DU LỊCH với công cuộc XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

DU LỊCH với công cuộc XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

PGS. TS. PHAN HUY XU *
TS. MAI NGỌC KHƯƠNG
* Trưởng khoa Du Lịch ĐHQT Hồng Bàng

** Phó Trưởng khoa Du lịch ĐHQT Hồng Bàng

1. Ý nghĩa của du lịch giảm nghèo

     Trong những năm qua, du lịch của Việt Nam đã được chú trọng và trở thành một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung, tạo ra nhiều công việc mới cho người dân.  Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế xã hội của ngành lại không được phân chia đồng đều cho cộng đồng ở các vùng địa lý khác nhau.  Hiện trên cả nước đã có các địa phương như Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, v.v. phát triển thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng chú trọng vào việc khai thác và bảo tồn hiệu quả môi trường du lịch của địa phương, giúp đào tạo nghề cho đồng bào nghèo và hỗ trợ phát triển các sản phẩm địa phương để các sản phẩm đó có thể được tiêu thụ nhiều hơn trong lĩnh vực du lịch. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân nghèo có việc làm ổn định và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

     Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện hàng loạt các chiến lược nhằm “làm cho du lịch thân thiện hơn với người nghèo”.  Các chiến lược bao gồm huấn luyện và đào tạo cho người nghèo, sử dụng nguồn cung ứng địa phương, cung cấp các khoản tín dụng vi mô, gia tăng quyền tham gia vào phát triển và đưa ra các  quyết định về du lịch, hỗ trợ các sáng kiến mang tính cộng đồng, hướng đầu tư vào các khu vực nghèo, và giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với người nghèo (Ashley và cộng sự, 2000, 2001). Tuy nhiên, hầu hết các chiến lược này đều có những hạn chế trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo khi chúng được dựa trên quan điểm “du lịch là vì người nghèo” và miễn là người nghèo thu được lợi ích ròng (Ashley và cộng sự, 2001).  Tổ chức Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng du lịch xoá đói giảm nghèo phải được hiểu rằng ‘người nghèo’ nên được hưởng lợi nhiều hơn người giàu (UNDP, 2004); khái niệm này căn cứ vào sự công bằng trong việc giảm nghèo.

      1.1  Du lịch giảm nghèo là gì?

     Du lịch giảm nghèo được hiểu là một hình thức du lịch tạo ra lợi ích ròng cho người nghèo.  Lợi ích ròng có nghĩa là lợi ích lớn hơn chi phí.  Lợi ích này bao gồm các lĩnh vực kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội.  Du lịch giảm nghèo phát xuất từ một niềm tin rằng du lịch có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho người nghèo. Điều này có nghĩa là “người nghèo được tham gia tích cực và hưởng lợi từ sự tăng trưởng và hoạt động kinh tế”.

      1.2  Phân biệt du lịch giảm nghèo với các loại du lịch khác

     Du lịch giảm nghèo không phải là một sản phẩm cụ thể hay một nhân tố của ngành du lịch, mà là cách tiếp cận để phát triển và quản lý du lịch.  Quan điểm của du lịch giảm nghèo là hầu hết các điểm đến hoặc các sản phẩm du lịch đều có thể đáp ứng được các mục tiêu giảm nghèo.  Hướng tiếp cận du lịch giảm nghèo là tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.  Các sáng kiến thúc đẩy việc giảm nghèo trong các hoạt động du lịch bền vững rất cần được ủng hộ.

     Mặt khác, theo Ashley và các cộng sự (2000), du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa mà du lịch dựa vào để phát triển, nhưng không xem xét đầy đủ các tác động đến sinh kế của người nghèo. Đối với du lịch sinh thái, các hướng tiếp cận bảo tồn nhấn mạnh vào các lợi ích địa phương như khuyến khích bảo vệ môi trường hoặc thúc đẩy thay thế các hoạt động không bền vững.  Du lịch giảm nghèo khác ở chỗ mục tiêu chính của nó tập trung vào gia tăng các cơ hội và xác định các lợi ích ròng cho người nghèo và  quan tâm đến bảo tồn và phát triển môi trường. Nói cách khác, những gì du lịch sinh thái sử dụng làm phương tiện, du lịch giảm nghèo lại xem như là “yếu tố đầu ra” của mình.

