Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT thế kỷ thứ 17 – Phần 2

Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT thế kỷ thứ 17 – Phần 2

NGUYỄN CUNG THÔNG1

… tiếp theo Phần 1 :

3.  Cụm từ “Khoa học” qua các Tự điển của BéhaineTaberd

     Vào cuối TK 18, danh từ scientia (chữ La-tinh) càng trở nên thông dụng hơn, đặc biệt là từ thời kì cách mạng công nghiệp (Industrial revolution) lần thứ nhất. Các ngành khoa học đạt tiến bộ hơn và chuyên sâu hơn và cùng hỗ trợ cho đà tiến của cách mạng công nghiệp. Đến thời Aubaret (1867, sđd) thì science /P được dịch là sự thông thái – cũng như định nghĩa của Taberd.

     Một danh từ Hán Việt (HV) xuất hiện trong Tự điển Béhaine (1772 /1773) và sau đó Taberd (1838) chép lại, đó là cách vật 格 物 nghĩa là philosophia [1] /L (triết học theo tiếng Việt hiện đại). Cách vật (HV) hàm ý truy cứu cái lí [2] của sự vật – cũng như khoa học ngày nay – cách dùng này đã xuất hiện vào cuối thời nhà Thanh. Không thấy tài liệu – được viết bằng chữ Quốc ngữ hay chữ Nôm nào – dùng cụm từ khoa học cho đến đầu TK 20. Một số cách dùng từ đáng chú ý vào thời linh mục BéhaineTaberd cho đến thời nay :

+  Người cách vật cùng lí ~ cùng lí đích nhơn ~ quân tử (nhà khoa học hay khoa học gia theo tiếng Việt hiện đại).
+  Kẻ thông phép cách vật (nhà triết học hay triết gia theo tiếng Việt hiện đại).
+  Trượng lượng pháp ~ phép đo (phép trắc địa, kỉ hà học /hình học theo tiếng Việt hiện đại).
+  Sự biết, hay, thông minh, trí ~ khoa học (theo tiếng Việt hiện đại).


CHÚ GIẢI :

[1]Tiếng La-tinh Philosophia có gốc từ tiếng Hi Lạp φιλοσοφία (philosophía): φῐ́λος (phílos, yêu thích) +‎ σοφός (sophós, năng khiếu, kiến thức). Philosophia có hàm ý là yêu thích và theo đuổi (học hỏi) về kiến thức.

[2]:  Hay còn gọi là cùng lí 窮 理, nhưng không có hàm ý thực nghiệm như khoa học hiện đại. Thí dụ như trong Kinh Dịch có câu: Cùng lí tận tính, dĩ chí ư mệnh 窮 理 盡 性, 以至 於 命 (Thuyết quái 說 卦) ~ Suy tận gốc cái tính để rõ cái mệnh.

————

4.  Cụm từ “Khoa học” từ cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 cho đến nay

     Giữa TK 19, các nước ở Đông Á bị áp lực từ các nước Tây phương về thương mại và quân sự, dẫn đến việc Pháp chiếm Nam Kì vào năm 1859. Nhật Bản đã thay đổi chế độ Mạc phủ Tokugawa và tiếp nhận văn hóa Tây phương một cách có hệ thống với thời kì Minh Trị (1868-1912). Khẩu hiệu [1] quốc gia “Phú quốc cường binh(fukoku kyohei 富 国 強 兵) được đề cao nhằm khai thác tâm lí chủ nghĩa quốc gia cùng lo sợ Nhật Bản sẽ thua kém và trở thành thuộc địa của phương Tây – nếu không chịu canh tân. Nhiều học sinh và phái đoàn được gởi qua Âu châu để học quản trị hành chánh, kinh tế, kỹ thuật và khoa học. Hệ thống giáo dục, quân sự và tòa án Nhật Bản cũng bắt đầu thay đổi theo khuôn mẫu Tây phương. Trong số sinh viên/cán bộ gởi qua Âu châu (Hà Lan) có triết gia Nishi Amane (西周,1829-1897). Về nước, ông biên dịch và xuất bản nhiều tài liệu như cuốn “International law(Luật quốc tế, 1868)Nishi là hội viên sáng lập của Minh Lục Xã với Minh Lục Tạp Chí – một tạp chí chuyên viết về các tư tưởng cấp tiến Tây phương, dẫn đến một số thuật ngữ bằng tiếng phương Tây phải được dịch ra tiếng trong nước để cho dễ hội nhập hơn; thí dụ như “khoa học” chẳng hạn. Ông được nhiều người biết đến là người đã chế ra cụm danh từ “triết học” 哲 学 – lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1873 để dịch chữ Philosophy /A (Philosophia /L) – danh từ này dựa vào hai chữ Hán triết (trí tuệ, thông minh)học 学 學 (nghiên cứu, học tập). Sau này, cụm danh từ này – xuất phát từ Nhật Bản [2] – đã trở thành cách dùng phổ thông và chuẩn ở Trung Quốc, Việt NamHàn Quốc (철학cheolhag). Trong chuỗi bài viết “Tri thuyết“, học giả Nishi cho rằng khoa học chú trọng đến quá trình tìm ra sự thật (chân lí 真 理 – tiếng Nhật là shinri) – một chủ đề thường nằm trong phạm vi trừu tượng của tôn giáo và cổ học Trung Hoa mà nó rất khác với cách nhìn khoa học đương thời. Ông nhận xét rằng khoa học Tây phương đạt tiến bộ nhờ vào phương pháp thí nghiệm 試 驗 (shiken tiếng Nhật) đến từ kinh nghiệm hay từ sự quan sát. Ông thường dùng các từ quan trọng trong bài viết của mình như thí nghiệm, giảng cứu (講究 kokyu tiếng Nhật, hàm ý tìm tòi ~ nghiên cứu), kinh nghiệm, thị sát (視 察 shisatsu tiếng Nhật, hàm ý quan sát). Tất cả đều cho thấy phương pháp khoa học thực nghiệm và tìm ra nguồn gốc (chân lí) một cách khách quan – xem thêm nhiều chi tiết trong bài viết “Dreams of Science and Truth” của học giả Suzuki Shūji (trong cuốn “The Emergence of the Modern Sino-Japnese Lexicon – Seven Studies”, sđd). Học giả Phạm Quỳnh cũng có cùng nhận xét trong các bài viết về khoa học của phương Tây (đăng trong Nam Phong Tạp Chí) – xem chi tiết ở phần dưới.


