Cuộc HẢI HÀNH của Cha FRANCISCO de PINA đến ĐÀNG TRONG – Phần 3

Cuộc HẢI HÀNH của Cha FRANCISCO de PINA đến ĐÀNG TRONG – Phần 3

ĐÌNH NAM*
Tác giả ở Mỹ gửi bài về qua email bantuthu1965@gmail.com

Cuộc Hành trình vượt qua mũi Hảo Vọng và Eo biển Mozambique

     Con thuyền Vencimento cuối cùng cũng đến mũi Hảo Vọng (Hãy xem Hình 8). Khi đi ngang qua vùng biển này, ông Mocquet có cảm tưởng như chiếc tàu buồm khổng lồ này nhỏ bé quá. Sóng gió nổi lên, vật vã chiếc thuyền con như một đồ chơi vậy. Sóng biển ào ạt đổ lên buồng tàu cao nhất trên con tàu. Ngồi trên thuyền chống lại cơn mỏi mệt; tay bám víu vào góc bàn, thanh giường hay cột buồm, cộng với nỗi đau đớn trong miệng và khắp cơ thể, bây giờ họ mới cảm thấy gần thượng đế hơn bao giờ hết. Không cần sự khuyến khích của các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giê Su, họ bắt đầu lẩm nhẩm cầu nguyện cho tai qua, nạn khỏi. Cho đến bây giờ, họ mới khám phá ra ý nghĩa của câu tục ngữ của người Bồ: “Khi nào bạn muốn học cách cầu nguyện, bạn hãy cùng thuyền ra khơi.” Đối với các tu sĩ như Pina, nhờ có lòng tin tưởng về Thượng đế, trong những lúc này, họ luôn khuyến khích giáo dân trên tàu xưng tội vì chỉ trong tích tắc, tất cả có thể chìm dưới lòng đáy biển bất cứ lúc nào.

     Ngồi trên tàu họ quên cả thời gian và không gian cho đến khi gió lặng, sóng yên. Qua một thời gian dài mà họ cảm tưởng như vô tận, nhìn vào thềm lục địa, các thủy thủ nhận định ra những con chim to bằng con ngỗng; màu trắng; nhưng chỉ riêng hai cánh chúng là màu đen trong khi mỏ và chân lại màu vàng90. Khi nhìn thấy chúng, họ đều thở dài, nhẹ nhõm vì họ đã nhận thức rằng họ qua khỏi nguy hiểm trên chặng đường này. Họ nhận thức rằng mình đã đến mũi Agulhas, một nơi sóng lặng, gió đừng. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều biết rằng nguy hiểm vẫn còn đang rập rình trước mặt. Tiếp tục tiến bước vào ngưỡng cửa của eo biển Mozambique, tập đoàn chỉ huy trên Vencimento cảm thấy hồi hộp vì họ biết họ phải tranh đấu kịch liệt với dòng nước ngầm Agulhas chảy mạnh dưới lòng biển. Trong eo biển Mozambique, nó có khuynh hướng chảy về hướng Nam, Tây nam dọc theo bờ biển South Africa và khi chảy đến mũi Agulhas, nó đẩy con thuyền ngược về hướng Đông để trở thành dòng Agulhas chảy ngược (Agulhas Return Current). Vì thế, thuyền trưởng phải khéo léo sát nhập vào dòng nước chảy ngược này và cố gắng lèo lái con thuyền vào giữa ngưỡng cửa của eo biển. Rất tiếc việc hải hành lúc bấy giờ rất khó khăn. Họ không thể tính ra được tọa độ của chiếc thuyền buồm vì thiếu dụng cụ tiên đoán về kinh độ -Thật ra họ muốn giữ vị trị con tàu chính giữa bờ biển Đông Phi châu và đảo Madagascar. Tiến bước về hướng Bắc, đầu tiên họ vào vùng Natal (bây giờ là South Africa) u ám; trời mù mịt như “ban đêm91. Tiếp theo đó, càng đến gần đảo Mozambique, họ lại càng phải cẩn thận hơn vì ngay giữa eo biển có vài cụm san hô như Baixos da Judia (Jewish Shoals)92 hay João da Nova93 nhấp nhô trên mặt nước, có thể gây ra cảnh mắc cạn bất cứ lúc nào. Vì thế, khi vào đến vùng biển từ khoảng cách Sofala (nay gần Beira) đến Mozambique, họ phải hết sức cẩn thận và cố tình tránh xa những cồn cát này (Hãy xem Hình 9).

