GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TỘC NGƯỜI MẢNG qua TRUYỆN CỔ DÂN GIAN

GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TỘC NGƯỜI MẢNG qua TRUYỆN CỔ DÂN GIAN

NGÔ THỊ PHƯỢNG
(TS, Trường Đại học Tây Bắc)

     Dân tộc Mảng là tộc người thuộc ngữ hệ Nam Á, dòng Môn Khơ – me, cư trú chủ yếu ở Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mảng ở Việt Nam có dân số 3.700 người, cư trú tại 14/63 tỉnh, thành phố. Người Mảng cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu (3.631 người, chiếm 98,1% tổng số người Mảng tại Việt Nam), ngoài ra còn có ở Đồng Nai (17 người), Đắk Lắk (15 người), các tỉnh khác không quá 10 người. Dân tộc Mảng còn một bộ phận (khoảng 500 người) sinh sống ở huyện Kim Bình, Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tại đây, họ được gộp trong nhóm không phân loại.

     Với địa bàn cư trú không rộng, số dân ít ỏi so với các dân tộc sinh sống tại miền núi, nhưng có bề dày văn hoá, tộc người Mảng đã đóng góp cho văn học nước nhà những thành tựu thú vị. Như các dân tộc khác, văn học dân tộc Mảng có quá trình hình thành, vận động vừa độc lập tương đối, vừa là sản phẩm tổng hoà các yếu tố nội, ngoại sinh. Trong vốn văn hoá, văn nghệ dân tộc Mảng, truyện cổ được coi như di sản khá độc đáo. Nội dung chính của truyện cổ dân tộc Mảng thể hiện một số phương diện sau:

1. Đấng sáng tạo, nguồn gốc các dân tộc và sự ra đời của địa danh

     Giá trị nhận thức đầu tiên của truyện cổ Mảng là về nguồn gốc trời đất, thế giới tự nhiên. Kiểu truyện này mang bóng dáng thần thoại hơn là cổ tích. Trong cuộc đấu tranh sản xuất duy trì sự sống, dân tộc Mảng quan sát các hiện tượng thiên nhiên, các sự vật trong thiên nhiên. Sự quan sát càng tỉ mỉ thì kết quả lao động càng tăng. Yêu cầu giải thích tự nhiên do đó mà nảy sinh. Tư duy càng phát triển thì nhu cầu đó càng bức thiết. Người Mảng quan sát và suy nghĩ về các sự vật như trời đất, núi rừng, sông bể, mặt trời, mặt trăng và bày tỏ nhận thức vào truyện cổ. Truyện Vũ trụ và nguồn gốc các dân tộc của người Mảng giải thích: Trên trời có Mon Ten (vua Trời) ngự trị. Đây là đấng sáng tạo cao siêu, làm ra bầu trời và trái đất. Mon Ten có hai người giúp việc là Ai Húi và Ai Hềnh. Lúc ấy, bầu trời và mặt đất còn rất gần nhau. Thấy mặt đất bằng phẳng, rộng rãi mà im ắng quá, Mon Ten mới sai Ai Húi và Ai Hềnh xuống mặt đất tạo ra con người cùng muôn loài vật, cây cối [2]. Quan niệm này thể hiện khuynh hướng duy tâm của người Mảng.

     Ý thức được vị trí tối cao của mình, người Mảng từ ngàn xưa đã cho rằng con người phải đứng trên muôn loài. Ai Húi, Ai Hềnh tìm lấy đất sét nặn loài vật và khi nặn đến con người, họ “bàn nhau phải để con người có trí thông minh thì mới cai quản được muôn loài”. Sự giải thích này thống nhất với cách kiến giải về vai trò loài người ở truyện cổ nhiều dân tộc khác.