CHÚ GIẢI :

[1]:  “Phú quốc cường binh” là một trong những chính sách của nhà Tần thời Tam QuốcTrung Hoa. Khẩu hiệu này thay thế khẩu hiệu “Tôn hoàng nhương di” 尊 皇 攘 夷 (Sonnō jōi, tôn trọng vua và đuổi dân mọi rợ – hàm ý cấm Tây phương đặc biệt là Công giáo vào Nhật Bản).

[2]:  Từ thời Minh Trị, một số thuật ngữ Tây phương cũng bắt đầu xuất hiện dựa vào chữ Hán và được gọi là Hòa chế Hán ngữ 和 製 漢 語 – td. cách mạng, nông dân, lịch sử, xã hội, xuất bản, thị trường, kinh tế, thời gian, tương đối, tuyệt đối, văn hóa, đầu tư, khoa học, triết học … – Xem thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – từ nhà thương đến nhà thương xót, nhà tình thương, bệnh viện” (phần 25) – cùng một tác giả /NCT.
————-

4.1  Cụm từ “Khoa học” ra đời và trở thành phổ thông ở Nhật Bản

     Có nhiều cách giải thích thời gian và bối cảnh của cách dùng từ “khoa học” xuất hiện trước nhất, nhưng đa số đều đưa ra khoảng thời gian là năm 1874 và trong tờ Minh Lục Tạp Chí – qua loạt bài báo gồm 5 bài liên tục – của học giả Nishi Anime – với chủ đề “Tri thuyết” 知 說 (~ kiến thức). Trước khi cụm danh từ “khoa học” được chấp thuận và sử dụng một cách ổn định thì tài liệu cùng báo chí Nhật Bản viết nhiều về các môn/ngành khoa học (hay thời Nishi gọi là học vực 學 域) và phương pháp khoa học cùng thực nghiệm. Tư duy hay cách suy nghĩ dựa vào khả năng quan sátkiểm nghiệm thật là khác lạ với tư duy truyền thống của Đông phương – hầu như tôn trọng ‘sự thật’ tuyệt đối trong các tài liệu cổ Trung Hoa như Tứ Thư Ngũ Kinh chẳng hạn. Từ đó vấn đề duy trì lễ nghĩa/truyền thống đã trở thành ưu tiên so với các hoạt động khác. Ở Nhật Bản Trung Quốc vào cuối TK 19 càng ngày càng có nhiều các bài báo và tài liệu – được dịch ra từ tiếng Âu châu – đả phá kịch liệt học thuật cổ hũtư duy từ chương. Vết tích của truyền thống trọng nghĩa khinh tài của Đông phương còn hiện diện qua một số tục ngữ ca dao Việt Nam như “Tiên học lễ hậu học văn” hay “Áo mặc sao qua khỏi đầu“, …, v.v… Thành ra các nhân tố chủ quan và khách quan đã chín mùi để các nước Đông Á bắt đầu có nhu cầu nhập cảng món hàng ngoại quốc ‘khoa học‘ vào ngôn ngữ văn hóa bản địa.

