Bảng vàng bia đá “TIÊN HỌC LỄ – HẬU HỌC VĂN” như đang đứng trước vành móng ngựa (Qua cuộc trò chuyện cuối năm)

     Chúng tôi là một bộ phận nhỏ nhà báo, nhà viết phơi-dờ-tông (feuilleton) từng là sinh viên năm xưa của Thầyđã đến viếng Viện nghiên cứu Việt Nam học    nơi Thầy giữ chức Viện trưởng thì vừa kịp đi vào thời gian giãn cách theo chỉ thị 5K. Chúng tôi thăm hỏi về đề tài: Tiên học lễ Hậu học văn”.

     – Thưa Thầy, gần đây bảng hiệu: “Tiên học lễ – Hậu học văn” đang được mạng xã hội quan tâm. Xin thầy cho cảm nhận.

     –  Tôi có lên mạng và có ghi chép qua một số trang báo giấy, mà có chút suy nghĩ theo cách riêng.

     – Xin Thầy cho biết – phần riêng tư của Thầy là như thế nào? Có phải như Thầy đã từng cảm nhận theo ý Thầy như trước đây – khi lên bài “Cái chết lâm sàng của ngành Sử học”?

     – Nhắc lại làm chi một nỗi đau? Mà đúng là có thế thật! Học trò thuở xa xưa ấy trên đường đến trường đã không còn đi qua ngôi vườn thơ mộng: Có hoa, có lá, có con chim hót trên cành, có đám mây trắng bay   như nhà văn Thanh Tịnh (h.1) đã mô tả. Ngày nay, học trò trên đường đến trường, đã rủ nhau ghé vào quán “đá banh bàn” hay quán “karaoke” mà chểnh mảng việc đến trường. Có lần, các em trả bài cho Cô giáo ở một trường nọ về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Có em hỏi lại: “Thưa Cô, ông Trần Hưng Đạo nào? Trần Hưng Đạo A hay Trần Hưng Đạo B? Lúc ấy, tôi “lỡ mồm” cho rằng: Sử học đã “chết lâm sàng”. Thế mà Sử học có chết đâu? Chỉ “tai biến” nhẹ mà đã phục hồi chức năng.

H.1: Nhà văn Thanh Tịnh

     – Thưa Thầy, thì lần này “Tiên học lễ” sẽ phải chết – chết hẳn rồi hay sao?

     – Xin Anh chị em đừng sử dụng “thuyết âm mưu” để “gài” tôi vào chỗ chết – “Tiên học lễ” có chết đâu! Trông như một phần không gian văn hóa đang mắc phải “hội chứng rung lắc” – nên cái gì trong xã hội đương thời kể từ sau ngày đổi mới như tất cả đang rung hay đang lắc.

     – Thưa Thầy. Tại sao chỉ bị “rung hay lắc”? Mà không phải bị đứt hay gãy phải sụp đổ hay sao? Tuy thế, thưa Thầy ai rung ai lắc?

     – Anh chị lần này đã đưa tôi ra trước vành móng ngựa để làm nhân chứng, để chống lại ai à? Tôi không làm, mà cả đời tôi cũng không làm. Nhưng tôi tự cảm nhận được hai điều trong lòng: Điều thứ nhất là xin trình bày trước độc giả về lời phát ngôn của GS Trần Ngọc Thêm – người mà tôi xin kể một câu chuyện riêng có liên quan đến con đường đời của tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 theo cách tôi ngưỡng mộ ông. Khi ấy tôi cũng đã được tiếp cận với nhiều Thầy từ miền Bắc vào – ngoài Thầy Thêm, các Thầy ấy đã gây ấn tượng trong tâm trí tôi một cách mạnh mẽ – như cách tôi thực hành “Tiên học lễ” để được các thầy cho “Hậu học văn”.

     Đó là vào những năm 1984, khi tôi được chuyển ngành từ Trưởng ban bổ củi thuộc Hợp tác xã chất đốt của Phường, do lập được thành tích “lao động tiên tiến”. Nhờ đó, tôi được quý Thầy trong Ban Giám hiệu Đại học Tổng hợp TP.HCM phát hiện và nâng đỡ cho tôi chuyển ngành. Lúc ấy là thầy Lý Hòa (h.2), thầy Huỳnh Ngọc Bích đặc biệt là thầy Bùi Khánh Thế (h.3). Từ đây, tôi lại được đưa đi gặp hai Thầy lãnh đạo Khoa Ngữ văn là GS Cao Mai Chương (h.4) và Thầy Trần Chút (h.5). Nhờ vậy, tôi được “thu dụng” làm “giáo viên cơ nhỡ” để chờ xét biên chế, vì đầu óc tôi lúc ấy chỉ là một “mớ hỗn độn” mà không nói là “rác rưỡi” – chứa chấp các học thuyết siêu hình mang hình hài của giới học thuật phục vụ giai cấp “tư sản mại bản”. Đó không phải lỗi ở tôi! Mà lỗi ở các Thầy của tôi. Các thầy tôi khi ấy giảng dạy tại Đại học Văn khoa, Luật khoa Sài Gòn: Thầy Thanh Lãng (h.6) dạy tôi ở chứng chỉ văn chương Quốc âm,

