Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT ở thế kỷ thứ 17 – Phần 1

Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT ở thế kỷ thứ 17 – Phần 1

NGUYỄN CUNG THÔNG1

     Phần này bàn về cụm danh từ “khoa học trong tiếng Việt từ thời bình minh của chữ Quốc ngữ đến nay.

1. Cụm từ ‘‘Khoa học’’ trong ‘‘Phép Giảng Tám Ngày’’

    Xuất bản năm 1651, Phép Giảng Tám Ngày (PGTN) ghi lại nhận xét của linh mục Alexandre de Rhodes về nền khoa học ở Ấn Độ – nơi ông ở ba năm rưỡi – và nền khoa học ở Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ 17 :

cumtu.khoahoc-phepgiang.tamngay-vietnamhoc.net
Hình 1: Cụm từ “Khoa học” trong”Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes, trang 108, năm 1651
phepgiangtamngay-bancheptay-vietnamhoc.net
Hình 2: “Phép giảng tám ngày” – Bản chép tay của Philiphê Bỉnh, năm 1801.

    Phần tiếng Việt – của trang 108 dịch chữ La-tinh scientiasluận phép học (PGTN ghi là lŏên hay luân – không có dấu nặng [1]). Danh từ scientia có các nghĩa là kiến thức, tri thức, kĩ năng và là gốc của tiếng Anh/Pháp science (khoa học). Danh từ chữ La-tinhscientia lại có gốc là động từ sciō (chữ La-tinh) nghĩa là biết, hiểu và có gốc tiền Ấn-Âu (Proto-Indo-European) – *skey- nghĩa là cắt ra, tách ra [2]. Nghĩa của từ gốc này không làm ta ngạc nhiên vì khi biết được A và B thì có nghĩa là ta phân biệt (tách ra) được A và B như hai thực thể khác biệt, nếu không được thì A và B chỉ là một thực thể. Điều này cũng tương đồng với động từ biết [3] trong tiếng Việt, so với biệt  別 (chia ra, phân ra). Tự điển Việt Bồ La không ghi dạng lŏên nhưng ghi dạng lüận cùng nhau (bàn luận với nhau) với cách dịch luận phép học có nghĩa hơn so với luân phép học, và còn hiện diện trong bản chép tay [4] quyển Phép giảng Tám ngày của linh mục Philiphê Bỉnh vào năm 1801.

CHÚ GIẢI :

[1]Luân phép học theo bản “Phép Giảng Tám Ngày(PGTN) – tủ sách Đại Kết, in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (Sài Gòn, 1961). Các tài liệu mà người viết đã đọc qua đều viết là luân phép học (theo PGTN nguyên bản thì đều không có dấu nặng).

[2]Tiếng Pháp (la) scie là cái cưa. Động từ savoir còn viết là sçavoir vào thời Trung cổ vì có liên hệ hư cấu (false regression) với scīre (chữ La-tinh) (~ biết). Schizophrénie là bệnh tâm thần phân liệt (tâm thần bị chia cắt/rối loạn).

[3]:  Theo các học giả Jerry NormanTsu-Lin Mei trong bài viết (1976) “The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence” thì ‘biết’ có gốc Nam Á (Austroasiatics) dựa vào một số ngôn ngữ Mân Nam, và nhập vào tiếng Hán là 捌 扒 bát (chia ra, phá ra). Tuy nhiên, theo học giả Laurent Sagart trong bài viết (2008) “The expansion of Setaria farmers in East Asia” thì ‘biết’ là nét nghĩa mở rộng từ động từ ‘biệt’, hay ‘biết’ có gốc Hán. Đây là một chủ đề rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

