Hội thảo Ngữ học toàn quốc 2019 – NGÔN NGỮ VIỆT NAM trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển

Hội thảo Ngữ học toàn quốc 2019 – NGÔN NGỮ VIỆT NAM trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển

       Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, kể từ khi thành lập (1990) đến nay, đã liên tục tổ chức các hội thảo khoa học thường kỳ, nhằm tập hợp, cổ vũ, động viên, khuyến khích các nhà ngữ học (cùng các nhà nghiên cứu ngữ văn, văn hóa học…) tham gia một hoạt động chuyên môn thường xuyên của Hội: Nghiên cứu ngôn ngữ học phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời kì mới.

       Hội thảo Ngữ học Toàn quốc lần thứ 21 năm 2019 với chủ đề: NGÔN NGỮ VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIAO LƯU, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp đồng tổ chức, với ý nghĩa là một sự kiện đặc biệt hướng tới Kỉ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ Dầu Một (2009- 2019) và 25 năm xuất bản tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (1994-2019). Hội thảo diễn ra từ ngày 7 /6 /2019 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, số 6 Trần Văn Ơn, phường Phú Hoà, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Mục đích của Hội thảo

       Mục đích của Hội thảo là “Khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, đã có lịch sử hàng ngàn năm nay – trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; quan tâm sâu hơn việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc; phương ngữ và phương ngữ Nam Bộ; đẩy mạnh việc học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) ở nước ta hiện nay cả về phạm vi và chiều sâu”.

6 chủ đề chính của Hội thảo

  1. Ngôn ngũ học và Việt ngũ học:
    ◊  Nghiên cứu những vấn đề liên quan tới tiếng Việt nói chung;
    ◊  Nguồn gốc và Lịch sử tiếng Việt và chữ Việt;
    ◊  Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt (ở mọi cấp độ);
    ◊  Tiếng Việt theo dòng lịch sử;
    ◊  Vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và ảnh hưởng trên trường quốc tế, v.v…

  2. Bản ngũ và ngoại ngữ:
    ◊  Nghiên cứu những vấn đề liên quan tới việc học tập và sử dụng ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam;
    ◊  Xuất phát từ nhu cầu giao lưu, tiếp xúc về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa… với thế giới;
    ◊  Nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu các ngôn ngữ khác (nhất là tiếng Anh) ngày càng tăng, cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá thực trạng này từ góc độ ngôn ngữ học để có những giải pháp thích hợp cho thực tế, v.v…

  3. Ngôn ngữ với văn chương:
    ◊  Nghiên cứu những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn chương (qua các tác phấm dân gian: ca dao dân ca, thành ngữ, tục ngữ; qua các sáng tác văn xuôi và thơ ca…).

  4. Ngôn ngữ và Văn hoá:
    ◊  Nghiên cứu những giá trị ngôn ngữ và văn hoá mà tiếng Việt và chữ Việt đem lại trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là từ khi có sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

  5. Phương ngữ học và Phương ngữ Đông Nam Bộ:
    ◊  Đặc biệt là nghiên cứu rộng hơn, sâu hơn ngôn ngữ vùng Đông Nam Bộ – một vùng đất ghi lại dấu ấn lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán và ngôn ngữ là một ưu tiên cần thiết cho Hội thảo lần này.

  6. Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số:
    ◊  Nghiên cứu mảng Ngôn ngữ của 53 dân tộc hiện nay ở Việt Nam ở mọi góc độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

BAN TU THƯ
09/2019

(nguồn: Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương)

(Visited 293 times, 1 visits today)