Thầy Trần Thái Đỉnh (h.7) dạy Biện chứng pháp, Thầy Bùi Xuân Bào (h.8) dạy chữ Tây, Thầy Huỳnh Minh Đức (h.9) dạy Tứ thư Ngũ kinh và Kinh dịch, Thầy Nguyễn văn Trung dạy Triết học (h.10),

thầy Trần Kinh Quốc – Thầy từ đại học Huế vào dạy riêng cho tôi đọc Châu Bản triều Nguyễn thời Gia Long, Minh Mạng (h.11). Vừa mới đây đã có hội nghị xác định giá trị văn bản lịch sử này – nhiều bậc học giả trẻ tuổi đã đọc tham luận có giá trị học thuật mà tôi đã ghi chép để bổ sung cho Bộ Tứ Giai phẩm Vương quốc Triều Nguyễn phục vụ cho Festival Huế 2022 – nếu kịp! Lại còn nữa, Thầy Bửu Cầm (h.12) dạy văn chương Hán Nôm, Thầy Vũ Văn Kính (h.13) dạy đọc chữ Nôm qua tác phẩm Maiorica từ thế kỷ 17, Thầy Kim Định (h.14) dạy cho tôi về Việt-Nho…

Riêng quý thầy Nghiêm Toản (h.15), Lê Tôn Nghiêm, Rock Cường, thầy Phạm Cao Dương (h.16), đặc biệt linh mục Cao Văn Luận (h.17) – một nhân vật ham học đã lấy hầu hết các chứng chỉ văn khoa như để “thơ túi, rượu bầu”, và còn hơn thế nữa… Các Thầy đã dạy cho tởi học của Quý Thầy trong thế giới lãng mạn phương Tây. Làm sao tôi có thể kể ơn hết được.

     Ngoài ra, quý Thầy của Đại học Luật khoa Sài Gòn – mà điển hình là: Thầy Vũ Văn Mẫu (h.18) đã dạy Cổ luật An Nam – Thầy từng được bố trí ra nước ngoài làm đại sứ trong thế cờ điệu hổ ly sơn. Thế mà Thầy trò gặp nhau không phải trong chính trường dầu sôi lửa bỏng – mà trong quán đóng sách cũ ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1, trước khi Thầy ra nước ngoài định cư. Chúng tôi, lúc ấy như là khách “làng chơi” sách đóng bìa cứng màu xanh giả cổ – mà trao cho nhau tình chân thật thầy trò, Thầy đưa tôi về nhà Thầy ở đường Sương Nguyệt Ánh để tiết lộ ba điều về học thuật mà Thầy chưa thổ lộ cùng ai. Thật bất ngờ! Tuy nhiên, đó là câu chuyện sau này.Tôi lại còn có thầy Châm Vũ Nguyễn Văn Tần đã dắt tôi đi trên con đường Nhật Bản học từ những năm 1962… Tôi đi, cứ thế mà đi! Đi những “bước chân âm thầm” như bản nhạc tình Bô-lê-rô.

     Tuy nhiên, khi được chuyển đến Khoa Ngữ văn tôi lại được bầu chọn làm “bí thư công đoàn” với số phiếu 100% – một con số khủng. Tại sao tôi lại được con số mà anh chàng “cơ nhỡ” đường đời như tôi, đi đâu cũng phải “cúi đầu chào trước” – thì mới được học “Văn”. Do đây là một chức vụ chăm lo bốn thành phần vật thể bậc cao “cơm áo gạo tiền”. Nói  cách khác là anh Nuôi hay chị Bếp.

H.19: Người tù“đầu bếp” trong nhà lao Gò Vấp

Số là tôi từng khai báo  khi học tập cải tạo ba ngày tại địa phương – là khi tôi bị bắt vào khoảng năm 1969 – không phải vì hoạt động cách mạng mà bị kẹt trong đám biểu tình khi tôi băng qua bên kia đường – nơi các quán sách cũ đang vẫy gọi. Tôi đã từng làm đầu bếp trong nhà lao Gò Vấp (h.19), với cái xẻng như chiếc đũa bếp, tôi quậy mấy chảo cơm cho đều, để không phải “trên sống dưới khê, tứ bề nát bét”. Tôi tự hỏi tại sao? Đó là một chỗ danh giá mà tại sao nhiều người lại “từ chối”? “Ai mà đi làm bếp! Thời ấy làm thủ trưởng có oai hơn không?  “Cơm – áo – gạo – tiền” đã tự nó được sinh thành – tôi tự hỏi – mà tìm đường đi đến tương lai…

     – Như vậy Thầy vẫn chưa cảm nhận đúng “nhịp đập con tim” mà một phần xã hội đang thổn thức?