   Cuối cùng vào ngày 29 tháng 9 năm 1608 94, con thuyền Vencimento cũng đã cập bến Mozambique một cách an toàn. Đến được nơi đây đánh dấu cả 6 tháng trời, họ đã long đong trên biển cả. Trước khi đi, trên boong đầy ngập, nhưng bây giờ số người rất thưa thớt vì không kể một số người đã chết, những người bệnh rất đông và được đưa xuống hầm tàu dưới nghỉ ngơi. Nhìn quanh quẩn, cùng một thời gian, thật là may mắn, một vài chiến thuyền chiến như Bartholomeu, Antonio, và Jeronimo cũng đáp bến an toàn.

eobien.mozambique-vietnamhoc.net
Hình 9: Eo Biển Mozambique.

     Đáp tàu xuống đảo Mozambique95, Pina có lẽ chứng kiến một cảnh điêu tàn hãi hùng. Nhà cửa trên đảo, kể cả thuyền bè đánh cá và chủng viện nhà Dòng Đa Minh phần nhiều bị cháy ra tro; những cây dừa trồng dọc trên đảo cũng bị đốn sạch. Không ai hỏi ai, mọi người đều biết thủy quân Hòa Lan đã dừng bước ở nơi này96. Lúc này, các vị tu sĩ trẻ nhà Dòng Chúa Giê Su mới nhận thức ra cảnh tàn phá của chiến tranh. Nhìn ra biển ở hướng Bắc là thành trì kiên cố São Sebastião tuy còn đứng vững nhưng cũng loang lổ đạn pháo kích từ 1250 viên đại bác97 bắn vào thành từ hai phía. Điều mà Pina và tất cả những người trên tàu Vencimento nghe kể lại là trước đây hơn hai tháng, hạm đội Hòa Lan đã tấn công thành Sebastião – Năm ngoái 1607, họ cũng muốn chiếm thành nhưng không thành công. Tuy thất bại trong cả hai lần tấn công, nhưng người Hòa Lan đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng trên đảo khiến thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm vô cùng. Lúc bình thường, các tàu buôn Bồ, trên con đường đến Goa, thường ghé qua đảo Mozambique để được cung ứng thêm nước và thực phẩm. Nhưng trong năm nay, tai ách đã đổ xuống như thế mà không những chỉ có tàu Vencimento cần thêm đồ dùng mà còn cả ba chiếc chiến thuyền Bartholomeu, Antonio và Jeronimo cần thêm cung cấp trước khi lên đường qua Ấn Độ. May thay cả bốn chiếc tàu này đều cặp bến Mozambique hầu như cùng một lúc. Nhưng trong sách, ông Mocquet đã viết: “Khi chúng tôi đến Mozambique, chúng tôi rất ngạc nhiên không tìm được gì để ăn cả.”98

