… tiếp theo cho Phần 1:
Vừa qua Tạp chí Báo Thanh Niên số Tết 2020 có đăng bài viết của ông như lời tự tình, khi ông được làm thành viên đi theo Đội kiếm tham dự Sea Games ở Manila mà cảm tác – tựa đề: Từ cỗ xe ngựa tại Manila đến quãng đường đời, (Hình 8) văn viết của ông không tệ lắm!
Nay, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020) Ba mươi tháng Tư Bảy lăm – Chúng tôi xin chọn người như ông để phỏng vấn một thân phận từng được “xếp xó” trong thời cuộc như một dân Sài Gòn chính cống Bà Lang Trọc. Xin độc giả đọc cho vui, Ban Biên Tập đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, một thân phận từng được “xếp xó” trong thời cuộc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
– Thưa Thầy, chúng tôi quen mồm xưng hô là Thầy như thế – hình ảnh nào đập vào mắt Thầy khi Lực lượng quân quản có mặt tại thành phố Sài Gòn ngay và sau ngày 30/4/75?
Thầy Hùng:
– Đó là hình ảnh Người bộ đội đầu tiên mà bà quản gia cho nhà một ông bác, sĩ – nói cách khác là bà “ở đợ” trong ngôi biệt thự – Bà đã mở cánh cổng sắt bước nhẹ ra ngoài vào sáng sớm mùng một; bà cuối đầu xuống để quét sân như thường lệ mà tai bà nghe ngóng tình hình! Vẫn còn tiếng chuông nhà thờ Đức Bà.
Bỗng! Bà quét rác tắp vào đôi chân lạ (Hình 9). Ôi! Đôi dép râu ông bộ đội trông như đang đứng sừng sững.
– Thưa ông! Tôi vô tình. – Không! Bà cố tình giữ cho khu phố được sạch đẹp đấy! Thế là tốt! Rồi Bà lom khom cuối gầm rồi đi vội vào nhà mà tự hỏi: Có phải sáng mùng một ra ngõ đã gặp được “Thiên thần”?
Thầy Hùng:
– Bà là người mà tôi xây dựng thành nhân vật tiểu thuyết. Lại còn hình ảnh khác về một người Bộ đội mà tôi tận mắt trông thấy sau đó. Vai ông vác cuốc, dưới chân là đàn vịt, theo ông như đi hành quân. Thật ra, ông đi đào trùng. Cứ một nhát cuốc là đàn vịt xông vào tranh cướp “chiến lợi phẩm”. Tôi ngắm nhìn mãi mê cái hình ảnh thanh bình đó mà nhớ lại công trình Kỹ thuật người An Nam của H. OGER [1] mà tôi phát hiện từ năm 1962 tại Thư viện Sài Gòn – mà sau này làm luận án. Trong số 4577 mộc bản, có một bản “chăn vịt”(Hình 10) tại Hà Nội, 1908–1909. Tôi thích lắm!
– Thưa Thầy, tiếp sau đó là hình ảnh nào còn sót lại của Sài Gòn mà đã đập vào tâm tư của Thầy?
Thầy Hùng :
– Đó là hình ảnh người bạn tôi – một trạng sư của chế độ cũ – Anh ta từng đứng ra làm “Thầy cãi” cho nhiều cô cậu học sinh ở Trường Pétrus Ký, Lê Văn Duyệt (Hình 11) … thoát khỏi cảnh bị giam nhốt về tội “biểu tình”. Bây giờ anh ta đạp xích lô, nước da ngăm đen, cái quần đùi sờn rách với đôi dép mòn đế. Tôi với anh ta bất chợt gặp nhau trên đường phố và ôm nhau – Chưa đi à? Còn ở lại à? – Đó là những câu thăm hỏi nhau. Đến khi tôi được làm “Trưởng ban bổ củi” trong Hợp tác xã chất đốt, tôi gọi “trạng sư” nộp hồ sơ với bằng Tú tài, còn bằng Cử nhân luật phải “ém nhẹm” đi. Luật của bọn tư sản, tội đấy! Xem như anh “có trình độ lớp 12”, Tôi cũng thế. Dạo ấy cũng đúng vào lúc anh ta vừa bán hết “nguồn tư sản bóc lột” mà có, gồm mấy bộ áo vét, bộ lư đồng trên bàn thờ cúng Ông Bà, rồi giày dép, quần áo! Kể cả “cái áo choàng đen”… Chỉ riêng cái xe hơi “con cóc” chẳng ai dám mua, thì anh lật lên để “trồng hành”. Trước đây, trông anh ta như “Thiên thần bóng tối” dám đứng trước “ba tòa quan lớn” để bênh vực công lý cho bà con nghèo thế cô. Bây giờ, chúng tôi – hai thằng đầu đàn chỉ còn là “Hai thằng thợ rừng – Phó thường dân Nam bộ”.