     Tương tự như vậy, du lịch cộng đồng hướng đến sự tham gia của cộng đồng địa phương vào du lịch và điều này cũng là một yếu tố quan trọng của du lịch giảm nghèo. Tuy nhiên, du lịch giảm nghèo tập trung không chỉ một cộng đồng, nó đòi hỏi phải có cơ chế cho các hoạt động du lịch nhằm mở ra các cơ hội cho người nghèo ở mọi cấp độ và quy mô. Điều này có nghĩa là “tối đa hóa việc sử dụng lao động, hàng hoá, dịch vụ địa phương, mở rộng các mối liên kết nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các nhà sản xuất nghèo và người dân trong các khu/vùng du lịch. Mặc dù du lịch giảm nghèo đã được phân biệt với các hình thức du lịch khác, nó vẫn cần phải kết hợp với chiến lược phát triển du lịch tổng thể nhằm mục đích phát triển kinh tế của các khu vực một cách toàn diện. Điều này có nghĩa là du lịch giảm nghèo phụ thuộc vào sức mạnh chung của cả ngành du lịch nước ta.

 2. Vai trò của du lịch trong việc giảm đói nghèo

     Du lịch được xem như một công cụ để giảm đói nghèo, thách thức hiện nay ở Việt Nam là làm thế nào và ở đâu du lịch có thể đem lại những cơ hội tốt hơn, tăng thêm quyền lợi và an ninh cho người nghèo, đồng thời thúc đẩy phát triển hài hoà kinh tế ở cấp độ địa phương, vùng và quốc gia.  Khi hoạt động du lịch được triển khai ở khu vực địa lý khác nhau (chẳng hạn như: các khu vực đồi núi, hẻo lánh, duyên hải, rừng và thành thị đông đúc) nó có thể là một công cụ quan trọng giảm nghèo đói đặc biệt ở các vùng nông thôn và thành thị. Người nghèo ở thành thị học được các kỹ năng liên quan đến làm du lịch ở các vùng nông thôn, từ đó giúp đảo ngược lại tiến trình di dân từ thành thị trở về các vùng nông thôn để làm du lịch.

     Vì thế, có thể xem du lịch là một công cụ phù hợp cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của đất nước ta. Nó không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế mà còn có những lợi ích trong việc phát triển văn hóa, môi trường và xã hội. Du lịch đem lại các cơ hội việc làm từ việc đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người nghèo. Thông qua gia tăng thu nhập quốc gia (nguồn thu từ trao đổi ngoại tệ và thuế), các nguồn vốn hỗ trợ cho các chương trình giảm nghèo và các nguồn lợi khác từ du lịch giúp người dân thoát nghèo. Những mối lợi này (như đã trình bày trong quyển Du Lịch và Giảm đói nghèo, WTO, 2002) bao gồm.

     – Các sản phẩm du lịch được tiêu thụ tại điểm sản xuất dẫn đến gia tăng cơ hội cho các cá nhân và các cơ sở cung cấp sản phẩm và dịch vụ địa phương.

– Du lịch tạo ra các cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho các nước đang và kém phát triển.

– Du lịch không chỉ dựa vào nguồn vốn tài chính, nền sản xuất và con người mà phần lớn còn dựa vào văn hóa và tài nguyên thiên nhiên là các loại tài sản thường được người nghèo làm chủ.

– Du lịch cung cấp nhiều việc làm cho người nghèo với những cơ hội phát triển tốt.

– Đa dạng hóa và phát triển trên diện rộng giúp tăng cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch cho người nghèo.

– Du lịch tạo ra những cơ hội quan trọng cho phụ nữ trong việc tìm kiếm việc làm.

– Du lịch tác động trực tiếp đến các mục tiêu giảm nghèo khi nó:

  • Tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho người nghèo bằng cách những việc làm chính thức và bán chính thức,
  • Tạo ra lợi nhuận và thu nhập chung cho các doanh nghiệp địa phương,
  • Tạo điều kiện phát triển xã hội bằng cách gia tăng sử dụng cơ sở hạ tầng, cung cấp cho người địa phương cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng du lịch,
  • Thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng địa phương vào việc đưa ra các quyết định về sản phẩm du lịch mà họ làm chủ,
  • Tạo ra sức mạnh cho cộng đồng địa phương bằng cách tạo ra nhiều cơ hội thu nhập,
  • Nền tảng của phát triển du lịch là bảo vệ môi trường tự nhiên và con người.