     Có lẽ không riêng gì Pina mà còn ba vị tu sĩ khác của Dòng Chúa Giê Su, đây là một cú sốc rất mạnh vào tâm khảm của họ. Trước đây cuộc sống của họ ở quê nhà, tuy kham khổ về mặt tinh thần trong Nhà Tập – Có lẽ lúc ấy họ nhất nhớ nhà -nhưng nhìn cảnh chết chóc và tàn phá của chiến tranh lần đầu tiên trong cuộc đời có thể gây ra một cảm xúc khó tả. Hiện nay, ai nấy, nếu không bị bệnh Scurvy thì cũng bị bệnh Beriberi; cả con người mệt lả; chân đi gắng gượng. Nhưng là những tu sĩ đại diện cho Dòng Chúa Giê Su, Pina và đồng nghiệp phải cố gắng chăm sóc cho các giáo dân được tạm trú vào những căn lều lụp xụp xây dựng sơ sài ngoài thành, trong thành São Sebastião hay trên chiến thuyền Jeronimo. Sự thật hiện giờ không ai hiểu biết gì thêm về cuộc sống của 4 vị tu sĩ Dòng Chúa Giê Su ra sao khi định cư vào thành Sebastião vì, ngoài việc trú ngụ trong thành, họ không còn nơi nào để che mưa tránh nắng nữa. Ngoài cửa thành, nhà cửa phần lớn đều bị thiệt hại. Nếu không có chiến tranh xảy ra, chắc chắn rằng họ sẽ tạm dừng chân ở Chủng viện của dòng Đa Minh trên đảo. Nhưng so với hoàn cảnh của ông Mocquet, cuộc sống của các vị tu sĩ vẫn tốt hơn vì lúc này ông Mocquet đang lang thang trên đường phố để kiếm từng con cá khô, một hớp nước đục từ dân địa phương để sống lây lất qua ngày. Trong thành Sebastião, hành khách của bốn chiếc thuyền buôn đang cố gắng chờ thời gian qua nhanh cho tới mùa gió Nồm thổi từ hướng Tây-nam về hướng Ấn Độ mỗi năm vào đầu tháng tư hay tháng năm.

     Thấm thoát mà họ đã chờ được 5 tháng trời ở Mozambique, vào ngày 20 tháng 3 năm 1609, hạm đội bây giờ chỉ còn chiếc thuyền buôn Vencimento và 3 chiếc tàu chiến lên đường tiến về hướng Bắc. Trong thời điểm này, ngoài ra họ cũng chỉ biết số phận của hai chiếc Bom Jesus và Consolação99 bị đốt cháy trong cuộc tấn công của người Hòa Lan mùa hè năm ngoái. Đó là không tính chiếc thuyền cung cấp David phải mang xác Bá Tước Feira trở về Lisbon trong khoảng tháng 6 vừa qua. Còn số phận các con tàu khác ra sao, họ hoàn toàn không biết rõ. Trong nhóm tu sĩ Dòng Chúa Giê Su vẫn sống sót gồm có những tu sĩ trẻ kể cả Pina, nhưng bây giờ con số của họ tăng lên làm sáu; họ có thêm hai người bạn đồng hành mới, hai anh Pereira và Ameida.

     Đoàn thuyền buồm nhỏ nhoi, buồn thảm thẳng tiến về hướng Bắc dọc theo bờ biển Đông Phi Châu. Họ vượt qua vùng biển ảm đạm của Đường Xích đạo. Họ tiếp tục nhắm về hướng hòn đảo Socotra nằm trong cửa biển của Biển Đỏ (Red Sea) vào ngày 7 tháng 5 và dựa vào sức mạnh vào theo cơn gió Nồm thổi qua Ấn Độ Dương, họ cập bến hải cảng Goa trong ngày 26 tháng 5 năm 1609 100.

Cuối cùng Pina và các Tu Sĩ cũng xuống tàu ở Goa

(Xem chú giải 101)

      May mắn thay, họ đã nhập cảng Goa một cách bình yên (Hãy xem Hình 10). Goa là một thủ đô chính thức của Đế Quốc Bồ ở Á Châu nằm sát biển Ả Rập về hướng Tây. Vào thời ấy, nó thật là mỹ lệ, thường được gọi là “Hạt trân châu của Á Đông” và hay được so sánh với Lisbon. Goa được chia làm hai miền: Goa Cũ và Goa MớiGoa Mới còn được gọi là Salcete. Vào năm 1510, Afonso Alburquerque mang quân chiếm đóng Goa, đuổi dân quân người Hồi Giáo ra khỏi Ấn Độ. Từ đó, người Bồ chiếm độc quyền thị trường mua bán gia vị. Ở nơi đây, tất cả tàu buôn gia vị đều tụ tập nơi đây trước khi trở về Lisbon. Hàng năm vào cuối tháng ba hay đầu tháng tư, vua Bồ đều mang tiền đến Goa mua gia vị và bán ra lại thị trường Âu Châu.

goa-1596-vietnamhoc.net
Hình 10:  Thành phố Goa vào năm 1596 (Jan Huyghen van Linschoten).

