Cuộc HẢI HÀNH của Cha FRANCISCO de PINA đến ĐÀNG TRONG – Phần 1

Cuộc HẢI HÀNH của Cha FRANCISCO de PINA đến ĐÀNG TRONG – Phần 1

ĐÌNH NAM*
Tác giả ở Mỹ gửi bài về qua email bantuthu1965@gmail.com

Thân thế của Cha Francisco de Pina

     Cha Pina sinh ra vào năm 1586 vào lúc đế quốc Bồ Đào Nha đang trên con đường suy đồi. Khoảng tám năm trước đó, vị vua Bồ trẻ Sebestian I đã ra một quyết định một cách sai lầm mang quân tham gia vào cuộc nội chiến ở Marocco và khiến ông bị thiệt mạng cùng vô số binh sĩ. Vì vua Sebestian I không có người nối vị, vua Tây Ban Nha Philip II, chú của cố vua Sebestian I, nhân dịp này sáp nhập nước Bồ vào với Tây Ban Nha cho đến năm 1640. Dưới sự cai trị của vua Tây Ban Nha, đế quốc Bồ bắt đầu suy yếu từ đó. Bắt đầu thế kỷ 17, không may cho họ, trên thế giới có nhiều chuyển biến, những quốc gia theo đạo Tin Lành như nước Hòa Lan hay Anh Quốc bắt đầu cạnh tranh với người Bồ trong việc buôn bán gia vị trên thế giới. Không những thế, họ còn dùng tàu bè tối tân thời bấy giờ để cướp của và đánh đắm những con thuyền buôn của người Bồ. Đồng thời các quốc gia thiếu thân thiện này cũng phong tỏa các thành phố quan trọng trong thềm thương mại như Lisbon hay Goa. Sống và lớn lên trong bối cảnh này, là một cậu bé ngây thơ, Cha Pina không hề biết thế giới bên ngoài đang xảy ra chiến tranh khốc liệt như thế nào cho đến khi anh ta gia nhập vào hàng ngũ nhà Dòng Chúa Giê Su.
     Cha Pina được chào đời ở thành phố Guarda (Hãy xem bản đồ nước Bồ, Hình 2), một thành phố nằm về phía Đông bắc, trên địa phận núi non (cao độ 3.465 ft) gần biên giới giữa nước Bồ và nước Tây Ban Nha – cao nhất so với các thành phố khác ở nước Bồ. Thành phố này được sáng lập năm 1197 để chống lại sự xâm lấn của người Hồi Giáo8. Nói một cách tổng quát, người dân Guarda rất ngoan đạo thời đó. Dân số ở đây thưa thớt. Không bao gồm các vùng ngoại ô, trong thành phố Guarda, dân số chỉ có khoảng 2.300 người (thống kê năm 1755)9. Cho đến nay, không ai rõ gia thế của ông, nhưng dòng họ Pina ở Guarda rất nổi tiếng trong thành phố này, nhất là ông Rui de Pina (1440-1522). Vào năm 1497, vua Manuel I phong chức Rui de Pina làm Biên Sử Quan và hưởng lộc vua khi về hưu ở Guarda. Trước đó, Nhà vua bổ nhiệm ngài làm chức Thư Ký (Secretary)10 trong phái đoàn được gửi qua Barcelona điều đình với chính quyền Tây Ban Nha. Kết quả là Hiệp ước Tordesillas đã ra đời vào năm 149411. Có lẽ lúc đế quốc Bồ thịnh vượng, dòng dõi họ Pina cũng được cơm no, áo ấm. Suốt mấy đời, họ chăm chỉ tu bổ các nhà thờ lớn ở Guarda.

     Hiện tại, vì Cha Pina mất quá sớm và chưa có tài liệu nào cho thấy cha mẹ của ngài là ai. Dựa theo những tài liệu lưu lại từ nhà Dòng Chúa Giê Su, Cha Pina, khi bắt đầu trưởng thành và được 18 tuổi (1605), đã nộp đơn xin gia nhập vào nhà Dòng Chúa Giê Su và đã được chấp thuận. Có lẽ lúc đang học đại học ở Trường Coimbra, ngài đã bắt đầu ngưỡng mộ nhà Dòng Chúa Giê Su và đã quyết định gia nhập vào đó. Vào năm đó, ngài từ giã gia đình và nội trú trong Trường Đại học College de Jesus tại Coimbra12.

