Đi tìm “GIA PHẢ” của hai nhân vật ảo LÝ TOÉT và XÃ XỆ

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

Xã Xệ: Ai cũng khư khư giữ cái búi tó như bác thì thợ cạo chết bỏ đời.

Lý Toét: Người nào cũng đầu tóc như bác thì không phải giữ khư khư, thợ cạo cũng chết đói.

(Báo Ngày Nay số 54 – Ngày nay trào phúng – Chủ nhật 11-4-1937 – trang 209)

     Lý Toét và Xã Xệ là hai nhân vật đi với nhau như cặp bài trùng, tính cách thì giống nhau chỉ khác nhau về hình thù. Xã Xệ khá mập (hình) bụng to, cằm nhẵn không râu, đầu sói như sọ dừa chỉ còn một sợi tóc lò xo.

     Với vóc dáng cao lỏng khỏng như cò sếu và ốm nhom như con khô, mấy chiếc râu tua tủa rể tre cùng với cái búi tóc củ tỏi, Lý Toét đi đâu cũng đóng vào người một bộ quốc phục và không bao giờ rời khỏi cây dù (hình).

Hình: Lý toét

Hình: Xã Xệ trích trong Tuần báo Phong Hóa số 95 – ngày 27-4-1934 – trang 1

Hình: Xã Xệ (hỏi nhà hàng): Ở đây có lược một răng bán không? Vì tôi chỉ có một sợi tóc. (Trích trong báo Ngày Nay – số 59 số ra ngày 16-5-1937 – trang 331)

     Độc giả thời ấy của Phong Hóa luôn thấy 2 con người chân thật đến ngớ ngẩn này xuất hiện đều đặn mỗi tuần tựa như hai anh em cùng mẹ khác cha, sinh trưởng ở miền Bắc. Phong Hóa là một tờ tuần báo trào phúng do nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản. Sau này Phong Hóa trở thành Ngày Nay thì 2 nhân vật nói trên vẫn chính là sự sống còn của tờ báo khá nổi tiếng này.

     Song chính do sự tồn tại đó mà độc giả rồi chính ngay nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng đã nhầm lẫn về 2 cha đẻ của 2 nhân vật ấy?

     Vậy hai nhân vật này mang lý lịch như thế nào? Tìm hiểu sự thật về điểm xuất phát ấy cũng là điều thú vị.

     Cách nay khoảng 70 năm, tuần báo Phong Hóa có mở một cuộc thi vẽ tranh hài hước. Lúc ấy Bút Sơn – biệt hiệu của Lê Minh Đức – em ruột của bà Ái Lan – chủ nhiệm của một tờ tuần báo trào phúng trong Nam là một tay hí họa có biệt tài bèn vẽ 1 bức tranh gởi ra Bắc dự thi (*). Bức tranh này vẽ Lý Toét với Xã Xệ cùng leo lên 1 cái cân gạo – phía dưới có bố cục thêm lời chua đại ý là: “Xã Xệ: Bác Lý à! hai đứa mình lên cân rồi chia hai cũng sao đâu?”

     Cái cười mang chất ngây thơ hồi ấy là sự bất đồng nhất về hai cơ thể khá chênh lệch. Vậy chia hai là chia làm sao ? Bức tranh đã đoạt giải nhất và được đăng trịnh trọng trên Phong Hóa (chưa rõ là số báo nào). Từ đó số phận của 2 nhân vật tương phản này gắn bó với nhau – Tựa như bộ phim vui cười “mập và ốm” của nước Pháp (?) du nhập vào nước ta những năm 30, 40. Từ đó hai bác Lý và Xã đã bị nhóm Tự Lực Văn Đoàn khai thác và đứa con “Xã Xệ” ra đời đã khai tên cha nuôi mà không phải cha đẻ?

     Đặc biệt nhiều độc giả biết vẽ hội họa cũng tham gia diễu cợt hai nhân vật sáng tạo này – khiến cho những nhà Đông phương học Pháp xem như là hai nhân vật tượng trưng cho giới bình dân VN.

     Cách diễu cợt của số “họa sĩ hay tài tử” ấy đã nhằm vào những chỗ độc đáo của hai nhân vật nói trên – như vẽ cái đầu Xã Xệ trông như cái mông của con lợn quay. Mà cũng thật dí dỏm làm sao khi cọng tóc trên đầu Xã Xệ lại rất giống cái đuôi lợn.

