BAN TU THƯ – vietnamhoc – Biên tập
[EUGÉNIE DE MONTIJO (1826–1920) là hoàng hậu cuối cùng của vương triều phong kiến Pháp (thời kỳ 1853–1870), là vợ của hoàng đế Napoléon III. Bà là một tín đồ Kitô giáo và đã tích cực ủng hộ lời kêu gọi phát động cuộc chiến xăm lược thực dân hóa Việt Nam của giám mục Pellerin.]
* * *
EUGÉNIE DE MONTIJO (5/5/1826, Granada, Tây Ban Nha – 11/7/1920, Madrid, Tây Ban Nha) – tên đầy đủ tiếng Tây Ban Nha là María Eugenia Ignacia Augustina de Palafox y Kirkpatrick – là nữ bá tước thứ 16 của xứ Teba (miền Nam Tây Ban Nha), nữ hầu tước thứ 15 của xứ Ardales (miền Nam Tây Ban Nha) và là hoàng hậu cuối cùng của vương triều phong kiến Pháp (thời kỳ 1853–1870) – là vợ của hoàng đế Napoléon III. Những khi mà Hoàng đế vắng mặt và cuối cùng là trong thời kỳ nổ ra cuộc chiến Pháp-Phổ, Hoàng hậu nhiếp chính – vai trò mà bà đã vài lần đảm nhận – đã khiến bà trở thành người phụ nữ Pháp nắm quyền lãnh đạo với những uy quyền đầy đủ dành cho một nguyên thủ quốc gia.
Bà mang nửa dòng máu Scotland của cha (Bá tước Cipriano de Palafox y Portocarrero), 1/4 dòng máu Bỉ và 1/4 dòng máu Tây Ban Nha của mẹ (María Manuela Kirkpatrick de Grevignée). EUGÉNIE cùng cả gia đình đã rời quê hương đến sinh sống ở Paris (vào tháng 7/1834) nhằm thoát khỏi sự hoành hành của dịch tả và sự nguy hiểm của cuộc nội chiến đang diễn ra ở Tây Ban Nha.
EUGÉNIE được giới thượng lưu châu Âu thời đó xem như là một biểu tượng thời trang của thập niên 1850- 1860. LOUIS-NAPOLÉON BONAPARTE đã gặp bà tại điện Elysée, Paris (tháng 8/1849); vẻ đẹp của bà đã thu hút ông ta và chẳng bao lâu sau thì NAPOLÉON đã cầu hôn bà. Thế nhưng! EUGÉNIE đã thẳng thừng từ chối bởi bà không muốn làm phu nhân của một tổng thống mà chỉ muốn làm vợ của một vị hoàng đế uy quyền. Rồi! LOUIS NAPOLÉON BONAPARTE đã xưng đế (ngày 2/12/1852) và một lần nữa cầu hôn nữ bá tước Eugénie de Montijo; và lần này thì bà chấp nhận. Hôn lễ đã diễn ra (vào ngày 29/1/1853) tại điện Tuileries, Paris. Nữ bá tước Montijo được tấn phong làm hoàng hậu ngay ngày hôm sau. Sau này, hoàng hậu EUGÉNIE đã thú nhận rằng bà lấy Napoléon III chỉ vì “danh vọng, quyền lực và địa vị“. Thế nên! Bà thường xuyên ghen tuông, nghi ngờ, sợ chồng có nhân tình nên đã không ngừng canh giữ chồng, tra xét, lùng sục mọi ngóc ngách trong cung điện, bất chấp vương lệnh, hay nghi thức và cả sĩ diện. Bà thường đột ngột xộc vào ngự phòng của nhà vua với hy vọng “bắt quả tang” thậm chí cả khi nhà vua có cuộc họp bí mật để bàn đại sự, bà cũng nằng nặc đòi có mặt để đảm bảo không có chuyện tình ái lăng nhăng nào – thật ra đây chỉ là một cái cớ để Eugénie có thể nghe ngóng chuyện quốc gia đại sự. Nhà vua chỉ muốn được yên thân một mình cũng không xong! Kết cục là Napoléon III phải lén ra ngoài cung điện cho ‘dễ thở’ và đã dẫn đến ngoại tình thật.