     Trả lời câu hỏi vì sao trời cao đất thấp, người Mảng cho rằng, do “khi giã cây lấy nước uống, do đất thấp mà phải ngồi” nên có một người đàn bà đã than thở và bực mình, bà mới cầm chày thúc mạnh mấy cái, trời đau quá vội tụt lên cao, bà liền chống chày vào hòn đá không cho trời xuống thấp nữa. Hòn đá ấy người ta gọi là Gi Rạng Plỉnh (Đá chống trời).

     Giải thích nguồn gốc sông biển, người Mảng cho rằng, do không có nước uống, Trời lấy lá nhúng vào vại, vẩy nước xuống, tạo nên những trận mưa nhỏ. Thấy chưa đủ, trời dùng gáo quả bầu múc ba gáo giội xuống. Mưa to như trút, nước chảy xoáy mạnh vào lòng đất, những chỗ cao tạo thành đồi núi, những chỗ bị khoét sâu tạo thành sông suối, ao hồ.

     Không chỉ quan tâm tới nguồn gốc trời đất, người Mảng còn chú ý giải thích địa danh. Địa danh là một mã hoá thẩm mĩ. Truyện cổ địa danh có nội dung phản ánh lịch sử chính là truyền thuyết địa danh. Những truyện kể này nói về nguồn gốc tên gọi của các địa danh ở địa phương, có gắn với các sự kiện, nhân vật liên quan. Truyền thuyết địa danh của người Mảng tập trung giải thích nguồn gốc các địa danh quen thuộc với tộc người như suối Gium Bai (Nậm Ban) và sông Gium Na (Nậm Na). Truyện Sự tích suối Gium Bai và sông Gium Na kể rằng, chúng là kết quả của mối tình trai gái khi trên mặt đất vừa trải qua nạn hồng thuỷ, nhân loại chỉ còn có hai người. Muốn duy trì sự sống và đảm bảo tương lai ấm no cho con cháu, chàng trai đã đào một dòng sông từ Huổi Luông chảy xuống, nàng mải miết khơi dòng cho nước Gium Bai chảy xuôi. Hai con suối mà họ đào gặp nhau hoà thành một dòng, cùng chảy về sông Nậm Té (sông Đà). Câu chuyện này cho thấy, người Mảng luôn tự hào về truyền thống lao động, biết ơn những người đã có công khai phá, sáng lập ra vùng đất quê hương.

     Quan niệm nhân sinh, người Mảng có truyện kể về tổ tiên của mình là quả bầu. Kiểu truyện này được lưu truyền ở nhiều dân tộc khác. Người Mảng kể, trải qua nạn đại hồng thuỷ con người không còn ai sống sót. Mon Ten nghĩ phải cho con người xuống cai quản mặt đất. Mon Ten lấy quả bầu dùi sẵn một lỗ, đặt con người ngồi vào trong rồi dòng dây xuống. Những người chui ra ngoài trước, do bị cọ sát vào thành lỗ dùi nên da đen. Đó là người Khơ-mú, người Mảng, người Hà Nhì. Người ra sau trắng hơn, đó là người Kinh. Khi tất cả các dân tộc đều chui ra thì bản làng trở nên đông đúc, mỗi dân tộc phải tìm một khu vực để sinh sống, người Mảng ở lại gần chỗ quả bầu, nơi lưng chừng núi, người Mông lên đỉnh núi cao, người Thái đi xuống vùng thấp nơi các con sông, người Kinh ra sau cùng nên phải đi xa nhất, xuống tận vùng đồng bằng. Người Mảng tin rằng: Các dân tộc đều chung một cội nguồn, cùng một nơi, cùng một cha một mẹ nên có mối quan hệ gần gũi.

     Sự thật là, nước da người Mảng ngày nay vẫn mang đặc trưng ngăm đen như truyện kể. Điều đó khẳng định quy luật sáng tạo, từ hiện thực đời sống, tập tính sinh hoạt của tộc người đã tác động đến sự hình thành truyện cổ dân gian về nguồn gốc tộc người Mảng.

