Giữa HAI NỀN VĂN HÓA

ThS. NGUYỄN VIỆT QUANG
(Khoa NN&VH Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN)

     Để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình, người giáo viên ngoại ngữ có nhiều phương tiện: kiến thức về ngôn ngữ đích, chương trình, giáo trình, các nguyên tắc sư phạm, phương tiện hỗ trợ giảng dạy… Tuy nhiên, các ứng xử trên lớp của giáo viên luôn bị ảnh hưởng bởi truyền thống sư phạm có nguồn gốc từ văn hóa; ảnh hưởng này có thể tích cực hay tiêu cực. Điều cần lưu ý ở đây là chúng diễn ra một cách vô thức: giáo viên không dễ dàng nhận thấy được, và những ảnh hưởng này dai dẳng tồn tại. Do đó cần nghiên cứu những ảnh hưởng này để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Chúng ta biết rằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở phương Tây không gặp những cản trở từ quá khứ giống như phương Đông do có sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Bài viết của chúng tôi góp thêm một tiếng nói vào nhận định này.

1. Chức năng của giáo viên và diễn ngôn sư phạm

      Theo lí luận dạy học ngoại ngữ hiện đại, điều hành một giờ dạy không có nghĩa là chiếm giữ vị trí của người thầy với tư cách là người nắm giữ kiến thức, mà chỉ đơn giản là đảm nhận một vai trò tích cực hơn trong việc tổ chức các hoạt động học. Thật vậy, tất cả các hướng dẫn, các yêu cầu do giáo viên đưa ra đều hướng tới những nhiệm vụ cụ thể mà người học phải thực hiện.

     Theo L. Dabène [5, 39], người giáo viên trên lớp phải đảm nhiệm 3 chức năng chính sau đây:

     a) Cung cấp tri thức cho người học (Informateur du savoir).

     b) Tổ chức các hoạt động sư phạm hay đóng vai trò quản lí lớp (Meneur de jeu).

     c) Đánh giá (Evaluateur): giáo viên thể hiện ý kiến của mình về các sản phẩm nói và viết của người học.

     Trong phương pháp truyền thống, chức năng (a) thường được chú trọng: người giáo viên được coi là nguồn kiến thức duy nhất trên lớp, có trách nhiệm truyền tải hiểu biết của mình tới học sinh; việc truyền tải thường diễn ra một chiều. Ngày nay, chức năng (b) được đề cao. Trong tất cả mọi giai đoạn của bài, nhiệm vụ bao trùm của giáo viên là tổ chức các hoạt động dạy học giúp người học khám phá kiến thức và hình thành các kĩ năng mới. Điều này liên quan đến chức năng (c), mà vai trò chủ yếu là khuyến khích động viên người học trong quá trình khám phá cái mới. Quở trách, làm mất thể diện của học sinh dần dần bị loại bỏ, khái niệm lỗi (faute) được thay thế bằng nhầm lẫn (erreur).

     Ba chức năng này tạo ra cấu trúc giao tiếp trong lớp học ngoại ngữ và được thực hiện thông qua một loạt các hoạt động siêu ngôn ngữ, các hoạt động này được thể hiện qua diễn ngôn sư phạm (discours pédagogique).

     Chức năng cung cấp tri thức liên quan đến việc giáo viên truyền tải kiến thức. Chúng đã được xác định bởi các tác giả giáo trình và các thể chế quản lí giáo dục. Trong lớp học ngoại ngữ, nội dung cần truyền tải chủ yếu là những kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài. Công việc này được thể hiện qua 3 loại siêu diễn ngôn chính: a) siêu diễn ngôn thông tin (métadiscours informatif), b) siêu diễn ngôn giải thích (métadiscours explicatif), c) siêu diễn ngôn mô tả (métadiscours descriptif).

