PGS.TS ĐINH HỒNG VÂN
(Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, ĐHQG HN)
Đặt vấn đề
Ngày nay, việc sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp quốc tế ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, với sự gia tăng của quá trình hội nhập quốc tế, nhu cầu dịch thuật không hề giảm. Ngày càng có nhiều tài liệu và tác phẩm được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Dịch thuật đã thực sự góp phần để đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam. Dịch thuật đã thực sự trở thành một nghề được xã hội công nhận và được đào tạo trong nhiều cơ sở chuyên biệt trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bản dịch thành công với chất lượng cao thì độc giả vẫn còn gặp phải nhiều hạt sạn trong một số tài liệu và tác phẩm dịch. Càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu dịch thuật cho thấy có nhiều hoạt động mang dáng vẻ của dịch thuật nhưng từ góc độ chuyên môn thì đó không phải là hoạt động dịch thuật đích thực. Vì vậy, trong đào tạo cũng như trong hoạt động thực tiễn, việc phân biệt dịch thuật với các thao tác khác là cần thiết.
Dịch là việc hiểu nội dung một văn bản được trình bày bằng một ngôn ngữ này rồi diễn đạt nội dung đó bằng một ngôn ngữ khác. Catford định nghĩa: “Dịch là sự thay thế chất liệu ngôn bản của ngôn ngữ này (ngôn ngữ gốc) bằng chất liệu ngôn bản của ngôn ngữ kia”. Hiểu nội dung văn bản tức là hiểu nghĩa của văn bản. Tuy nhiên, trong hoạt động dịch, “nghĩa” lại là một vấn đề không đơn giản. Người ta có thể nói đến nghĩa của một từ, một cụm từ, một câu, một văn bản. Trong khi đó, văn bản cũng có thể là một từ, một cụm từ, một câu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai sót trong dịch thuật. Người dịch cần phân biệt rõ giá trị ngữ nghĩa của các đơn vị này ở các cấp độ khác nhau để có thể thực sự hiểu được nội dung của văn bản.
Hai cấp độ nghĩa: nghĩa ngôn ngữ và nghĩa ngôn bản.
Các phát ngôn của một thông điệp được hình thành từ sự kết hợp của các kí hiệu ngôn ngữ. Bản thân các kí hiệu này lại bao gồm cái được biểu đạt (khái niệm) và cái biểu đạt (vỏ ngôn ngữ). Các kí hiệu ngôn ngữ có thể được phân tích ở hai cấp độ: cấp độ ngôn ngữ và cấp độ lời nói hay cấp độ nghĩa ngôn ngữ (significations) và cấp độ nghĩa ngôn bản (sens), tức là nghĩa ngôn ngữ đã được hiện thực hoá trong một ngôn bản cụ thể trong một ngôn cảnh cụ thể. Các nét nghĩa ngôn ngữ của một từ là cái mà từ có thể gợi nên trong hệ thống trừu tượng của ngôn ngữ. Một từ có thể có nhiều nét nghĩa ngôn ngữ hiểu được ngoài ngôn cảnh, có nghĩa là độc lập với mọi phát ngôn cụ thể, cho nên chúng ta có thể tập hợp các nét nghĩa này trong các tập hợp từ vựng.
Bên cạnh các nét nghĩa ngôn ngữ, từ còn có một giá trị. Giá trị này là kết quả của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các đơn vị từ vựng trong hệ thống ngôn ngữ. Ferdinand de Saussure đã minh họa cho điều này thông qua việc so sánh từ mouton trong tiếng Pháp với từ sheep trong tiếng Anh. Nhiều khi, hai từ này không có cùng giá trị vì nếu như trong tiếng Pháp, từ mouton có khi được dùng để chỉ con cừu nhưng có khi lại được dùng để chỉ thịt cừu; trong tiếng Anh, từ sheep thì chỉ con cừu, còn để nói về thịt cừu đã được chuẩn bị thành món ăn thì người ta phải dùng từ mutton. Sự khác nhau về mặt giá trị giữa hai từ mouton và sheep là do các mối quan hệ cấu trúc của từ quyết định.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ khác giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Trong tiếng Pháp, theo từ điển Le Petit Robert, có một từ riz để chỉ 4 hiện thực khách quan khác nhau:
1) Graminée des régions humides tropicales et tempérées chaudes, dont le fruit est un caryopse (grain de riz) riche en amidon. (Loài cây mọc ở các vùng nhiệt đới ẩm và ôn đới nóng, quả là dạng thóc (hạt thóc) giàu tinh bột). Trong trường hợp này từ riz chỉ cây lúa.