     Ngoài khơi, không có một dấu hiệu nào là có sự tập kích của hải quân Hòa Lan. Tuy nhập cảng vào ngày 26 tháng 5, họ phải chờ đến sáng hôm sau mới thật sự rời khỏi tàu. Có lẽ đây là tập quán ở Goa vì nhà cầm quyền sẽ cần một thời gian để loan báo cho dân chúng về chuyến hải hành bình an của hạm đội trong năm nay. Có lẽ đến bây giờ, dân tình cũng có cảm thấy điềm không lành về hạm đội năm nay; đáng lẽ ra họ phải đáp bến vào tháng 9 hay tháng 10 năm ngoái. Nhưng trong năm nay mãi cuối tháng 5 mới thấy sự hiện diện của họ. Cũng như những năm trước, dân chúng trong thành phố ùa về bến tàu. Bình thường họ mong chờ để nhận diện được gương mặt của vị thống đốc mới trong nhiệm kỳ ba năm sắp đến. Ngay bây giờ, không biết họ đã nghe tin ông đã từ trần trong chuyến đi vừa qua chưa. Trên những dòng sông Goa, thuyền bè tứ phương đổ về hướng các con thuyền buôn đang từ từ đuổi sóng tiến đến bến đáp mà nơi dinh thự của ngài Thống Đốc đang ngự trị. Họ nổi trống kèn rền rĩ khắp nơi. Đến gần những con tàu buôn này, họ còn chuyền lên thức ăn, thức uống và trái cây cho những người trên tàu. Có lẽ giờ này, nhìn vẻ mặt của những người trên tàu rất tiều tụy và thương tâm lắm. Sau hơn một năm, có lẽ gương mặt của họ ốm và xạm đen đi nhiều. Khi tàu đáp bến, nhà thám hiểm Pyrard, người đã nhập cảnh ở Goa trong tháng 6 năm ngoái, cho biết rằng mỗi chiếc tàu chỉ loe ngoe có khoảng 300 người bước xuống. Có lẽ trông bộ dạng của họ, là một nhà thám hiểm đầy kinh nghiệm ông không khỏi bùi ngùi.

     Sau khi lên bờ, bốn vị tu sĩ Dòng Chúa Giê Su được chuyển qua một chiếc xe ngựa không mui. Lúc này, họ đã thay đổi y phục màu đen với chiếc nón vải cùng màu trên đầu. Ngồi trên chiếc xe đàng trước có ba đứa trẻ, tay cầm kèn thổi léo lách thánh ca như, thay mặt họ, vừa loan báo vừa chào mừng mọi người ở Goa. Càng đến gần Trường Đại học St. Paul nổi tiếng vào thời ấy, hàng ngàn thường dân, học sinh và sinh viên chen lấn với dân tình xếp hàng hai bên lề đường vỗ tay đáp lễ.     

   Trong thế kỷ 16, Trường Đại học St Paul ở Goa rất nổi tiếng; nó tương đương với tất cả trường đạo ở Coimbra và cả Âu Châu. Vào năm 1568, Trường St. Paul có hơn 3.000 sinh viên và học sinh102; trong số này có sinh viên địa phương và nhiều quốc gia đến học hỏi như Ấn Độ, Sri Lanka, Iran, Nhật Bản, Trung Hoa, Pegu103, Malacca, v.v… Nhưng tại đây, vào năm 1596, con số giáo sư chỉ có vỏn vẹn 20 giáo sĩ cộng với 47 tu sĩ thực tập và 16 người tu huynh104. Chương trình học gồm có các lớp Văn phạm, Sử ký, Thơ văn, Biện luận, Triết lý và Thần học. Ngôi trường này được bắt đầu từ năm 1542, khi Thánh Francisco Xavier qua giảng đạo tại Goa. Sau khi cập bến tại Goa, Ngài đã dừng chân tại đây và nhận lại nó từ các tu sĩ dòng Phanxítcô khi họ chuyển giao nó lại cho Dòng Chúa Giê Su.