     Chức năng tổ chức quản lí được thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động sư phạm và điều tiết lời nói. Có thể nêu lên 3 thao tác chính: thao tác xác định trao đổi, thao tác kích ngôn và thao tác cảnh báo.

     a) Trong quá trình điều hành lớp, giáo viên phải điều tiết việc phát biểu của học viên như: chỉ định người này (Nam, tu peux m’expliquer le titre des textes?/ Nam, em có thể giải thích tiêu đề của bài khóa?), ngắt lời người kia (Ça va, nous passons à une autre idée!/ Được rồi,chúng ta chuyển sang một ý khác), v.v.. Các hoạt động này được thể hiện qua các thao tác xác định trao đổi (Opérations de ponctuation de l’échange).

      b) Trong dạy học nói chung và trong dạy ngoại ngữ nói riêng, một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên là khuyến khích nói. Thí dụ trong tiếng Pháp: Qui sait? (Ai biết câu trả lời?); Qui veut prendre la parole? (Bạn nào có thể phát biểu?) Đây là các thao tác kích ngôn (Opérations d’incitation à la prise de parole).

     c) Trong quá trình học, sự nhầm lẫn đối với người học là không tránh khỏi, giáo viên phải tiến hành các hoạt động cảnh báo. Thí dụ: N’oubliez pas de…(Các em nhớ …); Il faut…(Cần phải…); Attention à…(Chú ý…). Công việc này được thể hiện qua các thao tác cảnh báo (Opérations de mise en garde).

     Chức năng đánh giá cũng là một chức năng quan trọng của giáo viên. Như ta đã biết cấu trúc giao tiếp cơ bản trong lớp học bao gồm ba yếu tố Q-R-É: Giáo viên hỏi (Q), học viên trả lời (R), giáo viên kết thúc bằng việc đánh giá (É). Thao tác đánh giá có thể tập trung vào nội dung, hình thức của “sản phẩm” hoặc cả hai. Nhưng điều quan trọng là việc đánh giá phải đạt được hai mục đích: kết thúc trao đổi hiện hành đồng thời mở ra một trao đổi tiếp theo (É lại dẫn đến một Q khác). Điều này cho thấy tầm quan trọng của chức năng này.

2. Ý thức cá nhân và ý thức tập thể

     Nghề dạy học đòi hỏi có phương pháp sư phạm tốt. Kiến thức sư phạm được thể hiện ở việc điều hành lớp, cụ thể là bằng cử chỉ và diễn ngôn sư phạm (lời nói mà giáo viên sử dụng trên lớp). Diễn ngôn sư phạm nhằm phục vụ ba chức năng nêu trên, và mang dấu ấn nền của văn hóa của người dạy. Bây giờ chúng ta đặt hoạt động của giáo viên trong bối cảnh Việt Nam để xem nó chịu ảnh hưởng của các triết lí truyền thống như thế nào. Trước hết ta cùng xem xét sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hoá phương Tây: một bên sớm gắn với tập thể, một bên gắn với cá nhân.

     2.1. Theo cách nhìn truyền thống, sự đối lập Đông – Tây có nguồn gốc từ thời cổ đại với các cuộc chiến tranh của các thành bang Hy Lạp chống lại sự bành trướng của đế chế Ba Tư cũ. Ở thời kì Hy Lạp hóa (tính từ sau khi Alexandre Đại đế chết đến cuộc xâm lăng của người La Mã), phương Đông dùng để chỉ đế chế Séleucides trải dài từ Ấn Độ đến bờ Địa Trung Hải. Trong những năm chiến tranh lạnh của thế kỉ XX, cặp phạm trù Đông – Tây mang tính chính trị, đối lập “khối xã hội chủ nghĩa” với “khối tư bản chủ nghĩa”. Chúng ta còn nhớ câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: gió Đông thổi bạt gió Tây. Ngày nay, phương Đông (Đ viết hoa) chỉ các vùng đất và lãnh thổ nằm ở phía đông châu Âu.

     Như vậy phương Tây là một khái niệm lịch sử vì nó gắn liền với những biến động qua nhiều thế kỉ. Nhưng đó cũng là một khái niệm văn hóa vì nó thể hiện một cách sống với những đặc điểm riêng. Các nền văn hóa bắt nguồn từ Do Thái – Kitô giáo và từ thế giới Hy Lạp – La Mã đều được xem là thuộc phương Tây. Về cơ bản, yếu tố thứ nhất mang đến cho thế giới phương Tây các đặc tính tôn giáo và các giá trị đạo đức, tinh thần mà đặc trưng là ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Thế giới Hy Lạp – La Mã là nguồn gốc của một loạt các đặc điểm văn hóa mà ta có thể nêu ra những đặc điểm chính là:

– Các ngôn ngữ được sử dụng;

– Hệ thống bảng chữ cái cho ngôn ngữ viết (chữ Latin, chữ Hy Lạp, chữ Kirin);

– Các đặc điểm của lịch (và do đó, một phần khái niệm về thời gian);

– Hệ thống luật pháp có nguồn gốc chủ yếu từ La Mã;

– Trang phục và thói quen ăn uống;

– Kiến trúc;

– Chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa nhân văn, v.v..