4.2  Cụm từ  ‘Khoa học‘ đến Trung Quốc

     Thật là thú vị khi các học giả – sử dụng danh từ “khoa học” hay phương pháp khoa học (Tây phương) – lại là các nhà báo, triết gia[1] như Fukuzawa Yukichi (1835-1901), Nishi Anime (1829-1897); do đó! cũng không gây ngạc nhiên khi nhà báo/học giả Lương Khải Siêu (LKS) (1873-1929) là một trong những người đầu tiên dùng từ này ở Trung Hoa vào cuối thập niên 1890. Khi LKS ra đời thì cụm danh từ “khoa học” chỉ mới bắt đầu phôi thai ở bên Nhật. Sau này! trong Thời Vụ Báo 時 務 報 (1896-1898) xuất bản ở Thượng Hải, ông viết nhiều bài ca tụng tư tưởng khoa học của Tây phương – như trong chương Biến Pháp Thông Nghị 變 法 通 議, ông viết – tạm dịch (NCT): “Nếu khoa học không được canh tân, thì các bậc thông minh chỉ cần thuộc lòng các câu từ Kinh Sách để cho đỗ đạc và được danh phận bổng lộc, còn những người gặp khó khăn trên đường khoa cử thì phải làm sao? Nếu hệ thống hành chánh/chính quyền không canh tân thì làm sao mà việc học trở thành hữu dụng được“. Trong đoạn trên, LKS đã cố tình dùng cụm danh từ “khoa học” nhập từ tiếng Nhật, cũng như một số khái niệm mới (Tây phương) khác được lấy từ tài liệu bên Nhật với mục đích thay đổi tư duy từ chương của đại chúng. Thầy của LKS – là học giả Khang Hữu Vi (1858-1927) – cũng dùng cụm danh từ “khoa học” thường xuyên trong các bài viết của ông để cổ vũ phong trào duy tân cùng với LKS. Nhờ vào các bài báo và sách vở viết về học thuật Tây phương của các học giả tiên phong này mà một số nhà ái quốc đã hấp thụ tư tưởng cải cách dễ dàng hơn và trở thành những nhà duy tân vào đầu thế kỉ 20 – dĩ nhiên trong đó có Việt Nam. Hãy nghe tâm sự của LKS – được ghi lại trong Tân Dân Tùng Báo 新 民 叢 報 (1902, xuất bản ở  Yokohama) – khi ông còn tị nạn ở Nhật (từ năm 1898 đến năm 1912): “Hai hay ba thế kỉ trước, TH không có triết học, chính trị học, kinh tế học (gọi là 生計學 sinh kế học vào thời LKS), xã hội học (gọi là 群學 quần học vào thời LKS), tâm lí học, luận lí học, sử học, văn học. Chúng ta đã thua xa Tây phương. Tuy nhiên, điều tồi nhất là cách trí học (格 致 學)”. Tên các môn (khoa) học trên là lấy từ tiếng Nhật; cách trí học tương đương với khoa học tự nhiên – xem chi tiết trong phần tiếp theo sau – như mục 4.3. LKS có gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu tại Nhật Bản năm 1905; hai bên đã bút đàm suốt ngày về tình hình Á châu Việt Nam cũng như các phương cách duy tân.


CHÚ GIẢI :

[1] Cụ Phạm Quỳnh – cũng như các vị trong Đông Kinh Nghĩa Thục trước đó – cũng không có ai học hay được huấn luyện để trở thành một nhà khoa học tự nhiên/chuyên nghiệp (như theo cách hiểu hiện nay nhà khoa học ~ scientist /A – scientifique /le homme de science /le savant /P).

4.3  Cụm từ  ‘Khoa học‘ đến Việt Nam

     Tìm hiểu khi nào cụm từ “khoa học” bắt đầu sử dụng ở Việt Nam (VN) không thể bỏ qua các tài liệu như các bản điều trần của học giả Nguyễn Trường Tộ [1]; đó là Á Tế Á Ca (Á Tế Á 亞 細 亞 là dịch âm của Asia ~ Á châu /A)Văn Minh Tân Học Sách (VMTHS) – phản ánh tình trạng bê bối của xã hội VN vào thời thực dân Pháp và nhu cầu đổi mới (duy tân) cấp bách. Cả hai tài liệu sau – đều không rõ tác giả là ai – có lẽ một phần vì tư tưởng cách mạng/dân tộc mà chống đối trực tiếp chính quyền Pháp nên không muốn ai bị ‘liên lụy’. Không thấy Á Tế Á Ca dùng “khoa học“! tuy nhiên! văn bản ấy có nhắc đến những công nghệ/kỹ thuật tân tiến và cho rằng đó là kết quả trước mắt của khoa học Tây phương. Các câu thơ này đi thẳng vào vấn đề – hầu như muốn kích động dân ta phải thay đổi tư duy – nếu không muốn làm tay sai cho ngoại bang: Việc dây thép, việc tàu, việc pháo; Việc luyện binh, việc giáo học trường; Việc công nghệ, việc nông thương; Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa, v.v…


CHÚ GIẢI :

[1]Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871) đề nghị cải cách giáo dục, thay đổi cách học từ chương và học các môn khoa học từ Tây phương. Trong bản dịch của LM Trương Bá Cẩn, có lúc dùng “cách trí” và có lúc dùng “khoa học(có lẽ vì ảnh hưởng tiếng Việt hiện đại). Người viết /NCT có lướt qua bản Hán Văn trong Nam Phong Tạp chí và không thấy dùng cụm từ “khoa học xem thêm chi tiết trang này tại https://lichsuhuyenbivietnam.blogspot.com/2013/02/nguyen-truong-to-con-nguoi-va-di-thao_8025.html, v.v…

   Vấn đề trở nên phức tạp khi bản VMTHS / Hán văn được dịch ra chữ Quốc ngữ nhiều năm sau đó – td. bởi học giả Đặng Thai Mai – và ông đã dùng tiếng Việt thời hiện đại! thay vì dịch nguyên văn từ chữ Hán. Điều này làm cho một số người lầm tưởng cụm danh từ “khoa học” đã xuất hiện trong VMTHS – Xem nguyên văn bản chữ Hán được chụp lại và thể hiện bên dưới :

vanminh.tan.hocso-nguyentruongto-vietnamhoc.net
Hình 8 :  “Văn Minh Tân Học Sách” của NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, trang 1.

