Đảm bảo QUYỀN CƠ BẢN của các DÂN TỘC THIỂU SỐ ở VIỆT NAM hiện nay

TS. NGUYỄN THỊ SONG HÀ*

     Đảm bảo quyền của các tộc người thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Kể từ khi đổi mới đất nước đến nay, bảo đảm quyền cơ bản của các tộc người thiểu số được đẩy mạnh trên nhiều phương diện cụ thể: xóa đói giảm nghèo, nâng cấp cơ sở hạ tầng yếu kém, hỗ trợ đất đai, đất sản xuất, nước sạch, giáo dục, đào tạo, y tế, công ăn việc làm, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…

x
x x

1. Mở đầu

     Trong quá trình hình thành và phát triển, các tộc người ở Việt Nam đã tạo nên những đặc điểm riêng của mỗi tộc người, song lại mang những nét chung của bản sắc quốc gia đa dân tộc. Các tộc người sinh sống ở Việt Nam có những đặc điểm cơ bản như: truyền thống đoàn kết trong đấu tranh, xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất; dân số không đều, cư trú phân tán và xen kẽ; các tộc người thiểu số phân bố trên địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh và có trình độ phát triển kinh tế – xã hội không đều nhau.Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, quyền của các tộc người thiểu số đã được đề cập đến và được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng, được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật mà thể hiện rõ nhất qua Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, song từ đó đến nay quyền của các tộc người thiểu số được quan tâm hơn khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từng bước thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, ở trên nhiều phương diện, quyền của các tộc người thiểu số ở Việt Nam đã được đảm bảo một cách tương đối đầy đủ trong từng giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng vẫn còn đó những bất cập về mặt lập pháp, thực thi về mặt hành pháp và bảo vệ về mặt tư pháp bởi việc thực hiện bảo đảm quyền con người cho các tộc người thiểu số còn gặp những khó khăn nhất định về trình độ phát triển, cư trú xen kẽ và phân tán, những đặc điểm về văn hóa, khoảng cách về địa lý và rào cản về ngôn ngữ.

2. Thực trạng đảm bảo quyền của các tộc người thiểu số

     2.1 Phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

     Xóa đói, giảm nghèo để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện các quyền cơ bản của con người, thực hiện quyền bình đẳng và công bằng xã hội đối với các tộc người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong quá trình đổi mới đất nước, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thực hiện an sinh xã hội (ASXH), chăm lo cải thiện cuộc sống các tộc người thiểu số, điều này được thể hiện rõ qua Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a); Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 gồm: giai đoạn 1 từ 1998 – 2005; giai đoạn 2 từ 2006 – 2010): Chính sách thực hiện ASXH được thể hiện trên các phương diện như đảm bảo các điều kiện kinh tế, xã hội cơ bản, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào tộc người thiểu số…

     Chương trình phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã tập trung đầu tư, hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, trong đó ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) ở những vùng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, ngân sách Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ nguồn lực lớn, chẳng hạn như chỉ tính giai đoạn  2005 – 2012, ngân sách đã lên tới 3.304 tỷ đồng (trong đó 2005 là 647 tỷ, 2006 – 2010 là 1,874 tỷ, 2011 là 383 tỷ và năm 2012 là 399 tỷ). Theo báo cáo trong Hội nghị toàn quốc sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình – mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm (XĐGN&VL), giai đoạn 2001 – 2005 tốc độ giảm nghèo khá nhanh, đến cuối năm 2003, cả nước giảm được 93,4 vạn hộ nghèo; giai đoạn 2006 – 2010: tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (9,45%/kế hoạch dưới 10%); thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng; số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (57,51%/kế hoạch 50%);số hộ nghèo vay vốn tín dụng tăng (6,8 triệu hộ/kế hoạch 6,2 triệu lượt hộ); giai đoạn 2006 – 2010, Chương trình đã hỗ trợ được 5 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân 7 – 8 triệu đồng/ lượt/ hộ, triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, 52 triệu lượt người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, 2,8 lượt học sinh nghèo được hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 140.000 lượt cán bộ giảm nghèo cơ sở, đầu tư 2.000 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; có khoảng 400 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở và đã có 17 tỉnh, thành phố, 306 quận, huyện và 5.931 xã, phường, thị trấn hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho người nghèo [8]…