      Song song với những mối lợi cũng có những mối bất lợi của phát triển du lịch. Hiểu được những mối bất lợi này giúp các tổ chức liên quan và chính quyền đưa ra các chiến lược phù hợp ở cấp độ địa phương cho việc phát triển du lịch giảm nghèo.  Các tác động tiêu cực của du lịch thường kéo dài với các nhân tố dẫn đến nghèo đói như sau:

  • Du lịch có thể tạo ra các mức độ làm chủ từ bên ngoài dẫn đến rò rỉ kinh tế cao và làm giảm đi các lợi ích kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng điều này không khác lắm với nhiều ngành công nghiệp khác.
  • Du lịch tạo ra các khoản chi phí kinh tế cao cho người nghèo, chẳng hạn như: làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên và sử dụng đất nông nghiệp không hợp lý.
  • Du lịch mang tính dễ vỡ đối với những thay đổi kinh tế và chính trị tại các thị trường nguồn cung cũng như những thay đổi về xã hội và chính trị tại các thị trường điểm đến.

     Bên cạnh những tác động tiêu cực của du lịch dẫn đến nghèo đói thì bản thân sự yếu kém, sự nghèo đói cũng tạo ra những rào cản nhất định cho phát triển du lịch giảm nghèo. Một số các rào cản đó được Jamieson và Mandke năm 2002 xác định bao gồm:

  • Thiếu giáo dục và đào tạo,
  • Thiếu tiếp cận các nguồn tài chính cho phát triển du lịch,
  • Thiếu các hoạt động tổ chức và phối hợp,
  • Yếu kém trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và tài nguyên du lịch,
  • Thiếu kiến thức thị trường du lịch,
  • Nhiều quy tắc luật lệ và thói quan liêu cửa quyền,
  • Tiếp cận không đúng, không đủ các thị trường có sẵn cũng như các thị trường du lịch tiềm năng.
  • Thiếu các chương trình của chính phủ liên quan đến du lịch.

     Sử dụng du lịch như một công cụ giảm nghèo đói ở các khu vực thành thị có nhiều thách thức hơn so với các môi trường ở nông thôn, do tính phức tạp của môi trường, của hệ thống kinh tế đô thị và của sự nghèo đói ở thành thị. Khi dân số nước ta tại các khu vực thành thị luôn gia tăng và tỉ lệ người nghèo trong những khu vực có khuynh hướng tăng thì nhu cầu cấp bách sử dụng du lịch như một công cụ phát triển giảm nghèo là cần thiết. Cần phải có những nghiên cứu và mô phỏng nhằm tìm ra các giải pháp thu hút sự tham gia của người nghèo thành thị vào ngành du lịch. Bên cạnh đó, cũng phải tìm ra giải pháp bảo đảm thu nhập hợp lý và phân bổ công bằng lợi ích từ du lịch ở môi trường thành thị phức tạp.

3. Các nguyên tắc của du lịch giảm nghèo

     Theo Ashley và các cộng sự năm 2000, Bộ phát triển quốc tế Anh quốc năm 1999, và Roe và Urquhart năm 2004, thì thiết kế phát triển và triển khai du lịch giảm nghèo thành công phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

     –  Sự tham gia:  Người nghèo được tham gia trong việc đưa ra quyết định về du lịch và sinh kế của họ phải được thể hiện trong quá trình phát triển du lịch.

     –  Hướng tiếp cận sinh kế tổng thể:  Ghi nhận các mối quan tâm đến đời sống của người nghèo (kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm ngắn hạn và dài hạn).  Nếu chỉ tập trung vào cung cấp tiền mặt hoặc tạo ra công việc là chưa đầy đủ.

