NGUYỄN VĂN SƠN
BÙI THỊ THU PHƯƠNG
(1. TS, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội
2. TS, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội)
Hệ thống dấu tích kiến trúc thời Trần (Thế kỉ XIII-XIV)
Sang đến thời Trần, bên cạnh việc xây dựng những công trình kiến trúc mới mang đặc trưng của thời đại còn có các dấu tích kiến trúc vừa có phần kế thừa, sử dụng lại một số công trình thời Lý. Nhiều di tích kiến trúc thời Trần tái sử dụng lại những nền đất đắp thời Lý, kĩ thuật đắp nền, gia cố móng trụ,… tiếp thu nhiều yếu tố kĩ thuật thời Lý, tuy nhiên tại đây đã xuất lộ những đường viền bó vỉa theo kiểu xếp gạch hình hoa chanh, giếng nước bằng gạch màu đỏ theo kiểu xếp chéo xương cá,… mang đặc trưng riêng biệt của thời Trần. Hệ thống dấu vết kiến trúc gồm 3 dấu vết mặt bằng kiến trúc, 02 giếng nước, 02 đường cống nước, 02 nền gạch, 06 đường/tường hoa chanh.
Vật liệu xây dựng như gạch, ngói, tượng đất nung với những hoa văn trang trí hình rồng, phượng, phần hoa sen, hoa cúc như thời Lý nhưng phong cách có phóng khoáng hơn. Phát hiện một số lượng lớn gạch “Vĩnh Ninh trường” được sản xuất dưới thời Trần (thế kỉ XIII-XIV).
Hệ thống dấu tích kiến trúc thời Lê (Thế kỉ XV-XVIII)
Các dấu tích kiến trúc thời Lê tìm thấy có số lượng ít hơn rất nhiều so với các vết tích kiến trúc thời Lý – Trần. Lí do kiến trúc thời Lê tìm thấy ít chính là vì tầng văn hoá thời Lê ở trên cao do đó đã bị đào phá 2 lần một cách khốc liệt. Lần thứ nhất là việc dỡ toàn bộ Thăng Long xây thành Hà Nội thời Nguyễn năm 1805 (trừ khu vực Đoan Môn và điện Kính Thiên). Lần thứ 2 là việc phá bỏ toàn bộ thành Hà Nội thời Nguyễn và cũng để lại Đoan Môn và Kính Thiên. Ở lần thứ 2 này do việc đào móng xây dựng các công trình bằng gạch và bê tông cốt thép đã vừa phá thành Hà Nội, vừa phá tiếp thành thời Lê và thậm chí là của cả thời Trần nữa. Trong tầng văn hoá, nhiều vị trí dấu tích kiến trúc thời này đã xuyên phá đến gần tầng lớp văn hoá thời Lý 1.
Các dấu tích kiến trúc thời Lê chỉ còn lại một số móng trụ, sân nền lát gạch vồ,… gồm 1 mặt bằng kiến trúc, 5 giếng nước, 2 đường cống nước, 2 nền gạch. Bên cạnh đó, các loại gạch có chữ Tráng Phong quân, Trung Nghĩa quân, Huyền Qua quân, Tam Phụ quân, Võ Kị quân, Thần Hổ,… được xác định khoảng niên đại nửa cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI xuất lộ với số lượng tương đối lớn và một số di vật ghi rõ tên một số cung điện như “Trường Lạc cung” là cung của Hoàng Thái hậu của thời Lê Sơ, “Kim Quang điện” là điện lớn thời Lê Sơ,… đã góp phần minh chứng tính chất các cung điện của các di tích kiến trúc rõ ràng hơn. Đặc biệt những kết quả khai quật mới đây tại khu G (khu vực khai quật giải phóng mặt bằng để xây dựng khu đường hầm và bãi đỗ xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội) đã xuất lộ một số dấu tích kiến trúc thời Lê có quy mô khá lớn, đó là hệ thống các di tích móng trụ gia cố cột chôn được nhồi đắp rất kiên cố, có những móng trụ đào sâu đến gần 3m. Thông qua hệ thống những di tích móng trụ gia cố đó, chúng tôi nhận thấy các kiến trúc thời Lê vẫn kế thừa và tiếp tục truyền thốn g của kiến trúc thời Lý và thời Trần – Đó là kĩ thuật xây dựng móng trụ chống lún.
__________
1. Tống Trung Tín – Phạm Văn Triệu, 2008, Tài liệu đã dẫn.
Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn (Thế kỉ XIX-20)
Năm 1802, Gia Long lên ngôi vua đặt kinh đô ở Huế, thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê bị thu hẹp lại cho nhỏ hơn kinh thành Huế và trở thành Trấn Bắc thành. Do mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn cơ bản tương đương với mặt bằng hiện đại, vì vậy kiến trúc Nguyễn đã bị phá huỷ về cơ bản.
Tại khu E, thuộc phạm vi khai quật xây dựng Nhà Quốc hội, ở hố E11 phát lộ một hàng đá ong chạy dọc theo chiều Đông- Tây với tổng số 22 viên, kích thước trung bình (65x25x18)cm nằm cách không đều nhau. Hàng đá ong nằm trên lớp văn hoá và vật liệu của thời Hậu Lê (thế kỉ XVIII). Tại địa điểm khai quật 62-64 Trần Phú đã phát lộ tường thành thời Nguyễn được xây dựng bằng loại đá ong tương tự, đây có thể là một dấu tích kiến trúc thuộc thời Nguyễn 1.
