HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ – 1858: Thực dân Pháp tấn công Đà Nẳng lần 2

HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ – 1858: Thực dân Pháp tấn công Đà Nẳng lần 2

BAN TU THƯ – vietnamhoc – Biên tập

      Sau khi đánh chiếm và phá Gia Định thành (ngày 17/2/1859), GENOUILLY đã điều quân ra Đà Nẳng và tấn công đồn Điện Hải (ngày 20/4/1859). Quân An Nam do Võ tướng Tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương đánh trả quyết liệt nhưng vì vũ khí của đối phương quá mạnh nên đồn Điện Hải bị triệt hạ.

      Sau đó, GENOUILLY đã chia quân làm 3 mũi tiến công:

–  cánh hữu (có khoảng 700 quân) do Raynaud chỉ huy tấn công 2 đồn Du Xuyên, Hải Châu; cánh tả (có khoảng 400 quân) do Faucon tấn công 2 đồn Thạc Gián, Phước Ninh;

–  cánh giữa do đại tá Lanzarote (Tây Ban Nha) chỉ huy nhằm chi viện cho hai cánh tả, hữu.

      Quân An Nam dựa vào chiến lũy đã chống trả quyết liệt, nhưng do hỏa lực của Liên quân quá mạnh nên số lính thương vong khá nhiều (song không có số liệu cụ thể). Võ tướng NGUYỄN TRI PHƯƠNG đành cho quân rời bỏ phòng tuyến thứ nhất với 3 đồn (Du Xuyên, Thạc Gián, Hải Châu) và rút về cố thủ ở phòng tuyến thứ hai với 3 đồn (Liên Trì, Nại Hiên và Nghi Xuân).

      Tuy nhiên, Liên quân cánh tả của Faucon đã bị Liên đạo quân – ứng nghĩa quân do Phạm Gia Vĩnh chỉ huy và quân triều đình do Nguyễn Song Thanh, Đào Thị chỉ huy – đã đánh cho tan tác mà phải tháo chạy về bán đảo Sơn Trà.

      Đây là trận đối đầu lớn nhất kể từ trước đến giờ ở mặt trận Đà Nẵng. Kết thúc trận đánh, quân An Nam đã mất 3 đồn (trấn giữ được 7 đồn), 54 khẩu đại bác và Hiệp quản Phan Hữu Điển đã tử trận cùng nhiều binh sĩ khác (không rõ số cụ thể). Liên quân Pháp-Tây Ban Nha thiệt mạng trên 100 người và vẫn chiếm cứ được bán đảo Sơn Trà, đồn Đông, Đà Nẵng (sau 9 tháng xâm lược).

      Vì Liên quân gặp nhiều khó khăn và chính quốc Pháp cũng không thể chi viện được hơn nữa, nên Bộ Hải quân Pháp đã đổi sang kế sách “chinh phục bằng những gói nhỏ” (conquête en petis paquets) và đã ra lệnh cho tướng Genouilly chủ động xin “nghị hòa” với Triều đình nhà Nguyễn song phải ở trên thế mạnh. GENOUILLY đã điều tàu đi bắn phá bãi Cam (Bình Định), pháo đài Hổ Cứ, tàu thuyền của quân dân ở vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị. Sau đó, GENOUILLY đưa ra 3 yêu sách nghị hòa (ngày 20/6/1859): tự do truyền đạo, tự do buôn bán, được mở nhượng địa.

      Triều đình Huế đã chủ trương “trì cửu đợi cho họ mỏi” (thủ để hòa rồi thắng thế). Võ tướng Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức cử đi thương thuyết nhưng cuộc hiệp thương kéo dài 2 tháng (tháng 7, 8/1859) mà không đạt được kết quả nào.

       Sau khi nhận được một số quân chi viện từ Pháp, GENOUILLY đã lấy cớ rằng Triều đình Huế không có thiện chí nên chủ động cắt đứt cuộc hòa nghị, và giao cho thiếu tá Déroulède vạch kế hoạch (ngày 7/9/1859) đánh chiếm một số cứ điểm quan trọng của quân An Nam. Liên quân chia ra làm 3 cánh quân và đồng loạt tấn công vào các tuyến phòng thủ của quân An Nam:

–  cánh hữu do Reybaud (Pháp) chỉ huy, kết hợp với quân chi viện của Breschin cùng tấn công trực diện với khoảng 2.000 quân An Nam. Tham tán PHẠM THẾ HIỂN phải cho quân rút khỏi đồn Liên Trì, Phước Ninh và tập kết ở đồn Chân Sảng để ngăn chặn đối phương tiến ra Huế;

–  cánh tả do đại tá Lanzarote (Tây Ban Nha) chỉ huy, tấn công 3 đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Mỹ Thị.  Đồn Nại Hiên bị triệt hạ song Đồn Mỹ Thị, Hóa Khuê được giữ vững.