     Một đoạn được trích từ “Văn minh Tân học sách(trang 1) cho thấy cụm từ cách trí chi học 格 致 之 學 (ở phần dưới của cột 2 từ bên trái trang 1) đã được Đặng Thai Mai dịch[1] thành khoa học cách trí! Nội dung của VMTHS cho thấy sự thiết tha mong muốn thay đổi tư duy của người Việt Nam và xã hội thời này. Văn Minh Tân Học Sách [2] đã tóm tắt sự khác biệt về tư duy Đông phương so với tư duy Tây phương như sau – trích từ bài viết “Văn minh tân học sách – Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục” của học giả Chương Thâu (sđd) “Nhân dân châu Âu được tư do tư tưởng, tự do viết sách bày tỏ ý kiến của mình, nên mọi phát kiến đều “ngày một mới, tháng một lạ”. Ở ta thì sợ phạm húy, sợ vượt bề trên… toàn đăng huyền thoại, truyền thuyết, chích quái, lòe loẹt… mà chẳng mở mang dân trí. “Ôi, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chứ đã biết đến mà lại bưng bịt che lấp đi, khiến cho không nghe, không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thiệt nên lấy làm đau đớn!“. Tình trạng bi quan như thế thì phải hành động ra sao – trích từ bản dịch VMTHS của học giả Đặng Thai Mai[1]Ví như dây đàn cầm không hòa hài thì phải tháo ra mà sửa lại; nhà ở đã cũ ngàn năm thì phải dỡ ra mà làm lại thì mới có thể ở lại được (lời Lương Khải Siêu). Thời cục cũng vậy, tất phải đến thế. Không nghe câu chuyện nước Nhật bản ư? Trong thời gian hơn ba mươi năm gần đây, nước Nhật thâu thái văn minh Âu châu, nay đã đạt được mục đích rồi. Không nghe câu chuyện nước Tiêm la ư? Trước đây vài mươi năm, nước Tiêm đã giao thương với Âu châu, phái con em đi học, nay chính sự đã có phần mới mẻ, khả quan rồi. Lại không nghe nói chuyện nước Tàu ư? Tàu vẫn là cổ quốc, vậy mà từ khi bị ngoại giới và nội giới kích thích, người Tàu đã tỉnh dậy, người trên dần dần hiểu rằng, phương pháp Âu tây là đáng theo, dưới cũng biết rằng học thuật Âu tây là đáng chuộng“. Tuy bàn nhiều về các nước láng giềng và khuynh hướng đổi mới theo Tây phương, nhưng các tài liệu trên không thấy dùng cụm danh từ “khoa học”. Đến khoảng cuối thập niên 1910, từ này xuất hiện ngay trang đầu trong tạp chí Nam Phong – phản ánh chủ trương của tờ báo này – hình chụp bên dưới là trang đầu Nam Phong tạp chí số 1 (tháng 7 năm 1917).


CHÚ GIẢI :

[1]:  Xem bài dịch VMTHS đầy đủ của Đặng Thai Mai trên trang web sau – chẳng hạn (theo ông thì VMTHS viết vào năm 1904): https://tacgianguyenquocvuong.wordpress.com/2014/08/31/van-minh-tan-hoc-sach-dang-thai-mai-dich/,

[1]:  Phần dịch ra chữ Quốc ngữ /Đặng Thai Mai của đoạn trên – “(hai đàng cùng làm) – nhân quả lẫn nhau: Nhưng muốn mở dân trí, trước hết phải thấy bế tắc ở chỗ nào và sự phát đạt bắt đầu từ đâu, bấy giờ mới có thể bắt tay vào việc được. Bằng không chỉ có thể nhìn thấy biển cả mênh mông rồi than thở mà thôi. Từng xét, thánh nhân đời thượng cổ đã chế được đủ đồ vật để dùng, lập thành khí cụ cho thiên hạ tiện lợi. Khoa học cách trí đã thấy tản mác ở bộ Chu quan, các sách Quân tử, Mặc tử. Á châu là ngọn nguồn văn minh đấy. Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh…” – xem chi tiết trong phụ chú 24.

[2]:  “Văn Minh Tân Học Sách” (文 明 新 學 策) là một tác phẩm chữ Hán (tác giả vô danh). Về sau! sách này được dùng làm tài liệu giáo khoa của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) vào năm 1907. ĐKNT đặc biệt chú trọng việc biên soạn tài liệu giảng dạy, tuyên truyền cho tư tưởng cấp tiến/khoa học từ Tây phương. Các lớp cấp cao thì dùng ngay Tân thư Nhật BảnTrung Quốc (chủ yếu do Trung Quốc dịch từ sách Nhật) để giảng dạy.

————–

namphong.tapchi-vietnamhoc.net
Hình 9 :  Nam Phong Tạp chí, Số 1 tháng 7 /1917.
namphong.tapchi-vietnamhoc.net
Hình 10 :  Nam Phong Tạp chí, Số 1 tháng 7 /1917, trang cuối.

     Phần cuối của Nam Phong Tạp chí ghi những từ vựng (mới) bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hántiếng Pháp – xem hình chụp trang cuối của Số 1 – với định nghĩa của khoa học, kinh tế học, …

     Cụm từ “khoa học” cũng xuất hiện ở Nam Kì – so với Nam Phong Tạp chíBắc Kì (1917) – trong tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn (22/8/1919) – để ý cách dùng “học-khoa” :

luctinh.tanvan-vietnamhoc.net
Hình 11 :  Lục tỉnh Tân văn, số ngày 22/8/1919.