     Liên quan đến đặc điểm cuối cùng (chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa nhân văn), cá nhân luận là một giá trị cơ bản trong văn hóa phương Tây. Ngay từ đầu, cá nhân đã chiếm ưu thế, cho đến nay đó vẫn là dấu hiệu phân biệt chủ yếu. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập vấn đề này [6, 6]. Thật vậy, phương Tây từ thời cổ đại đã có xu hướng quan sát và nghiên cứu đặc tính cá nhân. Socrates đã nêu nguyên tắc hành động “hãy tự biết mình”. Từ triết học Hy Lạp, cho đến tận trường phái Khắc kỉ quan niệm cuộc sống là phải hướng tới sự phát triển hoàn thiện của cá nhân. Sự cứu rỗi, mục đích của đức tin Kitô giáo cũng có tính cá nhân.

     2.2. Châu Á là một lục địa rộng lớn, bao gồm vùng Trung Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông (châu Á giáp Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam). Càng đi về phía đông thì văn hóa càng khác biệt với văn hóa phương Tây. Sự khác biệt là rất lớn, thí dụ giữa văn hóa Nhật Bản và văn hóa Pháp.

     Nếu như cá nhân luận có vai trò quan trọng ở phương Tây, thì ngược lại ở phương Đông, cá nhân chỉ là trung tâm của một mạng lưới các quan hệ. Để tồn tại con người phải vượt qua ý thức cá nhân, phục tùng tập thể. Ở phương Đông, cá nhân chỉ có giá trị bởi những người xung quanh hay bởi hình ảnh về người đó trong mắt mọi người. Ngay từ đầu, tập thể đã được đề cao. Sống trong một cộng đồng, chúng ta phải hòa nhập với những người khác để có được sự đồng thuận chung (contentement). Đây là sự khác biệt cơ bản giữa hai nền văn hóa.

     Việt Nam nằm ở Đông Nam châu Á, và cũng tuân theo quy tắc văn hóa trên của phương Đông. Mọi vấn đề của cá nhân đều gắn với cộng đồng: người ta sống “với” và “vì” cộng đồng. Chúng tôi xin nêu một thí dụ để minh họa cho sự gắn bó này. Trong những năm 90 của thế kỉ trước, Việt Nam đã đưa cấp đại học đại cương vào hệ thống giáo dục đại học, nhưng cấp học này đã không tồn tại được. Trong khi đó ở Pháp, ta biết rằng bằng tốt nghiệp giai đoạn một đại học (DEUG) cho phép sinh viên tiếp tục học Cử nhân và Thạc sĩ. Những sinh viên thi trượt có thể chọn học một trường khác phù hợp với năng lực của mình. Ở Việt Nam, thi đỗ đại học không chỉ liên quan đến cá nhân thí sinh mà còn cả gia đình và thậm chí là cả làng xã. Thất bại sau hai năm học sẽ ảnh hưởng đến cả một cộng đồng. Nhiều sinh viên thi trượt đã không dám trở về quê mặc dù đó chỉ là một vấn đề của riêng mình.

3. Bối cảnh xã hội – giáo dục

     3.1. Điều gì đã diễn ra trong giáo dục ở phương Tây? Để tìm câu trả lời, chúng tôi tham khảo nghiên cứu của Clermont Gauthier và Maurice Tardif [3]. Lúc đầu cũng như ở nhiều nơi khác, trẻ em được giáo dục trong gia đình, vào giai đoạn này chưa có giáo viên. Những người thầy đầu tiên xuất hiện vào thời cổ đại. Họ dạy cho học trò những điều cần thiết cho cuộc sống như: ý thức cá nhân, tiến bộ khoa học, cách học tập và diễn đạt nơi công cộng. Ta thấy ý thức cá nhân đứng ở vị trí hàng đầu. Vào thời Trung cổ, giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng của tôn giáo, đặc biệt là của Kitô giáo. Đó là một học thuyết về sự cải tạo cá nhân con người, giúp con người hướng tới đúng bản chất của mình. Nhà thờ đã cho mở trường học để dạy thánh kinh. Phương pháp sư phạm ở thời Trung Cổ tập trung vào việc đọc. Học tập là chỉ là đọc, chép và thuộc lòng, trước hết là các văn bản tôn giáo. Thời Phục Hưng chứng kiến sự ra đời của đạo Tin lành được coi là nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân hiện đại. Đạo Tin lành đòi hỏi khai thác một cách hệ thống mọi khả năng của cá nhân để góp phần vào sự thịnh vượng, tiến bộ của cộng đồng. Chính trong hoàn cảnh đó mà châu Âu biết đến sự tự do cá nhân về tư tưởng: lí tính độc lập với tôn giáo và với quyền lực chính trị. Các tư tưởng đó đã có tác động đến các phương pháp dạy học. Trong tam giác sư phạm Người dạy – Người học – Kiến thức, người ta bắt đầu quan tâm tới yếu tố Người học.

