DANH NGÔN VUI trong TIẾNG VIỆT nhìn từ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG NGỮ NGHĨA – Phần 1

DANH NGÔN VUI trong TIẾNG VIỆT nhìn từ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG NGỮ NGHĨA – Phần 1

TS. TRẦN KIM PHƯỢNG
MAI THANH DUNG

     Trong cuộc sống với bao công việc bộn bề như ngày hôm nay, ai cũng mong mình có được những giây phút thư giãn để giải tỏa căng thẳng. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe những câu nói vừa vui vui, vừa hóm hỉnh lại vừa trí tuệ như:

(1) Có thể cầm đèn chạy trước ô tô nhưng phải chạy trên vỉa hè.

(2) Hạnh phúc thường bấm chuông nhà ta khi chuông hỏng.

(3) Mọi tai họa xảy ra trên đời chỉ vì phụ nữ không nghe lời đàn ông còn đàn ông lại nghe lời phụ nữ.

(4) Chúng ta hay thiếu thời gian vì chúng ta hay giết thời gian.

(5) Góa phụ, đó là người đàn bà đã mất nhà tài trợ chính thức.

     Chúng tôi tạm gọi đây là những danh ngôn vui (Một số báo, tạp chí thường đặt cho nó cái tiêu đề “Ranh ngôn” và cho vào trong ngoặc kép). Chúng chính là những chiêm nghiệm từ cuộc sống được phản ánh bằng một cái nhìn hài hước. Đây là sản phẩm ngôn ngữ của thế hệ trẻ hoặc của những người có tư duy trẻ ở thời hiện đại. Nó pha trộn cả yếu tố khẩu ngữ, yếu tố kinh tế thị trường, thậm chí cả yếu tố giới tính. Với một tâm hồn lạc quan, bằng sự dí dỏm, thông minh của tuổi trẻ, những câu nói vui này chủ yếu đề cập tới những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, của con người. Từ góc độ ngôn ngữ học, danh ngôn vui là những phát ngôn thú vị và hàm súc cả trên bình diện nội dung ngữ nghĩa và cả ở cách lập luận.

1. Khái niệm danh ngôn vui

     1.1. Danh ngôn vui và danh ngôn chính thống

     Có thể nói, danh ngôn vui là một biến thể của danh ngôn chính thống. Danh ngôn, theo chúng tôi, là những câu nói hay về cuộc đời, có ý nghĩa sâu sắc, được lan truyền rộng rãi. Đa phần danh ngôn thường do những người nổi tiếng nói ra và có thể xác định được người nói. Bên cạnh đó còn có những câu khuyết danh.

     Nội dung của danh ngôn rất phong phú. Từ những danh ngôn về tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình đến những danh ngôn về chính trị, về cách ứng xử hay thái độ của con người trước cuộc sống. Thí dụ như danh ngôn về tình bạn: Tình bạn là tình yêu không có cánh (L.Byron)/ Người bạn đáng tin cậy quý hơn mọi thứ quà tặng (Euripide); danh ngôn về tình yêu: Tình yêu là thông điệp của các thiên thần gửi các vì tinh tú (V. Huygo)/ Tình yêu là một giọt sương có thể thấm nhuần cỏ dại cũng như cây hoa hồng (danh ngôn Thụy Điển) hoặc những danh ngôn rất ý nghĩa về cuộc sống: Đừng sợ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách vì đó chính là cơ hội để bạn vững vàng và trưởng thành hơn (Khuyết danh)/ Hãy hiền dịu, khoan dung với mọi người trừ bản thân mình (Joubert)… Tựu trung lại, danh ngôn thường thể hiện một chiêm nghiệm nào đó về nhân sinh theo lối bác học và hướng người đọc đi theo một lí tưởng sống cao đẹp.

     Còn danh ngôn vui, theo chúng tôi, là những câu nói mang tính hài hước, dí dỏm, bông đùa nhưng cũng đầy sâu sắc, thâm thúy về cuộc sống. Danh ngôn vui phản ánh cuộc đời rất gần gũi, với đầy màu sắc hiện thực, với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với đầy đủ vui buồn, sướng khổ, tốt xấu của con người và xã hội. Danh ngôn vui thường không tìm được tác giả (khuyết danh).