     – Xin Anh chị đừng đẩy tôi vào kịch bản “chén thuốc phiện cực mạnh của cụ Phan Thanh Giản” (h.20) để làm anh kép hát tái hiện vai tuồng của Ngài trong gánh hát bầu Thắng ở bên kia nhà ga xe lửa Sài Gòn – mà cứ để tôi nhỡn nhơ tự tình như nhà thơ Cao Bá Nhạ. Lúc ấy, tôi được giao nhiệm vụ mở ra con đường đào tạo theo chủ trương của thầy Lý Hòa mà tôi nghĩ như loại hình “Đại học khai sáng”. Tuy nhiên, tôi đặt tên là “Đại học ghi danh”. Ai có bằng cấp tú tài miền Nam hay bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của miển Bắc đều được đăng ký học, đóng học phí cho Khoa Ngữ văn mà không cần lý lịch, hộ khẩu. Dù là con có bố bố mẹ đang học tập cải tạo, hay gia đình có người vượt biên. Tất cả đều được bình đẳng – vì tất cả đều là công dân một nước độc lập.

H.20: Cụ Phan Thanh Giản

     – Ngày ấy, vào những năm 1984 – 1988, tôi bị khép tội “phá vỡ cơ chế xã hội chủ nghĩa”, và bị đặt trước câu hỏi: “Anh cho biết đối tượng học thuộc thành phần nào? Giai cấp nào?” Tôi đã thưa trình theo con số lý tưởng đầy triển vọng, theo cách lấy giai cấp công nông làm điển hình. Hồi ấy, nhiều cán bộ cách mạng, thanh niên xung phong, từng bỏ dở dang việc học mà đi vào R (rờ), mà nay đang làm trong các nhà máy, xí nghiệp đều muốn xin trở lại đại học. Ngày ấy, hơn 3.000 người cùng phụ huynh đứng bên ngoài Cơ sở 2 – Đại học Tổng hợp ở đường Đinh Tiên Hoàng mà chen lấn nhau. Hàng rào kẽm bị đổ sập. Thầy Lý Hòa gọi tôi lên quở trách. Hơn nữa, Ban thanh tra nhà nước đã vào chất vấn tôi vào một đêm khi lớp đang tiến hành vào giờ cao điểm.

     “–Trường làm bãi giữ xe xích lô, ba gác để có thêm thu nhập? – Dạ thưa, đó là anh em đạp xích lô, chạy xe ba gác, đã được chấp nhận đơn xin học. Họ là những người đã có Cử nhân Văn khoa, Luật khoa, có người là Luật sư, Giáo sư văn học, bác sĩ phân tâm học… mà nhà nước chỉ công nhận có bằng Tú tài. Họ xin đi học để cải tạo văn bằng – từ đó mà lên bậc cao – tôi dám buông mồm gọi là: Cử nhân thay cho tốt nghiệp đại học của thời đại mới dù đang hành nghề đạp xích lô, chạy xe ba gác, chạy xe ôm… Cuối cùng, có lẽ nhờ Trời Phật hay Thần linh và “ Quới nhơn” phù trợ mà tên gọi Đại học không chính quy đã được Đại hội Đảng lần 6 chấp nhận như tiền thân của hệ Đại học Dân lập, Tư thục, Quốc tế ngày nay.

     – Thưa Thầy, nhưng đấy là cảm nhận ”râu ria”, chưa ăn vào bộ hàm “Tiên học lễ”?

     – Người đàn ông mà không có “râu ria” tầm cỡ như Từ Hải – thì cụ Nguyễn Du không cho vào lầu xanh mà gặp nàng Kiều để nàng được trổ tài “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Ta hãy đọc lại những vần thơ mô tả giai đoạn này (h.20):

Lần thâu gió mát trăng thanh

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi

Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài

Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông

H.20: Nhân vật từ Hải được khắc họa – Ảnh số hóa vạn sự

     – Hình như Thầy đang muốn đưa chúng em về “dĩ vãng” vàng son để nghe kể những mẫu chuyện sử thi lãng mạn, hay trở về với thời bao cấp trên một đoạn đường đời?

H.21: Chân dung Cụ Nguyễn Công Trứ

     – Thời ấy tôi nghĩ rằng: Bất kỳ vào đoạn nào của thời bao cấp cũng đẹp hồn nhiên như Nguyệt lai môn (ánh trăng đến bên cửa sổ) – mà bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ (h.21) đã mô tả sự an nhàn. Đó là vào ngày đầu khai giảng, GS Hoàng Như Mai (h.22) đã được tôi xin phép thầy Trần Chút (Phó trưởng khoa) mà bố trí cho lên lớp đầu tiên để gây ấn tượng về vẻ đẹp văn chương của Hà Nội.

Thị tại môn tiền náo,

Nguyệt lai môn hạ nhàn.

So lao tâm lao lực cũng một đàn.