     Chương trình phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số qua 4 giai đoạn đầu tư gồm giai đoạn 1998 – 2000 (Quyết định 133); giai đoạn 2001 – 2005 (Quyết định 143); giai đoạn 2006 – 2010 (Quyết định 20), giai đoạn 2012 – 2015 (Quyết định 1489/2012/QĐ-TTg) đã tập trung:

     + Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào tộc người thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn[7]Chẳng hạn như về nhà ở một số địa phương đã đạt tỷ lệ cao và bảo đảm cả về số lượng, chất lượng về nhà ở đủ các tiêu chuẩn 3 cứng: nền cứng, vách cứng và mái cứng như Quảng Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ… Trong khi đó, một số địa phương như Tuyên Quang, Quảng Nam lại quan tâm về cấu trúc, diện tích của nhà ở để sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt và phong tục tập quán của đồng bào. Chỉ tính trong 2 năm 2009 – 2010, Chính phủ đã bố trí 3.103 tỷ đồng cho việc hỗ trợ nhà ở. Các huyện nghèo đã tổ chức khởi công xây dựng 52.321/77.311 căn nhà (đạt 67,7% kế hoạch). Còn việc giải quyết đất ở cho các hộ gia đình được các địa phương triển khai bằng nhiều phương án và hình thức khác nhau. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến hết năm 2007 Nhà nước đã hỗ trợ được 77% số hộ với 71% diện tích theo kế hoạch ban đầu và 78% số hộ với 74% diện tích sau khi điều chỉnh, bổ sung về đất ở cho đồng bào các tộc người thiểu số trên cả nước. Một số tỉnh có quỹ đất đã quy hoạch được những khu dân cư mới, gắn với quy hoạch lâu dài của địa phương, được tăng cường cơ sở hạ tầng về đường, điện, nước. Đối với đất sản xuất, mặc dù có nhiều bước chuyển biến tích cực, song đến nay, mới chỉ giải quyết được cho 70.549 hộ với tổng diện tích 25.15l ha đạt 31% diện tích và 30% số hộ. Ví dụ: thực hiện chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quyết định số 74/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 đã đạt kết quả như sau: tổng số hộ dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề là 43.395 hộ, 216.975 khẩu, trong đó 9.808 hộ không có đất ở, 33.587 hộ thiếu đất sản xuất, 116.648 lao động có nhu cầu học nghề, chuyển nghề, mua máy móc thiết bị. Các địa phương đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 4.553/33.587 hộ (đạt 13,56%), hỗ trợ đất ở cho 5.584/9.808 hộ (đạt 56,93%) [2]. Về nước sinh hoạt, các tỉnh đã xây dựng được 3.117 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư thiếu nước, đạt 52% kế hoạch ban đầu và 47% kế hoạch bổ sung. Nhiều tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của chương trình theo kế hoạch như Vĩnh Phúc, Hà Tây, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Bình Phước. Đã hỗ trợ cho 148.816 hộ đạt 53% số hộ so với kế hoạch ban đầu và 51% số hộ sau khi đã điều chỉnh. Báo cáo việc thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTG, ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho thấy có 36 tỉnh thực hiện với 274.344 hộ có nhu cầu hỗ trợ, trong đó hỗ trợ đất sản xuất 79.139/33 tỉnh. Trong giai đoạn từ 2006 – 2010, ngân sách nhà nước cấp 2.301,86 tỷ đồng cho hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đạt 56,4% nhu cầu vốn, trong đó ngân sách trung ương 1.946,86 tỷ đồng; ngân sách địa phương 355 tỷ đồng. Một số tỉnh xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả (trồng điều, thuốc lá, chăn nuôi bò…) ở các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng trang trại như ở Lào Cai, Yên Bái… Các hộ dân được hỗ trợ trực tiếp, được tập huấn kỹ thuật, nâng cao được kiến thức sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất… Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 – 2009, ngân sách trung ương 1.280,71 tỷ đồng, kết quả giải ngân 1.027,89 tỷ đồng, đạt 80,25% kế hoạch được giao, trong đó có: 12 tỉnh đạt 100%, 32 tỉnh đạt từ 70 – 99% và hai tỉnh giải ngân trên 60%. Điều này đã góp phần cải thiện đời sống của đồng bào các tộc người thiểu số ở các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, các địa phương chỉ tập trung giải quyết hỗ trợ nước sinh hoạt, chỉ có 4/33 tỉnh thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, với 281 ha, cho 979 hộ với kinh phí 12,3 tỷ đồng [3].

     + Hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định số 33/2007/ QĐ-TTg và Quyết định 1342/2009/QĐ-TTg.

     Thực hiện chính sách định canh định cư theo các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào các tộc người thiểu số đã được các địa phương triển khai sâu rộng và triệt để. Năm 2010, các dự án định canh định cư được triển khai ở 35 tỉnh với nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp là 260 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn sự nghiệp là 100 tỷ và nguồn vốn đầu tư phát triển là 160 tỷ, tập trung giúp người dân hỗ trợ di chuyển, san gạt nền nhà, làm nhà, san gạt mặt bằng, khai hoang, mua lương thực. Trong quá trình thực hiện các địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án khác để thực hiện. Với định mức vốn hỗ trợ cho công tác đền bù thấp, nhiều tỉnh đã vận dụng chính sách đất đai, thu hồi các doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, đất rừng sử dụng kém hiệu quả, đất chưa sử dụng… để tạo quỹ đất ở và đất sản xuất bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư chưa có đất ở, thiếu đất sản xuất.

     + Xây dựng kết cấu hạ tầng và trung tâm cụm xã, trong 5 năm 2001 – 2005, bằng nguồn vốn Chương trình 135 lồng ghép với các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn, sau 6 năm (1999 – 2004) các địa phương đã xây dựng trên 20.000 công trình: 6.652 công trình giao thông, 3.608 công trình thủy lợi, 4.654 trường học, 2.346 công trình cấp nước sinh hoạt, 1.298 công trình điện, 487 công trình trạm xá, 237 chợ, 426 hạng mục khai hoang. Giai đoạn 2006 – 2010, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng 12.646/23.700 công trình đạt 53,4% so với kế hoạch, với giá trị đã thực hiện 7.892,737 tỷ đồng; trong đó: đường giao thông 3.375 công trình, thủy lợi 2.393 công trình, trường học 2.478 công trình, nước sinh hoạt 1.573 công trình, điện 995 công trình, chợ 367 công trình, trạm y tế 489 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng 976 công trình. Đến 2009 đã có 10.242 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó giao thông 2.925 công trình, trường học 2.113 công trình, thủy lợi 1.987 công trình và nhiều công trình khác…

     + Đào tạo và tăng cường năng lực cán bộ, trình độ văn hóa và dân trí ở các xã địa bàn khó khăn được cải thiện, nhân dân đã có nhận thức và yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện tiếp nhận kỹ thuật mới dễ dàng hơn. Chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ được nâng cao nhờ chất lượng công tác y tế, giáo dục và đào tạo. Đến năm 2005, đã đào tạo được 1.080 lớp với 155.159 học viên và cán bộ đương chức, các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền, cán bộ xã, các trưởng thôn, trưởng bản, tổ chức tập huấn cho 3.500 lượt cán bộ từ tỉnh đến huyện tham gia quản lý, chỉ đạo Chương trình 135; các địa phương đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý hành chính, kinh tế, quản lý dự án, giám sát… cho 178.000 lượt cán bộ xã, thôn, bản; đào tạo, tập huấn cho 279.793 lượt người dân về các nội dung của Chương trình 135, về tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng, kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số…

     2.2 Dạy nghề, tạo việc làm và bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe và y tế cộng đồng

     Đối với chính sách dạy nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2006 – 2010 ước tính có khoảng 150 nghìn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí; giai đoạn 2010 – 2012, thực hiện Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (QĐ 1956/QĐ-TTg) đã hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho gần 1,1 triệu lao động, trong đó lao động hộ nghèo chiếm 10,7%; lao động hộ cận nghèo chiếm 5,2%; lao động người dân tộc thiểu số chiếm 20,5%, tạo việc làm cho trên 55 nghìn người thuộc hộ nghèo (chiếm 44,1% số người nghèo được học nghề). Các chương trình dạy nghề chủ yếu đó là dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên và các dự án dạy nghề cho người nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Theo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Báo cáo giám sát của Hội đồng dân tộc, đến cuối năm 2012, tại 51 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng đã có 468 cơ sở đào tạo nghề, đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia, trong đó khoảng 12.000 lao động đã được dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức. Từ 2009 – 2012 đã đưa được gần 8.500 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc tại các nước như Malaysia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… [4, tr.715 – 716].

