Giáo Dục & Triển vọng ngành nghề

Giáo Dục & Triển vọng ngành nghề

ĐÀO VĂN SOẠN 1
Tác giả gửi bài qua email bantuthu1965@gmail

      Giáo dục – ở những nước tiên tiến vẫn còn cần những thay đổi 2– ở những nước đang phát triển thì đương nhiên luôn là vấn đề mà người ta cần quan tâm. Ở các kỳ họp Quốc hội luôn đều có những vấn đề về giáo dục mà mọi người đều chưa thỏa mãn! Người ta chưa yên tâm với tương lai của con em mình mà ngành Giáo dục là nơi hứng chịu mọi chỉ trích của xã hội. Qua nhiều năm nay đã có khá nhiều ý kiến đóng góp, nhưng vấn đề dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực ra! hệ thống nuôi dạy con người đã và đang chuyển động, chuyển mình tiến hóa về hướng tích cực3; người muốn nhanh có kết quả thì sốt ruột đấy thôi!

     Các ngành nghề của Việt Nam đã được luật hóa4; các ngành nghề đã được xã hội, hiện thực xác nhận sự cần thiết của nó; mọi ngành nghề đều có vai trò nhất định của nó. Một số ngành nghề có thể mất đi! nhiều nghề đã không còn tương ứng với sự vận động của xã hội. Mỗi ngành nghề đều có những bậc thầy của ngành nghề – những người được xã hội thừa nhận và đã được thử thách qua thời gian5; đây là những chuẩn mực để các nơi đào tạo nghề phải lấy làm cơ sở chuẩn hoá mà đưa ra những mô tả cụ thể để sau quá trình học có thể sẽ đạt được những chuẩn mực cần thiết. Có những ngành nghề cần phải được lựa chọn từ cấp học phổ thông chứ không chỉ là chọn ở cấp độ sinh viên hay học viên học nghề. Các ngành nghề đã được pháp luật mô tả rất rõ, rất cụ thể; các bậc thầy cô và nhà trường lại mô tả cụ thể hơn nữa – đến mức như người ta nói ‘sợi tóc chẻ làm tư’ để người học có thể thấy được mình có phù hợp với ngành nghề đó hay không.

      Các trường nghề, trường đại học (và các nhóm trường ngành nghề gần nhau) lại tiếp tục đưa ra những mô tả chi tiết cho học sinh ở các trường phổ thông trung học nắm được những yêu cầu cần phải đạt được. Các trường phổ thông trung học lại mô tả những yêu cầu cần phải đạt được của học sinh trung học cơ sở và các yêu cầu của cả đối với học trò tiểu học, mầm non. 6 Vấn đề có thể nêu cụ thể được thì tại sao lại không nêu cụ thể!? Đấy là những yêu cầu rất cụ thể của cuộc sống, đấy là những quy tắc của cuộc sống – và cũng có những bất quy tắc. Các nhà trường hay các khu vực nghiên cứu cũng chiếu cố đến những bất quy tắc có xu hướng sẽ trở thành quy tắc7 – vì loài người tiến bộ rất nhanh, vì những phát minh sáng tạo bất ngờ, …

      Xã hội đang nghiêm khắc với những vi phạm đạo đức nghề nghiệp; những vi phạm ở cấp độ nặng đã có pháp luật hình sự xem xét hầu đưa ra khỏi cộng đồng mà đi cải tạo. Chỉ những ai đủ kiến thức, kỹ năng, say mê, …, đủ sự tôn trọng nghề nghiệp mới tồn tại được với nghề đó. Các mô phỏng, mô hình, mô tả nghề nghiệp được học sinh cảm nhận, thử nghiệm từ sớm để xem mình có phù hợp với nghề đó hay không, có đủ năng lực để đáp ứng nghề đó hay không, hay có đủ mức yêu thích để theo đuổi nghề đó hay không, … Kết cục là sẽ không có tình trạng trái ngành, trái nghề, trái sở thích, hay phải làm công việc không phù hợp sở trường, v.v…

      Bây giờ hay có cụm từ thử việc. Nhưng! việc thử việc này càng từ sớm, càng có sự chuẩn bị từ sớm cho nghề nghiệp thì chắc sẽ có kết quả khả quan hơn. Việc kêu gọi là một chuyện, một lẻ! Nhưng! những ai không xứng với nghề nghiệp mà mình đã chọn thì đều bị ‘xử lý’ theo từng cấp độ khác nhau: hình sự, hành chính, bị phản đối, v.v… Sẽ không có ai phải ‘luồn lách’ vào một ‘công việc béo bở’ mà mình không xứng đáng được hưởng. Sẽ không còn chuyện đổ thừa cho ngành Giáo dục về việc dạy dỗ con người. Như thể việc con người không phải là việc của toàn xã hội vậy!

CHÚ GIẢI :

1:  ĐÀO VĂN SOẠN  – Tác giả – Độc giả – ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên – gửi bài qua email bantuthu1965@gmail.com

2Những nhược điểm của giáo dục tinh hoa Mỹ (Kỳ I) – Tạp chí Tia sáng (tiasang.com.vn).

3:  Địa phương ở xã Xuân Cảnh, sông Cầu, tỉnh Phú Yên là nơi bãi ngang ven biển chưa phát triển nên mới được hưởng chế độ ưu đãi “bãi ngang” như trong Chương trình 135 cho đồng bào ít người – mời xem: Chương trình 135: Thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số (baotuyenquang.com.vn); nhưng! nay đã có cơ sở giáo dục mầm non ở các thôn – thôn nào ở xa Trung tâm xã thì có Phân hiệu của trường được đặt ở gần khu dân cư. Một ví dụ thứ 2 – là về việc đào tạo nghề: Những người giỏi đứng đầu ngành được mời về để truyền kinh nghiệm nghề cho sinh viên – mời xem: Sinh viên IR tiếp cận xung đột Nga-Ukraine cùng nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (uef.edu.vn).

4Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (chinhphu.vn).

5Quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (hochiminhcity.gov.vn),  Đạo đức nghề nghiệp: những chuẩn mực bạn cần biết (beninphonebook.com), …

6:  Một số trường tiểu học đã yêu cầu các cháu 6 tuổi học xong bậc mầm non thì phải biết được các mặt chữ cái, và phân biệt được các màu sắc… Một số trường trung học cơ sở yêu cầu các cháu đã học xong lớp 5 chuyển cấp lên học lớp 6 thì phải đạt mức độ nhất định về các phép tính, mức độ đọc và viết, v.v…).  Một số trường trung học phổ thông đã có những yêu cầu cụ thể đối với học sinh đã học xong lớp 9 cần phải đạt một số yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng nào đó (ngoại ngữ, thể thao, làm việc nhóm, v.v), …

7:  Ví dụ như trường hợp: Mẹ của Edison và lời nói dối giúp con trai thành thiên tài vang danh thế giới – Báo Dân trí (dantri.com.vn), … và bản thân Người viết cũng đã từng chứng kiến 2 bạn cùng học phổ thông chỉ có khéo léo về khả năng vận động – khi các bạn ấy ngồi trong lớp học thì như cá ở trên cạn, còn lúc ở trên sân bóng đá hay ở trên sàn đấu võ thì họ như cá được thả xuống nước…

GHI CHÚ :

◊  Các chữ nghiêng, chữ màu, chữ đậm, tiêu đề, hình ảnh minh hoạ và một ít “biên tập nhẹ” do BAN TU THƯ vietnamhoc.net thực hiện.

BAN TU THƯ
06 /2022

(Visited 161 times, 1 visits today)