2. Chống chiến tranh bộ tộc, bảo vệ cộng đồng

     Nếu như truyện cổ dân tộc Mông luôn nhắc tới “người Hán, người Sã” như những kẻ thù truyền kiếp thì truyện cổ Mảng nhắc nhiều tới cuộc chiến tranh liên miên với giặc Poòng, các Chẩu Mường. Họ có nhiều kẻ thù khác nhau, ở những địa bàn khác nhau, với quy mô lớn. Trong truyện Huyền thoại Pơ Gia, đối tượng cướp phá là bộ tộc khác “bọn giặc (Poòng) ở vùng núi phía bắc xuống cướp phá, quấy rối… bọn chúng đứa nào trông cũng kinh dị, da đen, chân tay nghều ngào. Đặc biệt, mũi tên nào cũng dài hàng gang tay. Mọi người nhìn thấy ai cũng khiếp sợ. Giặc Poòng là bọn người rất hung dữ và độc ác. Chúng đi đến đâu là tàn phá, giết người, đốt nhà cửa, bắt trâu bò, lợn gà của nhân dân”. Bọn chúng quân kéo đông như “đàn kiến chạy nước lũ. Cung tên giáo mác của bọn chúng nhiều vô kể”. Chống chọi với sự hung dữ của quân giặc, người Mảng lấy ít địch nhiều. Họ giăng bẫy quân thù, dẫn dụ chúng vào đồi tranh lớn để đốt, vẩy nước ớt cay làm chúng mù mắt, dùng bẫy chông, bẫy đá hạ sát chúng, đem tới bình yên cho bản làng.

     Không chỉ đánh đuổi giặc Poòng, dân tộc Mảng còn đương đầu với đội quân tinh nhuệ của quan cai trị Chẩu Mường. Truyện cho thấy xã hội đã có giai cấp. Phân cấp đối tượng để chiến đấu, người Mảng lần này chủ yếu dùng trí tuệ để chiến thắng. Thủ lĩnh Mảng – Pơ Giai ung dung tuyên bố “không nộp tô, nộp thuế cho quan cai trị”. Ông lập đàn cúng trời đất rồi lãnh đạo dân làng chống giặc bằng trí tuệ thông thái của mình. Không thể chiến đấu vũ trang, bởi quân Chẩu Mường là hợp sức của quân nhiều mường lớn, người Mảng chiến đấu bằng trí thông minh, dùng mưu thi thố lúa gạo, vũ khí khiến “gậy ông đập lưng ông”. Cuộc chiến chống giặc ngoại xâm không hẳn luôn giành thắng lợi, trận đánh này thất bại, nhưng người Mảng không chùn bước. Chân dung người anh hùng Pơ Giai là hình tượng vĩnh cửu, đại diện cho sức mạnh cộng đồng. Âm điệu chính của tác phẩm là ca ngợi nhân vật Pơ Giai, nhưng người anh hùng đó không chiến đấu lẻ loi, đơn độc mà trong tập thể đông đảo, thể hiện sinh động tính chất toàn dân, mang vóc dáng sử thi anh hùng. Những hình ảnh đó phản ánh “khá sâu sắc mối quan hệ hài hoà, gắn bó giữa các nhân vật anh hùng với cả tập thể cộng đồng mà họ sống và hoạt động” [3].

     Truyện kể của dân tộc Mảng thấm đẫm chất lãng mạn, mang màu sắc sử thi. Kiểu kết thúc không có hậu, đậm tính bi kịch trong truyện cổ này có nhiều điểm tương đồng với kiểu kết thúc của nhiều truyện thơ Thái [1]. Qua câu chuyện kể về Huyền thoại Pơ Gia có thể thấy niềm tự hào sâu sắc của người Mảng về truyền thống đánh giặc, giữ bản, giữ làng, tự hào về nhân kiệt, về sự tồn tại và phát triển của xã hội cộng đồng.