     Về hệ thống y tế, 100% số xã ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế. Việc khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa được quan tâm hơn: gần 100% số xã có cán bộ y tế trực; 93,5% số xã có trạm y tế; hơn 95% trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các loại bệnh dịch cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Mạng lưới y tế phát triển nhanh, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn đã có cán bộ y tế.

     Mặc dù Nhà nước đã có những đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phát triển đội ngũ thôn bản tại các địa phương, song kết quả các cuộc điều tra y tế cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25% – 35% so với cả nước; đặc biệt cao hơn 40% ở đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa như dân tộc Mảng, La Hủ, Cờ Lao…  Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện trên diện rộng và đạt được hiệu quả cao trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm từ 233/100 ngàn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 61,9/100 ngàn trẻ đẻ sống vào năm 2005, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống hơn 2 lần từ 59/1000 trẻ đẻ sống xuống còn 23/1000 trẻ đẻ sống vào năm 2013 [3]. Tuy nhiên, tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi cũng ở mức cao như Tây Nguyên (27,3%), Trung du và miền núi phía Bắc (24,5%); đặc biệt một số vùng dân tộc và miền núi có tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi cao trên dưới 40% như Lai Châu (47,7%), Điện Biên (39,7%), Hà Giang (37,5%),  Kon Tum (38,2%), nhiều dịch bệnh trong vùng đồng bào các tộc người thiểu số như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác chưa được kiểm soát chặt chẽ bởi hiện vẫn còn một số ít tộc người thiểu số thực hiện các phong tục, tập quán truyền thống đã tác động đến chất lượng dân số và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ nhỏ, đó là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết:

     Đội ngũ cán bộ y tế: vùng Tây Bắc, trung bình mỗi xã có 3,5 thôn bản đặc biệt khó khăn. Con số tương tự ở Tây Nguyên là 2,3, ở Đông Bắc là 1,9, ở Bắc Trung Bộ là 1,4 ở và Duyên hải miền Trung là 1. Tính trung bình có khoảng 80% y tá thôn bản đã qua đào tạo, thấp nhất ở Tây Nguyên (66,1%), tiếp đến là Nam Trung Bộ (71%), Đông Nam Bộ (72,8%). Tại các huyện nghèo và những huyện khó khăn tỷ lệ y tế thôn bản đã qua đào tạo cao hơn ở những huyện không nghèo và không khó khăn (83,2% và 81,2% so với 79,7% và 79,2%).

     – Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT)

     Hiện nay, có khoảng 25% trong số gần 6 triệu người thuộc diện hộ cận nghèo tham gia BHYT, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% phí tham gia BHYT, thậm chí ở một số địa phương ở vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương còn được hỗ trợ tới 90% phí tham gia BHYT, nhưng tỷ lệ người dân ở những vùng này tham gia BHYT vẫn rất thấp.

     Từ năm 2002, ngân sách nhà nước đã thực hiện hỗ trợ khám chữa bệnh đối với người nghèo thông qua Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế quy định Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, trong đó hỗ trợ 100% cho ngưởi nghèo, 50% cho người cận nghèo. Năm 2012, để khuyến khích cho hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được nâng lên 70%, đối với một số đối tượng sống ở địa bàn khó khăn mức hỗ trợ là 100% (ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 2.380 tỷ đồng/năm để thực hiện chính sách này). Giai đoạn 2006 – 2010 có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; năm 2011 – 2012 có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đến 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế (khoảng trên 15 triệu người),đối tượng cận nghèo có bảo hiểm y tế đạt trên 1,6 triệu người (bằng 25% so với tổng số người cận nghèo).