     Danh ngôn vui là sản phẩm ngôn ngữ chung của thế hệ trẻ thời hiện đại với những mảng màu hết sức phong phú: tình yêu, tình bạn, công việc, gia đình, sức khỏe, kinh tế, thị trường…

     Tuy cùng giống nhau về sự đa dạng trong đề tài được phản ánh, song danh ngôn chính thống và danh ngôn vui có sự khác nhau về cách tiếp cận nội dung. Nếu danh ngôn chính thống định nghĩa: Tình yêu là thơ ca, là mặt trời của cuộc sống (Belinxki) thì danh ngôn vui lại góp một cách hiểu đầy trẻ trung, mới lạ về tình yêu:

(6) Tình yêu như mạng nhện, chạm vào là dính liền.

     Hay cùng nói về hôn nhân nhưng giữa danh ngôn chính thống và danh ngôn vui có cách nói khác nhau. Danh ngôn chính thống nói: Hôn nhân là một nấm mồ dành để vùi chôn ái tình (Chamfort), danh ngôn vui lại phát hiện bất ngờ:

(7) Hôn nhân là khi chàng trai trẻ mua rau thay vì mua hoa.

     Nếu danh ngôn thường đề cập tới những vấn đề tích cực, những lời khuyên để hoàn thiện nhân cách con người thì danh ngôn vui lại chọn cách phản ánh mặt trái của hiện thực để từ đó con người nhận ra cả cái tốt lẫn cái xấu của xã hội, của bản thân, để từ đó rút ra bài học sống. Thí dụ như trong khi danh ngôn chính thống khuyên răn con người phải kết nối tình cảm, phải mở rộng lòng mình bằng câu: Người ta thường cô đơn vì người ta thường chỉ lo xây tường chứ không lo xây những nhịp cầu thì danh ngôn vui lại phơi bày hiện thực trong xã hội hiện đại con người luôn vụ lợi, tính toán khi đến với nhau:

(8) Hiếm người bỗng dưng lại tốt.

     Hoặc có thể dẫn thêm về danh ngôn vui phản ánh chân thực xã hội như sau:

(9) Điểm giống nhau giữa trước, trong và sau giờ làm việc của công chức là sự nhàn nhã.

(10) Sự thật mạnh hơn sự dối trá, mà người ta thì thường hay đứng về phía kẻ yếu.

(11) Muốn dễ ngủ thì hãy xem các bộ phim truyền hình không phát kèm quảng cáo.

     Rõ ràng danh ngôn vui thường đi vào những mặt trái, những góc cạnh khuất lấp của hiện thực bằng cái nhìn dí dỏm, châm biếm đầy thông minh. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể tìm thấy một triết lí nào đó về cuộc sống ở những câu danh ngôn vui như thế này:

(12) Vết thương nặng nề và khó chạy chữa nhất là đổ vỡ lương tâm.

(13) Tính khiêm tốn là một dạng tự kiêu ít làm người xung quanh khó chịu.

     Như vậy, cũng giống như danh ngôn, đọc danh ngôn vui một cách có suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa của nó rất “chí lí”, dù nó luôn được biểu hiện khác với cách mà chúng ta vẫn nhìn nhận. Tuy nhiên, về cơ bản, danh ngôn chính thống mang tính giáo dục, còn danh ngôn vui mang tính giải trí.

     Một điểm khác nhau nữa giữa hai loại danh ngôn trên đó là danh ngôn chính thống có giá trị chân lí, ổn định và bền vững, nó đúng với mọi thời đại; còn danh ngôn vui gắn rất chặt với hoàn cảnh nảy sinh của nó, nên có tính nhất thời, nó chỉ đúng tại một thời điểm nhất định mà thôi. Do vậy, để hiểu danh ngôn vui, cần phải đặt nó trong bối cảnh sản sinh ra nó.

     Danh ngôn chính thống đã từng được công bố thành sách. Còn danh ngôn vui, vì là sản phẩm của thế hệ trẻ hay những người có tư duy trẻ trung, nên cách xuất hiện cũng rất trẻ: chủ yếu trên mạng internet hoặc trong mục “Ranh ngôn” trên các báo An ninh thế giới giữa tháng và cuối tháng, báo Tuổi trẻ cười…

     1.2. Danh ngôn vui, “thành ngữ” thời @ và “ca rao”

     Thời hiện đại mà chúng ta đang sống ngày hôm nay cũng là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh những lối nói hiện đại. Ngoài danh ngôn vui, chúng ta còn thấy xuất hiện rất nhiều “anh em” với nó, tiêu biểu là thành ngữ thời hiện đại – còn gọi thành ngữ thời @ – và ca dao vui – thường gọi chệch đi là “ca rao”.

