DI TÍCH sản xuất GẠCH, NGÓI thế kỷ XV – XVIII ở BẮC VIỆT NAM: từ góc nhìn KHẢO CỔ HỌC

DI TÍCH sản xuất GẠCH, NGÓI thế kỷ XV – XVIII ở BẮC VIỆT NAM: từ góc nhìn KHẢO CỔ HỌC

TS. NGÔ THỊ LAN*

Đặt vấn đề

     Gạch, ngói là vật liệu đất nung truyền thống trong hệ vật liệu xây dựng Việt Nam, cùng với nguyên vật liệu khác gạch, ngói  tạo nên một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Khảo cổ học Việt  Nam trong những năm qua đã phát hiện nhiều di tích kiến trúc và khối lượng lớn loại hình gạch, ngói và các bộ phận trang trí trên ngói thế kỷ XV-XVIII. Thống kê sơ bộ có trên 100 di tích kiến trúc phát hiện thấy gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII. Các di tích này phân bố 14 tỉnh, thành phố ở Bắc Việt Nam. Những đặc trưng cơ bản của gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII trong các di tích kiến trúc ở Bắc Việt Nam đã bước đầu được nghiên cứu đến (Ngô Thị Lan 2013). Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa biết gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII được sản xuất ở đâu ?. Gạch, ngói được sản xuất như thế nào?. Quy mô sản xuất và chất lượng của loại hình gạch, ngói đó ?. Trên cơ sở tập hợp tư liệu về di tích sản xuất gạch, ngói qua nguồn tư liệu khảo cổ học nhằm bước đầu trả lời các vấn đề trên. Qua đó góp phần hiểu thêm về nghề thủ công sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII.

Các di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII ở Bắc Việt Nam

     Cho đến nay qua nguồn tư liệu khảo cổ học có 144 vết tích lò nung được phát hiện thấy trong 15 di tích và cụm di tích kiến trúc thế kỷ XV-XVIII ở Bắc Việt Nam. Các di tích này phát hiện rải rác ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội (4 lò nung), Thanh Hóa (3 lò nung), Quảng Ninh (2 lò nung), Nam Định (1 lò nung), Bắc Giang (1 lò nung) và Bắc Ninh (2 lò nung), Cao Bằng (5 lò nung) và Lào Cai (2 lò nung) (Bảng 1). Các di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII chủ yếu được phát hiện trong quá trình điều tra, thám sát, khai quật hoặc phát hiện ngẫu nhiên. Các di tích gồm lò nung gạch, lò nung ngói, lò nung vật liệu kiến trúc và lò nung vật liệu kiến trúc kết hợp gốm gia dụng. Ngoài ra, dụng cụ sản xuất ngói như khuôn đầu ngói ống phát hiện ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh) và khu vực tập kết nguyên vật liệu ở cánh đồng Boọng (Thanh Hóa) và Bản Ban (Lào Cai) cũng được phát hiện. Trong đó, di tích thế kỷ XV- đầu thế kỷ XVI có 2 lò nung vật liệu kiến trúc là Đê Bưởi (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa). Lò sản xuất gạch, ngói thế kỷ XVI phát hiện ở chùa Cực Lạc (Hà Nội) và nghè Hang Xanh (Bắc Ninh). Các di tích còn lại chủ yếu có niên đại thế kỷ XVII-XVIII và nằm rải rác ở các vùng khác nhau như đền Đồng Cổ, Thượng Mạo (Hà Nội), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), Hạnh Phúc (Thanh Hóa), Vân Cát (Nam Định), Bản Ban và Soi Bầu (Lào Cai) và khu vực thành Nà Lữ (Cao Bằng). Các di tích đó sẽ được trình bày dưới đây theo niên đại và đặc trưng di tích.