CHÚ GIẢI :

8Guarda có nghĩa là người bảo vệ.
9Antonio de Oliveira Freire, Descripçam Corografica do Reyno de Portugal, Lisbon, Na Officina Bernardo Anton de Oliver, 1755, trang 69. Hiện nay, dân số ở Guarda có hơn 25.300 người (2011).

10:  Chức vụ Secretary đại diện cho Vua có rất nhiều quyền hạn. Chính Ruy de Pina đã viết ra Hiệp ước Tordesillas ở Guarda ấn định ranh giới phân chia thế giới thành hai khu vực ảnh hưởng Ki Tô Giáo giữa hai đế quốc Bồ và Tây Ban Nha và đồng thời, xác nhận đồng bá chủ trên thế giới (Hãy xem https://pt.m.wikipedia.org/wiki/Guarda retrieved on 4/28/2020).

11https://en.wikipedia.org/wiki/Rui_de_Pina retrieved on 5/02/2020.
12Diogo Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, Tomo II, Lisbon 1759, trang 221.
—————

Hai năm ròng rã tập sự trong Viện Nhà Tập (Navitiate)

     Ngày 28 tháng Giêng năm 160513 là ngày nhập đạo đầu tiên vào nhà Dòng Chúa Giê Su của chàng trai Pina. Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ nhập môn, anh Pina được giới thiệu với mọi người trong Trường đạo Nhà Tập. Cha Bề Trên (Superior) cũng giới thiệu với anh một sư huynh đỡ đầu để giúp đỡ anh trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ. Vị sư huynh này lúc nào cũng theo anh để nhắc nhở luật lệ trong học viện này. Anh ấy cũng được cho biết những luật lệ nghiêm khắc của nhà Dòng, ví dụ như tất cả học viên đều phải yên lặng suốt trong những buổi học, buổi ăn sáng, trưa và chiều. Chỉ trong giờ sinh hoạt là họ cho phép các anh trò chuyện với nhau mà thôi. Hàng ngày anh Pina phải thức giấc vào đúng 4 giờ sáng và lên giường ngủ vào lúc 9 giờ khuya. Mỗi ngày, các tập sự viên phải cầu nguyện hay dự thánh lễ (mass). Các anh cũng tham gia vào công việc lau chùi, giúp lặt vặt trong nhà bếp hay tỉa cây chung quanh trường. Ngoài ra, trong năm anh phải đi hành hương, sống một cuộc đôi tha phương bằng cách đi xin ăn ngoài phố trong vài tuần liên tiếp. Tháp tùng Cha Bề Trên, anh Pina cũng tham dự vào phái đoàn thăm viếng nhà thương địa phương, nhà giam hay những người nghèo khổ với mục đích xoa dịu nỗi đau buồn trong lòng họ. Cũng có lúc, theo sự hướng dẫn của Cha Bề Trên và bài tập tâm linh truyền lại của Thánh Loyola, người cha đẻ của nhà Dòng Chúa Giê Su, các học viên phải vùi mình trong phòng 30 ngày ngồi tĩnh tâm với mục đích chính là tìm tự hiểu lấy chính mình và sự liên quan giữa con người và Thiên Chúa.