      Tướng NGUYỄN TRI PHƯƠNG tập họp số quân còn lại của 2 đồn Liên Trì, Nại Hiên và rút về Hải Vân để lập phòng tuyến mới nhằm ngăn chặn Liên quân tiến đánh Huế.

      Bị thiệt hại nặng về người và của, NGUYỄN TRI PHƯƠNG, PHẠM THẾ HIỂN, NGUYỄN HIÊN đều dâng sớ xin chịu tội trước vua. Vua TỰ ĐỨC đã sai Phan Thanh Giản ra Quảng Nam tuyên chỉ xử chém Hồ Văn Đa, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Văn Thức về tội bỏ đồn tháo chạy và tuyên tội cách lưu đối với Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Hiên.

       Phía Liên quân, số binh lính chết trận và chết vì dịch bệnh ngày càng nhiều, khiến tinh thần chán nản và sức khỏe thì kiệt quệ. GENOUILLY vin cớ ốm mà xin về Pháp dưỡng bệnh (lúc này Genouilly 52 tuổi). Bộ Hải quân Pháp đã cử thiếu tướng François Page sang thay thế.

       Tướng PAGE đến Đà Nẵng một mặt tiếp tục thương thuyết (bỏ bớt yêu sách nhượng địa), một mặt tích cực chuẩn bị cuộc tấn công lên phía Bắc Đà Nẵng (chứ không đánh sâu vào nội địa Đà Nẵng, Quảng Nam như trước) nhằm nhắm mục tiêu vào tuyến đường Thiên lý dẫn đến Huế. PAGE đã điều động soái hạm Néméris cùng 2 tàu chiến khác tập trung bắn đại bác dữ dội vào 2 pháo đài Điện Hải, Chân Sảng (ngày 18/11/1859). Đại bác của quân An Nam bắn đáp trả trúng ngay soái hạm của đại tá Dupré Déroulède (người vạch kế hoạch đánh Đà Nẵng) làm y tử trận. Tướng PAGE ra lệnh bắn trả tới tấp rồi sai Desaulx dẫn 300 quân đánh chiếm đồn Chân Sảng. Quân An Nam bị đẩy lui vào trong núi.

       Vua TỰ ĐỨC đã lệnh cho thống chế Nguyễn Trọng Thao điều viện quân từ đèo Hải Vân -phối hợp với đạo quân của Nguyễn Hiên (từ đồn Câu Đê), Trần Đình Túc (từ đồn Hóa Ổ) – đánh chiếm lại đồn Chân Sảng.  Liên quân tháo chạy xuống tàu thoát ra khơi (tháng 1/1860). Tướng Page bị giáng cấp và đã rời Đà Nẵng vào Sài Gòn (tháng 2/1860) để nhận nhiệm vụ mới. Liên quân chỉ còn lại một ít và cố chiếm giữ bán đảo Sơn Trà, đồn An Hải, Điện Hải,

      Võ tướng NGUYỄN TRI PHƯƠNG đã dâng sớ xin được chuyển về kinh. Vua TỰ ĐỨC trách ông “sợ oai giặc” và đã gieo vào lòng dân sự lo lắng hãi hùng. Ông đã dâng biểu tạ tội. Sau đó, NGUYỄN TRI PHƯƠNG tiếp tục xây thêm đồn lũy, tăng cường phòng thủ cho Đà Nẳng. Đến ngày 22/3/1860, số liên quân còn lại đã rút đi hết – sau khi đã phá hủy tất cả các pháo đài đã chiếm đóng.

      Triều đình Huế liền cử Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển vào Nam và sung vào Quân thứ Gia Định. Đại tá D’ARIÈS tiếp quản một số quân của tướng Page và trấn giữ Gia Định thành. Tướng Page đã điều phần lớn binh thuyền của ông chuyển lên phía Bắc để phối hợp với quân Anh quốc nhằm tiến đánh sang Trung Quốc.

CHÚ GIẢI :

1:  Genouilly: … đang cập nhật …

2:  … đang cập nhật …

BAN TU THƯ
2 /2021

(Visited 1.608 times, 1 visits today)