     Có thể hiểu thành ngữ thời @ là những lời nói cố định được cộng đồng giới trẻ hiện nay sử dụng rộng rãi, đặc biệt là thế hệ 9X. Đó là những cụm từ hoặc những câu nói kiểu như: Ăn chơi sợ gì mưa rơi; Bình thường như công an phường; Bình thường như cân đường hộp sữa; Ngất trên cành quất; Đã xấu lại còn xa, đã sida còn xông pha hiến máu; Chán như con gián, Con hư tại Osin, Chảnh như con cá cảnh; Không phải chú dốt, chỉ vì mẹ chú quên cho iốt vào canh; Một điều nhịn là chín điều nhục; Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên…

     Khoác chiếc áo của thành ngữ, là một sản phẩm “hậu hiện đại” của dân gian, song kiểu “thành ngữ” này đã có một thời làm dấy lên những cuộc tranh luận với nhiều quan điểm đối lập. Có người ủng hộ, có người kịch liệt phản đối, lại có người cho rằng nói như vậy cũng “chả chết ai”… Đã có những nhà ngôn ngữ học lên tiếng về vấn đề này. Thực sự, có một số “thành ngữ” có thể làm đảo lộn những giá trị đạo đức chân chính, làm chệch hướng đi của giới trẻ (như: Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ hay Không mày đố thầy dạy ai).

     Còn “ca rao” tức ca dao vui thường là những câu ca dao, tục ngữ của dân gian nhưng đã bị biến hóa bằng cách thay đổi một số từ ngữ với mục đích cơ bản là để mua vui, nó cũng chủ yếu được đăng tải trên internet và một vài báo in. Thí dụ:

(14) Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục vẫn là cái ao.

(15) Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp tốn xăng dầu bấy nhiêu.

(16) Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi.

(17) Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày vật giá leo thang.

(18) Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Xe đi không khéo gãy vành như chơi.

     Mặc dù cùng là cách thức nói năng mới của giới trẻ Việt và có điểm tương đồng về cách sử dụng từ ngữ mang đậm dấu ấn khẩu ngữ nhưng nội dung của thành ngữ hiện đại và ca dao vui không giống với danh ngôn vui. Thành ngữ hiện đại và danh ngôn vui thường thiên về nêu tính chất một sự việc hoặc mua vui đơn thuần bằng cách sáng tạo ngôn ngữ bất ngờ, trong khi danh ngôn vui thường ẩn chứa ý nghĩa cuộc sống.

     Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh ngôn vui mới xuất hiện trong cách thức nói năng của người Việt thời gian gần đây. Như đã nói, nó chưa hề được tập hợp thành sách và càng chưa được đi sâu nghiên cứu.

2. Danh ngôn vui trên bình diện nội dung ngữ nghĩa

     Khác với danh ngôn chính thống, danh ngôn vui không chứa đựng những triết lí cao siêu mà nó là những chiêm nghiệm hết sức giản dị và gần gũi. Danh ngôn vui phản ánh cuộc đời thực, chứ không tô hồng nó.

     2.1. Danh ngôn vui phản ánh hiện thực cuộc sống, xã hội nói chung

     2.1.1. Danh ngôn vui thể hiện những triết lí chung về cuộc đời

     Nếu như danh ngôn chính thống luôn đề cao giá trị cuộc sống và kêu gọi mọi người liên tục rèn luyện ý chí, phấn đấu vươn lên, chẳng hạn: Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận. Nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại phía sau và không bao giờ tới đích. (Khuyết danh)/ Nếu có ai ban cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa (Allyson Jones) thì danh ngôn vui lại nhìn nhận cuộc đời một cách nhẹ nhàng và giản dị. Thí dụ:

(19) Cuộc đời càng phức tạp thì niềm vui sống càng đơn giản.

     Danh ngôn vui đề cao sự tự do, không toan tính trong cuộc sống, không đặt nặng mục tiêu để phấn đấu – một quan niệm sống của giới trẻ, mang hơi thở của thời đại mới:

(20) Cuộc đời giống như nhạc jazz, càng ngẫu hứng càng hay.

     Và cuộc sống thì không chỉ có màu hồng, danh ngôn vui giúp chúng ta tỉnh táo đón nhận những sự thật không theo ý muốn:

(21) Lúc nào cũng có ngày mai nhưng không phải dành cho tất cả.

      Câu này chuyển tải nội dung ý nghĩa: Tương lai tươi đẹp và hạnh phúc không đến với tất cả mọi người; do vậy, không nên quá lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Nhưng qua cách nói nhẹ tênh, vui vẻ, ta lại nhận được một lời khuyên: đừng quá bi lụy hay thất vọng vì điều đó. 

     Và cuộc đời con người là cả một hành trình phấn đấu mà không biết bao giờ mới tới đích:

(22) Đôi khi lên đến trần của mình rồi, ta mới buồn bã nhận ra rằng đó chỉ là sàn của ai đấy.