     2.3 Đảm bảo quyền được giáo dục – đào tạo

     Hiện nay, 100% số xã ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90 – 95%; 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học cơ sở, 12,9% số xã có trường trung học phổ thông Chính phủ đã ban hành quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên [9]. Cho đến năm học 2010 – 2011, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở gần 7.010 trường. Giai đoạn 2006 – 2010 có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 2,8 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ vở, sách giáo khoa. Năm học 2011 – 2012 đã có trên 4 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ ăn cho trẻ em 5 tuổi. Từ những năm 1990, Nhà nước đã thực hiện chính sách tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển, giai đoạn 2006 – 2011, đã đào tạo 12.812 sinh viên (trong đó 10.560 đại học và 2.252 cao đẳng)theo chính sách cử tuyển. Giai đoạn 2005 – 2012, ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ kinh phí cử tuyển đối với học sinh thuộc hộ nghèo và hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non là 15.136 tỷ đồng. Cả nước có 305 trường phổ thông dân tộc nội trú, 569 trường phổ thông dân tộc bán trú. Cùng với thành quả chung về phát triển mạng lưới giáo dục – đào tạo, phổ cập giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo giáo viên, duy trì tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo trong nhiều năm, hệ thống giáo dục – đào tạo của cả nước đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ, tạo nền tảng quan trọng nhằm thay đổi cuộc sống các hộ gia đình nghèo bền vững hơn trong tương lai [4, tr.715 – 716].

     Về hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập của cả nước, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được xác định có vị trí mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc, miền núi, trong tạo nguồn cán bộ là người dân tộc.Đến năm học 2012 – 2013, toàn quốc có 300 trường PTDTNT ở 50 tỉnh, thành phố, gồm: 3 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50 trường cấp tỉnh, 247 trường cấp huyện; 569 trường PTDTBT, trong đó 157 trường PTDTBT cấp tiểu học và 412 trường PTDTBT cấp trung học cơ sở (THCS). Nhiều địa phương đã xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện theo hướng liên thông trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT) [7].

     Về chính sách cử tuyển: trong vòng 11 năm, từ 1999 – 2009, cả nước đã thực hiện cử tuyển được 19.720 học sinh các dân tộc thiểu số vào học tại 79 trường đại học, cao đẳng Trung ương và 30 trường cao đẳng địa phương [7]. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã được bố trí công việc vào các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội và từng bước giữ các vị trí trọng trách ở địa phương. Đó là những thành tựu lớn trong thực hiện chính sách cử tuyển – một chính sách chuyên biệt nhằm đào tạo đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững của các địa phương.

     2.4 Đảm bảo các quyền tham chính

     Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc thiểu số có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại Điều 53 và 54 của Hiến pháp năm 1992 và điều 27, 28, 29 Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước và xã hội đối với các dân tộc thiểu số luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, những vấn đề chính trị xã hội, đặc biệt là ở vùng đồng bào các tộc người thiểu số luôn bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước dùng những luận điệu xuyên tạc, bôi xấu và thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

     Hiện nay, có nhiều đại biểu của các dân tộc thiểu số giữ các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Số đại biểu Quốc hội khoá XI là người dân tộc ít người hiện có 86/498, khóa XII là 87/493 người (chiếm 17,27% và 17, 65% số đại biểu Quốc hội, cao hơn tỷ lệ 13,8 % dân số là người dân tộc thiểu số). Tỷ lệ đại biểu dân tộc ít người tại Hội đồng nhân dân các cấp cũng khá cao: 14% ở cấp tỉnh, thành phố; 17% cấp huyện và 19% cấp xã, phường. Tại các địa phương miền núi, tỷ lệ đó cao hơn nhiều. Số lượng cán bộ là người dân tộc ít người ở các địa phương không ngừng tăng: chiếm trên 31% cán bộ xã ở các tỉnh Tây Nguyên [7]. Thực tế những năm qua, người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước ngày càng nhiều. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham chính ngày càng tăng, số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, trong khi người dân tộc thiểu số chiếm 14,3% dân số [11].

     Trong những năm gần đây, việc tham chính của các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng, điều này được thể hiện qua so sánh đối chiếu giữa các kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội các khóa, số lượng Đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy công quyền nhà nước tương đối ổn định. Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII: thành phần Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 78 người, chiếm tỉ lệ 15,60%, chỉ ít hơn 12 người so với dự kiến và giảm 2,05% so với Quốc hội khoá XII; cơ cấu thành phần đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh: đại biểu là người dân tộc thiểu số có 688 người, đạt tỉ lệ 18,0%; cơ cấu thành phần đại biểu HĐND cấp huyện: đại biểu là người dân tộc thiểu số có 4.237 người, đạt tỉ lệ 20,10%; cơ cấu thành phần đại biểu HĐND cấp xã: đại biểu là người dân tộc thiểu số có 62.383 người, đạt tỉ lệ 22,46% [8].