3. Văn hoá tinh thần, văn hoá vật chất

     Trong văn hoá vật chất, người Mảng sớm biết thích nghi với môi trường sống, họ tạo ra cho tộc mình những giá trị văn hoá riêng. Từ việc kể lại quá trình con người tách trời đất rời nhau, người Mảng biết làm đất, trồng cấy, làm nhà ở, đan lát, dệt vải, làm mương dẫn nước, cách gặt hái, xay giã,… Nói đến văn hoá vật chất trước hết là nhắc đến nhu cầu ăn, mặc, ở. Nguồn thức ăn của người Mảng chủ yếu có được dựa vào trồng cấy (tạo ra lúa gạo và một số ít lương thực khác), săn bắn và hái lượm. Để có nước uống, người ta phải giã cây vắt lấy nước (truyện Vũ trụ và nguồn gốc các dân tộc). Văn hoá mặc khá đơn giản, được phát triển chủ yếu nhờ bàn tay của người phụ nữ. Không giống như người Mông có bề dày truyền thống trồng lanh dệt vải, người Thái dệt thổ cẩm, người Mảng có kĩ thuật dệt thô sơ và trang phục đơn giản. Truyện cổ Nghề dệt vải và váy bưởng của người Mảng giải thích vì sao nghề dệt của họ lại không tinh xảo. Nguyên do nằm ở chỗ phụ nữ Mảng đi học nghề trở về, được cho khung cửi, “nhà nhỏ không thể cất khung dệt”, vì vậy, nó chịu mưa, chịu nắng mà mục ải, làm chết người phụ nữ, tấm vải dệt dở dang. Nghề lúc ấy chưa được truyền. Để có cái mặc, họ đi mượn trang phục của dân tộc khác. Vua Mường thấy trang phục không phân biệt được đâu là dân Mảng. Họ liền lấy tấm vải trắng do người đàn bà dệt dở dang, thô sơ ấy quấn vào. Vì vậy đến nay, người Mảng luôn quấn quanh mình một tấm vải trắng gọi là váy bưởng và coi đó là trang phục truyền thống.

Ảnh: người Mảng. Nguồn: http://www.vme.org.vn

     Sản xuất, sinh hoạt không thể thiếu đồ dùng. Qua truyện cổ Nguồn gốc nghề đan lát, người Mảng cho biết, sự phát triển của nghề thủ công này với kĩ thuật khá tinh xảo. Bắt đầu từ cậu bé mồ côi A Hiếng lạc rừng, được Ma Anh Là Mốc (mẹ rừng) thương cho hoàn cảnh éo le mà dạy nghề đan. Khi đã thuần thục, mẹ rừng cho A Hiếng về bản để truyền dạy mọi người trong bản. Từ đó, dân tộc Mảng có thêm nhiều vật dụng như ma pứn (cót phơi), đoỏng buê (sọt), ma đồ (lờ đánh cá), ma pạn xá xả (bàn ăn cơm), đoỏng pôm (bem đựng đồ),… Sản phẩm đan lát của tộc người Mảng sau này trở thành vật buôn bán, trao đổi, được tộc người khác tin dùng.

     Bên cạnh di sản thuộc văn hoá vật chất, truyện cổ Mảng còn cung cấp cho người đọc những hiểu biết về văn hoá tinh thần và cả những phong tục riêng biệt của họ.

     Ngay từ ngàn xưa, tộc người đã ý thức duy trì cuộc sống dài lâu. Ban đầu còn phụ thuộc vào tự nhiên đến chỗ chinh phục tự nhiên, người Mảng bắt tự nhiên phục tùng mình (truyện Sự tích suối Gium Bai và sông Gium Na). Thích nghi là đặc trưng chung của tất cả các tộc người. Người Mảng giải thích tại sao phải ở nhà sàn. Tạo ra môi trường sống cho riêng mình với nếp nhà sàn phản ánh quá trình chống lại tự nhiên. Sự tích người Mảng ở nhà sàn kể “hổ dữ vồ bắt súc vật” và bắt “người đi nương đi rừng một mình để ăn thịt”. Nhờ ba vị: Thần trông coi chỗ ngủ – Pờ Đẳm, thần trông coi nhà cửa – Trừ Giảng, thần chăm sóc nương rẫy – Nhụy Lẳm về báo mộng, họ đã làm nhà sàn chống hổ dữ đồng thời dùng lửa đuổi hổ.