Di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI

     Khảo cổ học đã phát hiện được 1 lò nung ở Đê Bưởi (Hà Nội), 4 vết tích lò nung và nơi tập kết vật liệu có niên đại thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI ở khu vực Lam Kinh (Thanh Hóa) (Trần Anh Dũng và những người khác (nnk) 2017; Nguyễn Văn Đoàn 2015). Theo kết quả công bố, các lò này đều là lò nung vật liệu kiến trúc. Lò nung ở Lam Kinh (Thanh Hóa) nằm ở bên bờ bắc sông Ngọc và được hình thành trước khi bờ sông Ngọc được trùng tu trong thế kỷ XVII. Lò nung ở Đê Bưởi (Hà Nội) còn nhận diện rõ các bộ phận của lò như tường lò, vòm lò, ống khói và bầu đốt. Tường lò cong hình cánh cung. Tường dọc và tường hậu tạo vát ở sát chân tường tạo khe dẫn lửa. Bầu đốt có hình phễu, thu hẹp về phía cửa lò. Cửa lò hình vòm cuốn hướng về phía chân đê thành. Toàn bộ lò nằm theo hướng đông-tây. Thành lò được làm từ đất sét trộn lẫn sỏi sạn đầu ruồi và sỏi son theo lối trình tường. Mặt trong là lớp sét chịu nhiệt. Kích thước lò dài 6.24m (chiều đông-tây), rộng 2.80m. Sản phẩm lò nung là các loại gạch (gạch bìa, gạch thỏi) trang trí hoa dây cách điệu, ngói (ngói âm và ngói dương) và đầu ngói ống trang trí mặt hề, hoa cúc và hoa sen dây. Ngoài ra, cách di tích Lam Kinh khoảng 1km về phía đông còn phát hiện thấy khu vực tập kết vật liệu ở cánh đồng Boọng (Lê Văn Chiến và nnk 2004). Vật liệu là loại hình thường thấy sử dụng xây dựng các công trình kiến trúc ở di tích Lam Kinh như gạch vồ, nêm và chốt gạch.

     Lò nung ở Đê Bưởi (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa) được xây dựng nhằm cung cấp vật liệu kiến trúc phục vụ xây dựng cho công trình kiến trúc tại chỗ là Thăng Long (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa). Lò đê Bưởi có thể là một trong những khu vực sản xuất vật liệu xây dựng cho kinh thành Thăng Long trong thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI. Lò nung ở Lam Kinh (Thanh Hóa) phục vụ cho việc xây dựng các công trình kiến trúc ở Lam Kinh. Thư tịch cổ ghi chép thành Thăng Long và Lam Kinh được xây dựng và sửa chữa lớn trong thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Tuy nhiên, thư tịch cổ cũng không ghi chép gạch, ngói được sản xuất ở đâu và như thế nào. Việc phát hiện lò nung ở Đê Bưởi (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa) đã bước đầu cung cấp thêm đôi chút thông tin về cấu trúc, quy mô lò sản xuất và chất lượng và các loại hình gạch, ngói ở đây.

Di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XVI

     Một số di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XVI được phát hiện như lò nung gạch ở nghè Hang Xanh (Bắc Giang), lò nung vật liệu kiến trúc ở chùa Cực Lạc (Hà Nội) và khuôn đầu ngói ống ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh).

     + Lò nung gạch: lò nung được xây dựng ở khu vực gần nghè Hang Xanh (Bắc Giang). Sản phẩm lò nung gồm nhiều loại gạch khác nhau như: gạch chữ nhật, gạch mặt cắt chữ T trang trí phù điêu rồng, phượng, ngựa, hoa lá… Loại gạch này được sản xuất tại chỗ để xây dựng và trang trí cho công trình kiến trúc tại đây (Nguyễn Xuân Cần 1998). 

