ĐÔ VẬT – Một thời để nhớ – Một đời để quên (Phần 3)

ĐÔ VẬT – Một thời để nhớ – Một đời để quên (Phần 3)

… tiếp theo Phần 2:

* CAROL HUỲNH, GO CAROL, GO

       Carol Huỳnh sinh năm 1980 tại Canada. Cha là người Việt mẹ là người Hoa, sinh sống tại Canada từ năm 1975. Carol Huỳnh ham thích thể thao, tập luyện nhiều môn từ nhỏ. Năm 15 tuổi khi đang là nữ sinh trung học, Carol Huỳnh chuyển sang môn vật và gia nhập vào đội tuyển của trường. Carol Huỳnh vẫn không từ bỏ môn vật suốt những năm ở đại học và cao học sau đó. Huấn luyện viên (HLV) của cô là Leigh Vierling – vợ của nhà vô địch thế giới môn đấu vật Christine Nordhagen.

      Sau nhiều thành tích lẫy lừng với hàng loạt huy chương mang về cho Canada ở các giải Pan American Games, FILA Wrestling World Championships, Common Wealth Games,… và hạ hàng loạt đối thủ sừng sỏ trong làng vật thế giới như Mariya Stadnik của Azerbaijan, Hyung Joo của Hàn Quốc, Tatyana Bakatyuk của Kazakhstan,…Carol Huỳnh tham gia vào đội tuyển Canada dự tranh tại Olympic. Tại Olympic Bắc Kinh vào mùa hè 2008, sau khi thắng á quân Olympic Icho Chiharu của Nhật (sau 3 lần Carol Huỳnh bị thua vào năm 2000, 2001, 2005), Carol Huỳnh đoạt huy chương vàng (HCV) (chiếc huy chương thứ hai cho Canada sau nam VĐV Tonya Verbeek đã giành HCB vào năm 2004). Carol Huỳnh đã khóc nức nở vì quá đỗi hạnh phúc.

       4 năm sau tại Olympic London vào mùa hè 2012, sau khi thắng Nguyễn Thị Lụa của Việt Nam chỉ trong 34 giây và hạ nhanh Vanesa Kaladzinskaya của Belarus nhưng thua Hitomi Obara của Nhật ở vòng bán kết, Carol Huỳnh đoạt huy chương đồng (HCĐ) sau khi hạ dễ dàng Isabelle Sambou của Senegal. Bên sàn đấu, ông Huỳnh Viêm – cha của Carol Huỳnh – với vóc dáng nhỏ thó, mặc chiếc áo pull đỏ mang dòng chữ Go Carol, Go chăm chú theo dõi trận đấu. Được biết, Carol Huỳnh bị chấn thưorng ở cổ tay và đầu gối suốt nhiều năm, phải cắn răng chịu đau suốt trận đấu và đây cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp thể thao của Carol Huỳnh trước khi cô trở thành HLV đội vật nữ Canada. Tại Olympic 2012, ngoài Nguyễn Thị Lụa và Carol Huỳnh còn một số vân động viên (VĐV) gốc Việt nổi bật trên đấu trường quốc tế như Marcel Nguyễn (đấu vật Canada), Marcel Nguyễn (thể dục dụng cụ Đức), Howard Bạch (cầu lông Mỹ),… Và trong số đó, Carol Huỳnh là VĐV có trình độ học vấn cao nhất: thạc sĩ tâm lý, giảng viên Đại học Simon Fraser.

