ĐÔ VẬT – MỘT THỜI để nhớ – MỘT ĐỜI để quên (Phần 1)

ĐÔ VẬT – MỘT THỜI để nhớ – MỘT ĐỜI để quên (Phần 1)

1. Võ vật – Khắc đậm Dấu ấn

     Võ cổ truyềnVovinam và Võ vật là 3 trong 9 môn thể thao dân tộc của Việt Nam (cùng với kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đá cầu, đua thuyền, đua ghe).

       Võ vật của Việt Nam từ ngàn xưa là môn đấu vật giữa hai đối thủ (đô vật) đóng khố ở trần, không tính hạng cân và độ tuổi, chủ yếu dùng sức để quật ngã nhau. Muốn thắng, một trong hai đô vật phải nhấc bổng được hai chân đối thủ lên khỏi mặt đất (túc ly địa) hoặc vật ngã ngửa lưng, vai đối thủ chạm mặt đất (lấm lưng trắng bụng). Mỗi trận đấu gọi là keo vật, một thế vật gọi là miếng.

       Võ vật là một hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với lễ hội nông dân và làng xóm Việt Nam từ xa xưa. Triều đình thời ấy cũng thường tổ chức đấu vật để tuyển binh chọn tướng. Các danh tướng như Cao Lỗ, Nồi Hầu (thời An Dương Vương), Bà Lê Chân, Đô Dương, Đô Chinh, Thánh Thiên (thời Hai Bà Trưng), Bà Triệu, Triệu Quốc Đạt (thời Đông Ngô), Phạm Tu, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Phùng Hải (thời Lý Nam Đế), Dương Đình Nghệ (thời Ngô Quyền), Bà Liệt (thời Trần Thái Tông), Vũ Phong (thời Lê Thánh Tông), Mạc Đăng Dung, Lê Như Hổ, Nguyễn Doãn Khâm (thời Mạc Đăng Dung),… đều xuất thân từ đô vật, trạng vật. Chính võ sư Nguyễn Lộc người Sơn Tây đã lấy võ vật làm nền tảng, sáng lập môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo từ năm 1938. Đến nay, môn phái đã phát triển rộng khắp thế giới.

      Ngày nay, võ vật vẫn khắc đậm dấu ấn trong lòng người Việt qua nghệ thuật tạo hình ở nhiều đình chùa, qua chùm tranh Đông Hồ, qua các lò vật lưu danh, qua các lễ hội mùa xuân ở các vùng đất vật truyền thống như làng Trung Mầu (Gia Lâm), Vị Thanh (Vĩnh Yên), Vĩnh Ninh, Lạc Thị, Mai Động (Hà Nội), Thức Vụ (Nam Định), Phong Châu, Đoan Hùng (Vĩnh Phú), Liễu Đôi (Hà Nam), Sình, Thủ Lễ (Thừa Thiên-Huế), …

     Võ vật không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có. Mỹ có wrestling, Nhật có sumo, Nga có sambo, Romania có sirum, Thụy Sĩ có võ vật vùng Alps… Qua các kỳ Thế vận hội từ năm 1972 đến nay, nhiều nước đã tham gia tranh tài và đoạt huy chương tại các giải đấu vật như Liên Xô (cũ), Hoa Kỳ, Romania, Nga, Mông cổ, Bulgaria, Syria, Đức, Iran, Kazakhstan, Uzbekistan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, … Được biết, tranh tài tại Olympic có vật tự do và vật Greco-Roman. Mỹ rất mạnh về vật tự do, còn các nước thuộc Liên Xô cũ thì giỏi về vật Greco-Roman.

     Theo thư viện tư liệu của Ủy ban Olympic Việt Nam (Viet Nam Olympic Committee) thì Vật là môn thể thao đối kháng giữa hai vận động viên theo luật quy định. Vật được xếp hạng theo cân nặng ở các độ tuổi khác nhau. Khi thi đấu: hai vận động viên ôm lấy nhau, dùng sức và kỹ thuật làm đối phương ngã (hai vai chạm sới vật cùng một lúc) đế giành thắng lợi hoặc thắng điểm.

     Vật có lịch sử lâu đời, là một phần trong chương trình thi chung kết ở các đại hội Olympic cổ đại, lễ hội của nhiều dân tộc trên thế giới. Vận động viên được tự do lựa chọn các miếng đánh để thi đấu trong tư thế đứng (vật đứng) và ở tư thế bò (vật bò): vật xuống thảm, đẩy, vặn người, quăng, cầu vồng, gồng, lật, quật, cuốn hoặc dùng các động tác khóa, gài chân,…

     Trận đấu tiến hành 1 hiệp 5 phút đối với thanh niên và người lớn, 4 phút đối với trẻ em và thiếu niên. Điều khiển trận đấu gồm tổng trọng tài chính, trọng tài trên sới, trọng tài biên. Đấu vật cho điểm theo nguyên tắc đa số, theo chất lượng, thẩm mỹ miếng đánh. Thang điểm từ 1 đến 5 điểm. Nếu hiệp chỉnh (5 phút hoặc 4 phút, tùy theo lứa tuổi) hai vận động viên bằng điểm thì trọng tài cho thi đấu ngay hiệp phụ đến khi một trong hai vận động viên hơn nhau 3 điếm. Vận động viên hơn điểm là người thắng cuộc.