     + Lò nung vật liệu kiến trúc: một dãy lò nung vật liệu kiến trúc được phát hiện tại khu vực sườn phía Tây chùa Cực Lạc (Hà Nội) (Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới 2009). Trong đó, hai vết tích lò còn nhận rõ được dấu vết mặt bằng phần thân nền lò. Thân lò có mặt bằng hình tròn hoặc hình bán viên, đường kính 1.2-1.4m. Tường lò cao 0.5m, dày (0.15-0.17) m. Các lò này  được xây bằng đất sét trộn lẫn cát và sỏi đầu ruồi để chống nứt. Cũng như lò nung gạch ở nghè Hang Xanh, lò nung ở chùa Cực Lạc được dựng lên để phục vụ xây dựng công trình kiến trúc tại chỗ.

     + Khuôn đầu ngói ống: liên quan đến sản xuất gạch, ngói thế kỷ XVI còn phát hiện được một chiếc khuôn đầu ngói ống ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh) (Trịnh Cao Tưởng 2002). Khuôn đầu ngói thuộc loại khuôn hai mặt. Một mặt là hình bông hoa cúc 8 cánh khắc chìm. Nhụy hoa hình hoa đồng tiền, có lỗ vuông. Mặt kia là hình vân mây-loại hình thường gắn trên ngói bò nóc lợp mái kiến trúc.

     Vết tích lò nung thế kỷ XVI còn nhận diện được cho thấy lò có quy mô nhỏ, được sản xuất ngay tại nơi xây dựng để phục vụ công trình kiến trúc đó. Việc phát hiện chiếc khuôn đầu ngói ống ở Luy Lâu (Bắc Ninh) cho biết thông tin về kỹ thuật chế tạo đầu ngói trang trí hoa văn trong thế kỷ XVI.

Di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XVII-XVIII

     Các di tích sản xuất gạch ngói phát hiện được phổ biến là các di tích có niên đại thế kỷ XVII-XVIII. Thống kê có 140/144 lò nung gạch, ngói thế kỷ XVII-XVIII. Các lò nung này gồm lò nung chuyên về gạch hoặc ngói; lò nung gạch, ngói kết hợp vật liệu kiến trúc và lò nung vật liệu kiến trúc kết hợp với gốm gia dụng. Ngoài ra còn phát hiện thấy khu vực tập kết vật liệu ở Bản Ban (Lào Cai). Trong 140 lò nung được phát hiện, lò nung chuyên về gạch hoặc ngói có số lượng ít (11 lò  nung gạch, 9 lò nung ngói). Gạch, ngói thế kỷ XVII-XVIII chủ yếu được nung kết hợp với vật liệu kiến trúc (70 lò nung)  hoặc kết hợp với đồ gốm gia dụng (47 lò nung).

     + Lò nung gạch: tại khu vực đồi Trường Gạch (Cao Bằng) phát hiện được vết tích 11 lò nung gạch (Lê Đình Phụng 2015; Thân Văn Tiệp và nnk 2015). Kết quả khai quật một trong số các lò trên cho thấy lò có kết cấu gồm các bộ phận cửa lò, vòm lò, tường lò, đáy lò và miệng lò. Cửa lò có cấu trúc mái vòm, mặt cắt ngang hình bán nguyệt. Mặt bằng lò hình oval, dài 4.4m (bắc-nam), 3.5m (đông-tây). Miệng lò hình elips (2.02 x 1.15)m lộ ngay trên bề mặt đồi. Lỗ thông khói hình chữ nhật, có 3 lỗ phân đều xung quanh miệng lò. Thành lò được đắp bằng kỹ thuật trình tường. Đất sét có độ kết dính cao, mịn. Nhiên liệu nung là thực vật khai thác tại chỗ. Sản phẩm là các loại gạch hình khối chữ nhật (còn gọi là gạch vồ, gạch bìa) kích thước rộng (12-17.5)cm, dày (12-16)cm, (4-7)cm. Đây là loại gạch phát hiện thấy nhiều trong khu vực thành Nà Lữ. Các nhà khai quật cho rằng khu đồi Trường Gạch và các lò phát hiện ở khu vực quanh thành Nà Lữ là nơi sản xuất gạch và vật liệu phục vụ cho việc xây dựng thành Nà Lữ của nhà Mạc trong thế kỷ XVII.