[4]:  Linh mục (LM) Philiphê Bỉnh (hay Thome Vicent Quỳnh Nhân?) đã ‘hiệu đínhPhép giảng Tám Ngày (PGTN) – như bỏ chữ cuốc trong “nước thiên trúc cuốc“, viết hoa chữ đại và thêm chữ phép vào câu “đại minh có lễ hơn thiên trúc cuốc“, bổn đổi thành vốn trong “bổn thói người nước ấy“, thêm chữ và đổi thứ tự chữ “lại coi” trong “lại coi phép về xác“… So sánh bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh và PGTN (nguyên bản 1651) cho thấy nhiều điều rất thú vị về sự khác biệt của tiếng Việt thế kỷ (TK) thứ 17 và cuối TK thứ 18 của Đàng Ngoài; td. – chỉ một đoạn nhỏ trên mà có nhiều thay đổi.
——————-

   Một điểm đáng nhắc ở đây là trong mục mạch trang 445 Tự điển Việt Bồ La (VBL), scientia (chữ La-tinh) được dùng để chỉ kiến thức: scientiam pulsus habere – tạm dịch (NCT) là có kiến thức về (khoa bắt) mạch của thân thể. Kiến thức về mạch có hàm ý là một bộ môn y học đã phát triển của Đông phương (thường hàm ý TH?) – cùng Tứ Thư Ngũ Kinh (TTNK) Trung Quốc – phần nào đã ảnh hưởng đến nhận xét của linh mục de Rhodes về luận phép học củaThiên Trúc(Ấn Độ) kém hơn ‘Đại Minh‘ – như nói bên trên.

   Định nghĩa của science (tiếng Pháp) – trong cuốn Tự điển Pháp-La-tinhDictionnaire françois-latin” của học giả Robert Estienne (Paris, 1549) – cho thấy khoa học vào thế kỷ thứ 16 chỉ là kiến thức hay lí thuyết tổng quát (tương tự như triết học /Philosophy), chưa có hàm ý là kiến thức/tập hợp các quan sát có hệ thống/khách quan, hay phương pháp thực nghiệm (kiểm chứng/thí nghiệm), cũng như đề xuất lí giải một vấn đề nào đó – như cách hiểu hiện đại.

tudien.vietbola-vietnamhoc.net
Hình 3:  Tự điển Việt Bồ La, trang 445 của Alexandre de Rhodes.

2.  Nghĩa của “khoa học” vào thế kỷ thứ 16, 17 và hiện tượng nhật thực (theoPhép giảng Tám ngày”)

2.1  “Scientia” (chữ La-tinh) có nhiều nghĩa :

    Như đã viết bên trên, khoa học (scientia /L) của Tây phươngtri thức, kĩ năng lí luận và gần với toán học (mathematics /A)triết học tự nhiên (natural philosophy /A) hơn vào thế kỷ thứ (TK) 16, và có nghĩa khác với cách hiểu khoa học vào TK 20 và TK 21 hiện đại.

    Học giả Phạm Quỳnh đã tóm tắt tình trạng trên như sau: “Ở Âu-châu, kể từ đời cổ đại cho đến cuối thế-kỉ thứ 15, triết-họckhoa-học vẫn thường gồm làm một. Về đời Hi-lạp cùng về đời Trung-cổ, triết-học với khoa-học không phân biệt nhau bao giờ. Tự đời Cổ-học-phục-hưng (Renaissance), nhất là từ ông Descartes thì triết-học tức là khoa-học ngày nay, cái mục-đích, cái tôn-chỉ, cái phương-pháp cũng thế. Cái phương-pháp của ông Descartes cũng như cái thực-nghiệm phương-pháp ngày nay, chủ sự hỗn hợp cả khoa-học cùng triết-học(hết trích – Nam Phong Tạp Chí số 2, tháng 8 năm 1917, trang 98).