2) Le grain de cette plante avec ses enveloppes (riz en paille) ou décortiqué et préparé pour la consommation. (Hạt của loài cây này còn vỏ (hạt lúa trên cây) hay đã tách khỏi vỏ và được chế biến để ăn). Trong trường hợp này thì từ riz tương đương với 3 từ khác nhau trong tiếng Việt:
Le grain de cette plante avec ses enveloppes (Hạt của loài cây này còn vỏ), tương đương với tên gọi hạt thóc;
Le grain de cette plante décortiqué (Hạt của loài cây này đã tách khỏi vỏ), tương đương với hạt gạo;
Le grain de cette plante préparé pour la consommation (Hạt của loài cây này đã được chế biến để ăn), tương đương với cơm hay hạt cơm.
Như vậy là nếu như trong tiếng Pháp chỉ có một từ riz thì trong tiếng Việt lại có tới bốn từ ngữ khác nhau để chỉ bốn thực tế khách quan. Ngược lại, nếu như trong tiếng Việt chỉ có một từ lợn (ở ngôn ngữ miền Bắc) hay từ heo (ở ngôn ngữ miền Nam) thì trong tiếng Pháp lại có tới hai từ khác nhau là porc và cochon. Ngoài chuyện trong tiếng Việt có thể nói một con lợn còn trong tiếng Pháp có thể gọi là un porc hoặc un cochon, thì còn có thể thấy là từ porc có thể chỉ thịt lợn hoặc con lợn.
Như vậy, khi không nằm trong một tình huống giao tiếp cụ thể (chẳng hạn như khi được ghi trong từ điển), từ riz có thể chỉ ít nhất là một trong bốn hiện thực khách quan trên đây. Đây là nghĩa ngôn ngữ. Thế nhưng khi được đưa vào một tình huống giao tiếp cụ thể, thì người tiếp nhận thông điệp sẽ biết ngay là khi đó, từ riz chỉ thực tế nào. Đây là nghĩa ngôn bản. Như vậy, có thể nói là: kí hiệu ngôn ngữ mang một ý nghĩa ngôn bản khi kí hiệu đó xuất hiện trong một phát ngôn cụ thể, kết quả của một hành động lời nói cụ thể của một cá nhân cụ thể. Nghĩa ngôn bản của từ và các ngữ đoạn là nét nghĩa ngôn ngữ được hiện thực hóa nhờ sự kết hợp của nét nghĩa đó với ngữ cảnh và ngôn cảnh của phát ngôn. Ý nghĩa của một thông điệp là sự tổng hòa của các nét nghĩa ngôn ngữ hiện thực hóa trong ngôn bản với các yếu tố phi ngôn ngữ của ngôn cảnh để biểu đạt điều tác giả của thông điệp muốn chuyển đến người tiếp nhận.
Tóm lại, tất cả các từ đều có thể có một hay nhiều nét nghĩa ngôn ngữ, và mọi phát ngôn đều mang một ý nghĩa ngôn bản. Tuy nhiên để có một giá trị giao tiếp thực sự, một phát ngôn phải được thực hiện trong một ngôn cảnh nhất định và được hiện thực hoá trong một hành động lời nói nhất định để chỉ một hiện thực khách quan. Nét nghĩa ngôn ngữ của từ được quy định sẵn trong ngôn ngữ, còn ý nghĩa ngôn bản của từ thì luôn được hình thành từ sự kết hợp giữa các nét nghĩa ngôn ngữ với các yếu tố phi ngôn ngữ. Nói cách khác, các nét nghĩa ngôn ngữ của từ và việc phân tích câu ngoài ngôn cảnh thuộc về phạm trù ngôn ngữ, còn ý nghĩa ngôn bản của từ và việc phân tích các phát ngôn thuộc về địa hạt của phân tích ngôn bản. Như vậy, muốn xem xét ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ, người ta cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố ngôn ngữ khác cùng có mặt trong ngôn bản. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của một số đơn vị ngôn ngữ tiêu biểu là từ và câu.
