Hành trình lịch sử – 1859: Thực dân Pháp tấn công Gia Định thành, Sài Gòn

Hành trình lịch sử – 1859: Thực dân Pháp tấn công Gia Định thành, Sài Gòn

BAN TU THƯ – vietnamhoc – Biên tập

         Liên quân Pháp và Tây Ban Nha lấy cớ “bảo vệ giáo sĩ, giáo dân Công giáo” đã tấn công Đà Nẳng  (ngày /1858) song đã bị quân An Nam do võ tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy bao vây cầm chân, phá vỡ được chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” của Rigault de Genouilly1.

      Giáo sĩ PELLERIN2 khuyên nên đem quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ (vì ở đó có nhiều giáo sĩ, giáo dân Công giáo và những người tôn phù nhà Lê sẽ nổi lên góp sức, nhưng GENOUILLY đã không tán thành và rút đi (ngày 2/2/1859) 2/3 số quân (tức 2.000 người3) và 8 trong số 12 chiến thuyền ở mặt trận Đà Nẳng để chuyển hướng bất ngờ đánh chiếm thành Gia Định.

      Ngày 10/2/1859, đại bác Pháp bắn vào các đồn phòng thủ ở Vũng Tàu và tiến vào sông Cần Giờ (ngày 11/2/1859). Chiến thuyền của Pháp tiến vào và triệt phá 12 đồn trại của quân An Nam ở dọc hai bên bờ sông và tiếp cận được ụ Hữu Bình4 (chiều ngày 15/2/1859). Cuộc đấu pháo đã diễn ra dữ dội suốt đêm. Quân An Nam dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng, rơm khô nhằm sử dụng hoả công đốt cháy chiến thuyền của Pháp nhưng đã bị quân Pháp biết và sai người lén đốt trước. Bảy tàu chiến của Pháp đã dàn trận ra sức bắn phá và Liên quân đã xông lên chiếm được pháo đài (ngày 16/2/1859). Và ngày hôm sau (ngày 17/2/1859), tàu chiến Pháp đã có mặt trước thành Gia Định. Nhờ sự chỉ dẫn của giáo sĩ Lefèbvre5 nên các sĩ quan Pháp đã cho 2 tàu nhỏ vào thám thính rạch Thị Nghè mà hiểu khá rõ tình hình lực lượng và cách bố trí phòng thủ của thành Gia Định. GENOUILLY đã cho tất cả các tàu chiến bắn đại bác yểm trợ rồi đổ bộ quân tấn công thành (rạng sáng ngày 17/2/1859) theo tuyến đường mà sau này (năm 1865) có tên là đường Citadelle. Liên quân đã sử dụng chất nổ phá tường thành và đánh thủng cửa Đông. Đôi bên đã xông vào đánh giáp lá cà. Hộ đốc VÕ DUY NINH trách trấn thủ thành đã ra lệnh lui quân, bỏ lại 200 đại bác bằng đồng, sắt, bảy chiến thuyền và một hải phòng hạm trên sông Thị Nghè, 25 tấn thuốc súng, tiền bạc trị giá khoảng 130.000 francs, thực phẩm đủ nuôi 8.000 quân trong một năm. Hộ đốc VÕ DUY NINH và Án sát LÊ TỪ đã tự vẫn ở thôn Phước Lý (thuộc tổng Phước Lộc, huyện Tân Bình xưa). Đề đốc TRẦN TRÍ, Bố chánh VŨ THỰC, Lãnh binh TÔN THẤT NĂNG rút quân về được ở ụ Tây Thới với sự yểm trợ của quân tiếp ứng của Lê Huy và Trần Thiệu Chính. GENOUILLY đã cho phá hủy thành Gia Định (ngày 8/3/1859) vì không đủ quân để giữ thành cũng như không nhận được sự hỗ trợ nào từ các giáo sĩ, giáo dân Công giáo tại chỗ và mặt khác lại luôn bị các nghĩa quân ngày đêm bám sát, phục kích. Kho vũ khí và thóc trong thành Gia Định đã bị cháy mãi 2 năm mà khói vẫn còn nghi ngút. Giặc Pháp còn cướp bóc, đốt cháy nhiều phố xá thương mãi và thôn xóm dân cư khác. (theo Địa chí TP. Hồ Chí Minh, tập I). Sau đó (ngày 20/4/1859), GENOUILLY đã giao quyền cho Đại tá hải quân Jauréguibery chiếm giữ thành Gia Định và rút hết quân xuống các tàu chiến – chỉ để lại một số quân trấn giữ ở đồn Nam (đồn Hữu Bình) – và trở lại mặt trận Đà Nẵng.

CHÚ GIẢI :

1:  Genouilly:  … đang cập nhật …

2:  Pellerin:  … đang cập nhật …

3:   Sách Gia Định Xưa (tr. 96) ghi là 2.176 quân.

4:   :  … đang cập nhật …

BAN TU THƯ
2 /2021

(Visited 1.278 times, 5 visits today)