    Khoa học vào thời linh mục (LM) de Rhodes bao gồm nhiều ngành “khoa họcchuyên sâu của thời nay; do đó! mới có hiện tượng những nhân vật nổi tiếng như Leonard da Vinci (1452-1519) ra đời – Ông là một thiên tài toàn năng (polymath /A): kĩ sư, nhà thiên văn, bác sĩ, nhà giải phẫu, nhà phát minh, kiến trúc sư, họa sĩ, nhạc sĩ … Đặc biệt là những khám phá mới về thiên văn – như – từ Nicolaus Copernicus [1] (1473-1543), Johannes Kepler [2] (1571-1630) – đã cho ta hiểu rõ hơn về hệ mặt trời (thái dương hệ).

CHÚ GIẢI :

[1]Copernicus (1473-1543) là nhà toán học, thiên văn học, luật gia, học giả kinh điển, nhà cai trị, viên chức hành chính, nhà ngoại giao, nhà kinh tế (~ ông là một polymath). Ông đưa ra giải thích là trái đất chỉ là một hành tinh quay xung quanh mặt trời một vòng trên một năm, và quay quanh trục một vòng trên một ngày. Thuyết này hoàn toàn trái ngược với cách giải thích là mặt trời quay quanh trái đất trong Cựu Ước (Joshua 10:13).

[2]Kepler (1571-1630) là một nhà toán học, thiên văn học và chiêm tinh học (~ ông là một polymath). Ông tìm ra các luật chi phối chuyển động của các hành tinh trên quỹ đạo quay quanh mặt trời (định luật mang tên ông).

—————

     Thí dụ như Phép giảng Tám ngày (PGTN)trang 228giải thích tại sao có hiện tượng nhật thực nguyệt thực, phản ánh kiến thức mới nhất về thiên văn khi LM de Rhodes sang An Nam truyền đạo. Giải thích ‘khoa học’ này đã không thay đổi bao nhiêu sau 400 năm – so với nội dung của các sách giáo khoa bây giờ cũng không khác mấy – xem chi tiết trong hình 4 :

phepgiang.8ngay-vietnamhoc.net
Hình 4:  “Phép giảng Tám ngày” của Alexandre de Rhodes, trang 228, năm 1651.

2.2  Nhật thực /Nguyệt thực  theo “Phép giảng Tám ngày

     Nhật thực (nhệt /VBL) 日食 là khi mặt trời bị mặt trăng che khuất. VBL (trang 782) ghi lại truyền thuyết dân gian [1] là gấu (hay rồng lớn) nuốt mặt trời, nên có thể cứu vớt bằng tiếng mõ, chuông, nhạc hay súng đại bác để đuổi rồng đi. PGTN (trang 228) giải thích rất rõ hiện tượng nhật thực từ vị trí của mặt trăng, mặt trời và trái đất – đây là kiến thức khoa học thực nghiệm y như trình độ ngày nay – tương phản với truyền thống mê tín dị đoan của triều đình An Nam [2] cùng lương dân thời bấy giờ. Quan niệm/triết lý về trời đấtAn Nam vào thời VBL cũng rất khác với khoa học phương Tây mà LM de Rhodes đã đem đến An Nam. Vào thời VBL, giả thuyết – trái đất quay chung quanh mặt trời chỉ mới được Galileo (1564-1642) phát triển mạnh sau thời Copernicus – đến nỗi tạo nhiều xung đột với Tòa thánh La Mã! Kiến thức khoa học về thiên văn – như ghi nhận trong PGTN – đáng được coi là kiến thức khoa học có giá trị (tồn tại) cho đến ngày nay vậy.

CHÚ GIẢI :

[1]:  Truyền thuyết ở Trung Hoa cũng giống như ở Viêt Nam: nhật thực xảy ra khi con rồng ăn/nuốt mặt trời (nhật là mặt trời, thực là ăn – VBL còn ghi – con rồng lớn gọi là gấu) và để đánh đuổi rồng đi thì đánh trống/chuông hay chậu/nồi, đốt pháo hay bắn tên lên trời. Còn dân tộc Peru, con rồng thay bằng một con báo khổng lồ trong khi người Viking – cướp biển vùng Bắc Âu – tưởng tượng ra một cặp sói trời

     Một số nền văn hóa còn coi nhật thực là một điềm báo tai họa khủng khiếp như ngày tận thế – sự chết chóc sẽ đến. Thành ra! không ngạc nhiên! khi nhật thực là một đề tài nóng của đại chúng cũng khá nhạy cảm, đáng được quan tâm! như trong bài này.