Nghĩa của một đơn vị từ vựng
Hoạt động dịch thuật theo đúng nghĩa của nó cho phép chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng nhất thực tế là trong một ngôn bản cụ thể, một đơn vị từ vựng có thể có một giá trị ngữ nghĩa hoàn toàn khác với khi nó được xem xét thuần túy trong hệ thống ngôn ngữ, tức là ngoài ngôn cảnh và ngữ cảnh cụ thể. Trong Từ điển Pháp – Việt của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, do Tổ chức Hợp tác Văn hóa và Kĩ thuật xuất bản năm 1981, từ expertise được dịch là “sự giám định, biên bản giám định”. Tuy nhiên, trong câu sau, cả hai cách dịch này đều không phù hợp.
La France dispose précisément d’une expertise reconnue dans le secteur de l’énergie et des transports.
Một bản dịch đúng sẽ phải cho một câu kiểu như: […] chính trong những lĩnh vực năng lượng và giao thông, Pháp đã có những kinh nghiệm được mọi người công nhận. Lí do là vì trong ngữ cảnh cụ thể này, từ expertise được kết hợp với các đơn vị từ vựng khác đã khiến cho người tiếp nhận ngôn bản loại bỏ hết các ý nghĩa ngôn ngữ không phù hợp và chỉ giữ lại một nghĩa xác đáng nhất đó là “kinh nghiệm”. Tuy nhiên, trong các bài tập dịch của các giờ học ngoại ngữ, việc sử dụng một nghĩa ngôn ngữ nào đó của từ expertise, chẳng hạn như “giám định”, là hoàn toàn có thể xảy ra vì khi đó mục tiêu của bài học có thể là nhằm giới thiệu một trong các nghĩa ngôn ngữ của từ expertise. Điều này cho thấy rằng việc chuyển dịch có thể thực hiện trên hai bình diện: hệ thống ngôn ngữ (ngôn ngữ) và hoạt động giao tiếp (ngôn bản).
Nghĩa của một phát ngôn
Tương tự như những gì có thể xảy ra với một đơn vị từ vựng như vừa xét trên đây, một câu có thể có nhiều nghĩa ngôn ngữ khi nó được xem xét với tư cách là sự kết hợp của các yếu tố ngôn ngữ cấu thành và được giải mã theo những nghĩa trong từ điển, nhưng khi câu đó được xem xét với tư cách là một phát ngôn, tức là trong một ngôn cảnh và ngữ cảnh cụ thể thì câu đó có thể mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Chẳng hạn, ở ngoài ngôn cảnh và ngữ cảnh thì từ mẹ và cụm từ mẹ mày dễ khiến người ta nghĩ đến nhiều giá trị khác nhau. Nhưng khi những từ hay cụm từ này được đặt vào ngữ cảnh của nó thì dường như tính đa nghĩa của chúng đã giảm đi một cách đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả câu Vân ơi, mẹ mày về thì cũng vẫn mập mờ vì nó có thể là một lời cảnh báo hoặc một lời báo tin vui cho người có tên là Vân. Chỉ khi nào người tiếp nhận phát ngôn này gắn nó vào một tình huống ngôn cảnh cụ thể thì lúc đó toàn bộ nội dung ngữ nghĩa của phát ngôn mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn. Khi đó, chúng ta sẽ biết phát ngôn trên có tác dụng báo tin vui hay là một lời cảnh báo cho người tiếp nhận thông điệp.
Như vậy, hoạt động dịch có thể được coi là hoạt động xác định giá trị ý nghĩa đã được hiện thực hóa của các kí hiệu ngôn ngữ tuỳ theo mục đích giao tiếp trong một ngôn cảnh và ngữ cảnh cụ thể để nắm ý nghĩa thông điệp rồi sau đó phục hồi lại toàn bộ thông điệp này bằng các kí hiệu của một ngôn ngữ khác.