      Cũng giống như danh ngôn chính thống, đọc danh ngôn vui ta hay bắt gặp những lời chiêm nghiệm, triết lí về những giá trị tinh thần của cuộc sống. Bởi lẽ đó là những điều mà con người hằng tìm kiếm và theo đuổi nhưng không phải lúc nào cũng đạt được. Đó là hạnh phúc, là tự do. Nhưng quan niệm về hạnh phúc hay tự do trong danh ngôn vui không phải là cái gì cao siêu hay quá xa vời mà thật là giản dị:

(23) Hạnh phúc, đó là khi sống hợp thời và chết đúng lúc.

(24) Hạnh phúc đó là khi không cần biết hôm nay là thứ mấy.

(25) Tự do đó là khi ta không cần thêm thứ gì ở cuộc đời này.

(26) Mâu thuẫn gay gắt nhất trên cõi đời này đó là khi thèm bia hơi mà lại không có tiền.

      Sử dụng chủ yếu kiểu câu định nghĩa (C là V) khi nói về những giá trị cuộc sống, danh ngôn vui mang đến cho ta sự thoải mái, vui vẻ khi tiếp cận nó như chính những nội dung mà nó hướng tới. Hạnh phúc đơn giản chỉ là khi con người không cần quan tâm đến thì giờ (vì cuộc đời quả thực là một cuộc chạy đua với thời gian), hoặc một vài cốc bia hơi cũng đủ để giải tỏa những mâu thuẫn. Có một điều chúng tôi cảm thấy là mặc dù danh ngôn chính thống rất sâu sắc nhưng những lúc mệt mỏi, khó tiếp thu được nó; đọc danh ngôn vui, ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Những lời khuyên trong danh ngôn vui cũng thật nhẹ nhàng, chẳng hạn lời khuyên con người biết chấp nhận:

(27) Khi người ta không có cái mà mình thích thì nên thích cái mà mình có.

     2.1.2. Danh ngôn vui phản ánh đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục

Không thiên về ngợi ca xã hội, danh ngôn vui phản ánh những góc khuất cuộc đời. Bức tranh xã hội phức tạp hiện lên qua danh ngôn vui với đầy đủ các mảng màu sáng tối.

a. Danh ngôn vui phản ánh những hiện tượng “mới lạ” trong xã hội hiện đại.

– Đó là sự bùng nổ của giới tính thứ ba:

(28) Nếu các vấn đề giới tính được giải quyết bằng trí tuệ thì ta rất dễ bị loạn trí.

(29) Không phải người đàn bà nào cũng đẹp và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà.

(30) Trai thuộc dạng “xăng pha nhớt” đó là chuyên gia đa ngành nghề.

     Rõ ràng là trong xã hội ngày nay, hiện tượng chuyển giới đang là một điểm nóng được dư luận hết sức quan tâm. Những người thuộc giới tính thứ ba bắt đầu công khai giới tính thật của mình. Những danh ngôn vui, dù được nói theo lối nói hài hước, nhưng vẫn phản ánh sự phức tạp của vấn đề giới tính, khiến người ta giật mình.

     – Đó là thời đại của công nghệ cao, của vi tính và kĩ thuật số:

(31) Thư cũng thành thư điện tử, báo cũng thành báo điện tử, giờ mới rõ giấy được làm ra để dùng vào việc gì.

(32) Người ta nói yêu bằng tim nhưng tin bằng óc. Thực ra ngày nay ta yêu bằng các trang mạng và tin vào cái IP (địa chỉ máy) ta truy ra được.

     Và người ta bắt đầu nhận thấy mặt trái của internet:

(33) Mạng Internet, đó là cơ quan bài tiết của nhân loại.

(34) Một trong những ưu điểm của mạng Internet là nhờ nó mà người ta ít viết bậy lên tường.

     – Đó là thời đại thật giả lẫn lộn, khó đoán biết, khó lường:

(35) Không phải mọi thứ to phồng dưới ngực áo cũng đều là vòng một.

     b. Danh ngôn vui phản ánh những mặt tiêu cực của xã hội

     – Đó là hiện trạng cấp phát, mua bán biển số xe đẹp mà con người không có biện pháp giải quyết:

(36) Cách chống tệ nạn trong việc cấp biển số xe hữu hiệu nhất là đừng phát hành những biển số đẹp.

     – Đó là tệ nạn ma túy:

(37) Ngày trước, tôn giáo là ma túy với quần chúng; ngày nay, ma túy là tôn giáo với một số người.