[2]:  Thật ra! không phải vua chúa nào cũng tin vào điều dị đoan trên! vua Lê Duy Kì (năm 1631) chỉ trai giới mà không hô cứu mặt trời. Ông nghĩ rằng nhật thực hợp với bản mệnh. Vua Lê Duy Kì có tư tưởng phóng khoáng và ‘lịch lãm’ nên dễ nhận ra những truyền thống tiêu cực như vậy (tham khảo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư /sđd).

—————

   Thử xem lại ! hiện tượng nhật thực (solar eclipse [1] /A) – hình bên dưới được trích từ trang http://www.pas.rochester.edu/~blackman/ast104/eclipses.html (Sun /A = mặt trời, Moon /A = mặt trăng, Earth /A = trái đất, Path of totality /A = vùng ảnh hưởng của nhật thực toàn phần trên mặt đất) – dựa trên cách giải thích rất chi tiết trong PGTN (trang 228): “vì sự ấy nhật thực [2] có đến ngày ba mươi, hay là mồng một mà thôi“; đây là giai đoạn mà trái đất ở giữa mặt trời và mặt trăng (xem hình nhật thực bên dưới /NCT). Tuy nhiên! cách giải thích về nhật thực trong PGTN (khi chúa Giêsu bị đóng đanh trên thánh giá) có vấn đề, vì nhật thực không thể kéo dài đến ba tiếng đồng hồ được (tối đa là 7 phút 31,1 giây vì vận tốc tương đối của mặt trăng [1]) cũng như khó xảy ra vào mùa lễ Vượt Qua /Passover /A của dân Do Thái! Có lẽ ! trời bị tối trong vòng ba giờ là kết quả của một trận động đất rất lớn hay núi lửa hoạt động mạnh khiến mây che phủ (do nhiều khói bụi từ lòng đất phun ra) chăng?

nguyetthuc-vietnamhoc.net
Hình 5: Hiện tượng Nguyệt thực

CHÚ GIẢI :

[1]:  Đường kính của vòng tròn nhật thực toàn phần trên mặt đất là vào khoảng 112,6 km (vào năm 2017 – không thay đổi nhiều so với cách đây 2000 năm); và, bán kính trái đất là 6371 km (bán kính trung bình). Do đó! thời gian cho vòng tròn nhật thự toàn phần đi qua một điểm trên vòng tròn lớn của trái đất là (112,6 /(2 x π x 6371) x 24 x 60 = ) 4,1 phút.

CHÚ GIẢI :

[1]Tây phương giải thích nhật thực là sự che lấp mặt trời – như solar eclipse /A hàm ý mặt trời bị che (mất đi, biến đi /không thấy được ~ eclipse /L/A/P) – bởi mặt trăng khi nhìn từ trái đất; không liên hệ đến việc ăn (thực).

[2]Thuyết Văn Giải Tự 日蝕則朔,月蝕則望 có ghi: nhật thực tắc sóc, nguyệt thực tắc vọng (sóc là mồng một âm lịch, vọng là ngày rằm /ngày 15 âm lịch). Không thấy VBL, PGTN và các Bản Nôm của LM Maiorica bàn về nguyệt thực! có lẽ! nguyệt thực thường dễ quan sát hơn (vì diện tích mặt đất che ánh sáng đến mặt trăng lớn rất nhiều so với lúc có nhật thực) và thời gian có nguyệt thực lâu hơn – cũng như là có vào ban đêm – nên không gây ấn tượng đặc biệt như nhật thực. Để ý rằng người Việt Nam có phong tục thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa và ăn chay vào ngày mùng một và ngày rằm.