     + Lò nung ngói: loại hình lò này phát hiện ở một số di tích như khu vực đồi Khau Vú (Cao Bằng), Thượng Mạo, miếu Đồng Cổ (Hà Nội), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) (Nguyễn Văn Mạnh 2016; Hà Văn Phùng, Vũ Duy 1984; Tống Trung Tín và nnk 2008; Nguyễn Văn Đoàn và nnk 2009). Tập hợp lại cho thấy lò nung ngói thường không nằm đơn lẻ mà được phân bố cùng một cụm với các lò khác như lò Đồng Cổ (Hà Nội) nằm gần lò nung vật liệu kiến trúc, lò Thượng Mạo (Hà Nội) nằm gần 3 lò nung gốm khác. Các lò nung ngói được phát hiện đều không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại các bộ phận khác nhau. Lò Thượng Mạo còn lại một phần nền lò. Kích thước: dài 0.2-1.1m, rộng 3.2m. Cầu lò có dạng cầu nổi với 10 đường dẫn lửa. Kích thước: rộng 10cm, đường dẫn lửa rộng 8-10cm. Trong khi đó, vết tích hai lò nung ngói ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) còn lại 8 cửa lò với 2 cầu đốt. Mỗi cửa 4 cầu lò (lò thứ nhất) và 5 cầu lò và 1 cửa đốt (lò thứ hai). Lò nung ngói ở miếu Đồng Cổ (Hà Nội) còn nhận diện được rõ miệng và tường lò. Cấu trúc lò nung được xác định với khoang sấy vật liệu ở giữa. Hai bên có hai bầu đốt hình phễu và hố “thao tác” đào sâu ở phía trước bầu đốt phía nam. Kích thước khoang sấy: dài 1.8m, rộng 1.38m, cao còn lại 0.78m. Kích thước bầu đốt: dài 1.22m, rộng 1.87m.

     Sản phẩm của các lò ngói nói trên là loại ngói cánh sen (lò Quỳnh Lâm), ngói mũi nhọn (lò Đồng Cổ) và ngói âm dương (lò Khau Vú). Đây cũng là loại ngói thường được sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc tại đây. Kỹ thuật xếp ngói trong khi nung được biết đến như ngói mũi nhọn được xếp đứng hoặc nằm giữa các hàng con kê ở lò nung miếu Đồng Cổ (Hà Nội). Dụng cụ sản xuất phục vụ cho việc nung ngói như con kê cũng được phát hiện ở miếu Đồng Cổ (Hà Nội). Như vậy, cũng giống như lò nung gạch, lò nung ngói cũng được xây dựng ngay tại chỗ để cung cấp nguyên liệu cho công trình kiến trúc tại đó. Theo vết tích còn lại cho biết lò nung ngói thế kỷ XVII-XVIII có quy mô nhỏ, sản phẩm nung không được nhiều, phế phẩm ít thấy.