Người nhân thế muốn nhàn sao được!…

Sau buổi học, thầy Mai đòi túm “đầu” tôi để hạch hỏi: “Tại sao khi tôi vừa bước chân vào lớp thì anh trưởng lớp hô to “đứng”. Tất cả rầm rập tuân theo một mênh lệnh như đoàn quân đánh trận Điện Biên Phủ của Cụ Giáp khi ra lệnh kéo pháo lên. Rồi tiếng hô “ngồi”. Tất cả cũng đều răm rắp như Cụ Giáp hô to: Kéo pháo xuống. Ở Hà Nội tôi dạy học gần cả đời trai và ngấp nghé đời cụ – mà có thấy chuyện này bao giờ? Như thế cũng chưa là gì? Cái bàn tôi ngồi ai cho phép phủ lên chiếc khăn trải bàn trắng mượt như tấm “ra” (drap) trải giường trắng toát như để chào đón cô dâu vào đêm tân hôn. Hơn nữa, lại còn một lọ hoa đặt bên cạnh một cốc nước trà. Anh à! Anh biến đổi tôi thành “giai cấp tiểu tư sản” – một thành phần giai cấp mà tôi đã tránh né từ thời còn sống ở miền Bắc khi kê khai lý lịch. Anh là ai? Anh là “tay sai được cài cắm lại” thời hậu chiến? Câu hỏi này như câu hỏi của vị quan tòa áo đỏ trong tòa án Sài Gòn. Cuối cùng, thầy kéo tôi vào gốc cây me mà rỉ vào tai tôi: “Sao tôi thích tiểu tư sản quá!” Tôi trả lời: “ – Thưa thầy, đó là lớp vỏ ứng xử ở mặt ngoài, mà gọi là “Tiên học Lễ”. Còn chờ thầy để “Hậu học Văn”. Thầy chất vấn: “– Mà này! Anh có làm mãi được như thế không? Người anh em Sài Gòn còn sót lại đây rồi! Tôi thích Anh rồi đấy!”.

     – Thưa Thầy, dạo ấy “Tiên học Lễ. Hậu học Văn” vẫn còn được “thu dụng” trong thời kỳ bao cấp hay sao?

H.23: Nhà thơ Xuân Diệu

     Theo tôi suy nghĩ, hình như các Thủ trưởng quân quản cũng còn mê phần nâng cốc nước trà để chúc sức khỏe cho nhau vào những ngày tiếp quản – gọi là “cái Lễ” trà đàm để chúc tụng. Trong khi đó, khi có cán bộ vào nhà dân, bọn trẻ chạy ra khoanh tay cúi đầu: – Con chào Bác ạ! Vị cán bộ ngạc nhiên đến “ngẩn ngơ”. Có người bật khóc. Riêng trường hợp nhà văn Xuân Diệu (h.23), khi từ ngoài Bắc vào, đã được tôi đưa đi dạo chơi vài nhà bà con. Nhà văn đã gặp cảnh tượng tương tự, ông bèn bỏ cái giỏ xách xuống mà nghẹn ngào: “Chiến tranh ác liệt như thế, mà bà con ta ở miền Nam không mất “cái Lễ” chào đón tình tự như thế hay sao?

     Trở lại với câu hỏi của Thầy Mai mà nhận thấy thật là hồn nhiên và thú vị! Tuy thế mà không thú vị bằng khi tôi “làm lễ” trao cho Thầy một phong bì “đựng tiền” lấy ra từ nguồn học phí. Thầy túm lấy cổ tôi mà chất vấn “cái gì đây?” Thưa Thầy, đó là tiền thù lao thay cho hai mươi ký gạo, nó được tính bằng số giờ lên lớp – không riêng gì Thầy. Thầy rưng rưng nước mắt như mấy cô tiểu thư Sài Gòn đứng bên cửa sổ chợt trông thấy có chàng công tử Nam kỳ nào đó đi ngang qua…

     – Thưa Thầy, câu chuyện hồi ấy mà bây giờ đã chuyển sang thời kỳ đổi mới?

     – Khi ấy Khoa Ngữ Văn cũng đã bước vào thời đại mới – mà bấy giờ hai Thầy lãnh đạo khoa là thầy Chương, Thầy Chút đã ra đi! Và hai thầy Hiệu phó: Thầy Huỳnh Ngọc Bích, thầy Bùi Khánh Thế cũng đã ra đi rồi! Và tôi buồn lắm! Tôi buồn thật sự! Vì tôi quen sống bằng những nỗi buồn dai dẳng kể từ ngày cha tôi đã nằm xuống ở chiến khu D khi tôi mới lên ba. Hơn nữa, đó là những ân nhân của tôi ở một đoạn đường đời. Lúc ấy tôi như được đảm bảo là đã “học tập cải tạo tốt”. Nay các Thầy không còn cùng tôi sống thêm khoảnh khắc nào nữa để trò chuyện…

     – Tại sao Thầy lại phải buồn? Buồn gì nữa! Thầy yếu đuối quá! Ngoài kia thành phố đã tươi vui, hớn hở

     – Tôi có yếu sức mà chưa đuối lòng. Tôi vào khoa bằng bước chân của chế độ cũ đã gãy đổ. Khi ấy, chính các Thầy đó đã biến đổi phần đời sau của tôi, nắm tay tôi để dẫn dắt để từ một “giáo viên cơ nhỡ” mà “hóa kiếp” cho tôi. Tôi được phép quản lý lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên Kampuchia – mà không được đứng lớp ngay. Thế mà, sau này tôi đã thành một giảng viên đại học. Hồi ấy, vĩ đại lắm! Vì tôi đã chuyển kiếp như con nhộng biến đổi kỳ diệu thành con bướm. Tuy nhiên, cách biến đổi của tôi lại khác. Từ một anh cơ bắp làm Trưởng ban bổ củi kiêm tổ trưởng tổ đọc báo (h.24) thuộc Hợp tác xã chất đốt của Phường ẩn mình trong giai cấp công nông – tôi đã được “chuyển hóa” trở thành anh “trí thức tiểu tư sản.”