     Sới vật hình tròn, đường kính 9m, dày 4 – 6cm bằng chất liệu mềm, xung quanh mép rộng l,2 – l,5m và cùng độ dày của sới. Đấu vật được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại đại hội Olympic hiện đại từ năm 1904.

     Liên đoàn Vật Nghiệp dư Quốc tế (Fédération Internationale de Lutte Amateur, FILA) thành lập năm 1912, hiện có trên 100 liên đoàn quốc gia thành viên. Ở Việt Nam, vật tự do phát triển từ 1978, trên cơ sở vật dân tộc. Hàng năm Việt Nam tổ chức giải vô địch vật quốc gia. Năm 1979, Liên đoàn Vật tự do Việt Nam thành lập và là thành viên của FILA.

     Trên đường phục hồi và phát triển, đội tuyển vật Việt Nam đã tham dự Thế vận hội Olympic Moscow (Nga) năm 1980. Võ vật đã trở thành môn thi đấu chính thức và vật Việt Nam đã đoạt ngay Huy chương Vàng (HCV) do công của Mẫn Bá Xuân tại SEA Games 19 năm 1997 ở Indonesia. Tiếp đó, SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan, vật Việt Nam đã giành 8/9 HCV. SEA Games 25 năm 2009 tại Lào, vật Việt Nam đã thành công rực rỡ với 7 HCV, trong đó đô vật Mẫn Bá Xuân tiếp tục đoạt ngôi vô địch lần thứ 5 ở đấu trường này. SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, dù bị xử ép nhưng vật Việt Nam vẫn chiến thắng áp đảo với 8 HCV do công của các đô vật Khổng Văn KhoaCấn Tất DựBùi Tuấn AnhHà Văn Hiếu, … Tại giải vật tiền SEA Games 27 tại Myanmar, vật Việt Nam đoạt nhất toàn đoàn với 16 đô vật giành 16 HCV bỏ xa Singapore, đoàn xếp thứ hai chỉ được 3 HCV. Tại giải vật trẻ Đông Nam Á 2013 tại Thái Lan, vật Việt Nam giành 38 HCV. Tại SEA Games 27 ở Myanmar, vật Việt Nam đã giành 10 HCV (vượt chỉ tiêu 4 HCV). Với số điểm tuyệt đối, vật Việt Nam đã chiến thắng áp đảo trước mọi đối thủ, khẳng định vị thế số 1 ở đấu trường Đông Nam Á do công của các VĐV Đới Đăng TiếnTrần Văn TươngPhạm Thị HuếPhạm Thị LoanBùi Tuấn AnhNguyễn Thế AnhNguyễn Huy HàCấn Tất DựNguyễn Thị LụaVũ Thị Hằng (HCB giải vô địch vật trẻ thế giới tại Thái Lan năm 2012, HCB giải vô địch vật châu Á tại Ấn Độ năm 2013).

     Từ năm 2004, vật Việt Nam đã được đưa vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng, và vật tự do nữ Việt Nam được xác định là một trong những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.

     Tại Olympic London 2012, IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) quyết định gạt môn đấu vật khỏi hệ thống thi đấu Olympic kể từ năm 2020. Ngay sau đó, 2 cựu vô địch Olympic Valentin Yordanov (Bulgaria) và Sagid Murtazaliev (Nga) đòi trả lại huy chương, đồng thời nhà vô địch Olympic Armen Nazaryan của Nga đã tuyệt thực để phản đối. Cùng lúc, các liên đoàn vật khắp thế giới phẫn nộ, quyết đấu tranh đến cùng. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Long – trưởng bộ môn vật – cho biết không quá lo ngại về vấn đề này cho dù đấu vật không có trong hệ thống thi đấu Olympic, nhưng FILA chắc chắn vẫn đưa vật vào dự tranh tại SEA Games, ASIAN Games cùng các giải châu lục và thế giới của FILA.Tuy nhiên, ở SEA Games 28 trong năm 2015, nước chủ nhà Singapore đã tuyên bố sẽ cắt giảm một số môn, trong đó có đấu vật – môn võ vàng của thể thao Việt Nam!

… CÒN TIẾP …

BAN TU THƯ
09/ 2019

(nguồn: Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Năm 2014). Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. Tái bản lần thứ nhất. PHƯƠNG TẤN).

MỜI XEM TIẾP:
◊  ĐÔ VẬT – Một thời để nhớ – Một đời để quên (Phần 2)

(Visited 432 times, 1 visits today)