     + Lò nung vật liệu kiến trúc: loại hình lò này rất phổ biến (71/144 lò nung được phát hiện). Sản phẩm lò nung là gạch, ngói và các loại vật liệu khác. Một số lò nung tiêu biểu như lò Soi Bầu (Lào Cai), lò Đồng Cổ (Hà Nội), lò Vân Cát (Nam Định) và các lò nung ở quanh khu vực thành Phục Hòa (Cao Bằng) (Trần Minh Nhật và nnk 2004; Hoàng Văn Cương 2011; Nguyễn Văn Đoàn và nnk 2009; Nguyễn Văn Mạnh 2016). Phần lớn các lò nung này đều đã bị phá hủy. Lò Soi Bầu (Lào Cai) và lò Vân Cát (Nam Định) còn nhận diện được một phần cấu trúc lò. Lò Soi Bầu (Lào Cai) có hình tròn (đường kính 1.4m, dày 6-8m), miệng khum. Thành lò cong phình đều xuống đáy, thu hẹp dần về phía miệng. Thành lò cao 2.5m, rộng 3.2m, dày (8-14)cm. Thành lò đắp bằng đất cứng, màu nâu nhạt, có thể pha thêm chất phụ gia?. Thân lò có 3 lỗ hình chữ nhật tạo ống khói với độ cao thấp khác nhau. Ống khói có hình ống, miệng hình chữ nhật, nắp đậy bằng gạch màu xám. Cửa lò tạo vòm, nhô ra phía trước, đắp liền với thân. Miệng lò tạo hình bán nguyệt. Trong khi đó, phế tích lò Vân Cát (Nam Định) nhận diện được 6 cầu lò, rãnh đốt và cửa lò. Bầu đốt, thân lò và cửa lò gần như đã bị phá hủy. Cầu lò sử dụng nhiều lần nên bị vỡ và đã phải gia cố thêm gạch. Vết tro rơm và tro củi được cời ra từ rãnh đốt cho phép nhận định nhiên liệu nung là rơm và củi. Vết tích còn lại cho thấy lò có quy mô nhỏ, thuộc loại lò cóc.

     Sản phẩm của các lò nung nói trên là các loại gạch hình khối chữ nhật, ngói âm dương và ngói mũi nhọn. Sản phẩm của các lò này đều phục vụ các công trình kiến trúc tại chỗ. Lò Soi Bầu (Lào Cai) phục vụ xây dựng công trình kiến trúc trong thành cổ Nghị Lang. Lò gốm Vân Cát (Nam Định) phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng quần thể di tích phủ Vân Cát. Lò nung ở thành Phục Hòa (Cao Bằng) phục vụ xây dựng thành Nà Lữ của nhà Mạc. Lò Đồng Cổ (Hà Nội) phục vụ xây dựng đền Đồng Cổ (Hà Nội) trong thế kỷ XVII-XVIII.

     + Lò nung vật liệu kiến trúc kết hợp gốm gia dụng: phát hiện  được 47 vết tích lò nung  loại này ở thôn Phúc Vinh, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Phạm Văn Đấu, Tống Trung Tín 1991). Vết tích còn lại chỉ thấy nền lò, bầu lò. Quy mô lò nhỏ (lò cóc). Sản phẩm là đồ gốm sứ và ngói cánh sen màu xám. Căn cứ vào các sản phẩm thu được, các nhà khảo sát cho rằng khu lò gốm Hạnh Phúc sản xuất gạch, ngói kết hợp gốm gia dụng. Niên đại lò gốm khoảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

     + Khu tập kết vật liệu kiến trúc: cách lò nung Soi Bầu khoảng 1km là vực tập kết vật liệu Bản Ban rộng 300m2 thuộc khu vực thành cổ Nghị Lang (Lào Cai). Vật liệu gồm gạch và ngói được xếp thành từng cụm. Ngói gồm ngói ống, ngói âm và các bộ phận trang trí trên ngói (đầu ngói ống và đầu ngói âm) trang trí hoa cúc và hoa dây lá. Theo các nhà khảo sát, đây là nơi tập kết nguyên vật liệu phục vụ xây công trình kiến trúc trong thành cổ Nghị Lang (Đinh Công Hải và nnk 2004).

Một vài nhận xét

     1/ Các di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII được phân bố ở các vùng đồi gò đất cao nhằm tạo độ dốc cho lửa và không khí ra vào được dễ dàng. Các lò nung phát hiện được thường nằm từng cụm hoặc theo dãy. Lò nung được xây dựng ngay tại công trình kiến trúc nhằm phục vụ cho công trình kiến trúc tại chỗ chứ không mang tính chất chuyên biệt. Khi công trình kết thúc thì các lò nung này cũng không sản xuất nữa. Khu vật liệu xây dựng được tập kết gần công trường xây dựng và gần nơi sản xuất.