   Đăng Cổ Tùng Báo (1907 – xem hình bên dưới) cũng như các tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh không thấy dùng danh từ “khoa học” – để ý “cách trí khoa” trong bài báo chụp lại :

dangco.tungbao-vietnamhoc.net
Hình 12 :  Đại Nam (Đăng Cổ Tùng Báo), Số 823 ngày 24/10/1907.
giaokhoathu.sodang-vietnamhoc.net
Hình 13 :  Sách Cách Trí Giáo khoa thư – Lớp Sơ đẳng.

   Sách giáo khoa dạy “khoa học” – để ý cách dùng “cách trí” năm 1928 – theo tài liệu do các học giả nổi tiếng Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình PhúcĐỗ Thận hợp soạn :

   Tiếp theo định nghĩa từ Tự điển Béhaine/Taberd, Nam Phong Tạp chí sau một thế kỉ có ghi nhận :

+  Người cách vật cùng lí ~ nhà bác-vật-học[1] (Nam Phong tạp chí).

Trượng lượng pháp – phép đo ~ kỉ hà học[2] (Nam Phong tạp chí), bây giờ gọi là hình học.


CHÚ GIẢI :

[1]:  “Bác vật là người thông hiểu các vật lý, chuyên khảo về vật lý học. Trong Nam kỳ thường dùng tiếng này để chỉ chức kỹ sư chuyên môn: quan bác vật sở cầu đường, quan bác vật sở mỏ. Bác-vật-học là khoa học về các động vật, thực vật và khoáng vật. Một tên nữa là tự nhiên học(trích Việt Nam Tự Điển /Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo vào năm 1931). Bây giờ! Người ta đã phân thành các ngành khoa học chuyên sâu như sinh vật học (biology), động vật học (zoology), thực vật học (botany)khoáng vật học (mineralogy).

[2]Kỉ hà học 幾 何 學 là dịch âm của geometria /L, có gốc Hi Lạp γεωμετρία (geōmetría ~ đo đất/trắc địa), γῆ (gê) là đất + μετρέω (metréō) là đo lường. Âm geo – đọc gần như ‘chỉ hơ – giọng Bắc’ hay 幾何 so với kỉ hàâm Hán Việt, cho ra dạng Kỉ hà học – từ công trình dịch thuật của học giả Từ Quang Khải (1562-1633) và LM Matteo Ricci (1552-1610). Người Việt Nam dùng ‘hình học’, không như Nhật BảnTrung Quốc. Nam Phong Tạp chí viết là kỷ-hà-học – kỷ với y dài và có gạch nối. LM de Rhodes cũng từng dâng tặng Chúa Trịnh một cuốn Kỉ hà học bằng chữ Hán, rất có thể là từ tài liệu của các LM dòng Tên trước đó (td. Matteo Ricci hợp soạn với Từ Quang Khải).

  Nam Phong tạp chíSố 21 /tháng 7-12 năm 1927 đã để ý các phương pháp khoa học cơ bản mà đã đề cập đến chỉ trong một đoạn văn nhỏ này: ‘hão huyền‘, hữu dụng, suy lí, ảnh hưởng, thực nghiệm, thí nghiệm, quan sát, kiểm điểm, hệ thống, phương pháp – Xem thêm về các góc nhìn khác nhau trong Phụ chú 32.

namphong.tapchi-phuchu-vietnamhoc.net
Hình 14 :  Nam Phong Tạp chí, Phụ chú, trang 32. 

     Tóm lại, tìm hiểu về cách dùng cụm danh từ “khoa học” cho thấy một quá trình hội nhập ngôn ngữ văn hóa không đơn giản chút nào: trước hết là các bài viết hay tài liệu dịch (từ ngôn ngữ Tây phương) về phương pháp khoa học, tinh thần khoa học khách quan và thực nghiệm, các môn học như vật lí, hóa học, triết học, tâm lí học, cơ học…; sau đó thì cụm từ “khoa học” mới dùng ổn định – cho đến ngày hôm nay – như là một danh từ và tính từ. Trong quá trình hội nhập, cụm từ “khoa học” – đồng thời phạm trù nghĩa khoa học của Tây phương – cũng đã thu hẹp lại (mang tính chất thực nghiệm, khách quan, hệ thống rõ ràng hơn). Phân tích một trường hợp điển hình – như hiện tượng nhật thực/nguyệt thực – cho ta nhiều thông tin về tín ngưỡng và phong tục của dân ta, nhất là từ góc độ khoa học thực nghiệm của các tác giả hay truyền thống Tây phương trong vòng 400 năm nay. Tiến trình sử dụng cụm từ “khoa học” ở Đông Á theo dòng thời gian – như đã ghi nhận trong bài này – có thể tóm tắt như sau :

Tây phương -> Đông phương – thập niên [1] 1870 (a) à Thập niên 1890 (b) -> Thập niên 1910 (c)

(a)  cụm từ “khoa học” xuất hiện ở Nhật Bản [2] trước tiên;
(b)  cụm từ “khoa học” lan đến Trung Quốc;
(c)  cụm từ “khoa học” bắt đầu có mặt ở Việt Nam [3].