     Truyện cổ Mảng tập trung vào các đề tài sinh hoạt, hướng tới thân phận con người với số phận thực tại và đời sống tâm linh. Văn học dân gian các dân tộc khác cũng không lãng quên đề tài này. Nhận thức của người Mảng có phần chính xác nhưng đồng thời cũng có phần sai lệch. Các lực lượng thiên nhiên mà người Mảng chi phối được thì không nhiều mà các lực lượng thiên nhiên đe doạ thì nhiều, do khả năng nhận thức nguyên thuỷ còn hạn chế, từ đó đi đến chỗ sùng bái. Một đặc điểm chung của tộc người Mảng ở đề tài này là niềm tin của con người vào thế lực siêu nhiên, kì bí, do vậy, nảy sinh những hình thức tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng,…

     Tâm linh là phương diện thuộc văn hoá tinh thần. Người Mảng có một nền tảng tâm linh là n ngưỡng bái vật tổ: vật tổ của nghề sinh nhai và vật tổ dòng họ. Ra đời trong môi trường lao động, phản ánh phần nào quá trình tìm hiểu, chinh phục và cải tạo thiên nhiên, truyện kể dân tộc Mảng mang đậm dấu ấn của văn hoá tộc người. Quá trình học làm nương rẫy của người Mảng cũng xuất phát từ sự thích nghi, tiếp thu kinh nghiệm qua quan sát tự nhiên. Truyện Tục lệ kiêng không ăn thịt hoẵng (ma chúc) kể rằng một bà góa nghèo đi gieo hạt trên mặt đất bằng phẳng, nhờ một đêm mưa, loài hoẵng đã giẫm trên đất, hạt lúa sau mưa tụ lại ở lốt chân hoẵng mà lớn lên xanh tốt, cho mùa bội thu. Lốt chân hoẵng để lại là một gợi ý cho dân Mảng khi gieo hạt trồng lúa phải chọc nương thành lỗ. Từ đó, họ coi hoẵng là ông tổ nghề trồng lúa nương và kiêng ăn thịt hoẵng và thờ hoẵng.

     Với người Mảng, mỗi dòng họ lại có tục kiêng kị, thờ cúng khác nhau. Họ Chìn không ăn mà thờ loài chim xanh giẽ nước. Họ coi đó là vật tổ của mình. Họ Lò không ăn thịt chim tu hú,… Điểm chung của các dòng họ là đều thờ các loài chim, điều này, giống như người Việt tôn thờ chim lạc. Từ tín ngưỡng thờ vật tổ của một số dòng họ trong truyện cổ dân gian đã cho thấy một điều là, đời sống văn hoá tâm linh của người Mảng luôn tồn tại ý niệm về linh hồn tổ tiên. Họ coi những gì thân thuộc, gần gũi tác động đến đời sống hiện thực là vật tổ.