daihoc.st.paul.cu-vietnamhoc.net
Hình 11: Trường Đại học St. Paul Cũ trước 1610 ở Goa (Họa sĩ John Jonhson (1769-1846) – British Library.

    Đến năm 1560, trường đại học này được xây mới lại từ đầu. Nhưng vài năm sau, vì chung quanh tường có dấu hiệu rạn nứt, nhà Dòng cho xây một dãy cầu vòm chặn đứng sự nứt mẻ của cửa trường (Hãy xem Hình 11)105. Vào năm 1570, bệnh dịch lan tràn mọi nơi khiến cho hơn 58 người trong nhà Dòng đang cư ngụ tại Trường St. Paul ngã bệnh106. Vì thế, vào năm 1578, Dòng Chúa Giê Su mới mua một miếng đất trên một ngọn đồi có tên là Holy Mount nằm phía Tây bắc của Goa, đối diện với Chủng viện của dòng Augustô. Từ đó, Dòng Chúa Giê Su xây thêm một trường học mới và đặt tên là Trường St. Paul Mới (São Paulo Novo). Vào năm 1610, Trường St. Paul Mới được chính thức bắt đầu khai trương, trong khi Trường St. Paul Cũ dần dần bị bỏ phế. Khi Pina vừa mới đến Goa vào cuối tháng 5 năm 1609, anh rất có khả năng đã đến trụ ngụ ở Chủng Viện và bắt đầu ghi danh vào học lớp Triết lý học ở Trường St. Paul Cũ. Nhưng sang năm sau, anh được chuyển qua Trường St. Paul Mới. Nếu theo đúng chương trình, anh sẽ hoàn tất lớp Triết học trong vòng 3 năm ở Goa. Sau đó, anh sẽ theo đuổi 4 năm Thần học ở Trường St. Paul tại Macao.

     Nhưng khi mới đến Goa không bao lâu, cũng có thể anh cũng được gửi đến Trường Đại học Rochol ở thành phố Rachol trong tỉnh Salcete (Hãy xem Hình 10) cho một thời gian ngắn để học tiếng Konkani vì nơi đây có mở lớp dạy ngôn ngữ này cho các tu sĩ với mục đích dạy giáo lý cho dân bản xứ mà không cần thông dịch viên. Nếu thế, cũng giống như Cha Alexandre de Rhodes (1593-1660)107, Pina đã có nhiều khả năng học lớp đàm thoại tiếng Konkani ở Rachol. Ngôi trường này hầu như được khánh thành trong khoảng thời gian với Trường St. Paul Mới vào ngày 31 tháng 10 năm 1609 108. Nhưng đặc biệt ở Rachol có hai vị tu sĩ đương thời rất nổi tiếng về ngôn ngữ Ấn Độ, đó là Cha Thomas Stephens (1547-1619)109 và Cha Étienne de la Croix (1579-1643)110. Đối với các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giê Su, việc học tiếng Konkani là một điều rất cần thiết trong một thời gian ngắn. Sau những giờ học triết lý là những giờ ngoại khóa, khoảng tháng 12 năm 1609, có thể Pina phải theo một nhóm tu sĩ Giê Su cùng với dân bản xứ đi tìm kiếm trẻ con bản xứ mồ côi111 với mục đích là cải đạo chúng từ Ấn Độ Giáo ra Thiên Chúa Giáo. Không những thế, vài tháng sau khi đến Goa, Pina, vào ngày 25 tháng Giêng năm 1610, anh phải tham dự buổi Lễ Cải Đạo (Feast of Conversion)112 rất long trọng hàng năm tại Trường St. Paul mà nhà thám hiểm Pyrard cho biết trong mùa lễ năm ngoái, có hơn 1.500 người Ấn Độ ngoại đạo đã được rửa tội tập thể113. Sau đó, có thể anh sẽ được chỉ định làm thầy dạy dỗ (tutor) cho một số trẻ con người Ấn Độ. Vì thế, anh phải học tiếng Konkani nhanh chóng nhất trong một thời gian ngắn, vì theo lời dạy dỗ của Thánh Ignatius Loyola (1491-1556) vẫn còn văng vẳng bên tai, các tu sĩ phải học tiếng nói địa phương để có khả năng giảng đạo cho họ. Dựa theo Cha Alexandre de Rhodes, tiếng Konkani rất dễ học. Khi đáp thuyền đến Goa năm 1619, trong vòng 3 tháng, ngài đã học ngôn ngữ này, có thể đàm thoại và dạy giáo lý cho trẻ con Ấn Độ ở Goa114.