Năm thứ ba trong Nội trú

     Trong thời gian thực tập và nội trú ở trường, để giúp các tập sự viên không bị gia đình quấy nhiễu, nhà Dòng Chúa Giê Su khích lệ các học viên không liên lạc với gia đình mà không có sự cho phép của Cha Trưởng Giám của Nhà Tập15. Vì thế, nhà Dòng khuyến khích học viên quên cả gia đình và chỉ nhớ họ qua tiềm thức16. Đây là một trong những điều than phiền của cha mẹ các tập sự viên với nhà Dòng Chúa Giê Su vào thời ấy.
     Trong thời gian hai năm thử nghiệm, các chi phí kể cả học phí và nhu cầu hàng ngày đều được nhà Dòng cung cấp miễn phí. Trong năm đầu, anh Pina và các bạn phải ôn lại văn phạm tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Vào giờ giải trí, các tập sự viên đều cố gắng đàm thoại với nhau bằng tiếng La Tinh17. Đây là điều đã được nhắc nhở trong Nội qui của nhà Dòng Chúa Giê Su18: “Đặc biệt là các sinh viên đang theo đuổi nhân văn học (humanities), họ phải nói tiếng La-Tinh thường xuyên…”. Vì thế, ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng Hy Lạp của họ, không một ai ngạc nhiên khi các thừa sai đến Đàng Trong đều thông suốt tiếng La Tinh. Sự hiểu biết về tiếng La Tinh rất quan trọng vì khi lên những lớp cao hơn như triết học (philosophy) hay thần học (theology), các giảng sư đều dạy bài vở bằng tiếng nói này. Ngoài hai tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp (lẫn tiếng Do Thái), Pina còn phải học thêm lịch sử (history) và thơ văn (poetry) trước khi được cho phép rời chương trình thử nghiệm trong Nhà Tập.
     Sau hai năm đầu nội trú, dựa vào Chương trình nhà Dòng, đáng lẽ ra anh Pina đã thông thạo tiếng La Tinh diễn theo lối cổ điển của tác giả Cicero, nhưng vì một lý do nào đó, Pina vẫn chưa hội đủ điều kiện này vì bằng cớ cho thấy rằng trong năm học thứ ba (1607), Pina phải tiếp tục nội trú ở Trường đại học Giê-Su để học xong lớp Biện Luận (Rhetoric)19. Có lẽ là một người sống miền rừng núi ở Guarda và cũng là một người chất phác, Pina không quen sử dụng lối viết văn vẻ hùng hồn, bóng bẩy như kinh điển của Cicero hay các tác giả khác mà các sinh viên như anh phải theo đuổi trong lúc trình bày bài tập của mình. Vì thế, anh bị bắt buộc phải học thêm lớp Biện Luận để trau dồi tiếng La Tinh của mình và tập trình bày đọc diễn văn một cách uyển chuyển theo lề lối.
     Cuối năm thứ hai trong Nhà Tập, anh Pina được chính thức chấp nhận vào nhà Dòng Chúa Giê Su với tính cách là một thành viên thực thụ (approved scholastic). Có lẽ anh đã vui mừng khôn tả vì anh biết tâm nguyện của anh đã hoàn thành. Nhưng điều mà anh mong muốn nhất là được chấp thuận đến Nhật Bản để truyền bá Thiên Chúa Giáo. Cách đó không lâu, với những lời chân thành từ đáy lòng, anh đã nộp đơn xin tình nguyện và đang chờ đợi câu trả lời của Cha Claudio Acquaviva, Bề Trên Tổng Quyền (Superior General) của nhà Dòng Chúa Giê Su. Vào năm 1607, hoàn tất Chương trình hai năm của Nhà Tập, dưới sự hướng dẫn của Cha Bề Trên, anh đã lập lại những lời như sau20: I, Francisco de Pina, promise to Almighty God, in the presence of his Virgin Mother and the whole heavenly court, and to you, Reverend Father Claudio Acquaviva, Superior General of the Society of Jesus and the one holding the place of God, and to your successors, perpetual poverty, chastity, and obedience; and, in conformity with it, special care for the instruction of children, according to the manner indicated in the apostolic letters and Constitutions of the aforementioned Society.

Coimbra, in such a place, day, month, 1607

     Tạm dịch là : “Tôi, Francisco de Pina, xin hứa với Thiên Chúa Toàn Năng, dưới sự chứng kiến của Đức Mẹ Đồng Trinh và toàn thể thiên tòa, và với ngài, Cha Claudio Acquiviva, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Giê Su và là người giữ vị trí của Thiên Chúa và cho những người kế vị của ngài, sự nghèo khó, tịnh khiết và tuân phục vĩnh viễn; và, phù hợp với nhà dòng, chăm sóc đặc biệt cho việc dạy dỗ trẻ em, theo cách thức được chỉ định trong các lá thư tông đồ và nội qui của nhà dòng nói ở trên.
Coimbra,, ngày …, tháng…, năm 1607“.