     Ngoài thờ vật tổ, người Mảng còn cho rằng, vạn vật xung quanh mình như cây cỏ, đất đá, sông núi và muôn loài đều có linh hồn, có chủ cai quản. Tất cả lại ở dưới sự cai quản chung của đấng tối cao là Mon Ten, dưới Mon Ten là các vị thần. Thế giới thần linh người Mảng “có nhiều vị” và cũng chia các vị thần thành hai loại: phúc thần và ác thần. Người Mảng thường thờ cúng ba vị phúc thần. Truyện cổ Ba vị thần nhà trời kể rằng, người mẹ nghèo khó, hiếm muộn đi kiếm ăn trong rừng, khát nước và mệt, bà nhìn thấy một cây có những quả tròn trong như trứng chim gáy. Hái thử một quả ăn, vừa chát lại vừa ngọt. Về nhà, trong người khác lạ, sinh ra ba người con trai khác người, chỉ to bằng ba quả trứng. Sau một đêm gió bão rung chuyển trời đất, họ về trời. Ba người con trai ấy chính là Pờ Đẳm (thần trông coi việc ăn ngủ), Trừ Giuảng (thần trông nom nhà cửa) và Nhụy Lẳm (thần chăm sóc nương rẫy). Đây là ba vị thần có liên quan nhiều đến đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Hàng năm, người Mảng tổ chức thờ cúng ba vị thần, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống gia đình êm ấm. Trong niềm tin tôn giáo, người Mảng luôn ý niệm về các vị thần có thể chi phối đến cuộc sống hiện thực của họ.

Lấy lúa mới về, dù mệt thì ma lảm cũng phải tự tay giã gạo, sàng sẩy, để có gạo nấu cơm, vì đây là công việc của người mẹ lúa phải làm. Ảnh – Nguồn: http://baothainguyen.org.vn

     Bên cạnh việc thờ cúng phúc thần, người Mảng cho rằng thế giới con người tồn tại ác thần. Câu chuyện Đánh thần sấm sét là minh chứng cụ thể. Họ cho rằng, vì “sấm sét to làm mưa to” nên con người đói khổ, “sấm sét có mồm rộng mới ăn hết của cải, hết phần con người”. Bị người chồng gia đình nghèo khó mắng chửi, thần xách búa phi thẳng xuống nhà. Do được biết trước, hai vợ chồng nghèo đã dùng rêu trơn phủ lên mái nhà, gặp rêu thần ngã trượt xuống sân. Hai vợ chồng chỉ chờ có thế, trói nghiến, nhốt vào cũi và vung gậy đập tới tấp. Sau này, nhân lúc vợ chồng đi nương, nhờ bọn trẻ cho uống nước, thần sấm sét khoẻ lại thoát khỏi cũi. Vì căm thù con người, thần sấm sét cùng các vị thần mưa, thần gió đã gây nên cuồng phong, nạn lụt, sét,… Con người tìm cách chống trả. Cuộc đối chọi chống lại các vị ác thần nhà trời của con người trên mặt đất vẫn dằng dai quyết liệt hết năm này sang năm khác. Con người nhất thiết không chịu khuất phục trước tự nhiên.

     Ý thức bảo vệ cuộc sống trước những nguy cơ rình rập ở miền núi, người Mảng còn cho rằng, cái ác không chỉ tồn tại trên trời mà còn hiển hiện ở môi trường xung quanh, cần phải trừ khử, bảo vệ dân lành. Người Mảng quan niệm, thú dữ cũng là ma quỷ. Truyện cổ Giết Ma Nhừa (ma hổ) trả thù cho mẹ kể rằng, con hổ thành tinh ăn thịt mất người mẹ, các con trai bà đi trả thù. Xác hổ chết nhưng linh hồn thành tinh không bị diệt. Cái ác vẫn ngự trị quanh con người thông qua phần linh hồn mặc dù đã sang thế giới bên kia. Truyện dạy con người biết đề phòng trước tai ương rình rập trong môi trường sống.

     Trong số các truyện cổ, Sự tích tục xăm miệng của người Mảng thể hiện nét đặc trưng riêng của văn hoá tộc người, nó thuộc đời sống văn hoá tinh thần. Đây là tục lệ mang tín hiệu nhận biết về hình thức người phụ nữ Mảng.