H.24: Trưởng ban bổ củi kiêm tổ trưởng đọc báo sáng từ năm 1976 tại địa phương

     – Thôi, xin Thầy đừng kể lể như thế! Học trò Thầy đang còn đứng ngoài kia – các em cười khúc khích

H.25: GS. Nguyễn Lộc – Ảnh số hóa vạn sự

     Thầy Hùng vội móc cái khăn “mù-xoa” còn sót lại của anh “tiểu tư sản” năm xưa – chẳng khác nào mấy cô tiểu thư hay xách bóp đầm như vật trang trí, Thầy “chậm” vào con mắt. Rồi trò chuyện tiếp: Nhờ vai trò “cơ nhỡ” ấy – mà Thầy tiếp xúc được nhiều giáo sư từ miền Bắc vào. Từ đó, Thầy cố học hỏi để đào thêm chiều sâu kiến thức Duy vật biện chứng pháp cùng với triết học Mác-Xít Lê-Nin-Nít. Thầy kể tên: Thầy Nguyễn Lộc (GS Văn học cổ) (h.25), Thầy Lê Đình Kỵ (h.26) – nhà phê bình văn học khó tính như mấy chị em miền Bắc gọi là “ở nhà hướng Tây” – mà không dám nói là “lấy vợ già” – sợ mất quan điểm Thầy Trần Trọng Đăng Đàn (h.27) (GS Văn học hiện đại) – Thầy chuyên lục tìm tác phẩm mà Thầy cho là “rác rưỡi” đồi trụy trong các quán sách cũ tạm được phép tồn tại trên đường Đặng Thị Nhu – Quận 1. Thầy Cao Xuân Hạo (GS Ngôn ngữ) (h.28), Anh Dương Trung Quốc (nhà Sử ký học) (h.29),

GS Nguyễn Tài Cẩn (h.30) dạy Hán Nôm, GSTS Đinh Văn Đức (h.31) – là nhà ngôn ngữ học. Giáo sư Bùi Khánh Thế dạy cho tôi Ngôn ngữ đại cương, và cho phép tôi đăng ký đề tài về công trình ấn hành Bộ Kanji Hán Nhật Việt – mà tôi đã biên soạn ròng rã từ 1962 đến 1972. Khi ấy, đó là thời kỳ dòng xe Honda 67 – tục danh “Kim hoàng giọt lệ” đã tràn vào Sài Gòn.

     Hồi ấy, tiếng Nhật là thời thượng, chỉ sau tiếng Anh của Luân Đôn – mà không phải là tiếng Mỹ của anh cao bồi vùng Tếch-zát (Texas) – mà tôi đã học lấy, học để – để được xin đi làm prề-xếp-tơ (précepteur) – nghề thầy giáo của các anh sinh viên nghèo dạy kèm tại tư gia – để có bát cơm đậu hủ hay bát cháo hột vịt muối.

H.32: PGSTS Nguyễn Quang Điển

     Tuy nhiên, công ơn của người xây dựng tôi trở thành người cứng cáp triết học Mac-LeNin là nhờ ở thầy Nguyễn Quang Điển (h.32). Còn hơn thế nữa khi thầy Bùi Khánh Thế tổ chức lớp triết học đầu tiên dành cho các ứng viên phó tiến sĩ, Thầy cử tôi được cử làm trưởng lớp mà được nhận chứng chỉ triết học cao cấp. Đây là “thẻ bài” cho tôi đi ra Hà Nội để tiếp tục học chuyên sâu triết học thêm sáu tháng nữa với một mùa đông rét mướt mà “chàng trai” đói rách suốt mùa hè của Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông đã chịu không nổi. Trời ơi! Thầy Điển lại vừa ra đi!

     Đặc biệt là tôi đã được tiếp xúc và học hỏi từ Bộ phận tinh hoa Sử học Hà Nội được mệnh danh là Tứ Trụ triều đình. Đó là Bộ Tứ: Lâm, Lê, Tấn, Vượng  – mà hình ảnh và tên gọi đầy đủ như  “thép đã tôi thế đấy” – chính là giáo sư Đinh Xuân Lâm (h.33), giáo sư Phan Huy Lê (h.34), giáo sư Hà Văn Tấn (h.35), giáo sư Trần Quốc Vượng(h.36). Đây là nhữngtượng đài sử học mà tôi đã được tiếp cận để “gột bỏ” quan điểm sử học của tôi còn mộng mơ chỉ đủ sức biên soạn tuồng đồ cho sân khấu miền Nam – để từng bước xếp loại xướng ca vào bậc thang danh vọng mà bà con Nam kỳ ngưỡng mộ – để đánh tan dòng tư duy lạc lỏng “xướng ca vô loài”.

     Thưa đồng bào ba miền Bắc Trung Nam. Khi gặp được Tứ Trụ triều đình tôi như bước vào “cánh cửa thiên đường sử học” đầy ánh hào quang và hoa thơm cỏ lạ.