     Sau khi Pina lập thệ ba lời nguyền, đó là luôn luôn giữ gìn con người đồng trinh, lúc nào cũng có cuộc sống trong tình trạng nghèo nàn và mãi mãi vâng lời nhà Dòng Chúa Giê Su. Từ đây, anh trở thành một tu huynh (brother) trong nhà Dòng. Điều quan trọng hơn nữa là anh đã nhận thấy một tương lai tươi sáng đang đón chờ anh. Sau khi tuyên thệ, Cha Bề Trên đã cho anh biết, dựa theo khả năng của anh hiện tại anh sẽ được chấp nhận vào Chương trình Scholastic.

     Nhưng trước khi tiếp tục chương trình học của một scholastic, anh phải dành một vài năm đi dạy một lớp La Tinh hay Hy Lạp ở cấp bậc tiểu học. Cha Bề Trên cũng cho anh biết rằng nếu anh lựa chọn con dường tình nguyện qua các nước Á Châu để giảng đạo, điều kiện này sẽ được miễn hạn cho anh.

     Trong Chương trình Scholastic, việc học của Pina sẽ chia làm hai giai đoạn. Trước hết anh phải học xong Lớp triết lý (3 năm) – Lớp này bao gồm Lý Luận Học (Logic), lớp Triết Lý Thiên Nhiên (Natural Philosophy), lớp Đạo Đức (Ethics) và lớp Siêu Hình Học (Metaphysics). Những lớp Triết lý này đều dựa theo sách vở của Aristotle. Trong lớp Triết Lý Thiên Nhiên, học sinh sẽ học cả Thiên văn và Toán học. Sau giai đoạn này, anh sẽ được bổ nhiệm đi dạy Triết lý trong một vài năm và sau đó, sẽ ghi danh vào học lớp Thần học. Đây là giai đoạn khó nhất trong lãnh vực tu hành và học vấn của anh. Trong những năm cuối cùng, các sinh viên sẽ trải qua Chương trình Thần Học rất khó khăn bao gồm Thần Học Luân Lý (Moral Theology) và Thần Học Suy Lý (Speculative Theology)21. Học xong lớp này, anh có thể giảng đạo và nghe xưng tội của các Ki Tô hữu. Trong khoảng cuối năm thứ ba của lớp Thần học, một vị Giám Mục (bishop) dưới quyền của Đức Giáo Hoàng sẽ ban cho Pina được ban chức Linh Mục (Priest) trong nghi lễ Phong Chức (Ordination) của anh. Nhưng điều này không có nghĩa rằng anh đã xong việc học vì anh sẽ phải học xong năm thứ tư của lớp Thần học.

     Học xong năm cuối của Thần học, Pina phải trải qua một năm cuối cùng của thử thách. Giống như hai năm ròng rã ở Nhà Tập, anh phải tu thân bằng cách ngồi tĩnh tâm theo lối dạy dỗ của Thánh Layola, đi thăm bệnh nhân trong nhà thương, dạy dỗ trẻ em hay người già nua và kể cả, đi lang thang khất thực -anh sẽ phải thực hiện được mỗi hoạt động này cho mỗi tháng, kéo dài cho đến hết một năm. Thời gian tu luyện này được gọi là tertianship. Sau đó anh sẽ tuyên thệ với ba lời thề (giống như những năm trước khi còn ở trong Nhà Tập) và thực thụ trở thành một Trợ Giáo Tâm Linh (Spiritual Coadjutor)22 trong nhà Dòng Chúa Giê Su.

