thẩm định thông qua. Hội đồng thẩm định đánh giá không đạt, ông đã kêu với báo chí rằng Hội đồng thẩm định không đủ trình độ đánh giá sách của ông. Ông kêu với Thủ tướng, với Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để sử dụng vô điều kiện sách của ông cho năm học mới. Đó là môt yêu cầu vô lí, vi phạm Luật Giáo dục, mà ai cũng thấy, chỉ riêng ông là không thấy.
Sách Công nghệ Giáo dục của GS HỒ NGỌC ĐẠI hoàn toàn không phù hợp với nội dung, tinh thần và phương pháp dạy học của chương trình mới. Vì thế Hội đồng thẩm định Quốc gia đã bỏ phiếu là không đạt là hoàn toàn hợp lí. Song GS ĐẠI vẫn không bằng lòng.
Tôi nghĩ món nhuận bút của 900.000 bộ sách lớp 1 vô cùng hấp dẫn và GS ĐẠI không thể từ bỏ, cho dù nó vô lí đến mức nào.
Lời phát biểu của tôi trong cuộc đối thoại đúng là hơi gay gắt một chút, nhưng do tình huống. GS HỒ NGỌC ĐẠI cho rằng các hội đồng không tư duy khoa học, mà tư duy cảm tính. Ông cũng cho Hội đồng thẩm định tư duy như vậy cho nên không hiểu sách của ông, và ông không chấp như ông đã quen khinh bỉ mọi người.
Đến đối thoại này thực chất ông chỉ đòi hỏi được xuất bản sách trong năm học mới. Cách nói đó làm nóng bầu không khí.
(Nguồn: KHẢI MÔNG, Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam – nongnghiep.vn.)
GS HỒ NGỌC ĐẠI không sửa gì hết. Sách giáo khoa lớp 1 của Giáo sư gồm có 3 tập, Giáo sư in nguyên lại như vậy rồi giáo sư viết thêm một quyển tự học thứ tư mà chương trình là 420 tiết thì quyển mới của Giáo sư chỉ có 70 tiết thôi. Đó tạo thành một bộ sách vá víu, một cái hoàn toàn cũ, không đáp ứng theo yêu cầu, đồng thời là ghép thêm một sách mới. Chúng tôi không thể chấp nhận một sách giáo khoa như vậy để đem cho học sinh.
(Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV – vov.vn)
XEM THÊM:
◊ XÓA BỎ nền giáo dục cũ và XÂY DỰNG nền giáo dục mới.
GHI CHÚ:
◊ Nguồn: Công nghệ giáo dục đã làm được những điều diệu kỳ, Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV – vov.vn; Phải xóa bỏ nền giáo dục cũ xây dựng nền giáo dục mới, KHẢI MÔNG, Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam – nongnghiep.vn.
◊ Nguồn ảnh: Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng – sggp.org.vn.
BAN TU THƯ
09 /2020