Đại Học Quốc tế Hồng Bàng: In, hủy 5.000 tờ lịch dung tục

Đại Học Quốc tế Hồng Bàng: In, hủy 5.000 tờ lịch dung tục

NHÓM PV VH-VN

    Sáng 14.1, tại Sở TT & TT TP.HCM, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH QT Hồng Bàng đã có buổi làm việc tại Phòng Báo chí–Xuất bản (BC-XB) để giải trình về việc xuất bản tờ lịch “lạ” mà Báo Văn Hóa đã phản ánh.

    Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã cung cấp 2 giấy phép xuất bản của NXB Hội Nhà văn, 2 mẫu lịch đã in và cuốn sách (bản pho to) Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng do NXB Trẻ ấn hành năm 1986. Trong cuốn sách này, ở trang 154, 155 là phần giới thiệu bức tranh đã in trong tờ lịch với lời chú dẫn bằng tiếng Việt, giải thích rất rõ về nội dung, ý nghĩa và nội dung của chữ Nôm đúng như Báo Văn Hóa đã nêu. Như vậy, không những TS. Nguyễn Mạnh Hùng biết mà còn “rành sáu câu” về bức tranh “Phố Hàng đồng”.  

TS. Hùng - Sở VHTT - vietnamhoc.net
TS. Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng phải) đang giải trình tại Sở TT&TT TP.HCM

  Giải trình vì sao chọn bức tranh này, TS. Hùng cho biết: “Khi chuẩn bị mẫu để in lịch năm 2010, Bộ phận văn phòng đề xuất chọn 2 mẫu tranh về Hà Nội xưa để chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó có bức tranh “Phố Hàng đồng”, tôi đã đồng ý ngay mà “quên” mất bức tranh này phần chữ Nôm có nội dung rất “dung tục”. TS. Hùng đã nhận trách nhiệm sự sai sót này và sẽ có giải trình bằng văn bản cho Sở TT & TT và cùng hợp tác với Sở để khắc phục hậu quả. Về số lượng 5 ngàn tờ của mẫu lịch này, ông chỉ mới phát hành có… 300 tờ. Số còn lại đang còn trong kho do phát hiện có nội dung xấu.

    Lãnh đạo Phòng BC-XB đề xuất hướng xử lý: Trước mắt, đưa toàn bộ số lịch chưa phát hành về Sở để tiến hành tiêu hủy, tích cực thu hồi những tờ lịch đã phát ra bên ngoài để tránh sự phát tán rộng rãi.

    Việc thu hồi và tiêu hủy được thực hiện trong tuần tới theo đúng quy trình tiêu hủy ấn phẩm có nội dung xấu.

Không thể ngờ…

   “Tôi cũng như rất nhiều đại biểu khác “được” nhận tờ lịchlạ” này vào cuối tháng 12 vừa qua, tại một hội thảo về giáo dục ĐH do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tại TP.HCM, có rất nhiều giáo sư đầu ngành giáo dục tham dự.

    Tôi thấy rất buồn cười về nội dung trong tờ lịch này, nó rất dung tục, không thể ngờ rằng một trường ĐH mà lại cho in nội dung này trên tờ lịch – vốn sẽ phổ biến rộng rãi cho rất nhiều đối tượng xem. Tôi nói thế bởi nội dung một số câu trong đó rất thiếu tế nhị, vừa phản văn hóa, phản giáo dục và phản cảm. Có thể một số người không biết chữ Hán-Nôm thì không để ý nhưng như chúng tôi đọc vào là thấy bực mình ngay. (PGS. Văn Như Cương1, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)

    Không riêng gì hội thảo giáo dục ĐH nói trên mà tại một cuộc họp khác với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các giáo sư, nhà giáo lão thành thì tờ lịch này cũng “được” tặng. “Khi xem nội dung, chúng tôi thấy ngạc nhiên quá vì không biết tại sao lại “tặng”như thế? Chúng tôi bị tặng món quà phản văn hóa!(GS. Phạm Phụ2, ĐH Bách khoa TP.HCM)

Nguồn gốc của bức tranh

     Tiếp tục tìm hiểu bức tranh, chúng tôi có đầy đủ hơn thông tin về nguồn gốc ra đời của bức tranh. Bức tranh ra đời cách đây hơn một thế kỷ, được in lần đầu tiên trong tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” (1909) với 4.200 bức vẽ và tranh khắc của tác giả Henri Oger (người Pháp). Lần đầu tiên được in với số lượng rất ít, chỉ 60 bản.

    Nói về quá trình hình thành tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Trung Tín – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cho biết: Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Henri Oger (viên chức Pháp) sang Việt Nam và cảm kích những vấn đề về văn hóa Việt Nam nên đã thuê thợ vẽ ở Hải Dương khắc nên bức tranh này. Do đó, tác giả của bức tranh là người Việt Nam, còn Henri Oger là tác giả của đề tài “Kỹ thuật của người An Nam”. Trong đó bức tranh “Phố Hàng đồng”, người vẽ đã tả thực cảnh tốt xấu, những nét văn hóa và phản văn hóa của Hà Nội cũ. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, đây là tác phẩm rất quý, giống như một cuốn lịch sử hình ảnh đầy đủ về thời đó. Nếu không có tác phẩm này chúng ta không biết thế nào về con người thời đó. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ còn một bộ gốc hoàn chỉnh được lưu giữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, các bản gốc còn lại được lưu giữ tại Pháp và Nhật.

    Theo tìm hiểu của Văn Hóa, tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” đã được Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hợp tác tái bản bằng 3 thứ tiếng Pháp, Anh , Việt dưới dạng sách (gồm 3 tập) và ấn phẩm điện tử. Sách đã do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành số lượng 2.000 cuốn, khổ 31,5x24cm. Bức tranh mà Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng dùng để in thành bộ lịch nằm ở trang 531, tập 3 của tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam”.

GHI CHÚ :
◊  Nguồn:  Báo Văn Hóa online – baovanhoa.vn/vanhoavannghe/23278.vho.

CHÚ THÍCH :
1:  Văn Như Cương, PGS. TS. nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
2:  Phạm Phụ, GS. TS. nguyên Trưởng khoa Quản lý Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

(Visited 190 times, 1 visits today)