     Cũng có thể con đường học vấn đến đây là chấm dứt cho anh, nếu số điểm thi trong hai lớp cuối cùng anh kém hơn mức “mediocre”. Nhưng nếu trình độ học của anh vượt trội hơn đó, anh sẽ được tuyển chọn, gia nhập vào Chương trình Profession23. Đây là một lý tưởng cao nhất mà một tu sĩ nhà Dòng thường mơ ước để trở thành một Bề Trên (Superior), Giám Tỉnh (Provincial), Khâm Sai (Visitor) hay Bề Trên Tổng Quyền (Superior General). Trong Chương trình Profession, trước khi chính thức trở thành một professed, điều kiện tiên quyết là anh phải vượt qua Chương trình giáo sĩ với ba lời thề. Sau đó, anh sẽ phải tuyên thệ một lần nữa với 4 lời thề mà trong lời thề cuối cùng, anh sẽ tuyệt đối, luôn luôn trung thành với Đức Giáo Hoàng. Trong trường hợp của Cha Pina, dựa theo lịch sử, chúng ta đã thấy khi Ngài ra trường, Ngài chỉ trở thành một giáo sĩ bé nhỏ với ba lời thề mà thôi. Vì thế, sau nhiều năm phục vụ cho Dòng Chúa Giê Su, chức vụ cao nhất mà anh có thể được giao phó sẽ chỉ có thể lên đến chức vụ Giám Học của Nhà Tập (Novice Master) hay cao hơn nữa là Viện Trưởng (Rector) của một trường đại học24. Đến đầu năm 1616, Pina cùng bốn người bạn được báo tin sửa soạn về Malacca để nhận lãnh chứng chỉ Linh Mục25, nhưng mãi đến năm sau, đó là tháng 10, 1617, Pina được chính thức được gọi là “Cha Pina” hay Linh Mục Pina26 – Hãy xem Hình 4.
     Nên chú ý rằng ngoài con đường tu hành để trở thành một Giáo Sĩ (trong Hình 4) còn cho thấy con đường lựa chọn khác của một trong nhà Dòng Chúa Giê Su, đó là giáo chức phụ tá gọi là Temporal Coadjutor. Dĩ nhiên, Pina không theo con đường tu hành này. Riêng Temporal Coadjutors là những người theo đạo và tình nguyện tuân theo Nội qui của Dòng Chúa Giê Su, nhưng vì họ thiếu học thức không thể theo được con đường học vấn để trở thành một vị Giáo Sĩ. Vì thế, suốt đời họ chỉ có thể là những tu huynh (Lay Brothers) trong Nhà dòng. Họ theo đạo và sẽ trở thành những tu sĩ trông lo việc trần tục trong nhà Dòng như là quản lý, khuân vác, quản gia, nhà bếp, làm vườn, v.v… Thí dụ điển hình là các tu sĩ người Anh Paul Saito (1576-1633), Joseph Tsuchimochi (1568-?) và Antonio Dias (1578-?) tháp tùng theo Phái đoàn do Cha Diogo Carvalho (1578-1624) và Cha Francesco Buzomi (1576-1639) dẫn đầu đáp xuống cửa Hàn, Đà Nẵng năm 1615. Trong phái đoàn này, chỉ là những phụ tá temporal coadjutors. họ không có quyền giảng đạo hay giải tội mà chỉ vâng lời chỉ dạy và sai bảo của các Cha Bề trên trong những công việc nặng nhọc hằng ngày. Nhưng họ có thể ghi danh và theo đuổi việc học như những tu sĩ khác. Họ cũng có thể xin phép tách rời dòng Giê Su bất cứ lúc nào mà không phải chịu đựng thêm một nghĩa vụ hay hình phạt nào.

     Hiện tại, dĩ nhiên là Pina nhận lời một cách vui vẻ vì anh vừa mới xong hai năm thử thách trong Nhà Tập và tuyên thệ xong là sẽ vâng lời nhà Dòng một cách tuyệt đối. Mặc dầu chương trình học còn rất dài, hiện tại, anh chỉ hoàn tất khoảng 1/3 đoạn đường. Con đường tiếp theo sẽ là Triết lý học (Philosophy) cho ba năm sau. Đó là không kể bốn năm ròng rã theo Thần học (Theology) tiếp sau đó. Theo anh, đó là việc của tương lai anh không dám nghĩ đến. Hiện tại, anh đang say sưa thêm một tin vui khác, đó là, Cha Bề Trên Tổng Quyền Acquaviva đã chấp thuận cho anh tiến hành cuộc hành trình qua Goa, Ấn Độ.

   Trong thực tế, hành trình học vấn và tu hành của anh không hoàn toàn giống như những sự gỉải thích của Cha Bề Trên. Vì sẽ được qua Goa học hành và sau đó tạm dừng ở Macao, trước khi đến Nhật Bản hành đạo, nhà Dòng Chúa Giê Su đã miễn cho anh nhiều năm phải dạy học trong cấp bậc tiểu và trung học, có lẽ vì cuộc hành trình vượt biển đến Goa quá khó khăn và nguy hiểm – Khoảng hơn nửa số tu nhân gửi đi qua Á Châu đều bị mất mạng trên biển cả27. Ngay cả năm thử thách cuối cùng tertianship có thể cũng được bãi bỏ cho anh.

chuongtrịnh.tu.hoc-pina-vietnamhoc.net
Hình 4: Chương trình học và Hành trình tu hành của Cha Pina (1605-1617).