Hoàng hậu EUGÉNIE – người đam mê quyền lực – luôn tìm cách để tham gia vào công việc triều chính và bà đã đạt được ý muốn khi được bổ nhiệm làm cố vấn riêng cho chồng. EUGÉNIE – một người Công giáo cực kỳ bảo thủ – luôn dập tắt mọi sự nhen nhóm của khuynh hướng tự do trong các chính sách trị nước của chồng. EUGÉNIE là một hoàng hậu không được lòng dân bởi tính cách khắt khe, độc đoán và khó hòa đồng của bà. Tuy vậy! Bà là người ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng – một điều được xem là ghê tởm và đáng khinh bỉ lúc bấy giờ – cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực (ví dụ như bà đã gây sức ép để buộc một số trường đại học công lập của Pháp thời đó phải chấp nhận sinh viên nữ và khi họ tốt nghiệp thì phải trao bằng cử nhân theo quy chế giống như của nam sinh; hay bổ nhiệm một số phụ nữ có học vấn cao vào các cơ quan công quyền của Nhà nước bất chấp sự phản đối quyết liệt của nhiều người).
Vào năm 1858, NAPOLÉON III muốn tập trung lực lượng để xâm chiếm giành giật thuộc địa Ấn Độ béo bở của Anh quốc lúc bấy giờ; thế nhưng, dưới sự nài nỉ lẫn không ngừng nghỉ từ phía bà vợ sùng đạo Kitô cộng thêm những toan tính chiến lược được các cận thần đệ trình, NAPOLÉON III đã quyết định chuyển hướng và xua quân tiến hành xâm lược Việt Nam (lúc ấy là Đại Nam) với lý do là để “Bọn người khốn khổ kia biết thế nào là lễ độ” cũng như “đi chinh phạt bọn man di” – như lời của Eugénie. Bà đã lập ra “Công đoàn Hiệp sĩ Pháp” (trong khoảng thời gian 1858-1870 khi Pháp quốc tiến hành xâm lược Đại Nam) nhằm kêu gọi sự đóng góp từ mọi người để trang trải phần nào phí tổn về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các binh sĩ Pháp.
EUGÉNIE là Hoàng hậu chấp chính trong thời gian diễn ra Chiến tranh Pháp-Phổ thế nhưng nhiều quyết sách đối nội sai lầm của bà đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. EUGÉNIE và NAPOLÉON III đã không thể chứng kiến được cái ngày mà nước Pháp hoàn thành việc xâm chiếm Đại Nam và bán đảo Đông Dương. Vì vào ngày 4/9/1870, binh đoàn Pháp do Napoléon III chỉ huy đã thất trận nặng nề ở Sedan và chồng bà bị quân Phổ bắt làm tù binh thì ở Paris đã nổ ra cuộc cách mạng lật đổ Đế chế thứ II để lập nên Nền Cộng hòa thứ III. Hoàng hậu nhiếp chính EUGÉNIE hoảng sợ đem con trai bỏ trốn sang Anh. Không lâu sau đó nhờ sự vận động của bà nên cựu hoàng Napoléon III được phía Phổ (Đức quốc lúc bấy giờ) phóng thích. NAPOLÉON đã sang Anh sống lưu vong với bà cho đến khi ốm chết (ngày 9/1/1873). Sau cái chết của chồng, EUGÉNIE đã dồn hết tâm trí để nuôi dạy đứa con trai duy nhất của bà là hoàng tử Louis Eugène Napoléon nhưng thật bất hạnh là đứa con của bà sau đó đã sớm qua đời ở tuổi 23 vì tử trận trong Cuộc chiến Anh–Zulu (Nam Phi lúc bây giờ). Hoàng hậu Pháp quốc cuối cùng trong nỗi đau khôn nguôi đã rời Anh để quay về Tây Ban Nha và sống ẩn dật tại đấy cho đến khi qua đời.
BAN TU THƯ
2 /2021