     2.5 Bảo đảm các quyền về văn hóa của các dân tộc thiểu số

     Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hoá các dân tộc thiểu số và chính sách văn hoá đối với các dân tộc thiểu số, điều đó được thể hiện rõ qua các văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

     –  Quyền bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc

     Nhà nước khẳng định sự tôn trọng đối với văn hóa truyền thống của tộc người thiểu số, mong muốn giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa của các tộc người thiểu số, chú trọng sưu tầm, khai thác, lưu giữ, in ấn và giới thiệu rộng rãi các di sản đặc sắc của văn hóa tộc người. Việc Nhà nước ta thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa của các tộc người để bảo đảm sự bình đẳng đã được thể hiện rõ trên nhiều phương diện. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia 2001 – 2005, vấn đề “Bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” đã được đặt ra, với tổng kinh phí 1.600 tỉ đồng, đã sưu tầm, khai thác và lưu giữ, in ấn, giới thiệu rộng rãi các di sản đặc sắc của văn hóa các tộc người ở Việt Nam. Trong những năm gần đây đã có những đánh giá sâu sắc hơn, tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa của tộc người thiểu số được thể hiện qua việc Nhà nước đầu tư nhiều dự án điều tra, bảo quản và biên dịch sử thi Tây Nguyên và từ năm 2001 – 2007, đã sưu tầm và công bố hàng trăm tác phẩm sử thi của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Cùng với đó, Nhà nước đã tổ chức sưu tầm, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên rộng khắp ở 5 tỉnh Tây Nguyên và các vùng phụ cận, đề xuất và được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa của nhân loại cùng với việc đề xuất các di sản văn hóa của người Kinh như Ca trù, Hát Quan họ… Việc thế giới công nhận các di sản văn hóa là một sự khuyến khích mạnh mẽ đối với tất cả các tộc người thiểu số trong việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa để nhằm phục vụ cho chính cuộc sống của họ. Điều này đã chứng minh và khẳng định sự bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc là chính sách cơ bản trong chiến lược phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

     Trong nhiều năm qua, Chính phủ từng bước cụ thể hoá các chủ trương của Đảng qua các kỳ Đại hội thành các chính sách ưu tiên phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác văn hoá – thông tin ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nêu rõ: “Coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật của các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số”.

    – Quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa chung

     Sau 30 năm đổi mới, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được bảo đảm… Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa bao hàm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hưởng thụ các giá trị văn hóa cũng chính là hưởng thụ những thành quả sáng tạo văn hóa của chính chủ thể, là sự thụ hưởng những tinh hoa của các sáng tạo văn hóa đã góp phần điều chỉnh xã hội theo hướng tốt hơn để từ đó xã hội, cộng đồng tộc người được phát triển… Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho người dân, trong đó có đồng bào các tộc người thiểu số. Chỉ tính đến tháng 3/2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm (so với 676 cơ quan thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động). Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới, trên 90% hộ gia đình bắt sóng được Đài Truyền hình Việt Nam, so với 85% năm 2008. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cơ hội, nhiều kênh trong tiếp nhận thông tin. Hệ phát thanh dân tộc (VOV4) được thành lập và nâng cấp thành một số chương trình phổ biến kiến thức cho đồng bào dân tộc như: chương trình tiếng Cơ Tu xây dựng phục vụ thông tin cho 18 nghìn đồng bào Cơ Tu đang sinh sống dọc dải Trường Sơn, chương trình tiếng dân tộc Khmer… Nhu cầu được thưởng thức đời sống văn hóa tinh thần trong kỷ nguyên thông tin đòi hỏi người dân được tiếp cận với truyền thống đa phương tiện và đa chiều. Hiện nay, không chỉ sóng truyền hình, truyền thanh của các cơ quan trung ương, còn có cơ quan truyền thông của địa phương ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước, còn có 75 kênh truyền hình nước ngoài. Quyền truy cập internet cũng là một nội dung thể hiện quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, đặc biệt sự ra đời và dịch vụ truy cập internet, trong đó có truy cập internet 3G của Viettel phổ cập trên toàn quốc, trong đó có vùng miền núi, dân tộc nên việc tiếp thu, hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân nói chung, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được nâng cao.