     Tới thế kỉ XVIII, Rousseau đã đưa ra một quan niệm mới về trẻ em. Theo ông, bản thân con trẻ là khuôn mẫu, có bản chất tốt và tự do (naturellement bon et libre), thậm chí còn tốt hơn người lớn vì chưa bị nền văn minh tha hóa. Vai trò của người dạy trong tam giác sư phạm đã có thay đổi, việc dạy học phải xuất phát từ nguyên tắc con trẻ vốn đã có trí tuệ. Những ý tưởng của Rousseau đã được lấy lại trong các đường hướng sư phạm ở cuối thế kỉ XIX. Và quan điểm lấy người học làm trung tâm ở thế kỉ XX phải chăng cũng có nguồn gốc từ đó? Theo đường hướng mới, cần chú ý đến nhu cầu và hứng thú của người học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Các hoạt động dạy học hiện thông qua diễn ngôn sư phạm phải xuất phát từ người học và phục vụ người học.

     3.2. Dân tộc Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Những di chỉ thời kì đồ đá mới và thời kì đồ đồng với nhiều công cụ từ đơn giản đến trống đồng trang trí công phu là những dấu tích của một nền văn minh rực rỡ. Từ đó suy ra đã tồn tại một cộng đồng dân tộc thống nhất, có tổ chức. Bằng chứng rõ nhất về tính độc đáo và sức mạnh của nền văn minh này là nó không bị đồng hóa bởi sức mạnh to lớn của đế chế phong kiến phương Bắc. Dù phải chịu một chính sách đồng hóa dai dẳng, người Việt Nam cuối cùng đã giành lại độc lập và bảo vệ được nền văn hóa dân tộc độc đáo của mình. Khi nêu lại những điều trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh những khó khăn của cha ông ta trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không chỉ phải đương đầu với thiên tai hàng năm, mà còn luôn phải đề phòng với một nước láng giềng không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, con người phải tập hợp lại thành những cộng đồng, và do đó khái niệm “tập thể” có nhiều cơ hội phát triển.

     Nhưng cũng phải thừa nhận là trong thời kì Bắc thuộc, các yếu tố đến từ bên ngoài đã làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam. Chữ viết và các học thuyết thịnh hành bên Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam, mang lại nhiều yếu tố mới ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội. Trong đó phải kể đến ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo Trung Hoa. Trong giáo dục, mối quan hệ thầy – trò là sự tôn trọng tuyệt đối người thầy: hình ảnh của thầy là thiêng liêng như người cha; tục ngữ có câu: Không thầy đố mày làm nên. Nếu như ngoài xã hội mỗi cá nhân phải hòa chìm vào cộng đồng thì trong lớp người học phải thu mình lại trước ông thầy đầy quyền uy. Tình huống dạy học không được quan niệm với đầy đủ ba thành tố: người dạy – người học – kiến thức, mà chỉ thu hẹp vào yếu tố người thầy.

4. Sự chuyển tiếp văn hóa

     4.1. Nho giáo là một hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử phát triển (do vậy còn gọi là Khổng giáo) để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo tập trung vào các giá trị nhân, nghĩa, lễ. Hạt nhân tư tưởng của Khổng giáo là chữ trung: trung với vua và tiếp theo là tuân theo thứ bậc trong xã hội. Với một xã hội luôn cảnh giác với sự đe dọa từ bên ngoài thì Nho giáo có thế mạnh khi đề cao trách nhiệm cá nhân đối với xã hội. Đây được coi là giá trị tối cao. Tư tưởng này là nền tảng của một nền hành chính tập trung, vốn rất cần cho cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa.