Riêng anh ta, ngoài nghề “Thầy cãi”, Anh ta còn là một dân chơi Sài Gòn. Anh chơi sách. Ngoài pho sách Luật của Pháp, của Hoa Kỳ, anh ta còn có cả Bộ Luật Hoàng Việt Vương triều Nguyễn được PHILASTRE dịch ra tiếng Pháp; anh có nhận xét nhiều điểm mà PHILASTRE dịch chưa sát. Nhưng điều mà tôi quan tâm trong lúc này là anh ta đọc sấm Nostradamus từ vần thơ Centuries (Hình12) và dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe để phản bác những “dự đoán tùy thời”.
Còn tôi, bù lại bằng cách nói về Trạng Trình mà bàn câu thơ của ông đờn cò ăn xin ở bến phà Cần Thơ: “Nguyễn đi, rồi Nguyễn lại về…! Anh ta còn có Bộ Tư bản luận Das Kapital bằng tiếng Đức của Các–Mác mà anh nói nhỏ vào tai tôi: Các–Mác (Hình 13) nói tôn giáo là opium – Opium là gì? Những nhà địa chính trị học dịch ra là thuốc phiện. Tuy nhiên, những “nhà triết sử học” lấy nghĩa “thuốc an thần”. Vậy tôn giáo là “thuốc an thần” dành cho Người cùng khổ mà Victor Hugo (Hình 14) đã mô tả trong tác phẩm “Les misérables” của ông để lấy nghĩa.
Hồi ấy, tôi đã kề sát vào tai anh ta mà nói rằng: Cụ Nguyễn Đình Chiểu (Hình 15) trong tác phẩm Lục Vân Tiên đã hiểu nhầm ý nghĩa Nam nữ thọ thọ bất thân. Vì thế mà Abels des Michel cũng theo cái nhầm đó mà dịch ra tiếng Pháp theo ý: trai gái không được gần gũi nhau. Do đó, nàng Kiều Nguyệt Nga đòi xuống xe khi bọn giặc cướp bị Lục Vân Tiên đánh tan để chạy ra ôm lấy “người hùng” thì chàng nói: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai” – Abels đã dịch từng lời từng chữ khiến cho độc giả Pháp tưởng rằng Vân Tiên là “pê-đê”. Có lẽ nên hiểu như sau: “Trai gái không được tự mình trao cho hay tiếp nhận…”. Hai chữ “Thọ, thọ” nếu được tách ra thì chữ đầu có thể hiểu là “trao cho”, chữ sau là “tiếp nhận”. “Bất thân” là không tự mình – nghĩa là phải có người thứ ba, người môi giới, người chứng kiến thậm chí là “người cò” chứng kiến… Chúng tôi trao đổi nhau như thế với lời nguyền rằng không tố cáo nhau là tồn tại “tư tưởng phản động” cho dù phải thế nào trong cuộc đời kế tiếp. Bất chợt, anh ta hỏi: “Nếu bà chị dâu té giếng thì em chồng có được phép thò tay ra nắm để kéo bà chị lên?” – Vậy thì lúc đó ai chứng kiến? Tôi trả lời: – Có đấy, con mắt thứ ba của Trời đất.
– Vào tuần lễ đầu những ngày giải phóng, Thầy thấy Sài Gòn thế nào? Xin Thầy kể lại để chúng em nghe…
Thầy Hùng :
– Câu hỏi này của anh em “nhà báo hậu sinh” đã “chọc ngoáy” vào tâm tư người “tiền sử”. Trước đó, từ những ngày hai lăm tháng tư – tôi ra khỏi “nhà tù” riêng của tôi để “dzọt” ra ngoài. Tôi thấy mọi cảnh vật đang “rung lắc” như sắp bị “đứt gãy” ngay trên đường phố! Từ đó, tôi tự viết lưu bút – viết được hai bài để đọc chơi một mình: Một là “người dòm lỗ khóa” (Hình 16), Hai là “người gõ cửa hoàng hôn”.