     Nếu đúng như những dữ kiện xảy ra ở trên, anh Pina đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với người Ấn Độ, sống tại Goa khi anh tham gia vào tổ tìm kiếm trẻ mồ côi, dạy dỗ tiếng Bồ hay La Tinh cho chúng hay học tiếng địa phương từ chúng. Hơn nữa, anh cũng đã nghe và thấy những công trình chuyển ngữ từ các nhà ngôn ngữ nổi tiếng thời ấy qua những cuộc đàm thoại hay đọc qua sách vở ngữ vựng hay văn phạm mà họ đã soạn ra trong thư viện của Trường Đại học St. Paul. Tuy anh cũng không ngờ rằng sau này, khi bước chân vào Đàng Trong, anh sẽ cần đến những sự học hỏi quí báu này.

     Khi tạm trú ở Goa, Pina cũng có thể ghi danh học lớp ngoại ngữ Nhật Bản. Khi anh ở Macao, vào năm 1614, anh cũng có nhiều cơ hội đàm thoại trong tiếng Nhật vì lúc ấy, những cơ sở truyền giáo ở Nagasaki, Nhật Bản đều bị đóng cửa và di chuyển về Macao. Trong những năm sau đó, dân tị nạn Nhật định cư tại Macao rất đông đảo. Lúc ấy, ngoài Macao, ở Á Châu, có hàng chục ngàn người thương mại Nhật không thể về nước vì bị cấm đoán. Vì thế, họ phải sống tha phương đến các thành phố Á Châu khác như Manila ở Phi Luật Tân, ở Ayutthaya, Siêm La hay Hội An ở Đàng Trong (… còn tiếp theo ở Phần 3)

MỜI XEM :
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 4 (Hành trình trở về Macao của Cha Francisco de Pina).

CHÚ GIẢI :

92: Amir Arsalan Afkhami, Humorism, Encyclopædia Iranica, Tập XII, 2004, trang 566-570, http://www.iranicaonline.org/articles/humoralism-1 trích ngày 7 tháng 6 năm 2020.
93:  M.G. Da Costa, translated by Donald M. Lockhart, The Itinerário of Jerónimo Lobo, The Hakluyt Society, London, 1984, trang 4.
90:  Ibid trang 21. Thủy thủ Bồ gọi giống chim này là “manga de veludo(velvet sleeves).
91: Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 185.

92:  Ibid.
93:  M.G. Da Costa, translated by Donald M. Lockhart, The Itinerário of Jerónimo Lobo, The Hakluyt Society, London, 1984, trang 25.