     Để tiến thân và hòa nhập vào hệ thống thứ bậc của xã hội, người ta phải học và phải thi. Thi đỗ làm quan là con đường thăng tiến xã hội duy nhất cho tất cả mọi người, và đó là vai trò trung tâm của nền giáo dục. Nội dung thi bao gồm bình giảng ý thánh hiền, làm thơ; giáo dục thiên về văn chương. Các học giả có uy tín rất lớn trong xã hội, ngay cả những người không thi đỗ cũng được mọi người kính trọng.

     Phương pháp học tập là gì? Đó là ghi nhớ sách thánh hiền, các bài thơ về vẻ đẹp đất nước, ngợi ca triều đình. Trong kì thi cần tránh những từ phạm húy. Vì thế, rõ ràng mô hình học tập này không dẫn đến ý tưởng sáng tạo, tìm ra tri thức mới. Các bài giảng chủ yếu là độc thoại. Diễn ngôn sư phạm chủ yếu phục vụ việc truyền đạt kiến thức, ở đây là chức năng cung cấp thông tin của giáo viên. Các hoạt động trên lớp diễn ra một chiều, không khuyến khích tranh luận đặt lại vấn đề. Mô hình dạy học không tập trung vào người học mà vào người dạy. Điều này khác xa với các phương pháp dạy học hiện đại. Ảnh hưởng của Nho giáo còn thể hiện trong ứng xử về mặt con người của người dạy đối với người học. Người ta tìm mọi cách củng cố vai trò của thầy, ngay cả bằng “bạo lực”. Đến giữa thế kỉ trước, ở nhiều trường học giáo viên còn điều hành lớp với một chiếc gậy dài dùng để phạt học trò khi cần. Và trong thập niên đầu của thế kỉ này, thỉnh thoảng truyền hình vẫn đưa những cảnh giáo viên sử dụng bạo lực đối với học sinh, khiến dư luận phẫn nộ.

     Như vậy Nho giáo có nhiều mặt tích cực trong lịch sử, nhưng cũng có nhiều cản trở cho sự phát triển của xã hội và sự đổi mới giáo dục. Theo Phan Ngọc, học thuyết này có ba điểm hạn chế. Thứ nhất, chữ lí được đề cao nhằm phục vụ một xã hội thứ bậc thời cổ đại, đối lập với xã hội dân chủ hiện tại. Thứ hai, tư tưởng Nho giáo lấy những thành tựu trong quá khứ xa xôi làm mục tiêu phấn đấu, trong khi xã hội ngày nay hướng tới tiến bộ, tới tương lai. Thứ ba, “học thuyết ấy cản trở sự phát triển của cá nhân. Một cá nhân trong một xã hội theo Khổng giáo bị trói buộc bởi một vạn sợi dây nhắc đến trách nhiệm của anh ta với gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè… Anh ta suốt đời mắc cứng vào mọi cách ứng xử, không có điều kiện để trở thành con người góp phần thay đổi cuộc sống của mình và của mọi người, trau dồi khoa học kĩ thuật, thay đổi thế giới. Mặt khác, nó cũng tạo nên ở anh ta tính ỷ lại, chờ đợi, nhờ cậy ở những người khác không có tinh thần mạnh dạn dám, nghĩ dám làm (…). Nếu như giáo dục phương Tây trước hết lo tạo nên những con người tự lập và độc lập suy nghĩ, thì giáo dục Khổng giáo lại tạo nên những con người máy làm theo những giáo điều có sẵn” [8, 195].

     Những hệ quả của Nho giáo còn được nghe thấy trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI qua tạp chí Tia Sáng: “Lục tung vốn cổ, ngoài khắc kỉ phục lễ, học tiết độ bản thân để làm người, nền Nho học truyền thống cũng tạo ra vô số xiềng xích, ngăn cản dân tộc chúng ta dám thách thức các giá trị được xem là tinh hoa kinh điển để tạo ra những giá trị mới. Cái bóng cũ đã tàn, song dư âm của hàng ngàn năm ấy không dễ tan biến” (Số 1, Số 2, 10/1/2012, Phạm Duy Nghĩa).