     –  Quyền bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số

     Các tộc người thiểu số sinh sống trên đất nước ta có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Theo số liệu chưa đầy đủ, nước ta có 24 dân tộc có chữ viết là Thái, Mông, Tày, Nùng, Khơmer, Gia Rai, Ê Đê, Hoa, Chăm… Chữ viết của một số tộc người đã được sử dụng trong các trường học là Thái, Hoa, Khmer, Chăm, Ê Đê, Tày, Nùng, Cơ Ho, Lào… Đảm bảo quyền về sử dụng ngôn ngữ cho các tộc người thiểu số được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII): “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.

     Ngày 14 tháng 1 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Bảo đảm việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. Cũng trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đề cập đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số đã khẳng định: “Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc”.

     Về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, Nghị định 05/2011/NĐ-CP cũng đã nhấn mạnh: “Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật” Tinh thần đó tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Điều 5, Hiến pháp sửa đổi ghi rõ: Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

     Trong điều kiện một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề ngôn ngữ và mối quan hệ dân tộc trong quá trình phát triển. Giải quyết các vấn đề ngôn ngữ thường gắn với hàng loạt vấn đề ngoài ngôn ngữ như chính trị, dân tộc, tâm lý, tôn giáo – tín ngưỡng. Có chính sách ngôn ngữ đúng đắn là động lực to lớn để nâng cao dân trí, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào các tộc người thiểu số. Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2014, chất lượng học môn dân tộc cho thấy ở tiểu học chỉ có 46,9% học sinh đạt khá giỏi, đối với cấp trung học cơ sở tỷ lệ là 42,1%, trung học phổ thông là 59,8%. Tuy nhiên thực trạng việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số còn đặt ra một số vấn đề như ngôn ngữ dạy còn ít, chất lượng giáo trình chưa cao, việc tổ chức dạy và học còn nhiều khó khăn do tính đồng nhất về dân  tộc giữa các lớp học không nhiều [3].

     –  Bảo đảm quyền phát triển văn hóa

     Để đảm bảo quyền phát triển về văn hóa của các tộc người thiểu số ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã xây dựng, triển khai và phê duyệt nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở; Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 về việc cấp 14 loại báotạp chí nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã ra đời, tạo nền tảng và diện mạo mới trong chính sách văn hóa trong giai đoạn mới của đất nước. Trong các năm 2008 – 2009, Thủ tướng Chính phủ Quyết định Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Thông qua các hoạt động văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức rõ hơn cái hay, cái đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình để tôn vinh, trân trọng, gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

     2.6 Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người thiểu số

     Mỗi dân tộc thiểu số ở nước ta có những nét văn hoá, phong tục tập quán riêng, độc đáo tạo nên nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đời sống văn hoá, các dân tộc đều có nhu cầu về đời sống tâm linh. Hầu hết các dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng đa thần (với quan niệm vạn vật hữu linh) và thờ cúng theo phong tục tập quán truyền thống. Riêng đồng bào Khmer từ xa xưa đã theo Phật giáo (Nam tông). Trong quá trình lịch sử, Phật giáo Nam tông là chỗ dựa tinh thần, là trung tâm của đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Khmer. Phật giáo Nam tông thật sự trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

     Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và không tôn giáo, tín ngưỡng của công dân, trong đó có các tộc người thiểu số. Mọi công dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo cũng như giữa các tôn giáo khác nhau. Đảng và Nhà nước ta cũng nhấn mạnh, phải đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tôn giáo phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của tổ quốc Việt Nam và giữ gìn độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích, phát huy… Có thể nói, các quyền tự do tín ngưỡng và quyền sinh hoạt tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam, trong đó có vùng dân tộc thiểu số đã được thực hiện tương đối đầy đủ theo Công ước quốc tế và Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển và có xu hướng phục hồi các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng truyền thống và xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có những tổ chức, loại hình tôn giáo đã được Nhà nước công nhận hay chưa công nhận. Hiện nay, ở Việt Nam đang tồn tại nhiều loại hình tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Công giáo, Đạo Tin Lành, Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tứ ân hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Baha’I, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo Tam tông miếu, Bà la môn… Bức tranh về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hết sức đa dạng. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, một số loại hình tôn giáo lại được phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào các tộc người thiểu số như Công giáo, Đạo Tin Lành (ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc), Phật Giáo Nam Tông (đồng bào Khmer) ở miền Tây Nam Bộ… Có thể thấy rằng, sự thay đổi về diện mạo tôn giáo là sự khởi đầu cho sự thay đổi về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam trên cơ sở nền tảng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Báo cáo công tác tôn giáo trong tình hình mới của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã khẳng định thành tựu của công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới công tác tôn giáo đã mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo được đảm bảo về tín ngưỡng, tôn giáo và quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật, đã tích cực tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, gần 30 năm qua, kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội, song lại cũng có nhiều nảy sinh trong công tác dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị cơ sở tại địa phương và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giúp đỡ những tín đồ, chức sắc nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động lợi dung tôn giáo, tín ngưỡng của các thế lực thù địch chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