     2/ Gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII được nung riêng, kết hợp nung với vật liệu khác hoặc kết hợp với đồ gốm gia dụng. Nghiên cứu này chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về cấu trúc lò nung, sự khác biệt giữa các lò nung đó khác nhau như thế nào. Các lò nung này thường có quy mô nhỏ và được nung ngoài trời. Do hiện trạng các lò nung khi phát hiện được đều không còn nguyên vẹn nhưng còn nhận diện được các bộ phận cửa lò, vòm lò, tường lò, đáy lò, miệng lò, ống khói, bầu đốt, khoang sấy nguyên liệu… Thành lò thường được làm từ đất sét có độ kết dính cao trộn lẫn sạn sỏi đầu ruồi. Kỹ thuật xây dựng theo lối trình tường. Nguyên liệu được khai thác tại chỗ. Nhiên liệu đun là rơm, củi hoặc thực vật tự nhiên. Như vậy, với những tư liệu hiện biết có thể thấy gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII được sản xuất đại trà chứ không mang tính chất chuyên biệt. Khi công trình kết thúc thì lò nung cũng không sản xuất nữa.

     3/ Sản phẩm các lò nung nói trên là các loại gạch, ngói và vật liệu kiến trúc khác (nêm và chốt gạch) như ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Sản phẩm gạch, ngói phát hiện được trong các di tích sản xuất gạch, ngói góp phần phản ánh và l‎ý ‎giải chất lượng gạch, ngói qua mỗi thời kỳ. Gạch, ngói thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI có chất lượng tốt, độ nung cao, đều lửa đáp ứng công trình có chất lượng cao như Thăng Long (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa). Thực tế, gạch, ngói thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI còn có loại chất liệu màu trắng hoặc đỏ, tráng men màu xanh và màu vàng ở di tích Thăng Long và Lam Kinh. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa phát hiện được lò chuyên biệt sản xuất loại gạch này. Gạch, ngói trong các lò nung thế kỷ XVI thường để mộc, loại hình và hoa văn trang trí phong phú. Gạch, ngói thế kỷ XVII-XVIII được sản xuất hàng loạt nên thường để mộc và ít được tráng men.

     4/ Tìm hiểu tình hình sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII góp phần hiểu thêm lịch sử phát triển nghề thủ công truyền thống Việt Nam thời kỳ này.

     Thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI, nhà nước Lê sơ ổn định mọi mặt về kinh tế, xã hội. Các công trình kiến trúc thời Lê sơ (trong đó có gạch, ngói) được xây dựng quy mô to lớn và hoành tráng. Theo đó, nhu cầu sử dụng gạch, ngói rất lớn. Nghề thủ công sản xuất gạch, ngói và vật liệu xây dựng phát triển để đáp ứng nhu cầu sử xây dựng các công trình kiến trúc thời kỳ này. Tuy nhiên, khảo cổ học mới phát hiện quá ít các di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI. Lò sản xuất vật liệu kiến trúc ở Đê Bưởi (Hà Nội) và Lam Kinh (Thanh Hóa) được phát hiện mới chỉ hé lộ được đôi chút thông tin về sản xuất gạch, ngói thời kỳ này mà thôi.