95:  Đảo Mozambique là một hòn đảo rất nhỏ nằm sát bờ biển tỉnh Nampura, nằm phía Đông bắc nước Mozambique. Với chiều dài chỉ khoảng 3 km (gần 2 miles) và chiều rộng chỉ khoảng 500 m (0,3 mile), trong thế kỷ 16 và 17, nó đã giữ một vị trí rất quan trọng về hàng hải đối với đế quốc Bồ. Nơi đây, các thuyền buôn người Bồ thường ghé ngang để mua thêm thức ăn và nước uống trong cuộc hành trình đi Goa, Ấn Độ. Nhìn ngang về phía Đông của đảo Mozambique là đảo Madagascar.

96:  Trong năm 1607, Chỉ huy trưởng người Hòa Lan Paulus van Caerden, trước khi lui quân, đã ra lệnh đốt hết tất cả hạ tầng cơ sở trên đảo. Hãy xem George McCall Theal, History an Ethnogrphy of Africa South of the Zambesi, Vol. I, 1505 to 1795, London 1907, trang 415 & 416.
97:  Ibid, trang 419.

98: Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 188.
99:  Tên nguyên thủy của chiếc tàu buôn này là Nossa Senhora de Consolação thuộc hạm đội rời Lisbon vào năm 1607. Vì đến Mozambique trễ nên nó phải dừng chân nơi đây và chờ đến mùa gíó Nồm thổi lên mới có thể xuất hành đi Ấn Độ. Rất tiếc, vào ngày 26 tháng 8, 1608, thủy quân Hòa Lan khám phá ra chiếc thuyền đang bỏ neo gần đảo Mozambique nên đến bắn phá. Quân tự vệ Bồ buộc lòng phải đốt cháy và đánh chìm nó.

100: Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 233.
    Nhưng trong số bốn chiếc tàu đi từ Mozambique, Bartholomeu không hiểu sao đáp bến ở Cochin, cách Goa khoảng 500 miles về hướng Nam. Có lẽ nó bị gió cuốn hay trôi dạt theo dòng nước ngầm (Xem Ignacio da Costa Quintella, Annaes da Marinha Portugueza, Tomo II, Lisboa, Na Typografla da Mosma, Academia, 1840, trang 146).

101:  Những cảnh tượng đón tiếp nồng nhiệt của thổ dân Ấn Độ và sinh viên Trường St. Paul đối với hạm đội mới cặp bến được trích ra từ sách “The Itinerário of Jerónimo Lobo”, do Donald M. Lockhart dịch thuật, The hakluyt Society, London, 1984, trang 44. Tôi tin rằng khi đáp xuống bến tàu tại Goa vào tháng 5 năm 1609, các tu sĩ Dòng Chúa Giê Su cũng được dân chúng đón tiếp nồng hậu như thế.

102:  José Nicolau da Fonseca, An Historical and Archeological Sketch of the City of Goa, Bombay: Thackers and Co., Limited, 1878, trang 263.
103:  Pegu không còn là một quốc gia nữa. Hiện giờ, nó bị sát nhập vào nước Miến Điện.

104:  Bài Tường Trình Hàng Năm ngày 16 tháng 12 năm 1596, từ Cha Francisco Cabral, Giám Tỉnh của Goa, trích từ Josepth Wicki, Romanta Historica Societatis Iesu, Vol. 133, Documenta Indica 18 (1595-1597), Rome, 1988, trang 651.
105:  Nếu quan sát kỹ hình vẽ của Trường St Paul Cũ trong Hình 7 sẽ nhìn thấy vòm cầu này.

106:  José Nicolau da Fonseca, An Historical and Archeological Sketch of the City of Goa, Bombay: Thackers and Co., Limited, 1878, trang 263-264.
    Bệnh dịch này lan tràn cho đến năm 1596 vẫn chưa chấm dứt. Trong bài tường trình hàng năm ấy của Cha Francisco Cabral, Giám Tỉnh của Goa cho thấy có thêm 3 tu sĩ mắc bệnh mà mất.