NGUYỄN THỊ NGUYỆT ÁNH, QUĂNG GÁNH KHỔ ĐAU

      Sau khi đoạt HCV Asiad 2006, Nguyệt Ánh bị chấn thương đầu gối phải hành hạ, tiếp đó là đầu gối trái sau quá trình nhiều năm tập luyện và thi đấu. Do không được sự hỗ trợ từ ngành thể thao, không kiếm được nhà hảo tâm giúp tiền chữa trị, trong cơn tuyệt vọng, Nguyệt Ánh đã tưởng rằng sẽ giã từ nghiệp võ. Nhưng với sự đam mê karatedo một cách kỳ lạ ngay từ năm 16 tuổi, như tâm sự mới đây của cô: “Có chọn đến 10 lần tôi vẫn chọn karatedo” thêm vào đó là quý trọng đối với HLV Lê Công – một người thầy đã hết lòng thương yêu, dìu dắt và động viên – nên cô đã cam chịu điều trị bằng nội công kết hợp với thuốc dân tộc. Khi cơn đau quặn người thì nhờ bác sĩ bơm dung dịch bôi trơn khớp gối và trước khi thi đấu thì xịt thuốc giảm đau. Ngày đêm vật lộn với chấn thưởng, đối mặt với nỗi đau, lao vào khổ luyện, Nguyệt Ánh đã đoạt HCB Asiad 2010 và liên tiếp giành 4 HCV qua các SEA Games 23, 24, 25, 26, một HCV đồng đội nữ tại SEA Games 24, không kể các huy chương trong các giải vô địch châu Á. Sự cống hiến và hy sinh của Nguyệt Ánh cho thể thao nước nhà đã chạm vào hàng triệu trái tim người hâm mộ. Báo chí liên tục lên tiếng “kêu cứu” giúp Nguyệt Ánh, có báo còn cho Nguyệt Ánh là “Nhà vô địch karateđo bị bỏ rơi”. Nhờ đó, vào tháng 8 năm 2011, một doanh nhân đã hỗ trợ Nguyệt Ánh 200 triệu đồng để làm giải phẫu chấn thương ở nước ngoài. Tiếp đó, lãnh đạo ngành thể thao lên tiếng phủ nhận Nguyệt Ánh bị bỏ rơi và cô đã được ngành thể thao mời bác sĩ chuyên về khớp, sụn thuộc Tập đoàn Y tế Parway của Singapore khám tại Việt Nam. Ngày 12 tháng 4 năm 2012, Nguyệt Ánh được tiến hành giải phẫu tại bệnh viện Mount Elizabeth của Parway tại Singapore. Kinh phí giải phẫu lấy từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, Tổng cục TDTT, Phòng TDTT Quân đội, Quỹ hỗ trợ VĐV chấn thương, và của HLV Lê Công. Ngày 14 tháng 12 năm 2013, sau hơn một năm tập tễnh với đôi nạng rồi với chiếc xe đạp địa hình khó khăn,… Nguyệt Ánh đã quang gánh khổ đau lại phía sau, tiếp tục tái xuất tại SEA Games 27 và đã đổ máu trên sàn đấu để bảo vệ thành công chiếc HCV thứ 6 và có lẽ cũng là để bảo vệ niềm vinh quang cuối cùng nhưng sống mãi của một nữ vô địch kiên cường của thể thao Việt Nam.

* LÊ THỊ HUỆ, VẬT VÃ VỚI NHỮNG CƠN ĐAU

       Ngày 12 tháng 5 năm 2003, ngay trong lúc miệt mài tập luyện, quyết tâm giành HCV môn vật cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 22, Lê Thị Huệ – cô gái vàng Thanh Hóa, HCV toàn quốc năm 2003 – đột nhiên bị choán, đầu cắm xuống đất và bất động trên thảm vật. Với đốt sống cổ bị tổn thương gây liệt tứ chi, Huệ đã trải qua chuỗi ngày tàn phế, cơ cực, lẻ loi, vô vọng ở một vùng quê nghèo bên mẹ già lam lũ cùng đôi nạng và chiếc xe lăn cũ kỹ ở tuổi 24, không một chút đoái hoài, xót thương từ những giới chức thể thao từng vinh danh và xem cô là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam. Sau 10 năm vật lộn với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, Lê Thị Huệ đã trải lòng trên một tờ báo. Cô cho biết, từ Judo chuyển sang môn vật và bị chấn thương trong thời gian tập luyện tích cực và háo hức được tranh tài tại SEA Games 22. Hiện cô và mẹ cô (người chăm sóc) được hưởng số tiền trợ cấp tai nạn lao động khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Cha mất, mẹ trên 70 tuổi, hai mẹ con cô sống dựa vào tiền trợ cấp nên chi tiêu còn chật vật nói chi đến thuốc thang, chữa chạy. Trước đây cô được Trung tâm Y dược Bảo Long điều trị miễn phí, nhưng do xa nhà, tiền bạc không có nên sau một thời gian cô đành về lại với mẹ già, với quê nghèo và với những cơn đau buốt lòng và thấu trời quanh năm.

       Hoàn cảnh thương tâm của Huệ đã được báo đài cùng dư luận quan tâm viết bài và lên tiếng. Qua đó, vào tháng 7-2013, sau 10 năm ròng rã, cô được ngành thể thaonhiều nhà hảo tâm về tận quê của cô thăm hỏi, tặng quà và đưa vào điều trị tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Bác sĩ, giám đốc bệnh viện cho biết: “Huệ bị rối loạn cơ lực, rối loạn cơ tròn, một số cơ bị liệt, một so cơ yếu,… Việc chữa trị cho Huệ đòi hỏi một quá trình. Bệnh viện Thế thao Việt Nam sẽ tập trung trí tuệ, làm hết sức mình. Nếu giúp Huệ cải thiện được 50% so với tình trạng hiện nay thì điều đó sẽ thật kỳ diệu. Mong là vậy, nhưng vẫn chưa nói được điều gì.”.

 

BAN TU THƯ
9 /2019

(nguồn: Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Năm 2014). Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. Tái bản lần thứ nhất. PHƯƠNG TẤN).

MỜI XEM:
◊  ĐÔ VẬT – Một thời để nhớ – Một đời để quên (Phần 1)
◊  ĐÔ VẬT – Một thời để nhớ – Một đời để quên (Phần 2)

(Visited 116 times, 1 visits today)