     –  Hướng tiếp cận cân bằng:  Cần đa dạng hóa các hoạt động, từ cấp độ vi mô đến vĩ mô.  Các mối liên hệ giữa các cấp là rất quan trọng trong hệ thống du lịch rộng hơn.  Bổ sung các sản phẩm và các nhân tố (ví dụ: giao thông và tiếp thị) cần thiết để hỗ trợ các sáng kiến du lịch giảm nghèo.

     –  Tính ứng dụng rộng rãi: Các nguyên tắc của du lịch giảm nghèo có thể áp dụng cho bất kỳ loại hình du lịch nào, mặc dù có thể có sự khác nhau giữa chúng (ví dụ: giữa du lịch đại trà và du lịch hoang dã).

     –   Sự phân phối:  Phát triển du lịch giảm nghèo đòi hỏi một số phân tích về sự phân bổ lợi ích và chi phí.

    –  Tính linh hoạt: Tốc độ hay quy mô của sự phát triển có thể cần phải được điều chỉnh; chiến lược phù hợp và các tác động tích cực phải cần có thời gian để phát triển, các tình huống thực tiễn là rất khác nhau.

     –  Tính thương mại:  Các chiến lược du lịch giảm nghèo phải nằm trong khả năng của địa phương và phải có tính thương mại.

     –  Học tập liên ngành:  Mặc dù chưa được kiểm nghiệm, nhưng học tập kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác là cần thiết.  Du lịch giảm nghèo cũng cần rút ra bài học từ phân tích sự nghèo đói, quản lý môi trường, quản lý và phát triển doanh nghiệp nhỏ của địa phương.

 4. Kết luận

     Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ có thể trình bày được ý nghĩa, cơ sở lý luận, vai trò và các nguyên tắc quan trọng của hướng tiếp cận du lịch giảm nghèo nhằm khơi gợi trong sinh viên, giảng viên của Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng và những người làm du lịch những ý tưởng mới và những cách làm du lịch thân thiện hơn với người nghèo góp phần tích cực vào việc làm giảm tỷ lệ nghèo của đất nước ta.  Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sự nghèo đói là đa chiều, hướng tiếp cận du lịch giảm nghèo có tiềm năng rất lớn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên trong phân tích tiềm năng phát triển du lịch chúng ta cần phải cẩn thận xem xét kỹ lưỡng các hướng tiếp cận của các cơ quan liên quan để xem xét các lợi ích đạt được từ du lich thuộc về ai là điều quan trọng.  Nói tóm lại, cần phải có thêm các cuộc tranh luận về giá trị của du lịch giảm nghèo như là một công cụ, một biện pháp và một hướng tiếp cận tốt để giảm nghèo. Bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ tập trung trình bày vai trò của các cấp chính quyền địa phương và các chiến lược quan trọng phát triển du lịch giảm nghèo.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ashley, C., Boyd, C. and Goodwin, H., Pro-poor Tourism: Putting Poverty at the Heart of the Tourism Agenda. Natural Resource Perspectives No. 51 (March), London, ODI, 2000.

[2] Ashley, C., Roe, D. and Goodwin, H., Pro-Poor Tourism Strategies: Making Tourism Work for the Poor. Pro-Poor Tourism report no.1, Nottingham: The Russell Press, 2001.

[3] Jamieson, W. and Mandke, P., Exploration of the National Policy Issues Related to the Use of Tourism Development in Poverty Reduction in Southeast Asia, Conference proceedings, Tourism in Asia, Hong Kong Polytechnic University, Hong Kong, 2002.

[4] Roe, D. and Urquhart, P. (2004). Pro-poor tourism: Harnessing the world’s largest industry for the world’s poor; turning the rhetoric into action for sustainable development and poverty reduction. In T. Bigg (ed.) Survival for a Small Planet – The Sustainable Development Agenda, (2004), pp. 309–325, London: Earthscan.

[5] UNDP, Pro-Poor Growth: Concepts and Measurement with Country Case Studies. Brasilia: UNDP International Poverty CeAntre, 2004.

BAN TU THƯ
09/2019
Nguồn: Tạp chí Đại học Quốc tế Hồng Bàng – Số 1 (Tháng 4/ 2012)

Hình ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập (Nguồn: baogialai.com.vn)

(Visited 416 times, 1 visits today)