     Hy vọng người đọc thấy thích thú khi xem bài viết nhỏ này! Trong loạt bài “Tiếng Việt từ TK 17”  sẽ tìm hiểu sâu xa hơn[4] về cụm từ “khoa học” từ các góc độ tư duy, ngôn ngữ cùng truyền thống dân tộc.


CHÚ GIẢI :

[1]thập niên là một khoảng thời gian 10 (thập) năm (niên) – rất khó mà xác định thật chính xác thời gian/nơi chốn cách dùng hai chữ “khoa học” bắt đầu xuất hiện – nên người viết/NCT đã chọn một khung thời gian như vậy.

[2]:  Thật ra học giả Nishi Amane cũng từng dùng dạng kí âm science /A là サイーンス saiinsu (NCT: so với dạng thường gặp là サイエンス saiensu) nhưng không thấy phổ thông – trích từ bài viết “Dreams of science and truth” của học giả Suzuki Shūji (sđd). Khuynh hướng kí âm trực tiếp từ tiếng nước ngoài rất thường gặp trong giai đoạn hội nhập ban đầu – nhất là khi bản địa không có tiếng riêng hay khái niệm tương đương – Xem thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các khuynh hướng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt: trường hợp bản Kinh Kính Mừng (phần 26) của người viết/NCT.

[3]:  Trong vấn đề truyền bá khoa học Tây phương, ảnh hưởng – của Phong trào Đông du (Chủ trương gởi thanh niên Viêt Nam qua Nhật Bản để học) và nhà cách mạng Phan Bội Châu – cần được tìm hiểu sâu xa hơn. Mốc thời gian 1905 đáng được quan tâm khi hai nhà cải cách tiên phong Viêt NamTrung Quốc đã gặp nhau ở nước chủ nhà củakhoa học(Yokohama, Nhật Bản). Tâm tình của cụ Phan Bội Châu với cụ Lương Khải Sinh rất đặc biệt – như trong thư viết xin ra mắt gởi cho LKS, cụ viết: “Lạc địa nhất thinh khốc, tức dĩ tương tri, độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia(Ra đời khóc một tiếng đã là tương tri; sách vở đọc mười năm, trở nên thông gia). Phải chăng anh hùng sở kiến lược đồng 英 雄 所 見 略 同?

[4]:  Thí dụ như Bài viết ghi nhận các nỗ lực ở Trung Quốc của các học giả Khang Hữu Vi Lương Hữu Vi. Nhưng! có những nhà duy tân/nhà báo khác như Nghiêm Phục (1854-1921) đã dịch nhiều công trình Tây phương như “Evolution and Ethics” – có nghĩa là Thiên Diễn Luận 天 演 論 (của Thomas Henry Huxley) – và ảnh hưởng không nhỏ của nó trong giới học thuật. Ở Việt Nam, học giả/nhà báo Nguyễn văn Vĩnh (1882-1936) cũng viết và dịch nhiều tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt và cổ vũ tư duy khoa học trong đời sống hàng ngày …, v.v… Với nhiều công trình khoa học nghiêm túc ra đời, hy vọng nền học thuật càng ngày càng tân tiến, không như tình trạng dân trí vào TK 19 mà học giả Nguyễn Trường Tộ đã nhận xét một cách xót xa: “Ngày nay chúng ta lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ, phú; lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ học nào Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy; lớn lên ra làm thì đến Nam kỳ, Bắc kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi) lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý, thiên văn, chính trị, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn. Lúc nhỏ học những lễ nhạc, cách ăn uống, cư xử chiến đấu, doanh trại từ xa xưa của Tàu, lớn lên ra làm thì phải dùng đến lễ nhạc, cách chiến đấu, phép ăn ở theo quan dân nước ta ngày nay. Còn biết bao nhiêu những việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể xiết. Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời!(sđd, xem chi tiết ở phụ chú 24).

Tài liệu tham khảo chính

1)  PIGNEAU DE BÉHAINE (1772/1773). Bá Đa Lộc Bỉ Nhu Dictionarium Annamitico-Latinum“. Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2)  PHILIPHÊ BỈNH (1822). “Sách Sổ Sang Chép Các Việc“. NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
   PHILIPHÊ BỈNH (1822). “Phép Giảng Tám Ngày“, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị“, … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong Thư viện Tòa thánh La Mã.

3)  PHAN KẾ BÍNH (1915). “Việt Nam phong tục [1]“. Tái bản nhiều lần – NXB Văn Hóa (2005).

4) CRISTOPHORO BORRI (1631). “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Nhiệm vụ mới của các cha Dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong – NCT)”. Bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân, 4/2011 – Xem toàn bài ở trang: https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf. Xem bản dịch của học giả Nguyễn Khắc Xuyên/Nguyễn Nghị ở trang: https://nghiencuulichsu.com/2017/04/11/xu-dang-trong-nam-1621/#comments.

5) LUÍS MIGUEL CAROLINO (2006). “Critoforo Borri and the epistemological status of mathematics in seventeenth-century Portugal” được đăng trong Tạp chí Historia Mathematica 34 (2007), trang 187-205.