      Câu danh ngôn vui gồm hai vế nhưng trọng tâm nhấn mạnh của nó thuộc về vế thứ hai. Nếu như trước đây tôn giáo được xem như một thứ thuốc phiện của con người (theo cách nói của Các Mác) thì ngày nay, ma túy là tôn giáo – tức là một thứ “tín ngưỡng” của một số đối tượng. Cách nói tương phản, đối xứng nhau nhằm khẳng định một hiện thực tường minh: tệ nạn ma túy đang có một sức hút khó cưỡng trong xã hội.

     – Đó là nạn tham nhũng mà sự đấu tranh của con người xem ra không kết quả:

(38) Đôi khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng làm giảm số lượng các vụ đút lót nhưng lại làm tăng dung lượng của chúng lên.

     – Đó là sự thống trị của vật chất:

(39) Tiền có thể biến bản án thành hợp đồng.

(40) Thà nhận một ít tiền hơn là lời “cảm ơn nhiều”.

(41) Nếu tiền không mang lại hạnh phúc thì có nghĩa là hạnh phúc đòi hỏi nhiều tiền hơn số mà ta có thể làm ra.

      b. Danh ngôn vui phản ánh những mặt khác nhau của đời sống kinh tế

     – Danh ngôn vui mô tả những đặc điểm nổi bật của thời buổi kinh tế thị trường – thời buổi thực dụng – khi đồng tiền có mặt ở mọi nơi, chi phối mọi quan hệ, thời buổi không có cái gì là cho không biếu không:

(42) Thời kinh tế thị trường thì ở đầu con đường dẫn vào nhà thờ cũng có trạm thu phí.

(43) Trường đời không bao giờ là công lập.

     – Danh ngôn vui cũng ghi nhận hiện tượng cho vay với lãi suất cao của một số ngân hàng trong thời kì hiện nay:

(44) Cướp nhà băng không phổ biến bằng bị nhà băng cướp.

     – Danh ngôn vui phản ánh thời buổi khó khăn, đồng lương không đủ sống:

(45) Được tăng lương cũng giống như uống một li rượu, nó nâng tinh thần ta lên nhưng chỉ trong chốc lát.

     d. Danh ngôn vui phản ánh đời sống văn hóa, giáo dục

     Thực trạng của giáo dục hiện nay được phản ánh qua cái cười đầy ẩn ý – một nền giáo dục chỉ chú trọng vào lí thuyết nên kiến thức khó áp dụng vào thực tế, khiến người ta hay mắc sai lầm:

(46) Kiến thức càng mang tính khoa học cơ bản thì càng khó áp dụng vào thực tế.

(47) Càng học nhiều thì càng không có thời gian để áp dụng những kiến thức đã học.

(48) Cái gọi là trí thức thường nêu lên rất nhiều vấn đề nhưng lại chẳng đưa ra được cách giải quyết nào cả.

Danh ngôn vui cũng phản ánh thực trạng của việc đọc sách:

(49) Sách cổ điển là loại sách mà ai cũng ca ngợi nhưng không ai đọc cả.

(50) Ai cũng ca ngợi Nguyễn Du nhưng chẳng mấy ai đọc hết Truyện Kiều.

     Và suy cho cùng, có học vấn cũng vẫn có thể mắc sai lầm:

(51) Học vấn giúp người ta sai lầm một cách bài bản.

      Có một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận, đó là không phải lúc nào con người cũng cố gắng vươn tới tầm cao tri thức; sẽ có lúc ta thỏa mãn với nó, và khi ấy, ta dừng lại.

(52) Tri thức cũng như phụ nữ, khi ta sở hữu rồi thì ta thôi thèm muốn.

     Hơn thế, con người bắt đầu quan tâm tới những cái xấu:

(53) Website càng tệ thì càng đông người truy cập.

      Và những thứ không thể mua bán cũng được mang ra trao đổi:

(54) Không thể mua được tình yêu và kiến thức. Nhưng bán thì được.

     2.2. Danh ngôn vui về con người và mối quan hệ của con người trong xã hội

     Con người, dù bất kì ở đâu, cũng là trung tâm của mọi mối quan hệ. Những danh ngôn vui về nghề nghiệp, về đàn ông – phụ nữ, hôn nhân – gia đình, tình bạn – tình yêu,… xuất hiện với tần số dày đặc và tiếp tục phản ánh thói hư tật xấu của con người dưới cái nhìn hài hước.