107:  Vào năm 1620, khi đến Salcete, chính Cha Alexandre de Rhodes cũng dừng chân ở thành phố Rachol và học một lớp Canarese (Konkani). Lúc ấy, ngài mới gặp và làm bạn với Cha Étienne de la Croix (Hãy xem Peter C. Phan, Mission and Catechesis, Orbis Books, New York, 1998, trang 42). Cả hai đều là hai Giáo sĩ người Pháp duy nhất ở Goa. Khi Cha Croix mất năm 1643, Cha Rhodes đã viết một bài phúng điếu cho ông ấy.
108: J. Gerson da Cunha, Materials for the History of Oriental Studies Amongst the Portuguese, Proceeding Volume 4, Part 1878, 1880, trang 187.

109:  Cha Thomas Stephens là một người Anh theo Dòng Chúa Giê Su. Ngài đến Goa năm 1579 và mất ở đó năm 1619. Trong nhiều năm, Ngài giữ chức Viện Trưởng của Trường Đại học Rachol, thành phố Rachol thuộc tỉnh Salcete. Ngài được xem là Cha Đẻ của La Tinh hóa tiếng Konkani ở Goa. Trong lúc tìm hiểu nhiều ngôn ngữ Ấn Độ ở Goa, ngài là người đầu tiên nhận xét rằng ngôn ngữ Ấn Độ có nhiều tương đồng với tiếng Hy Lạp và La Tinh (Hãy xem Brijbraj Singh, The First Englishman in India: Thomas Stephens (1547-1619), Journal of South Asian Literature, 30 (1/2), pages 146-161. Retrieved on June 22, 2020 from www.jstor.org/stable/40873582).

110:  Cha Étienne de la Croix là một tu sĩ người Pháp. Ngài gia nhập Dòng Chúa Giê Su năm 1599 và đến Goa năm 1602. Ngài từng dạy Triết học và Thần học ở Đại học Rochol, Salsete. Ngài cũng từng giữ chức vụ Viện Trưởng sau khi Cha Stephens về hưu. Ngài quen biết Cha Alexandre de Rhodes khi Cha Rhodes đáp tàu xuống Goa năm 1620. Chính Ngài là người giúp đỡ nhà thám hiểm Pyrard rất nhiều khi ông bị nhốt tù ở Goa. Ngài mất năm 1643 ở Goa.

111:  Vào thời ấy, theo luật Bồ Đào Nha được chấp hành vào năm 1559, một đứa trẻ Ấn Độ mà mất cha thôi cũng được xem như là mồ côi và phải bị đổi đạo ra đạo Ki Tô. Sau đó, nó sẽ được một tu sĩ từ Trường Đại học St. Paul hay Reig Margos dạy dỗ. Vào năm 1619, khi Cha Aexandre de Rhodes dừng chân tại Goa, Ngài cũng kể chuyện đi tìm kiếm trẻ con mồ côi trong sách của ông (Hãy xem Peter C. Phan, Mission and Catechesis, Orbis Books, New York, 1998, trang 43).

112:  Ngày lễ Cải Đạo ở Goa lúc nào cũng xảy ra vào ngày 25 tháng Giêng mỗi năm.
113:  Albert Gray, The Voyage of François Pyrard de Laval, Vol. II, Part I, trang 60.
114:  Alexandre de Rhodes, Voyage et Missions du Père Alexandre de Rhodes, Paris, 1854, trang 29.

GHI CHÚ :
*  ĐÌNH NAM:  Tác giả tự giới thiệu là một người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ và gửi bài viết trực tiếp về email bantuthu1965@gmail với nguyện vọng được đăng tải chia sẻ bài viết “Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong” đến Độc giả trong nước, ngoài nước.
◊  Các chữ nghiêng, chữ đậm, chữ màu, hình ảnh tôn tạo và bổ sung do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.

MỜI XEM :
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Lời Giới thiệu.
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 1 (Thân thế của Cha Francisco de Pina).
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 2 (Cuộc Hải hành vượt trùng dương của Cha Francisco de Pina).
◊  Cuộc hải hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong – Phần 4 (Hành trình trở về Macao của Cha Francisco de Pina).

BAN TU THƯ
5 /2022

(Visited 96 times, 1 visits today)