– “Người dòm lỗ khóa”! Cái tựa đề nghe như mở đầu trang “Báo playboy”! Tuy nhiên “cái lỗ khóa” đó từ đâu nhìn ra đâu? Người dòm đã thấy gì? Có phải là cái lỗ khóa trong phòng khách sạn?
– Xin đừng vội liên tưởng theo cách đó! Mà chính là “cái lỗ khóa” nơi bà ở đợ đã dán mắt vào từ trong ngôi biệt thự của một ông bác sĩ Sài Gòn mà tôi đã đề cập. Bà nhìn ra bên ngoài vào đêm ba mươi. Tất cả đã thay đổi! Người người kéo nhau đi, mồm hô vang mừng chiến thắng (Hình 17). Rồi lại một tốp người khác ngồi trên những cỗ chiếc xe ba gác reo hò…(Hình 18)
Tuy nhiên, một hình ảnh “độc và lạ” đã đập vào “cặp mắt toét” của Bà. Ơ kìa! Cái thằng đánh giày “ốm đói” chuyên gõ cửa ăn xin trước cửa nhà bà “một bát cơm nguội”. Nó đập cửa. Bà mở ra! Nó chạy vồ lấy mà tự xưng là “chiến sĩ cách mạng”. Bà đứng ra xa để ngắm nhìn mà nó cứ bổ vào người bà (Hình 19). Ối giời ơi! Trông kìa! Nó đeo cả súng (Hình 20).
– Có thật là mày đó không? Hồi đó mày đâu phải thế này! Sao mày lạ thế! – Con “lạ” từ lâu mà bà không thấy đó thôi! Bà không tin à! Bà “déo” vào tay con một cái đi – Này! Này! – Úi chà, đau quá! – Đúng là mày rồi, mày kêu đau như hồi đó!
Chàng “chiến sĩ” đưa nắm đấm lên trời, hô to: – Bà ơi! Từ nay bà thoát cảnh ở đợ rồi, Bà sẽ làm chủ căn biệt thự này!
Bà trợn mắt! Lỗ tai bà đã nghe gì đấy! Nó đã nói gì? Làm chủ cái ngôi nhà đồ sộ này! Bà liền chắp hai tay trước ngực “Ối giời đất ơi! Xin đừng làm thế! Số tôi ba đời ăn cháo, ba đời ở đợ”. Tuy nhiên, số bà được sở hữu cái khác mà trời cho! Vì sau đó một đêm, có người đem đến món quà ném vào vòng tay bà, rồi biến mất vào bóng tối. Ôi! Thằng con lai Mẽo. (Hình 21)
.. còn tiếp ở Phần 3 …
CHÚ THÍCH:
[1] Nguyễn Mạnh Hùng – “Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” – Thông qua công trình “Technique du peuple Annamite” (Kỹ thuật của người An Nam). Luận án Phó Tiến sĩ Lịch sử đệ trình tại Khoa Sử – Đại học Tổng hợp, Hà Nội năm 1996.
MỜI XEM TIẾP:
◊ CUỘC ĐỜI trước Khúc quanh Lịch sử – BA MƯƠI THÁNG TƯ BẢY LĂM – Phần 3.
◊ CUỘC ĐỜI trước Khúc quanh Lịch sử – BA MƯƠI THÁNG TƯ BẢY LĂM – Phần 1.
BAN TU THƯ
07 /2020
GHI CHÚ:
◊ Bài viết đã đăng trên Tạp chí THANH NIÊN số 23, ra ngày 24/6/2020, trang 15.
MỜI XEM THÊM:
◊ Bửa cơm NĂM VỐ cuối cùng – Phần 1: PHỞ NHÀ XÁC.
◊ Bửa cơm NĂM VỐ cuối cùng – Phần 2: ĐỨA CON MẶT TRỜI.
◊ Bửa cơm NĂM VỐ cuối cùng – Phần 3: THƯỢNG BỒ ĐỀ – HẠ LÀM VỒ.
◊ Thằng Con LAI MẼO.
◊ Người DÒM Lỗ Khóa – Phần 1.
◊ Người DÒM Lỗ Khóa – Phần 2: Nước mắt Bão tố.