Từ hàng ngàn năm nay, xăm mặt là nghi thức không thể thiếu của người Mảng. Hình xăm trên mặt thể hiện cho sự trưởng thành của một con người. Ảnh -Nguồn: http://i-dulich.blogspot.com

     Ngay từ ngàn xưa, người Việt cổ từng xăm mình để thích nghi với việc săn bắt. Người phụ nữ Mảng không xăm miệng vì mục đích ấy. Việc xăm miệng thể hiện sự trưởng thành, đến tuổi lập gia đình của người phụ nữ, đồng thời thể hiện văn hoá tâm linh.

     Truyện cổ kể rằng, có một đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, quấn quýt bên nhau như đôi ma liểng (chim công). Từ ngày sinh con, chị vợ đổi tính đổi nết, trở nên lười biếng, tham lam, ngoa ngoắt. Công việc trong gia đình và nương rẫy chị không quan tâm khiến người chồng buồn thảm, khóc lóc bên bờ suối, xin Mon Ten thay đổi tâm tính vợ. Vị thần ở trên trời Chông Gô Chươi Lụa (thần hạnh phúc) cho người chồng một sợi chỉ đen, bày cách hãy khâu bớt mồm vợ. Về nhà, không nỡ làm vợ đau, anh “bảo vợ châm kim vào xung quanh miệng… rồi anh giã nát lá chàm bôi vào giả làm lỗ chỉ khâu”. Đường xăm miệng xuất phát từ tình yêu của lương duyên vợ chồng, nó nhắc nhở bổn phận làm vợ, làm chồng trong gia đình người Mảng. Xăm miệng cũng biểu tượng cho sức mạnh tối cao, sự che chở, giúp đỡ của thần linh để con người vượt qua mọi tai ương.

     Về nghệ thuật, truyện cổ Mảng luôn xây dựng hình ảnh con người lao động gắn với môi trường lao động đặc trưng. Biểu tượng dễ nhận thấy nhất, trở đi trở lại là việc đề cập tới rừng. Rất có thể sống ở đại ngàn, rừng là đối tượng bí ẩn hay đe doạ con người nên được thần thánh hoá. Nhân vật thường bị lạc rừng mà biến thành chim, hoặc được truyền dạy nghề…

     Truyện cổ Mảng cũng ảnh hưởng qua lại với truyện cổ các dân tộc khác như truyện dân gian Khơ-mú (Quan niệm vũ trụ và nguồn gốc các dân tộc); truyện cổ dân tộc Kinh (Đánh thần sấm sét, Cuội lên cung trăng,…). Nó cho thấy sự giao lưu văn hoá, giao lưu tộc người khá sớm và tính đồng loại hình trong nghệ thuật.

4. Kết luận

     Truyện cổ Mảng có sức sống mãnh liệt, phản ánh văn hoá, tín ngưỡng, sinh hoạt, kết tinh những tinh hoa của tộc người. Văn học dân gian dân tộc Mảng có một vị trí quan trọng trong việc xác lập vị trí của văn hoá các dân tộc Tây Bắc trong bức tranh tổng thể văn hoá Việt Nam.

     Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc Mảng nói riêng và văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung rất cần thiết, nhất là trong điều kiện văn minh ngày càng tạo khoảng cách xa vời với văn hoá. Vấn đề truyện cổ Mảng cũng như vốn dân gian dân tộc ít người nói chung cần sự đầu tư, quan tâm bảo tồn, phát huy của nhiều ngành, nhiều cấp với các góc độ khác nhau.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Cầm Cường, Tìm hiểu văn học dân tộc Thái, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 116.

2. Ngọc Hải (sưu tầm), Truyện cổ tích dân tộc Mảng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, 2004, (Các trích dẫn sau ở truyện cổ dân tộc Mảng đều được lấy từ nguồn này).

3. Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 756.

Ảnh đại diện:Người Mảng tổ chức nhảy múa ăn mừng vào nhà mới. Nguồn: https://baotintuc.vn
Ảnh minh họa: Ban Tu thư thiết lập

(Visited 291 times, 1 visits today)