     Thế kỷ XVI (nhà Mạc) và thế kỷ XVII-XVIII (nhà Lê Trung Hưng) xã hội Việt Nam có nhiều biến động. Chiến tranh phe phái Nam-Bắc triều (nhà Mạc) và chế độ vua Lê-chúa Trịnh, đất nước rơi vào trạng thái phân tranh (nhà Lê Trung hưng). Đây cũng là thời kỳ các tôn giáo như phật giáo, đạo giáo, nho giáo phát triển mạnh mẽ ở các làng quê. Kiến trúc ở kinh đô vẫn tiếp tục được xây dựng nhưng có phần giảm đi nhường chỗ cho kiến trúc dân gian ở các làng quê phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay khảo cổ học chưa phát hiện thấy di tích sản xuất gạch, ngói  thế kỷ XVI và thế kỷ XVII-XVIII trong các khu vực kinh đô như Thăng Long (Hà Nội), Lam Kinh (Thanh Hóa) và Dương Kinh (Hải Phòng). Nhưng bằng chứng khảo cổ học đã phát hiện thấy nhiều lò nung gạch, ngói thế kỷ XVII-XVIII phục vụ xây dựng ở các công trình mang tính chất tôn giáo kiến trúc dân gian như miếu, đền, chùa, phủ thờ… ở các làng quê. Điều đó cho thấy nghề thủ công dân gian phát triển mạnh mẽ (trong đó có nghề sản xuất gạch, ngói) nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc thời kỳ này. Nghề thủ công dân gian chạm khắc bằng tay trực tiếp phát triển. Có thể thấy trên những viên gạch được đắp bằng tay trực tiếp rồi đắp thêm trên mặt gạch hình chim phượng ở chùa Cực Lạc hoặc những viên gạch trang trí hình nhân vật, linh vật và hoa lá được chạm khắc trực tiếp bằng tay ở chùa Đậu (Hà Nội) trong thế kỷ XVII.

     Khi mất kinh đô năm 1592, nhà Mạc xây dựng nhiều thành lũy ở phía Bắc để phòng thủ.  Khảo cổ học đã phát hiện được hơn 60 vết tích lò nung gạch, ngói được dựng lên để phục vụ xây dựng thành Nà Nữ và thành Phục Hòa của nhà Mạc ở Cao Bằng. Đây là bằng chứng về công trường sản xuất gạch, ngói – hình thành làng nghề thủ công sản xuất gạch, ngói ở vùng biên viễn phía Bắc nhằm đáp ứng như cầu sử dụng vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc trong thành cổ mà nhà Mạc đã cát cứ tại đây kéo dài gần 1 thế kỷ (1592-1667).

     Bảng 1. Các di tích sản xuất gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII ở Bắc Việt Nam

TT

Địa điểm

Vị trí

Phát hiện

 

Loại hình và số lượng

lò phát hiện

Thế kỷ

 

1

Bản Ban

 Lào Cai

2002

Khu tập kết vật liệu kiến trúc: 1

XVII

 

2

Cực Lạc

 Hà Nội

2008

Lò nung vật liệu kiến trúc: 2

XVI-XVII

 

3

Đê Bưởi

Hà Nội

2015

Lò nung vật liệu kiến trúc: 1

XV-XVI

 

4

Đồng Cổ

Hà Nội

2007

Lò nung ngói: 1

Lò nung vật liệu kiến trúc: 1

XVII-XVIII

 

5

Đông Yên

Bắc Ninh

1975

Lò nung gạch, ngói: 1

XVII-XVIII

 

6

Hang Xanh

Bắc Giang

1997

Lò nung gạch: 1

XVII

 

7

Hạnh Phúc

Thanh Hóa

1984

Lò nung ngói kết hợp gốm: 47

XVII-XVIII

 

8

Cụm di tích

Lam Kinh

Thanh Hóa

 

 

 

 

Lam Kinh

2002

Lò nung vật liệu kiến trúc: 4

XV-XVIII

 

Cánh đồng Boọng

2001

Khu tập kết vật liệu kiến trúc: 1

XV-XVI

 

9

Cụm di tích Thành nhà Mạc

Cao Bằng

 

 

 

 

Bó Mạ

2016

Lò nung gạch, ngói: 7

XVII-XVIII

 