Như vậy là hiểu một phát ngôn hoàn toàn khác với hiểu một câu ngoài ngôn cảnh. Quá trình dịch đòi hỏi người ta phải hiểu các phát ngôn của một văn bản. Nhưng hiểu một phát ngôn là gì? Đó là quá trình nhận diện các đơn vị ngôn ngữ cấu thành ngôn bản (từ, cụm từ, câu) và gắn cho mỗi đơn vị đó một nghĩa ngôn bản, phát hiện ra hiện thực khách quan được thể hiện bằng đơn vị ngôn ngữ đang xét. Quá trình tư duy này tất nhiên là phải dựa vào các kĩ năng ngôn ngữ, nhưng cũng phải dựa vào vốn tri thức về thế giới khách quan của người dịch. Những quá trình phân tích như vậy được chúng ta thực hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống thường nhật nhưng ít khi được chúng ta để ý đến. Chính vì lẽ đó mà chúng ta phải cố gắng rất nhiều để có thể hình dung được tính phức tạp của công việc mà chúng ta vẫn thường thực hiện một cách vô thức. Và nhìn chung, mọi người đều thừa nhận rằng ngôn cảnh và ngữ cảnh đóng vai trò quyết định, chi phối việc hiểu nội dung thông báo của phát ngôn. Song, dường như cơ chế của quy trình chi phối này ít khi được đề cập một cách tường minh và có hệ thống.
Các yếu tố cấu thành của nghĩa
Theo Lí thuyết dịch nghĩa ngôn bản do Danica Séleskovitch khởi xướng, điều quan trọng đối với dịch thuật đó là trung thành với ý đồ của tác giả, tức là nghĩa đích thực của thông điệp mà tác giả muốn gửi tới người nhận. Nếu người dịch lấy đây là đối tượng của công tác dịch thì vấn đề đặt ra với họ là phải tìm ra ý đồ của tác giả từ những cái mà mình đọc được trong bản gốc, nói cách khác là qua ý nghĩa của những kí hiệu ngôn ngữ, người dịch phải lột tả được ý nghĩa của văn bản – đó chính là thông điệp cần chuyển tải.
Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Thực vậy, do thiếu một phương pháp đúng, có những dịch giả không chuyên đã không xác định được nghĩa giao tiếp của ngôn bản mà chỉ hiểu được nghĩa ngôn ngữ (signification) của ngôn bản, tức là nghĩa của câu chữ ngoài ngôn bản. Đối với những dịch giả này, nghĩa của thông điệp là kết quả của tập hợp từ nghĩa ngôn ngữ của các đơn vị ngôn ngữ có trong văn bản cần dịch.
Thế nhưng, ngày nay, mọi người đều biết là các từ ngữ đứng riêng biệt chỉ có nghĩa ngôn ngữ, tức các nghĩa tiềm năng hay còn gọi là nghĩa ảo, các câu đứng tách khỏi ngữ cảnh cũng chỉ có những nghĩa ảo; còn nghĩa mà văn bản chuyển tải thì chưa hẳn đã là những nghĩa ngôn ngữ này. Vả lại, theo lí thuyết dịch nghĩa ngôn bản, nghĩa của lời, cái mà thông điệp chuyển tải, không nằm một cách bí hiểm trong mỗi từ, mỗi câu. Đúng là nghĩa của ngôn bản bắt nguồn từ nghĩa ngôn ngữ nhưng nó không chỉ bị gói gọn trong nghĩa ngôn ngữ của các đơn vị ngôn ngữ mà mở rộng ra toàn bộ văn bản, dịch giả sẽ dần dần hiểu được ý đồ của tác giả qua quá trình tiếp cận với toàn bộ văn bản. Mặt khác, lí thuyết này cũng cho chúng ta thấy rằng nghĩa ngôn bản (sens) luôn là sự kết hợp của hai phần: một phần nghĩa gắn với câu chữ và thêm vào đó là phần liên quan đến vốn kiến thức nền. Thực vậy, trước khi đưa ra một thông điệp, tác giả đã phải tính đến tình huống giao tiếp, đến việc người tiếp nhận thông điệp có cùng vốn kiến thức nền với mình hay không.