(… còn tiếp theo ở Phần 2)

MỜI XEM :
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 2 (Cuộc Hải hành vượt trùng dương của Cha Francisco de Pina).

CHÚ GIẢI :
13:  Ibid.
14: Lobo, Rui, “The College of Jesus and College of Arts during Francisco Suárez’s time”, Conimbricenses.org Encyclopedia, Mário Santiago de Carvalho, Simone Guidi (eds.), doi = “10.5281/zenodo.3521057”, URL = http://www.conimbricenses.org/encyclopedia/ retrieved on 5/10/2020.

15:  John W. Padberg, S.J., General Editor, The Constitutions of the Society of Jesus and Their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Latin Texts, Saint Lous, 1996, Chương IV, Đoạn 60, trang 36.

16:  Ibid, Chương IV, Đoạn 61, trang 36.
17:  John W. O’malley, S.J., How We Were: Life in a Novitiate, 1946-1948, trang 15.
18: John W. Padberg, S.J., General Editor, The Constitutions of the Society of Jesus and Their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Latin Texts, Saint Louis, 1996, Chương IV, Đoạn 381, trang 163.

19:  Paul F. Grendler, The Culture of the Jesuit Teacher 1548–1773, Brill journal of jesuit studies 3 (2016) 17-41, trang 23, tác giả đã viết: “After the novitiate, if the young Jesuit was not well-prepared in Latin and Greek, he spent a year or two studying the humanities and/or rhetoric, based on the classics, before going on to philosophical studies.”

20:  John W. Padburg, S.J. General Editor, The Constitution of the Society of Jesus and their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Texts, Saint Louis, 1996, Chương V, Đoạn 535, trang 207.
21:  Liam Matthew Brockey, The Belknap, Press of harvard University Press, 2014, trang 45-46.

22:  Ernest Truman, Leander, Or, Secrets of the Priesthood, Claxton, Remsen, and Haffelfinger, 1869, trang 37. Vào thời ấy, Spiritual Coadjutors nôm na được gọi là “những người giúp đỡ (helpers)” của các vị giáo sĩ có 4 lời thề nguyện Professed. Vì thế, Spiritual Coadjutors cũng là những giáo sĩ, nhưng chỉ tuyên thệ với ba lời thề (Hãy xem Wiktor Gramatowski, Guide to Understanding the Documents, ARSI, 1992, trang 8).
23:  Rev. Thomas Hughes, Loyola and the Educational System of the Jesuits, 1912, trang 157.
24:  Ernest Truman, Leander, Or, Secrets of the Priesthood, Claxton, Remsen, and Haffelfinger, 1869, trang 37.
25:  Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 638.
26:  Ibid, trang 691.

27:  Brockey, Liam, Largos caminhos e vastos mares Jesuit Missionaries and the journey to China in the sixteenth and seventeenth centuries, Bulletin of Portuguese – Japanese Studies, núm. 1, december, 2000, pp. 45 – 72, Universidade Nova de Lisboa, Portugal, trang 45. Kể từ năm 1581-1712, thống kê Dòng Chúa Giê Su cho biết có 127 tu sĩ bị thiệt mạng trong số 249 người được bổ nhiệm sang Trung Quốc.

GHI CHÚ :
*  ĐÌNH NAM:  Tác giả tự giới thiệu là một người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ và gửi bài viết trực tiếp về email bantuthu1965@gmail với nguyện vọng được đăng tải chia sẻ bài viết “Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong” đến Độc giả trong nước, ngoài nước.
◊  Các chữ nghiêng, chữ đậm, chữ màu, hình ảnh tôn tạo và bổ sung do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.

MỜI XEM :
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Lời Giới thiệu.
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 2.
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 3.

BAN TU THƯ
5 /2022

(Visited 94 times, 1 visits today)