     4.2. Trong giáo dục, phương pháp giảng dạy truyền thống có nguồn gốc từ Nho giáo vẫn tồn tại dưới dạng này hoặc dạng khác cho đến ngày hôm nay. Trong những năm gần đây, khi hướng dẫn sinh viên thực tập ở trường phổ thông, chúng tôi cũng ghi nhận vẫn còn tình trạng này. Quay trở lại với Phan Ngọc [8, 196], sau khi đề cập đến các khía cạnh tiêu cực của Nho giáo, ông kết luận: “Kết quả (là) những nước theo Khổng giáo đều phải trải qua một sự khổ luyện theo văn minh Phương Tây, phải cảm thấy hết sự nhục nhã, khốn khổ của tình trạng bị chà đạp, nô dịch mới có thể tỉnh dậy khỏi giấc mơ giáo điều để chuyển theo con đường mới do chính phương Tây mở ra”.

     Nhưng ông cũng tỏ ra rất lạc quan: “Nhưng một khi tỉnh dậy, các nước này lại đi rất nhanh đến mức chính phương Tây cũng kinh ngạc”. Chúng tôi đồng ý với Phan Ngọc rằng cần nhiều cố gắng để thoát ra khỏi những lạc hậu này. Và chúng tôi cũng nói thêm rằng Việt Nam là một trường hợp đặc biệt: về địa lí, đất nước chúng ta nằm xa châu Âu, nhưng ta cũng có một số điểm tương đồng với văn hóa phương Tây nói chung và với văn hóa Pháp nói riêng. Vì lí do lịch sử, nước ta đã tiếp xúc với nền giáo dục Pháp từ cuối thế kỉ XIX. Nhiều thế hệ giáo viên trước đây của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp đã được đào tạo trong thời kì chuyển tiếp từ Nho học tới Tây học. Nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập khoa Ngoại ngữ và Văn hóa Pháp, chúng tôi xin nêu trường hợp của vị chủ nhiệm khoa đầu tiên: nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996); hội trường lớn nhất của trường bây giờ mang tên ông. Là người gốc Hà Nội, ông học trường Bảo hộ và trường Luật rồi dạy văn học và viết các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam. Trong buổi giao thời, ông đã than khóc cho số phận của Ông Đồ, đại diện của nền Nho học (1936):

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua
….

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

     Nhưng ông cũng là người tham gia dịch tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo sang tiếng Việt, và chủ trương mở Tạp chí Giáo dục bằng tiếng Pháp: Revue Pédagogique. Và ông cũng đã đào tạo theo Tây học nhiều giáo viên của Khoa.

     Trong bối cảnh của sự chuyển tiếp văn hóa đó, việc tiếp nhận cái mới dễ có điều kiện phát triển. Điều quan trọng là ta phải ý thức được những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của cái cũ, đặc biệt là những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức từ quá khứ xa xôi. Lưu ý này cần thiết đối với sự phát triển giáo dục nói chung và việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Pháp nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Besse H., Métalangages et apprentissages d’une langue étrangère, dans Langue française 47, 1980.

2. Cicurel F., Parole sur parole ou le métalangage en classe de langue, Paris, CLE International, 1995.

3. Clermont G. et Maurice T., La pédagogie: théories et pratiques de l’Antiquité à nos jours, Gaëtan Morin, Montréal, 2005.

4. Coste. D., Métalangages, activité métalinguistique et enseignement/ apprentissage des langues, dans DRLAV, No 32, 1981.

5. Dabene L., Pour une taxinomie des opérations énonciatives en classe de langue, ELA No 55, 1984.

6. Nguyen Hoa, Nhìn lại sự khác biệt đông – tây trong giao tiếp liên văn hóa, Kỉ yếu NCKH Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, 2010.

7. Nguyen Khac Vien, Nguyen Van Hoan, Huu Ngoc (Introduction et notes de) Anthologie de la littérature vietnamienne, tome 1, Des origines au XVIIe siècle, Editions en langues étrangères, Hanoi-1972.

8. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb VHTT, H., 1998.

SUMMARY

     To accomplish the teaching tasks, the teacher of foreign language has many facilities such as: knowledge of the target language, the programme, the curriculum, the pedagogical rules, the supporting teaching facilities, etc. However, the teacher’s behavior in class is always affected by the pedagogical tradition sprang from culture; these influences might be positive or negative. They happen unconsciously: it it not easy for the teacher to realize them, and these influences exist persistently. An understanding of these influences will help the teacher improve the teaching. We know that the shift in teaching methods in Western society does not encounter the difficulties from the past as it does in Eastern society because of the difference between two cultures Eastern – Western. My article contributes a voice to this idea.

Nguồn: Tạp chí Ngôn, ngữ số 10 năm 2012

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 34 times, 1 visits today)