Như vậy, để nắm được nghĩa của thông điệp hay nghĩa của ngôn bản, chỉ kiến thức về ngôn ngữ là không đủ, dịch giả phải có được một vốn kiến thức nền thích hợp. Nói một cách khác, người dịch phải chú trọng đến hoàn cảnh ra đời của ngôn bản và phải có một kiến thức tổng hợp xác đáng để hiểu được ý nghĩa của thông điệp. Nhưng đáng tiếc là rất nhiều dịch giả vẫn còn quá bám vào vỏ ngôn ngữ của thông điệp. Kinh nghiệm của những người làm công tác biên – phiên dịch chuyên nghiệp cho thấy rằng: mọi kiến thức ngoài ngôn ngữ đều giúp cho việc giải nghĩa của câu chữ trong ngôn bản, để từ đó xác định được ý nghĩa của ngôn bản. Kiến thức càng rộng thì càng hiểu sát ý nghĩa thực của ngôn bản.
Một điều hết sức quan trọng nhưng cũng ít được chú ý đó là nghĩa sản phẩm của quá trình hiểu. Nói cách khác, theo quan niệm của chúng tôi thì nghĩa không nằm sẵn trong văn bản mà nó là sản phẩm của một quá trình tạo nghĩa, trong đó có vai trò tích cực không thể thiếu của người tiếp nhận văn bản. Nghĩa có được đến đâu là nhờ sự tích cực và chủ động hợp tác của người tiếp nhận và tác giả thông qua văn bản. Người tiếp nhận văn bản, và ở đây là thông dịch viên, phải huy động được vốn kinh nghiệm sống của mình, khả năng tư duy cũng như các trạng thái tâm lí cần thiết để có thể tạo được ra nghĩa ngôn bản.
Dịch ngôn ngữ và dịch ngôn bản
Một dạng bài tập thường được sử dụng trong khuôn khổ của các chương trình dạy ngoại ngữ đó là các bài tập dịch. Nhưng liệu đây có phải là những bài tập rèn kĩ năng dịch cho người học ngoại ngữ hay không? Nếu không thì giữa những bài tập dịch này với những hoạt động dịch chuyên nghiệp tức là dịch ngôn bản có những nét khác biệt nào?
Dịch ngôn ngữ
Dịch ngôn ngữ là loại hình bài tập dịch trong khuôn khổ của một chương trình học ngoại ngữ. Với những học viên ở trình độ trung bình, các bài tập dịch ngôn ngữ giúp cho việc tiếp thu ngoại ngữ dễ dàng hơn; với những người học ở trình độ cao thì những bài tập này có tác dụng để hoàn thiện phong cách diễn đạt. Điều đó có nghĩa là dịch ngôn ngữ chỉ là một phương tiện hỗ trợ cho học ngoại ngữ chứ không phải là một công cụ giao tiếp thực sự. Vì vậy, để tránh nhầm lẫn giữa dịch ngôn ngữ với dịch ngôn bản – loại hình dịch sẽ đề cập ở phần sau – các nhà giáo học pháp đã đặt tên cho các bài tập dịch ngôn ngữ là dịch xuôi – version (dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ của người học) và dịch ngược – thème (dịch từ tiếng mẹ đẻ của người học sang tiếng nước ngoài): cách gọi tên này cho phép phân biệt loại hình dịch đặc biệt này với hoạt động dịch chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu giao tiếp, trao đổi thông tin giữa các chủ thể không sử dụng cùng một ngôn ngữ.
Ở những người mới bắt đầu học, dịch xuôi cho phép kiểm tra được khả năng hiểu ngoại ngữ của họ; dịch ngược được áp dụng với mục đích chủ yếu là để giúp người học ghi nhớ từ mới và các cấu trúc ngữ pháp của ngoại ngữ. Ở những người có trình độ ngoại ngữ trung bình, dịch xuôi nhằm mục đích đánh giá vốn từ vựng hay kiến thức về cú pháp. Ở những trình độ này, các bài tập dịch xuôi và dịch ngược không nhằm mục đích chuyển tải nội dung thông báo có giá trị giao tiếp thực sự mà chỉ nhằm kiểm tra năng lực ngôn ngữ của người học, thực chất đó chỉ là các bài tập thực hành “chuyển mã”, thao tác tìm kiếm sự tương đương về hình thức ngôn ngữ. Ở những người học có trình độ cao, dịch ngược trong văn học có tác dụng như những bài tập về phong cách nhằm làm giàu thêm cách diễn đạt bằng ngoại ngữ.