     2.2.1. Danh ngôn vui về con người – công chức thời nay

     Công chức là những người được tuyển dụng và làm một công vụ thường xuyên trong cơ quan nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chức cũng có khi được hiểu là những người làm việc trong xã hội hiện đại. Danh ngôn vui là sản phẩm ngôn ngữ thời hiện đại, nó bắt kịp với hiện thực cuộc sống, vì vậy, những danh ngôn vui nói về công chức xuất hiện khá nhiều. (Thiết nghĩ rất nhiều công chức chính là tác giả của những câu danh ngôn vui mà ta đang nghiên cứu. Họ tự chiêm nghiệm cuộc đời mình).

     – Danh ngôn vui phản ánh thực tế làm việc của công chức thời nay khi họ tiêu 8 giờ vàng ngọc ở cơ quan vào những việc vô bổ:

      Điểm giống nhau giữa trước, trong và sau giờ làm việc của công chức là sự nhàn nhã. (thí dụ 9 đã dẫn)

(56) May mà còn có công sở chứ không thì chẳng biết giết thời gian trên mạng ở đâu.

     – Danh ngôn vui phản ánh việc họp hành của công chức:

(57) Để không ai ngủ gật trong phòng họp thì phải mời tất cả ngồi lên đoàn chủ tịch.

     – Danh ngôn vui vẽ nên bức tranh ông sếp thời hiện đại:

(58) Càng ra dáng sếp thì càng ít tư chất lãnh đạo.

(59) Sếp càng chức cao thì tiếu lâm sếp kể càng dễ gây cười.

     – Danh ngôn vui phản ánh mối quan hệ giữa nhân viên với “sếp”:

(60) Rủ được sếp đi nhậu là đáng nể nhưng được sếp rủ đi nhậu còn đáng nể hơn.

(61) Tranh thủ được thời gian thì có thể tăng thêm thu nhập nhưng tranh thủ được sếp thì có thể thu được “siêu lợi nhuận”.

     Hai câu danh ngôn vui thể hiện cái nhìn hóm hỉnh về mối quan hệ giữa nhân viên với sếp, đặc biệt chú trọng vào thực tế nhân viên hay “tận dụng” sếp để thu lợi cho bản thân.

     – Danh ngôn vui phản ánh nạn tham nhũng ở công chức:

(62) Để xóa sạch tham nhũng thì phải giải tán hết công chức.

     Công chức là đối tượng mới, được đưa vào lăng kính phản ánh của danh ngôn vui. Đọc danh ngôn chính thống, chúng ta rất khó có thể tìm thấy những câu nói về đề tài này. Danh ngôn vui đã nêu ra những góc khuất về công chức trong xã hội hiện đại. Nhưng người ta không hề thấy nặng nề khi nghe “nhược điểm” của mình bởi những vấn đề đó đều được thể hiện dưới cái nhìn hài hước.

     2.2.2. Danh ngôn vui thể hiện những góc nhìn khác nhau về phụ nữ và đàn ông

     Trong quá trình khảo sát tư liệu, chúng tôi nhận thấy những câu danh ngôn vui đề cập tới hai nửa của thế giới xuất hiện với tần số khá cao. Nhìn chung, bức tranh phụ nữ hiện ra rất xấu, xấu một cách chân thực, nhưng lại không đáng ghét.

     a. Bức tranh người phụ nữ thời hiện đại

      – Phụ nữ với đặc điểm chú trọng tiền bạc:

(63) Thuyết phục phụ nữ tốt nhất không phải bằng lời nói mà bằng tiền tươi thóc thật.

(64) Đàn ông cần tiền chủ yếu chỉ chi cho hai việc: có được nàng và thoát được nàng.

(65) Tìm được người trong mộng rồi thì phải rút ví ra.

     – Phụ nữ với những nhu cầu không giới hạn:

(66) Có hai dạng phụ nữ: một dạng thì nói thẳng với bạn về những nhu cầu của họ, còn dạng kia thì nói bóng gió.

      – Phụ nữ với những bản tính khác nhau:

     + Hay nói dối:

(67) Nếu bạn không muốn phụ nữ nói dối thì bạn đừng hỏi họ điều gì.

     + Thích nghe những lời ngọt ngào:

(68) Khen phụ nữ tức là chưa hiểu hết họ. Chê phụ nữ tức là hoàn toàn không hiểu họ.

     + Phức tạp, khó hiểu, khó lường:

(69) Chẳng lẽ chỉ có thể hiểu phụ nữ một cách thực sự khi ta chuyển đổi giới tính?

(70) Nội tâm của đàn ông phức tạp hơn, còn nội tâm của đàn bà bất trắc hơn.