2.3  Nhật thực/Nguyệt thực  theo Báo cáo của LM Cristophoro Borri (1621)

    Trong bản Báo cáo về Đàng Trong (tiếng Ý , năm 1621- đã mất 16 trang – trang 167 -182), LM Cristophoro Borri viết về hiện tượng nhật thực /nguyệt thực cùng các tục lệ /tín ngưỡng có liên quan. Vào đầu TK 17 – như đã ghi nhận ở trên – thiên văn học Âu châu đã có nhiều tiến bộ vượt bực – trong đó – dĩ nhiên là có khả năng tiên đoán nhật thực/nguyệt thực. LM Borri (1583-1632) dạy Triết học (và có thể Toán học)Trường Brera của Dòng Tên (Milan) trước khi sang Đàng Trong truyền đạo, nên các nhận xétkhoa học‘ của ông – trong Bản báo cáo năm 1621 – rất đáng được quan tâm. Các ghi nhận trên có nhiều nội dung khách quan hơn so với cách giải thích vắn tắt của LM de Rhodes trong PGTN. LM Borri giải thích nguyệt thực bằng chính câu nói của người Việt, cũng là một trong những câu kí âm tiếng Việt bằng chữ La-tinh đầu tiên – “Da an nua, da an het” (đã ăn nữa, đã ăn hết [1]) – có nghĩa là con rồng đã ăn nửa mặt trăng, con rồng đã ăn hết mặt trăng – xem hình chụp nguyên bản được in vào năm 1631 :

CHÚ GIẢI :

[1]Kí âm tiếng Việt thời này không có thanh điệu và ngắt câu không rõ ràng (dấu phẩy dùng sau từng chữ). Phần này của Bản báo cáo có các dạng kí âm tiếng Việt là “Da, an, nua, da, an, het” và “Omgne(ông nghè).

————

   LM Borri cũng nhận xét về khả năng tiên đoán nguyệt thực của các nhà thiên văn Đàng Trong như sau: “Chúa có các nhà thiên văn của chúa. Hoàng tử có các nhà thiên văn của hoàng tử. Những người này chuyên chú học hỏi để rồi thông báo cho đúng thời kỳ có thiên thực. Nhưng họ không có bộ lịch cải cách và những khoa chuyên nghiệp bàn về sự vận chuyển của mặt trời và mặt trăng nên họ thường tính rất sai về mặt trăng và nguyệt thực, do đó thường thường họ nhầm tới hai hay ba giờ và nhiều khi, tuy hiếm hơn, tới một ngày trọn, còn họ chỉ tính đúng về điều chính yếu của thiên thực(trích từ bản dịch của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên /Nguyễn Nghị /sđd).

baocao.dangtrong-christophoro.borri-vietnamhoc.net
Hình 6 : Bản Báo cáo về Đàng Trong (tiếng Ý , 1621) của LM Cristophoro Borri.

     LM Borri cũng nhận xét về khả năng tiên đoán nguyệt thực của các nhà thiên văn Đàng Trong như sau: “Chúa có các nhà thiên văn của chúa. Hoàng tử có các nhà thiên văn của hoàng tử. Những người này chuyên chú học hỏi để rồi thông báo cho đúng thời kỳ có thiên thực. Nhưng họ không có bộ lịch cải cách và những khoa chuyên nghiệp bàn về sự vận chuyển của mặt trời và mặt trăng nên họ thường tính rất sai về mặt trăng và nguyệt thực, do đó thường thường họ nhầm tới hai hay ba giờ và nhiều khi, tuy hiếm hơn, tới một ngày trọn, còn họ chỉ tính đúng về điều chính yếu của thiên thực(trích từ bản dịch của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên /Nguyễn Nghị /sđd).