3. Một số hạn chế, bất cập trong đảm bảo quyền cho các tộc người thiểu số

      Những kết quả của quá trình 30 năm đổi mới đất nước và thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo quyền cho các tộc người thiểu số ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, song nó vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong hệ thống chính sách và trong quá trình thực hiện:

     Thứ nhất, nhiều vấn đề trong chính sách đối với đồng bào các tộc người thiểu số đã được Đảng và Nhà nước ta xác định trong các văn kiện, nghị quyết nhưng chưa hoặc không được thể hiện đầy đủ trong các văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết. Mới chỉ có 57 luật với 132 điều quy định một số nội dung liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc, trong khi đó nhiều nội dung, quy định chưa được cụ thể hóa dưới luật để tổ chức thực hiện.

     Thứ hai, nhiều chính sách đối với đồng bào các tộc người thiểu số còn mang tính định hướng chung chung, chưa cụ thể cho từng vùng (vùng dân tộc, miền núi, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…), cho từng nhóm tộc người theo văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nên đôi khi việc triển khai và áp dụng đối với các tộc người chưa đem lại hiệu quả.

     Thứ ba, vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ trong quyết định Chính sách dân tộc chưa được thực hiện một cách đầy đủ, đúng với phạm vi, thẩm quyền… nhất là trong việc cụ thể hóa Hiến pháp bổ sung, sửa đổi năm 2013 [3].

     Thứ tư, năng lực, khả năng lãnh đạo, tư duy của người quản lý, thực thi chính sách giữa các Bộ, ban, ngành, các địa phương chưa đồng đều nên quá trình triển khai thực hiện chính sách đem lại kết quả chưa được như mong muốn.

4. Kết luận

     Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, mỗi một tộc người đều có một nền văn hóa riêng, văn hóa Việt Nam là văn hóa thống nhất trong đa dạng. Trong quá trình phát triển quốc gia dân tộc, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt là từ khi Đổi mới đất nước đến nay, quyền của các tộc người thiểu số của Việt Nam luôn được quan tâm trên nhiều phương diện và đã đạt được thành tựu nhất định, song cũng còn một số hạn chế, bất cập. Nhằm đảm bảo các quyền cơ bản cho các tộc người thiểu số, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều đề án, chương trình và chính sách tập trung vào các vấn đề cốt lõi cho vùng đồng bào các tộc người thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên các khía cạnh như đói nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, du canh du cư, hỗ trợ đất đai, đất sản xuất, nước sạch, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… Các chính sách đảm bảo quyền cho tộc người thiểu số đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đã không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và xã hội cho đồng bào các tộc người thiểu số với điều kiện đất nước ở từng thời kỳ và ngày càng hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào tộc người thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lường Ngọc Ánh, Đặng Thị Hoa, Nguyễn Thẩm Thu Hà (2007), Báo cáo chuyên đề“Những vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết” của Ủy ban Quốc gia Dân số Kế hoạch hóa Gia đình.

[2] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 74/QĐ- TTg.

[3] Phan Văn Hùng (2015), Những vấn đề mới trong quan hệ dân tộc và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc ở nước ta, Đề tài cấp Nhà nước.

[4] Nguyễn Thị Bích Thu (2014), Đánh giá thực trạng công tác ban hành và thực hiện các chương trình, chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược về công tác dân tộc từ 1986 đến nay, t.2, Kỷ yếu khoa học tại Ủy ban Dân tộc.

[5] Thủ tướng Chính phủ (1998), Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 về đẩy mạnh công tác văn hóa – thông tin ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

[6] Văn phòng Chương trình giảm nghèo quốc gia, Báo cáo năm 2010.

[7] cema.gov.vn

[8] isos.gov.vn

[9] nhandan.com.vn

[10] ubdt.gov.vn

[11] vietnamplus.vn

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (101) – 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 48 times, 1 visits today)