Dịch ngôn bản
Dịch ngôn bản, hay còn gọi là dịch chuyên nghiệp, là loại hình dịch được dạy tại các cơ sở đào tạo nghề dịch. Dạy dịch ngôn bản không phải để người học ghi nhớ các cấu trúc ngữ pháp, không phải để hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ, cũng không phải để rèn luyện phong cách. Dịch ngôn bản không nhằm mục đích dịch những từ hay những câu trừu tượng của ngôn ngữ mà nhằm chuyển tải nội dung thông tin từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin giữa các đối tác thuộc những cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Đối tượng của dịch ngôn bản là những thông điệp cụ thể. Những thông điệp này xuất hiện trong một ngôn cảnh cụ thể, và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: người viết, tính chất của ngôn bản và người tiếp nhận ngôn bản. Dịch ngôn bản đòi hỏi người dịch phải hiểu trước khi dịch, vì mục đích cuối cùng của dịch là làm cho các bên đối tác hiểu nhau. Với tư cách là một hoạt động giao tiếp, dịch phải tuân thủ theo các yêu cầu giao tiếp.
Trong tác phẩm La manière de bien traduire d’une langue en aultre, Etienne Dolet nêu ra 5 nguyên tắc cơ bản cần được tôn trọng trong dịch thuật sau đây:
1) Dịch giả phải hiểu rõ ý nghĩa của ngôn bản và các dụng ý của tác giả;
2) Phải nắm vững ngôn ngữ của ngôn bản gốc và ngôn ngữ của ngôn bản dịch.
3) Dịch giả không được dịch từng từ một (…), không được rập khuôn trật tự từ của ngôn bản gốc, mà phải tập trung vào ý nghĩa sao cho dụng ý của tác giả được thể hiện một cách đầy đủ và duy trì thuộc tính của cả ngôn ngữ ngôn bản gốc lẫn ngôn ngữ ngôn bản dịch.
4) Tránh sử dụng từ mới, từ vay mượn. Tuân thủ “cách sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng”.
5) Quan sát kĩ số lượng âm tiết cũng như cách kết hợp các âm tiết này sao cho không chỉ làm thỏa mãn về tinh thần của bản gốc mà còn khiến cho bản dịch làm êm tai người tiếp nhận […].
E. Nida cho rằng người dịch trước hết phải phân tích thông điệp của ngôn bản gốc thành các hình thức đơn giản nhất về cấu trúc, sau đó chuyển hóa ngữ liệu đã phân tích ở trong đầu từ ngôn bản gốc sang ngôn bản dịch mà mình cho là phù hợp nhất đối với người tiếp nhận bản dịch và sau cùng là cơ cấu lại thông điệp bằng ngữ liệu của ngôn ngữ dịch.
Sẽ là sai lầm khi lẫn lộn mục tiêu của dịch ngôn ngữ với mục tiêu của dịch ngôn bản. Mục đích của dịch ngôn bản là chuyển tải được nghĩa của ngôn bản, còn mục đích của việc dạy dịch ngôn ngữ là dạy cách sử dụng các đơn vị ngôn ngữ. Ở góc độ ngôn ngữ học, học một ngoại ngữ nghĩa là tiếp thu một hệ thống các quy tắc ngữ pháp và một hệ thống từ vựng, trong khi đó, dịch ngôn bản là kết nối các khái niệm của một ngôn ngữ này với các khái niệm của một ngôn ngữ khác với mục tiêu tìm ra một phương án thích hợp nhất để chuyển tải nghĩa tổng thể của thông điệp. Học một ngoại ngữ là tự trang bị thêm cho mình một công cụ giao tiếp, còn dịch một văn bản chính là sử dụng công cụ giao tiếp được trang bị để thực hiện một hành động giao tiếp. Sự phân biệt rất tinh tế này có một tầm quan trọng đặc biệt trong dạy dịch ngôn bản. Người dịch về cơ bản phải là người thực hiện hành động giao tiếp.