     Danh từ scienza (tiếng Ý, có gốc scientia – chữ La-tinh cùng nghĩa như đã bàn ở trên) cũng xuất hiện trên trang 182 khi LM Borri bàn về khoa học thiên văn. Bản báo cáo còn ghi lại câu chuyện của các nhà thiên văn địa phương (gọi là tư thiên 司天 ~ thiên văn ~ toán học bây giờ) tính sai thời điểm nguyệt thực – do đó bị giảm bổng lộc – so với cách tính của các giáo sĩ Tây phương thì chính xác hơn: “Họ công bố sẽ có nguyệt thực vào ngày Rằm nghĩa là một ngày trước khi xảy ra nguyệt thực thực sự. Cha Francois de Pina lúc đó đang ở trong phủ, cha báo tin cho một cận thần, ông này ở gần hoàng tử hơn các vị khác, lúc nào cũng theo ngài với tính cách người chủ nghi lễ, và theo chức vụ được gọi là ông nghè, và nhờ vị này thưa với ngài là nguyệt thực không thể xảy ra vào thời điểm như nhà chiêm tinh đã loan báo, mà là vào ban đêm hôm sau như cha Cristoforo Borri [1] đã nói. Cha nhờ ông cho chủ ông là hoàng tử biết tin đó và cũng cho ngài thấy sự sai lầm của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông nghè chưa tin lời cha cho lắm. Vì không hoàn toàn tin tưởng nên cũng không muốn nói. Thế rồi đến giờ các nhà chiêm tinh đã đoán thì chúa và cả phủ ra xem nguyệt thực theo cách thức của họ và cứu mặt trăng mà họ tưởng là sắp bị ăn. Nhưng thấy rõ là đã bị lừa, ngài rất giận các nhà toán học và truyền bớt một tỉnh lợi tức họ đã được theo tục lệ chúng tôi đã nói trên, khi họ tính sai” (trích từ bản dịch của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên /Nguyễn Nghị /sđd).      Bài viết này dành một phần bàn về nhật thực và nguyệt thực – vì đây là một hiện tượng thiên nhiên mang nhiều sắc thái thú vị như từ tín ngưỡng cổ truyền, văn hóa dân tộc (thiên về trừu tượng) cho đến khoa học tự nhiên (thiên về đo lường chính xác). Dựa vào hình học của các thiên thể (xem hình minh họa nhật thực ở trang trước), hiện tượng nhật thực chỉ có thể nhìn thấy ở một số địa điểm trên bề mặt trái đất. Đây cũng là kết quả của góc thị sai [1] mà LM Borri đã nhắc đến trong trang 178: “Tôi cho họ biết rằng chắc chắn sẽ có nhật thực và không gì xác đáng hơn. Chúng tôi cho họ coi đường vẽ trong lịch của chúng tôi. Nhưng tôi cố ý không nói cho họ biết là vì thị sai của mặt trăng với mặt trời nên trong xứ Đàng Trong không thể trông thấy được. Họ không biết thế nào là thị sai. Do đó theo sách và cách tính của họ, họ thường nhầm lẫn, không tìm đúng thời điểm” (sđd). Đây cũng là một ‘điểm son’ dành cho các giáo sĩ Tây phương đến Á châu vì đã mang theo một số kiến thức từ khoa học thực nghiệm [2] (như Thiên văn học, Hình học) có khả năng tiên đoán trung thực hơn. Kết quả tích cực trên còn tương phản với kết quả từ quá trình truyền đạo Cơ Đốc – một tôn giáo rất khác biệt so với các tín ngưỡng địa phương (như Tam giáo – Phật, Lão và Khổng giáo).