     Đúng là lúc khi vừa bước vào cánh cửa nhà Trời, tôi bị thầy Lâm hạch hỏi ngay: “- Cậu ra đây có tài liệu gì cho xem?”. “ – Thưa Thầy, em có quyển sách mô tả về những tổ chức Hội kín Nam kỳ của Georges Coulet. Thầy đọc lướt qua và trầm tư: Ở miền Nam có tổ chức yêu nước thật khác lạ, đầy phù phép! (h.37).  Tôi ức lòng vì tôi là con của quê quán đồng chiêm trũng ở Phủ Lý – Hà Nam. Cha tôi đi vào Nam từ những năm 30-40, rồi nằm xuống ở chiến khu D mà tôi lên tiếng bênh vực đồng bào miền Bắc nhà ta. Đấy là nhân vật Kỳ Đồng yêu nước bằng phù phép Thần thánh đấy Thầy ạ! Kỳ Đồng dám phanh ngực thách thức trước họng súng của lính Tây: Có dám bắn tao không? (h.38) Tôi nói nhỏ vào tai Thầy: “Kỳ Đồng có phép thần thông, đạn bắn không thủng”. Thầy vỗ vai tôi cười sặc sụa – anh chàng Sài Gòn này ra đây chơi có cái chơi với chúng tôi đấy!

     Đó là tôi chưa kể đến hai Bác: Bác Trần Văn Giàu (h.39) và Bác Trần Bạch Đằng (h.40) – là người đã giúp đỡ tôi không chỉ để được tra cứu học hỏi mà còn được dặn dò. Tôi đã gặp hai bác ở Nhật – đây là câu chuyện thú vị mà tôi sẽ kể sau. Cũng như tôi sẽ kể lại sau này về đoàn Việt Nam đầu tiên đã được Tòa Thị sảnh Osaka cho tôi làm trưởng đoàn cho “năm Việt Nam – 1996”. Tôi đã xin cho anh Trịnh Công Sơn và một cô ca sĩ miền Bắc cùng đi Lại còn cả thầy Trần Hồng Quân (h.41) – Nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – đã giúp tôi đứng hai chân mà không bị rung lắc trong ngành giáo dục đại học và Ông đã cho tôi được làm Hiệu trưởng Đại hoc quốc tế Hồng Bàng trong suốt giai đoạn (1997 – 2015). Và còn nữa, còn hơn thế nữa…

H.42: GS Hoàng Trọng Phiến

     Ngoài ra, tôi còn được thụ giáo phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo trường phái chức năng của giáo sư Hoàng Trọng Phiến (h.42). Khi hai Thầy trò gặp nhau ở Nhật Bản, Thầy dạy ở đại học Tokyo, tôi dạy ở đại học Osaka. Lúc ấy, khi lên Tokyô chơi, tôi đem theo cái “tông-dơ” cắt tóc cho Thầy để Thầy tiết kiệm năm ngàn Yen tầm cỡ năm ngàn đô-la ấy. Thầy bèn nói nhỏ vào tai tôi: “Mình dạy tiếng Việt cho sinh viên Liên Xô”. Khi tổng kết 10 năm. Chúng nó bảo: Chúng em không thể vào Sài Gòn để gọi “tô phở” bằng tiếng Việt được đàng hoàng, phong phú như mơ ước, mà chỉ nói “cho tô phở”. Chủ quán hỏi: “- Phở gì?”, chúng em ngớ ngẩn – vì ở Hà Nội có ai hỏi thế bao giờ? Các thầy có dạy nói năng ra sao trong tình huống giao tiếp này? Thầy ơi! Vào Sài Gòn có nhiều loại phở quá! Có bài học nào dạy cho đâu: Phở bò hay phở gà.Nếu là phở bò thì lại còn có cả phở tái, tái nạm, tái nạm gàu, sụn, xí quách, nước béo, rau tập tàng… Chúa ơi! Xin lỗi, chúng em quen mồm – mà là Trời Phật ơi! Văn minh cày cuốc với nghề làm nông, làm vườn mà sao dồi dào văn hóa ẩm thực đến thế! Còn chúng em ra bưu điện xin đánh bức điện về cho gia đình. Các cô nhân viên Sài Gòn chờ đợi câu nói của chúng em: Chúng em tự hào về trình độ Ngôn ngữ học, bèn nhanh nhẩu: Xin cô cho gửi bức điện dài “15 âm tiết” – Các cô hỏi  lại: “Âm tiết” là gì? Hình như các cô này thiếu “chuyên môn”. Chúng tôi chỉ tính tiền theo số “từ” Cô bưu điện “xinh đẹp” mỉm cười duyên dáng.

H.43: GS. Từ Chi

     Tuy nhiên, người gây cho tôi ấn tượng nhiều nhất là giáo sư Từ Chi (h.43), Thầy mô tả cho tôi nghe nhiều về đời sống các bộ tộc ít người ở miển Bắc, rồi nhấn nhá “cái váy Mường”. Tôi cũng đáp trả lại về đời sống các bộ tộc người Lat ở nước Đà mà có tên gọi ĐàLat ở cao nguyên LiangBiang. Tôi đã đưa ra hình ảnh Ông Thần Gậy đã được mô tả trong giáo trình dân tộc học của Đại học Văn khoa Sài Gòn, mà chúng tôi hôm ấy như cùng một bộ tộc đã tìm thấy nhau.