Phân biệt dịch ngôn ngữ với dịch ngôn bản là một trong các biện pháp để xác định rõ giá trị của mỗi loại hình dịch và trả chúng về những vị trí xứng đáng. Dịch ngôn ngữ là một dạng bài tập có tác dụng tốt trong dạy và học ngoại ngữ, nhưng nếu bị lạm dụng trong các hoạt động dịch phục vụ nhu cầu giao tiếp, tức là dịch ngôn bản thì sẽ gây ra những điều đáng tiếc. Dịch ngôn ngữ là thao tác tìm sự tương đương cho từ hoặc cụm từ trong hệ thống ngôn ngữ, còn dịch ngôn bản là thao tác tìm sự tương đương cho phát ngôn trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Không thể nói đến dịch ngôn bản, nếu không xác định rõ ngôn bản là gì. Ngôn bản thường được coi là một chuỗi câu. Cách quan niệm này rõ ràng không thoả đáng. Thật vậy, quan niệm này có thể đúng với một số ngôn bản, đặc biệt là những ngôn bản mang tính hình thức. Song trong thực tế, phần lớn các ngôn bản phổ dụng thường được tạo ra từ một tập hợp bao gồm một số câu, phân đoạn câu và cụm từ. Mặt khác, tập hợp này còn phải được đặt trong một tình huống giao tiếp cụ thể với sự tham gia đầy đủ của các yếu tố về người phát, người nhận, thời gian, địa điểm, và những yếu tố tiền phát ngôn (préverbal) như mục tiêu, ý định giao tiếp. Như vậy, cần có một sự gắn kết chặt chẽ giữa các yếu tố của tập hợp đó với nhau và với ngôn cảnh. Như vậy có thể nói ngôn bản là một thể thống nhất, hoàn chỉnh và toàn vẹn bao gồm các yếu tố ngôn ngữ, các yếu tố ngôn cảnh, mối quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ đó với nhau và với ngôn cảnh. Chính các yếu tố ngôn cảnh này có tác dụng làm hiện thực hóa các giá trị tiềm năng của các đơn vị ngôn ngữ. Trên thực tế, tác giả của phát ngôn, ngôn bản luôn phải tính đến các yếu tố ngôn cảnh để lựa chọn đơn vị ngôn ngữ phù hợp nhất với ý định giao tiếp của mình. Nói một cách khác thì trong giá trị ngữ nghĩa của ngôn bản có bao hàm giá trị của các yếu tố ngôn cảnh. Ngôn cảnh sẽ chi phối hoạt động hiểu nghĩa ngôn bản. Trong dịch ngôn bản, không nên hiểu và dịch từng từ riêng lẻ mà phải hiểu và dịch trong ngôn cảnh và ngữ cảnh của nó, không phải lúc nào un cũng sẽ là “một” hay seul sẽ là “duy nhất”. Chúng ta hãy xem thí dụ sau đây:
Trong đoạn văn: La volonté du législateur a été de maintenir sous la responsabilité de l’Etat le seul réseau principal structurant, essentiel pour l’économie du pays., 30% sinh viên được hỏi đã dịch là Nhà nước quản lí mạng lưới đường duy nhất. Quả là nếu chữ seul xuất hiện trong cụm từ le seul réseau thì nó có thể có tương ứng với từ “duy nhất” của tiếng Việt. Nhưng khi nó xuất hiện cùng với các yếu tố khác trong ngôn bản (tức là trong ngữ cảnh của nó), thì nó có thể là “duy nhất” trong mối quan hệ giữa mạng lưới đường với Nhà nước. Vậy, nên dịch là: Quan điểm của các nhà lập pháp là chỉ duy trì sự quản lí của Nhà nước đối với mạng lưới giao thông chính yếu, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế ở phạm vi toàn quốc. Vả lại, ngoài mạng lưới chính này ra, trong ngôn bản gốc người đọc còn thấy có mạng lưới đường địa phương (tỉnh lộ, hương lộ). Mặt khác, ngôn bản này là do Chính phủ Pháp công bố để giới thiệu về hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ của Pháp, vậy khó có thể nói rằng Chính phủ Pháp công nhận mình độc quyền quản lí mạng lưới giao thông duy nhất của cả nền kinh tế quốc dân.