     + Hay ghen tị, đặc biệt ghen tị về sắc đẹp với người cùng giới:

(71) Tây Thi làm thích mắt đàn ông, Thị Nở làm thích mắt đàn bà.

     + Thực dụng:

(72) Đẹp trai để thương nhớ còn giàu có để lấy làm chồng.

     Cũng chính vì những bản tính ấy mà danh ngôn dưới đây giống như một tiếng thở dài bất lực:

(73) Càng biết nhiều về phụ nữ càng khó có thể lạc quan.

     Có một câu danh ngôn chính thống nói rằng: Nếu thiếu phụ nữ thì thế giới này ít nhất sẽ mất đi 5/10 cái thật, 6/10 cái thiện và 7/10 cái đẹp. Rõ ràng từ trước tới nay, người ta luôn dành cho phụ nữ những mĩ từ, những lời ưu ái nhất. Danh ngôn vui lại góp một sự suy nghĩ, một tiếng nói hài hước về những cái có thể gọi là chưa đẹp của phái nữ. Tuy nhiên, xuất phát từ cái nhìn không ác cảm đối với phụ nữ, những danh ngôn này không sa vào phê phán mà chỉ như một lời trách móc nhẹ nhàng.

     + Quan niệm về người phụ nữ đoan chính thời hiện đại:

(74) Một người phụ nữ đoan chính không chỉ biết cởi bỏ y phục một cách chậm rãi mà còn phải biết mặc váy vào thật nhanh.

     b. Bức tranh người đàn ông thời hiện đại

     – Đàn ông thì luôn cần phụ nữ – dù trong bất cứ hoàn cảnh nào:

(75) Khi người đàn ông buồn, anh ta tìm một phụ nữ; khi người đàn ông vui, anh ta lại tìm thêm một phụ nữ khác.

     – Đàn ông hời hợt trong tình cảm:

(76) Vì tình yêu, người phụ nữ sẵn sàng hi sinh mình, còn đàn ông thì sẵn sàng hi sinh những người phụ nữ khác.

(77) Đối với phụ nữ, người đàn ông thích nhất là người mà họ đang yêu. Đối với đàn ông, người phụ nữ thích nhất là người đang là của lạ.

     – Đàn ông ít khi thỏa mãn:

(78) Người đàn ông chỉ đánh giá được đúng người đàn bà mà mình yêu quý sau khi đã cưới người đàn bà khác làm vợ.

     – Đàn ông thời nay nhiều người không được đàn ông cho lắm, nên quan niệm về đàn ông thật đơn giản:

(79) Đã là đàn ông thì không được có tính đàn bà.

     Và những định nghĩa về người thành công của thời hiện đại cũng thay đổi so với quá khứ, thậm chí đi ngược với quan điểm của quá khứ:

(80) Thế nào là không công thành danh toại? Đó là khi ta đã tứ thập mà bồ của ta cũng ngoài bốn mươi.

(81) Người đàn ông thành công là người kiếm được nhiều tiền hơn số tiền mà vợ anh ta tiêu xài. Còn người đàn bà thành công là người kiếm được người đàn ông như vậy.

(82) Người đàn ông tồi là người không bao giờ thích bồ bịch.

     Vẫn nằm trong nội dung này còn có một số câu nói về mối quan hệ giữa những chân dài với đại gia:

     – Chân dài luôn tìm tình yêu nơi đại gia:

(83) Khẩu hiệu của chân dài: nếu phải tuyệt tình thì cũng phải với đại gia.

(84) Không có gì tô điểm hoa hậu đẹp hơn một đại gia xứng đáng.

     Có thể nói người đẹp – đại gia là mối quan hệ gây nhiều chú ý từ dư luận. Danh ngôn vui đã không bỏ qua vấn đề nhạy cảm ấy của xã hội hiện đại. Chân lí mà danh ngôn vui đúc kết về đề tài này đó là yêu người đẹp thì tốn tiền:

(85) Chân dài làm sướng mắt nhưng lại làm khổ ví.

(86) Chân càng dài thì càng không bán mình theo giá rẻ.

(87) Chân dài, đó là thiên đường cho mắt, địa ngục cho tim và lò đốt bao nhiêu tiền cũng hết.

      Như vậy, thông qua danh ngôn vui, toàn bộ bức tranh về xã hội, con người đã hiện lên một cách chân thực với đầy đủ mảng màu sáng tối của nó.

     2.2.3. Danh ngôn vui thể hiện những góc nhìn khác nhau về hôn nhân – gia đình

    Những mối quan hệ của con người ở đây xoay quanh chủ đề hôn nhân – gia đình, tình yêu, tình bạn, mối quan hệ giữa người với người nói chung trong xã hội. Có thể nói đây là một trong những góc cạnh của đời sống được danh ngôn vui quan tâm phản ánh nhiều nhất. Bởi lẽ đó là những vấn đề gần gũi, chi phối tới mỗi người nhiều nhất.