     Tuy thế, do còn nhiều Thầy ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội – nơi mà luận án của tôi được phép bảo vệ tại đây: Thầy Đỗ Quang Hưng (h.44), Thầy Phạm Công Thành (h.45), Thầy Nguyễn Quang Ngọc (h.46), Thầy Trần Đức Cường (h.47) đã giúp đỡ tôi – hiện nay Thầy Cường là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam.

Hơn nữa, một số vị giáo sư khác như: Thầy Phùng Hữu Phú (h.48), Thầy Nguyễn Minh Thuyết (h.49) – đã từng lãnh đạo trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – nơi mà “thân phận cơ nhỡ” của tôi đã được tá túc để trở thành sinh viên cao học. Ngày ấy khó lắm! Phải có lý lịch “ba đời ăn cháo”.

Và còn hơn thế nữa! Vì phải có tấm giấy giới thiệu của Trường chủ quản với thành tích xứng đáng – mà không xứng đáng sao được. Khi ấy, tôi đã làm nên một chuỗi cung ứng hậu cần cho Khoa, cho Trường. Tuy nhiên, tờ giấy chứng nhận là “con liệt sĩ chống Pháp” đã tỏ ra có công năng đặc dị. Nay tôi sẽ xin xây dựng nên các “Tượng đài để ghi ơn” hiển hách của quý Thầy ấy mà dành riêng tôi mà không ghi oán trách của xã hội. Nếu được thế là để tôi tự chiêm ngưỡng – không riêng cho tôi mà còn rủ rê anh em bạn bè, học trò cùng chiêm ngưỡng những đường nét hoa văn  tạo nên các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam  – như tôi đã xây dựng tượng đài Văn nhân, Thi sĩ tuổi Dần như một phần trong Bộ Giai Phẩm Xuân Ông Ba Mươi năm Nhâm Dần 2022 đấy. Sau này, khi đi qua thế giới bên kia – mà còn có người bên cạnh với ấm nước trà – mà bà con đã đốt bằng đồ hàng mã để gửi xuống âm ti cho có cái dùng để tụ hội các Thầy mà làm lễ chào đón nhau trước mà sau đó còn học văn của nhau. Khi ấy, thế giới  cũng vừa kịp chuyển vào thời kỳ Hậu Duy vật như đại bộ phận những nhà khoa học quốc tế đã hội họp mà tuyên ngôn.

     Tuy thế, có phải là tôi đã quên các Thầy Cô đã vào Nam giảng dạy của hai truờng mà tôi được biết – ngoài Đại học Tổng hợp còn Đại học Sư phạm. Đó là Thầy Hoàng Như Mai (h.50), Thầy Trần Hữu Tá (h.51), Thầy Hoàng Thiệu Khang, Thầy Mai Quốc Liên (h.52) đã giúp đỡ tôi trong quá trình tiếp cận học hỏi.

     Riêng Thầy Hoàng Như Mai và Thầy Trần Hữu Tá đã giao riêng cho tôi một nhiệm vụ là đi tìm gặp Thầy Thanh Lãng để mời vào Hội nhà văn. Ngày ấy, Hội nhà văn đầu tiên muốn kết nối được hai lực lượng trí thức Nam Bắc – như ngoài kia đã kết nối con đường sắt thống nhất Bắc Nam. Tuy nhiên, đây là câu chuyện khác.

     Nhân đây, cho phép tôi dỡ mũ cúi đầu chào – một thế hệ thanh niên sinh viên mới – Thầy Huỳnh Như Phương (h.53), thầy Đoàn Lê Giang (h.54), cùng nhiều Thầy Cô của ngành Việt Nam học trẻ tuổi đã được đào tạo từ sau ngày hòa bình – thời mà tôi từng phục vụ như anh đầu bếp cho các Thầy Cô trẻ ấy – nay đã là Giáo sư Phó giáo sư tiến sĩ. Chắc hẳn Thầy Cô đã quên đi cái ngày nhọc nhằn của tôi. Tuy thế, tôi đã học được phương pháp đào tạo ngành Ngữ văn Đại học Tổng hợp để so với Khoa Văn của Viện Đại học Sài Gòn năm xưa đã sờn rách – mà tôi tiếp nhận được nhiều giá trị trong phương pháp tư duy từ biện chứng pháp duy vật của ngày hôm qua vừa đổi mới.

     – Thưa Thầy, chúng em chưa thấy Thầy nhắc đến GS Trần Ngọc Thêm. Vậy khi GS muốn cắt đi phần “Tiên học lễ” – thì Thầy có cảm thấy lòng mình như quả trứng non bị ném vào đá?

    – Đừng vội! Bây giờ đã đến lúc đưa thầy Trần Ngọc Thêm (h.55) ra trình làng xã.