     Sau này mượn ý tưởng trên mà có lần báo Sống Saigon trước đây đã công khai ví cái đầu của Ký giả Tô Vănnhư cái mông của người đẹp Thẩm Thúy H. Cách so sánh tương phản này cũng từng được thông qua cái nhìn của Trần Tế Xương:

“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngỏng đầu rồng

– Em có thấy con lợn nào chạy qua đây từ sáng đến giờ không?
– Không, chỉ bây giờ thấy ông thôi!
(Báo Ngày Nay số 58 – Người và việc – Chủ nhật 9-5-1937 – trang 305)

   Bút Sơn đưa Xã Xệ ra Hà Nội để kết bạn với Lý Toét. Song có lúc Bút Sơn gọi Xã Xệ vào Nam rồi lôi kéo cả Lý Toét cùng vào. Do đó trên báo Trào phúng rồi báo Cười Xuân đã cho xuất hiện 2 bác ngồi nhậu trên chiếu. Bác Lý rót rượu cho bác Xã rồi ngâm thơ Tản Đà:

“Đời đáng chán  hay không đáng chán
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”

     Ly rượu được nâng lên cao rồi vô ý tưới cả lên đầu Xã Xệ.

  Xã Xệ: Chúng ta thế này là đủ phận sự
Lý Toét: Có thế mới bảo được đàn em.
(Trích trong báo Ngày Nay số 60 – ra ngày 23/5/1937 – trang 351)

    Cái ngây ngô tiếp tục đi theo 2 nhân vật ra phố làm cho 1 trong 2 là bác Lý khi nom thấy cái mắc áo cũ bỏ trong thùng rác lú mấy cái móc ra khiến tưởng nhầm là nấm bèn đòi nhổ đem về làm đồ nhắm.

     Đặc biệt một hình ảnh cười đùa khá thô tục, như cảnh Bác Lý một hôm xách chai đi mua rượu, trên đường mót tiểu quá Bác bèn tìm chỗ cho ra chẳng may gặp phải biển đề “cấm đái”. Bác bèn mở nút chai ra cho vào đó rồi nói: “Cấm ta sao được! Ta có đái bậy ra ngoài đâu”

      Trên đây là ý của Tú Kềnh nhưng theo chỗ chúng tôi tham khảo thêm thì ý lại khác. Lý ToétXã Xệ là do cố họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí sáng tạo (?) với các bút hiệu Rigt hay Gtri (những chữ Gia Trí viết ngược). Trong số các hoạ sĩ minh hoạ cho báo Phong Hoá ngoài Nguyễn Gia Trí còn có Tô Ngọc Vân, với bút hiệu là Ái Mỹ và Tô Tử  và 1 họa sĩ khác ký tên là Đông Sơn – tức nhà văn Nhất Linh. Vậy ý nào xác đáng hơn, chúng ta còn chờ ý kiến của các nhà báo, nhà văn học có quan tâm đến 2 nhân vật ngộ nghĩnh này!

     Cười cợt được mình – cười được cái ngây ngô tiềm ẩn của mình trong hoàn cảnh đất nước đang chuyển biến – phải chăng nó bộc lộ một sức mạnh như một thứ vũ khí tự vệ bí mật của mình trước nghịch cảnh để không bao giờ phải bị khuất phục. Tìm hiểu lại hai nhân vật Lý ToétXã Xệ không phải để phỉ báng những con người dung dị, chất phác mà chính là để nhái những cử chỉ và lời ăn tiếng nói của các bậc trưởng giả ngốc nghếch mà học làm sang.

Lý Toét: – Bác học bơi thì chóng lắm đấy nhỉ?
Xã Xệ: – Tại sao?
Lý Toét: – Bởi vì bụng bác phồng như cái bong bóng!
(Theo báo Ngày Nay 1936-1937 – số 75 – tr. 718)

__________
(*) Theo TÚ KỀNH – Có nên sữa bộ đời Lý Toét Xã Xệ – Báo Bình Minh – Saigon Xuân Mậu Thân 1968 – Trang 12.

Mời xem:

IN SEARCH of THE GENEALOGICAL RECORDS of THE TWO ILLUSORY PERSONAGES LY TOET and XA XE
(Visited 3 times, 1 visits today)