6)  ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (1697). Sử gia Ngô Sĩ Liên và các sử quan đời sau biên soạn. NXB Khoa Học Xã Hội (1993, Hà Nội) – Có thể xem trên trang [2]: http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn


CHÚ GIẢI :

[1]:  Một tài liệu quan trọng – để tìm hiểu phong tụctư duy của người Việt vào đầu TK 20 – bàn về hiện tượng nhật thực trong chương “Các Phương Thuật”: Thuật cứu gấu ăn mặt trời mặt trăng. Khi mặt trời mặt trăng đen tối, có gấu ăn, e là điềm dở, kẻ đánh trống, người gõ mẹt để đuổi gấu đi.” – rất giống với ghi nhận trong VBL vào 3 thế kỷ trước. Có thể đọc trên mạng tại :

https://vi.wikisource.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_phong_t%E1%BB%A5c/III.33, …, v.v…

[2]:  Một tài liệu rất đáng tham khảo thêm: thí dụ vào đời Lý Anh Tông (1138-1175), Toàn Thư ghi: “Kỉ Sửu, [Chính Long Bảo Ứng] năm thứ 7 [1169], (Tống Càn Đạo năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, ngày rằm nguyệt thực. Cá ở cửa biển chết. Sai tăng ni, đạo sĩ các chùa quán ở Kinh và các nơi tụng kinh cầu đảo”; hay vào thời vua Lê Cung Hoàng (1522-1527): “Tháng 5, ngày mồng 1, Tư Thiên tâu có nhật thực nhưng không đúng”. Toàn Thư ghi 37 nguyệt thực so với 74 nhật thực – cho thấy ảnh hưởng tâm lí và văn hóa rất lớn của nhật thực (hai hiện tượng nguyệt thực và nhật thực đều có khả năng xẩy ra với tần suất nhau). Có điều là! ta thường nhìn thấy nguyệt thực hơn vì hơn nửa trái đất ban đêm ở cùng phía mặt trăng bị che bởi trái đất, so với nhật thực thì chỉ có một khu vực rất nhỏ của trái đất mới quan sát được – xem hình vẽ hiện tượng nhật thực (ở trang 5).

————-

7) EDWARD MASSIC EISNER (2019). “Ethics for a New Society: Nishi Amane, Translation and Early Meiji Philosophy“. Department of Asian Studies, University of Hawai’i at Mãnoa (Honolulu, Hawaii, Mỹ).

8)  JOSHUA A. FOGEL /Chủ biêndịch giả (2015). “The Emergence of the Modern Sino-Japnese Lexicon – Seven Studies“. NXB Brill – Leiden/London.

9)  ĐOÀN LÊ GIANG (1998). “Sự ra đời của từ ‘Văn học’ và quan niệm mới về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản“. Tạp chí Văn học, số 5, 1998 – Có thể xem toàn bài ở trang: http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/311-su-ra-doi-cua-tu-van-hoc-va-quan-niem-moi-ve-van-hoc-cua-cac-nuoc-viet-nam-trung-quoc-nhat-ban.

10)  CHEN HAIJING (2014). “A Study of Japanese Loanwords in Chinese“. Master’s Thesis in EAL4090 East Asian Linguistics 60 ECTS Asian and African Studies, Department of Culture Studies and Oriental Languages – University of Oslo (Na Uy).

11)  HOÀNG XUÂN HÃN (1942). “Danh từ khoa học [1]“. Imprimerie Trung Bac (Hà Nội). Tái bản nhiều lần; NXB Vĩnh Bảo (Sài Gòn, 1948), NXB Minh Tân (Paris, 1955), …

12)  GASPAR LUIS (1621). “Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620“. Đăng trong ARSI, JS 17 f.24r. Bức thư [2] này được dịch sang tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 1628. Trong “Histoire de ce qui s’est passé en Ethiopie, Malabar, Brasil et les Indes Oriéntales: Tirée des lettres escrites és années 1620 jusques à 1624“, tt.122-148. Bản dịch này được chụp lại và đăng trong BAVH, Juillet-Déc. 1931.

13)  ĐẶNG THAI MAI (1974). “Văn thơ cách mạng Việt-Nam đầu thế kỷ XX, 1900-1925“. NXB Văn Học (in lần thứ ba, có sửa lại), Hà Nội.

14) PHẠM QUỲNH (1917). “Tạp chí Nam Phong” – Có thể xem trên mạng ở trang: https://issuu.com/nvthuvien/stacks/ba3390b530cb4713ad74659f7eace9fb, …, v.v…

15)  ALEXANDRE DE RHODES (1651). “Phép Giảng Tám Ngày“. Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (Sài Gòn, 1961) với Phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
      ALEXANDRE DE RHODES (1651). “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” – thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La. Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. NXB Khoa học Xã hội, Thành phố HCM (1991).
     ALEXANDRE DE RHODES. “Tường Trình về Đàng Trong 1645”. Bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
    ALEXANDRE DE RHODES. “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646“. Dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên. Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).


CHÚ GIẢI :

[1] Học giả Hoàng Xuân Hãn từng nhận xét “Một nhược điểm của văn hóa ta là rất kém về khoa học. Cho nên, ngoài y học, hình như ta ít sáng kiến. Riêng về thiên văn, lịch học, ta đã không có trình độ khoa học có thể lập được một phéo tính đặc trưng. Các triều đại ta chỉ dùng một vài lịch pháp TQ có khi đã bị bỏ ở Trung triều rồi.” trích từ Lịch và Việt Nam, tập san KHXH (1982).