     – Danh ngôn vui phản ánh hiện thực về hôn nhân, cuộc sống gia đình:

(88) Hôn nhân là nghệ thuật sống chung mà vẫn giữ được hạnh phúc như khi còn độc thân.

     Hôn nhân là khi chàng trai trẻ mua rau thay vì mua hoa. (Thí dụ 7 đã dẫn)

     – Đưa ra cách gìn giữ hạnh phúc gia đình trong thời đại mới:

(89) Muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình thì thỉnh thoảng phải biết nhìn vợ bằng con mắt của ông hàng xóm.

     Trong cuộc sống gia đình, người vợ giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đồng thời cũng là “đối tượng” gây nhiều “tranh cãi” của các ông chồng. Danh ngôn vui có nhiều câu là suy nghĩ của người chồng về nửa còn lại của mình:

+ Cái nhìn hài hước về vợ – kẻ hay móc túi chồng:

(90) Người cho ta tiền là thầy ta, người cho ta mượn tiền là bạn ta, người lúc nào cũng muốn lấy tiền của ta là vợ ta.

     + Mong muốn của người chồng:

(91) Có một bạn gái thì hãy nghĩ rằng có thể có nhiều hơn; có một vợ thì hãy nghĩ rằng có thể có ít hơn.

     Đối với đàn ông, có một bạn gái là ít, họ luôn muốn có nhiều hơn, nhưng một bà vợ thì đã là quá nhiều – họ luôn muốn có ít hơn.

     2.2.4. Danh ngôn vui phản ánh hiện thực tình yêu, tình bạn thời hiện đại

      Tình yêu, tình bạn là đề tài chúng ta hay bắt gặp trong danh ngôn chính thống. Những tình cảm cao đẹp ấy cũng không nằm ngoài đối tượng phản ánh của danh ngôn vui. Ở chủ đề này, danh ngôn vui tiếp tục mang đến một cái nhìn đầy trẻ trung, mới lạ.

     – Tình yêu thời hiện đại gắn liền với internet và tình yêu ấy không hề đáng tin cậy: Người ta nói yêu bằng tim nhưng tin bằng óc. Thực ra ngày nay ta yêu bằng các trang mạng và tin cái IP (địa chỉ máy) ta truy ra được (thí dụ 32 đã dẫn).

     Phản ánh sự không bền vững và hậu quả không mấy tốt đẹp của tình yêu:

(92) Tình yêu đến rồi đi nhưng con cái, nợ nần và bệnh tật sẽ ở lại.

(93) Những cặp cưới nhau vì tình yêu thường li dị nhau vì lí trí.

     Nếu danh ngôn chính thống thường ngợi ca tình yêu, tình bạn bằng những từ ngữ trau chuốt, gọt giũa mà người ta hay gọi là “lời hay, ý đẹp” thì danh ngôn vui chọn cho mình hình thức “lời vui”, “ý chân thực” để phản ánh những khía cạnh khác nhau của tình yêu, tình bạn thời hiện đại. Những “ý chân thực” ấy sẽ giúp người đọc nhận ra bản chất của sự việc, từ đó họ tìm được bài học cần thiết cho mình trong cuộc đời. Chọn cách nêu ra những mặt trái trong các mối quan hệ, danh ngôn vui hướng người đọc đến một cái nhìn thực tế hơn về bản chất xã hội.

      Có thể thấy, những nội dung mà danh ngôn vui đề cập đến đều là những vấn đề gần gũi của cuộc sống hiện đại. Từ chuyện làm việc, họp hành của công chức đến chuyện hạnh phúc gia đình, từ vấn đề đọc sách đến vấn đề tham nhũng, ma túy… Trong những nội dung đó, có những điều không phải lúc nào cũng nói ra được và càng khó có thể nói một cách trực tiếp. Danh ngôn vui chọn cách nói hài hước, tưởng như đùa mà lại hóa thật khiến cho vấn đề bớt nặng nề. Người ta đọc, cười và suy ngẫm.

     Mời xem tiếp:

DANH NGÔN VUI trong TIẾNG VIỆT nhìn từ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG NGỮ NGHĨA (Phần 2)

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 12 (2012)

Ảnh đại diệnBan Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập. Ảnh chỉ mang tính chất tô điểm
Ban Tu Thư (https://vietnamhoc.net)

(Visited 33 times, 1 visits today)