    Đó là những Tượng đài mà tôi đã được tiếp cận. Đặc biệt trong số ấy – GSTS Trần Ngọc Thêm – Đây là người mà chúng ta đang đề cập. Khi ấy, trong buổi trưa hè của ngày tháng bao cấp, Thầy xuất hiện trên diễn đàn của Khoa Ngữ văn như ngôi sao sáng, Thầy nói năng lưu loát, mạnh mẽ, đâu ra đó, gây ấn tượng mạnh. Tôi ngưỡng mộ Thầy mà học tập phong cách, với giấc mơ tiềm ẩn của tôi thật đơn giản là được phép “nói năng trước sinh viên” theo hình mẫu mà Thầy là biểu tượng. Mãi sau này, khi tôi có hướng dẫn hai đề tài thạc sĩ: Một là “liệu pháp hành chính xử lý các trường hợp đồng tính luyến ái” khi chưa kịp xây dựng nền tảng pháp lý. Hai là “khỏa thân theo góc nhìn vị nghệ thuật” của con người mà tôi gọi là vỡ hạt. Tôi cũng có hướng dẫn cho một luận án tiến sĩ cho cô Natasha Lise Pairaudeau người Canada – sinh viên đại học Luân Đôn – thực hiện đề tài các động lực xã hội của người Tamil di trú đến Nam kỳ (social Dynamics of Tamil imigration to Cochinchina (1858 – 1940). Khi ấy tôi có yêu cầu các nghiên cứu sinh tham khảo nhiều tài liệu về văn hóa học truyền thống trong đó cần phải tham khảo riêng Bộ sách Cơ sở văn hóa Việt nam (h.56) của GS Trần Ngọc Thêm để dẫn chứng trong luận văn như một yêu cầu bắt buộc. Lúc ấy tác phẩm của Thầy như một “ngọn hải đăng” trong cơn bão tố để chỉ dẫn địa lý cho tàu thuyền cập bến Việt Nam học an toàn. Nói cách khác: Ôm được văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ không chối cãi được. Riêng cô Natasha xin cho được một bộ sách của Thầy để đem về Đại học Luân Đôn.

    – Ngược lại, tôi cảm thấy như chính bản chất của “Lễ” đã bị tổn thương vì “ung mủ” – mà GS Thêm đã mạnh dạn muốn “dùng dao rạch bỏ phần thối rửa” mà băng bó lại – không phải cưa bỏ cả khúc xương chân bàn để phải chịu tật nguyền. Có thể Giáo sư đã thấy phần Lễ bộc lộ qua mối quan hệ giữa người lớn và các cháu bé – trong chiếc thang máy – một không gian nhỏ hẹp đã gặp gỡ nhau trong chiếc lồng bàn của chung cư – mà giam hãm được cả một “đoạn đường đời ngắn ngủi” chỉ đôi ba phút mà điều “kỳ lạ” đã xảy ra một mối quan hệ “phi Lễ” .

     – Tuy nhiên, diễn đàn mạng đã lên tiếng theo con đường hai chiều. Thầy có “lướt sóng” trên đó không?

    Tôi đã lướt, đã chèo trên những ngọn sóng gọi là “văn học lượng tử” mà thu thập được nhiều nguồn tư duy biện chứng mà Cơ học lượng tử, vật lý học lượng tử – đã được xác định các giá trị khoa học tiềm ẩn. Trong đó đặc biệt có tư duy của nhiều giáo sư bậc Thầy của tôi về lĩnh vực Sử học. Đó là GS-TS Vũ Minh Giang (h.57) – khi Thầy đã viếng đại học Đài Loan, Thầy không ngờ nơi đây còn nêu lên khẩu hiệu gồm 5 chữ vàng – mà không phải chỉ là hai chữ LễVăn như của ta.

H.57: GSTS Vũ Minh Giang

Chúng tôi chưa nhận diện được 5 chữ ấy thế nào? Vì Thầy đã phiên âm Hán Việt – mà không ký âm bằng chữ “mẹ đẻ” của nền tảng Hán học. Nếu được xin thầy viết thêm chữ Hán để Viện nghiên cứu Việt Nam học chúng tôi học được rõ hơn về ý nghĩa của 5 chữ vàng này. Thưa Anh chị, không sao đâu! Dù thế nào chữ Lễ không chỉ là thuộc tính riêng của loài người. Chính loài Hổ – khi chờ đợi con người bên cánh rừng – nó phải nằm phục hàng giờ “làm lễ” theo cách của nó để rình mồi mà không đứng “nghênh ngang” như “cướp đường, cướp chợ”. Như nó đã “Tiên học lễ”. Ông Ba Mươi đã không làm đứt gãy nghi thức văn hóa Vạn vật hữu linh (Animism) để “Hậu học văn”. Học cách săn bắn của loài người như trò chơi “máu” của thời Trung cổ La Mã – mà có cách tự sinh tồn để không phải bị tuyệt chủng.

     – Xin hẹn gặp lại Thầy lần sau – chúng em sẽ không chạm “râu ria” mà sẽ chạm “mái tóc” để thử nghiệm trường hợp nếu rụng đi phần “Tiên học lễ” – mà chỉ cần “Hậu học văn” – thì sự đời sẽ xảy ra làm sao? Mong Thầy dạy bảo để xem cái sự đời sẽ ra sao ngày sau?

     Thôi! Xin đừng gặp lại càng tốt. Tôi làm thầy giáo dạy được chữ nào thì có bát cơm ăn ngày đó. Còn làm thầy đời thì chưa sẵn sàng…

BAN TU THƯ

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 1 times, 1 visits today)