[2] Bức thư này có đoạn “(các LM tiên đoán nguyệt thực và nhật thực chính xác) Hai cơ hội tốt đẹp này làm cho chúng tôi được kính nể như những người rất thông thái (td. ông nghè) trong hàng ngũ những bậc chính yếu trong xứ” trích từ “Để tìm hiểu lịch sử đạo Thiên Chúa ở VN đầu TK XVII” Nguyễn Khắc Xuyên/Hồng Nhuệ.
————–

16)  JEAN LOUIS TABERD (1838) – tên ViệtCố Từ. “Dictionarium Annamitico-Latinum“, Serampore (Bengale).

17)  CHƯƠNG THÂU (2007). “Văn minh tân học sách – Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục” – Có thể đọc toàn bài trên trang:  http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=146, …, v.v…

18)  NGUYỄN CUNG THÔNG (2018). “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các khuynh hướng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt: trường hợp bản Kinh Kính Mừng (phần 26)” – Có thể đọc toàn bài trên trang: https://nghiencuulichsu.com/2021/01/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-cac-khuynh-huong-dich-tieng-nuoc-ngoai-ra-tieng-viet-truong-hop-ban-kinh-kinh-mung-phan-26/, …

NGUYỄN CUNG THÔNG (2011). “A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?” – Có thể đọc toàn bài trên trang: https://giacngo.vn/a-di-da-phat-hay-a-mi-da-phat-post14994.html, …

NGUYỄN CUNG THÔNG (2013). “Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì (phần 6.2)” – Có thể đọc toàn bài trên trang: https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/, …, v.v…

19)  NGUYỄN THỊ THANH THỦY (2012). “Về đặc điểm của tầng lớp trí thức Tây học ở Việt Nam đầu thế kỉ XX“. Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 28 (2012), 195‐202.

20)  TSUKAHARA TOGO (2013). “科学 Kagaku, 究理 Kyūri/Science“. Dịch ra tiếng Anh bởi các tác giả Matthew FargoJordan Sand.

21)  JING TSU/BENJAMIN A. ELMAN (Chủ biên) (2014). “Science and Technology in Modern China, 1880s-1940s“. NXB Brill.

22)  HÀ DƯƠNG TƯỜNG (2017). “Thuật ngữ ‘khoa học’ vào tiếng Việt từ bao giờ?” – Có thể xem toàn bài trên trang: http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/11768-thuat-ngu-khoa-hoc-vao-tieng-viet-tu-bao-gio … hay các bài viết trên trang: http://ired.edu.vn/vn/tu-lieu-giao-duc/ChiTiet/6/ha-duong-tuong, …

23)  TRẦM QUỐC UY 沈國威 (2017). “嚴復與科學 Nghiêm Phục dữ khoa học” – tạm dịch/NCT: Tác giả Nghiêm Phục và chủ đề khoa họcNanjing: 鳳凰出版社 Phoenix Publishing House.

24)  Tác giả vô danh. “Văn Minh Tân Học Sách” 文明新學策 (khoảng đầu TK 20) – Có thể xem toàn bài trên trang: https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1127/page/12.

Tài liệu tham khảo khác

+  Cuốn “The Emergence of the Modern Sino-Japnese Lexicon – Seven Studies“. JOSHUA A. FOGELChủ biên/dịch giả. NXB Brill – Leiden, London 2015.

+   và bốn tác phẩm của linh mục ALEXANDRE DE RHODES biên soạn :

           (a)  Cuốn ‘Phép Giảng Tám Ngày(PGTN),
           (b)  Bản Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (BBCAN),
           (c)  Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài 1627-1646,
          và (d) Tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL – Có thể tra Tự điển này trên trang mạng :

http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.

Các chữ viết tắt

Nguyễn Cung Thông (NCT),
HV (Hán Việt),         
VN (Việt Nam),
ĐNA (Đông Nam Á),
LM (Linh Mục),
CG (Công Giáo),
PG (Phật Giáo),
NT (Ngọc Thiên/543),
TVGT (Thuyết Văn Giải Tự /khoảng 100 SCN)    

ĐV (Đường Vận/751),
NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự /776),
LKTG (Long Kham Thủ Giám /997),
QV (Quảng Vận /1008),
TV (Tập Vận /1037/1067),
TNAV (Trung Nguyên Âm Vận /1324),
CV (Chính Vận /1375),
TVi (Tự Vị /1615),
VB (Vận Bổ /1100/1154),

VH (Vận Hội /1297),
LT (Loại Thiên /1039/1066),
CTT (Chính Tự Thông /1670),
TViB (Tự Vị Bổ /1666),             TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải),
KH (Khang Hi /1716),
P (tiếng Pháp),
A (tiếng Anh),
L (tiếng La Tinh).

Bị chú

+ Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La-tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.
Tương quan Hán Việt – được ghi nhận trong bài – không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).


GHI CHÚ :
◊  Nguồn:  Tác giả NGUYỄN CUNG THÔNG gửi bài trực tiếp về email bantuthu1965@gmail.com
◊  Các chữ nghiêng, chữ in, chữ màu, chữ đậm và các tiêu đề do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.

MỜI XEM :
◊  Cụm từ “KHOA HỌC” trong TIẾNG VIỆT thế kỷ thứ 17 – Phần 1.

BAN TU THƯ
5/2022

(Visited 38 times, 1 visits today)