Nghĩa ngôn bản là đối tượng của dịch thuật
Như đã trình bày trên đây, nghĩa ngôn bản là mục tiêu cuối cùng của mọi hành động lời nói, của mọi quá trình giao tiếp vậy nghiễm nhiên nó phải là đối tượng của dịch thuật. Mặt khác, vì nhu cầu dịch bắt nguồn trực tiếp từ nhu cầu giao tiếp mà nhu cầu này lại tồn tại trong nội bộ một cộng đồng ngôn ngữ hoặc giữa hai cộng đồng ngôn ngữ. Và trong cả hai trường hợp này, quá trình giao tiếp đều giống nhau, đều là diễn đạt và hiểu; nét khác biệt giữa hai trường hợp là sự hiện diện của người dịch. Vai trò của người này sẽ là người tiếp nhận bản gốc, rồi trở thành chủ thể phát ngôn của bản dịch để chuyển tải nghĩa ngôn bản mà mình đã tiếp nhận được trước đó cho đối tượng phục vụ của bản dịch. Tóm lại, người dịch có nhiệm vụ dịch nghĩa ngôn bản chứ không dịch nghĩa ngôn ngữ.
Kết luận
Có rất ít điểm tương đồng giữa dịch ngôn ngữ và dịch ngôn bản. Mỗi loại hình dịch đều có những vai trò và mục đích khác nhau. Dịch ngôn ngữ là một công cụ của hoạt động dạy học ngoại ngữ, còn dịch ngôn bản là một phần của quá trình giao tiếp giữa các chủ thể phát ngôn không cùng chung công cụ ngôn ngữ. Việc phân biệt dịch ngôn ngữ với dịch ngôn bản sẽ giúp cho công tác đào tạo dịch cũng như hoạt động dịch thuật chuyên nghiệp đạt được kết quả mong muốn. Nghĩa ngôn bản phải được coi là đối tượng chính của dịch ngôn bản. Các yếu tố cấu thành nghĩa ngôn bản phần cụ thể của nó cần được xác định một cách chính xác, đầy đủ để góp phần cho ra một bản dịch tốt. Quá trình đào tạo ngoại ngữ cần chỉ cho người học thấy dịch ngôn ngữ là cần thiết nhưng đó chưa hẳn lúc nào cũng là dịch ngôn bản; quá trình đào tạo dịch cần luyện cho người học nghề các kĩ năng phân tích để có thể nắm bắt và chuyển tải nghĩa ngôn bản một cách đầy đủ nhất đến người tiếp nhận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Catford J., A Linguistic Theory of translation: An essai in applied linguistics, Oxford, University Press, London, 1965.
2. Dolet Etienne, La manière de bien traduire d’une langue en aultre, Obsidiane, 1990.
3. Hoàng Văn Vân, Nghiên cứu dịch thuật, Nxb KHXH, H., 2005.
4. Nida E.A. & Taber Ch., The Theory and Pratice of Translation, Leiden, E.J. Brill, 1974.
5. Nida E.A., Towards a Science of Translating: With Special reference to Principes and procedures involved in Bible translating, Brill Leiden, Netherlands, 1964.
6. Seleskovitch D. et Lederer M.,
a. Interpréter pour traduire, Paris 1984, 3ème édition 1993.
b. Pédagogie raisonnée de l’interprétation, en coédition avec l’Office des Publications des Communautés Européennes, Luxembourg et Paris, 1989.
SUMMARY
Accelerating international integration entails a growing need for translation despite the fact that more people are using foreign languages in international communication. Translation has become a socially-recognised and professionallytrained career. Besides high-quality translation products, there remain those that fail to meet communicative needs. The distinction between linguistic meaning and discourse meaning, between linguistic translation and discourse translation, and the determination of the authentic translation object in international communication not only help to decide the dignity of each translation form but also facilitate the understanding of the causes of faulty translation products.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 10 (2012)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)