CHÚ GIẢI :

[1] Trong bản báo cáo, thị sai ghi là paralasse (tiếng Ý) so với parallax/A, parallaxe/P có gốc Hi Lạp là παράλλαξις (parállaxis ~ thay đổi, hay sự khác biệt vị trí một vật khi nhìn từ các góc khác nhau và dẫn đến sai số khi tính toán/đo lường. Vì thế mà thị sai được cho là một “tiêu chuẩn vàng” để đo khoảng cách, nhất là giữa các thiên thể trong vũ trụ.

[2] Cuối TK 16 và đầu TK 17, các giáo sĩ dòng Tên như Matteo Ricci đến truyền đạo ở TQ và đem theo một số kiến thức khoa học cập nhật về thiên văn học, toán học… Triều đình đương thời nhận thức được sự khác biệt và kết quả tích cực từ giao lưu này (td. tiên đoán nhật/nguyệt thực, chỉnh sửa thời gian cho âm lịch thêm chính xác hơn). Cũng vì thế mà các chúa Trịnh và Nguyễn cũng có lúc ưu đãi giáo sĩ Tây phương so với những khi cấm đạo ở VN.

[1]Bản báo cáo (tiếng Ý) có ghi tên hai LM là Christoforo Borro (hay Christoforo Borri)Francesco Pina.

   So sánh với kiến thức về thiên vănĐông Á qua Tự điển VBL :

   VBL lặp lại 3 lần câu “Thiên viên địa phương ~ trời tròn đất vuông” trong mục thiên (trang 763), viên (trang 869) phương (trang 610). Điều này phản ánh niềm tin (về thiên văn) này rất phổ thông [1] – vào TK 17 ở An NamTrung Hoa, ngay cả các ‘nhà toán học’ ở các nước này cũng tin như vậy (theo VBL).

thienvien-troitron.datvuong-tudien.vietbola-vietnamhoc.net
Hình 7 : “Thiên viên địa phương – Trời tròn Đất vuông(VBL, trang 610)

CHÚ GIẢI :
[1]Thiên viên địa phương 天圓地方 là khái niệm cơ bản của thiên văn, vũ trụ học, địa lí, phong thủy của văn hóa Trung Quốc trên hai ngàn năm nay cũng như văn hóa Việt Nam. Thuyết âm dương cũng dựa vào hình tròn (động ~ dương) hình vuông (tĩnh ~ âm) để so sánh các cặp mẹ cha (âm dương), đất trời, bắc nam, …

Các chữ viết tắt

Nguyễn Cung Thông (NCT),
HV (Hán Việt),         
VN (Việt Nam),
ĐNA (Đông Nam Á),
LM (Linh Mục),
CG (Công Giáo),
PG (Phật Giáo),
NT (Ngọc Thiên/543),
TVGT (Thuyết Văn Giải Tự /khoảng 100 SCN)

ĐV (Đường Vận/751),
NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự /776),
LKTG (Long Kham Thủ Giám /997),
QV (Quảng Vận /1008),
TV (Tập Vận /1037/1067),
TNAV (Trung Nguyên Âm Vận /1324),
CV (Chính Vận /1375),
TVi (Tự Vị /1615),
VB (Vận Bổ /1100/1154),

VH (Vận Hội /1297),
LT (Loại Thiên /1039/1066),
CTT (Chính Tự Thông /1670),
TViB (Tự Vị Bổ /1666),             TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải),
KH (Khang Hi /1716),
P (tiếng Pháp),
A (tiếng Anh),
L (tiếng La Tinh).

Bị chú

+ Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La-tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.
Tương quan Hán Việt – được ghi nhận trong bài – không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

GHI CHÚ :
◊  Nguồn:  Tác giả NGUYỄN CUNG THÔNG gửi bài trực tiếp về email bantuthu1965@gmail.com
◊  Các chữ nghiêng, chữ in, chữ màu, chữ đậm và các tiêu đề do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.

MỜI XEM :
◊  Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT thế kỷ thứ 17 – Phần 2.

BAN TU THƯ
5/2022

(Visited 51 times, 1 visits today)