Trường Gạch

2015

Lò nung gạch: 11

XVII-XVIII

Khau Vú

2016

Lò nung ngói: 4

XVII-XVIII

Ao Sen

2016

Lò nung: 3

XVII-XVIII

Phục Hòa

2016

Lò nung gạch, ngói: 50

XVII-XVIII

10

Luy Lâu

Bắc Ninh

2002

Khuôn đầu ngói ống: 1

XVI

11

Quỳnh Lâm


Quảng Ninh

2007

Lò nung ngói: 2

XVII-XVIII

12

Thượng Mạo

Hà Nội

1984

Vết tích lò nung ngói: 1

XVII-XVIII

13

Soi Bầu

 Lào Cai

1999

Lò nung vật liệu kiến trúc: 1

XVII

14

Vân Cát

Nam Định

2009

Lò nung vật liệu kiến trúc: 3

XVII-XVIII

15

Vân Tiêu

Quảng Ninh

2006

Lò nung ngói: 1

XVII-XVIII

TÀI LIỆU DẪN

1. Nguyễn Xuân Cần 1998, Những bức phù điêu gốm ở nghè Hang Xanh (Bắc Giang). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1997, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 607-609.

2. Lê Văn Chiến, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Văn Hà 2004, Kết quả thám sát khu vực cánh đồng Boọng (Thọ Xuân-Thanh Hóa). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 366-367.

3. Hoàng Văn Cương 2011, Lò nung vật liệu kiến trúc thời hậu Lê ở Nam Định. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 486-489.

4. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới 2009, Báo cáo điều tra, thám sát chùa Cực Lạc (thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Tư liệu Viện Khảo cổ học.

5. Trần Anh Dũng, Trần Quý Thịnh, Thân Thị Hằng, Nguyễn Doãn Văn 2015, Tìm hiểu lò nung khai quật ở nút giao thông Đê Bưởi, Hà Nội. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2016, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 246-247.

6. Phạm Văn Đấu, Tống Trung Tín 1992, Khu lò nung gốm ngói thời Lê ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1991, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 129.

7. Nguyễn Văn Đoàn 2015, Lam Kinh khám phá từ lòng đất. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

8. Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Chiến, Lê Hoài Anh 2009, Kết quả thám sát di tích miếu Đồng Cổ (Từ Liêm, Hà Nội). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2008, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 323-325.

9. Đinh Công Hải, Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Chiến 2004, Điều tra, khảo sát khu vực thành cổ Nghị Lang (Bảo Yên-Lào Cai). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 367-369.

10. Trần Minh Nhật, Ngô Thế Phong,  Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Chiến, Đinh Công Hải 2004, Khai quật lò nung cổ ở Soi Bầu thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 370-371.

11. Nguyễn Văn Mạnh  2016, Điều tra hệ thống lò sản xuất thủ công nghiệp của nhà Mạc ở hai huyện Phục Hòa và Hòa An tỉnh Cao Bằng. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

12. Ngô Thị Lan 2013, Gạch, ngói thế kỷ XV-XVIII ở Bắc Việt Nam qua nguồn tư liệu khảo cổ học. Luận án Tiến sĩ Lịch sử. Tư liệu Thư viện Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.

13. Hà Văn Phùng, Vũ Duy 1985, Khu lò nung cổ Thượng Mạo (Hà Sơn Bình). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 194-195.

14. Lê Đình Phụng 2015, Nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa di tích thành nhà Mạc ở Cao Bằng. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

15. Thân Văn Tiệp, Lê Đình Phụng, Nguyễn Văn Mạnh 2016, Kết quả thám sát lò gạch làng Đèn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2015, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 342-345.

16. Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Anh 2008, Kết quả khai quật lần thứ nhất di tích chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) năm 2007. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007, trang 308-311.

17. Trịnh Cao Tưởng 2002, Về những chiếc khuôn đầu ngói ống phát hiện ở Luy Lâu – Bắc Ninh. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 788-710.

Trích dẫn: Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia.
Ảnh đại diệnBan Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập tone màu ảnh Nocturnal. 

Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)

(Visited 38 times, 1 visits today)