___________
1. Tống Trung Tín – Phạm Văn Triệu, 2008, Tài liệu đã dẫn.
3. Những phương án bảo tồn và phát huy giá trị
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo quyết định số 696/QĐ – TTg, ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã công bố quy hoạch tổng mặt bằng (tỉ lệ 1/500) khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.
Đây là một phần việc cụ thể trong nội dung của Việc quy hoạch nhằm bảo tồn Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ Hà Nội trở thành Công viên Văn hoá – Lịch sử nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản.
Mục đích nhằm bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau và tạo ra một không gian văn hoá cộng đồng hài hoà trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật với khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình.
Theo bản quy hoạch, tổng diện tích khu Hoàng thành Thăng Long là 45.380m². Trong đó, diện tích xây nhà trưng bày khảo cổ là hơn 13.674m², khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính rộng 3.438m², diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195m², diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.800m², diện tích khu vực kĩ thuật, phụ trợ 859m², diện tích sân, đường giao thông là 6.214m².
Tại khu vực khu di chỉ Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ quy hoạch nơi trưng bày, bảo quản tại chỗ các hố khai quật A – B và D4 – D6 dưới dạng nhà trưng bày tại chỗ, nguyên gốc các dấu tích khảo cổ học. Tại các khu vực trưng bày tại chỗ này cẩn đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo tồn. Chọn lựa một số di tích khảo cổ học quan trọng tại các hố A6, D2, D3, D7 và C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Các khu vực không xây dựng được quy hoạch thành khu cây xanh, đường đi dạo,…
Công trình xây mới trong Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ được hạn chế chiều cao dưới 5m, hạn chế xây dựng các công trình nổi. Trong các cuộc khai quật tại 18 Hoàng Diệu xuất lộ một số lượng lớn các loại hình di vật vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ dùng trong Hoàng cung, đồ gốm sứ, đồ sành gia dụng, đồ gỗ, đồ kim loại,… đây là nguồn tư liệu gốc quý giá để phục vụ công tác trưng bày. Nhà trưng bày sẽ được xây dựng 1 tầng với độ cao thích hợp, đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh, xây dựng một đường ngầm qua trục Hoàng Diệu để kết nối khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ.
Khu Trung tâm Hoàng Thành sẽ bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng chính được xác định tại phía Nam, góc đường Hoàng Diệu – Bắc Sơn. Trong khu di tích, sẽ thiết kế 2 tuyến đường tham quan đi bộ chính và đường dạo kết nối các điểm tham quan, các tuyến theo hướng trục của nhà Quốc hội và tạo lối đi bộ, dải phân cách mềm bằng hàng rào cây xanh quanh Nhà Quốc hội, các tuyến tham quan khu Hoàng thành đảm bảo xuyên suốt, không bị trùng lắp, được kết hợp tham quan Nhà Quốc hội, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ,…
Sau Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước tiếp theo như:
– Tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình, lập quy chế quản lí quy hoạch kiến trúc khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu;
– Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lí và đầu tư xây dựng công trình;
– Tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ cũng như mở cửa đón khách tham quan, giới thiệu, quảng bá giá trị khu di sản nhằm phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long để mãi mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.
Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nhằm lựa chọn phương án thiết kế tốt nhất đảm bảo các nguyên tắc chung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; bảo đảm kiến trúc thanh lịch và hài hoà với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên lịch sử – văn hoá Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị khu di sản, mang lại lợi ích cao nhất cho sinh hoạt cộng đồng. Sau hơn 3 tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 24 đồ án của 23 đơn vị trong nước và quốc tế tham gia.
Để đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, TP Hà Nội đã thành lập Hội đồng thi tuyển với các thành viên là chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch, Văn hoá lịch sử, Bảo tồn và Khảo cổ học do KTS Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Qua 3 vòng chấm, Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất lựa chọn được 6 phương án xuất sắc. Các phương án này đã được triển lãm tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long từ 30/4/2013 – 8/5/2014 để lấy ý kiến công chúng.
Cuộc thi tuyển đã thu hút được đông đảo các kiến trúc sư trong nước và quốc tế tham gia thể hiện sự quan tâm và tình cảm trân trọng của người dự thi đối với một di sản văn hoá quý giá của dân tộc. Các phương án cuộc thi thể hiện khá rõ hai xu hướng tạo hình kiến trúc chính: Xu hướng hình học đơn giản dưới dạng công trình và xu hướng hữu cơ, mềm mại hướng tới dạng vườn, công viên với quy mô và bố cục khác nhau. Mỗi xu hướng, xét theo các tiêu chí chấm chọn đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Kết quả đã có 02 đơn vị được trao giải Nhì là Công ti Studio Milou Singapore và Liên danh Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng và Công ti TNHH Kĩ thuật bền vững Việt Nam), 01 giải Ba thuộc về Liên danh công ti cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng số 36 và Công ti cổ phần thiết kế và xây dựng công trình văn hoá, 03 giải Khuyến khích.
Sau cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, UBND thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, các kiến trúc sư, nhà khoa học khẩn trương triển khai và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án, bám sát các yêu cầu theo Quyết định 696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, tiếp thu ý tưởng của các đồ án tham gia dự thi phù hợp với Quy hoạch đã được duyệt trình thành phố phê duyệt, triển khai những công việc tiếp theo để có được những sản phẩm tốt nhất thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tôn vinh giá trị khu di tích, xứng tầm Di sản văn hoá thế giới.
4. Kết luận
Hệ thống các di tích kiến trúc còn hiện diện trên mặt đất tại Thành cổ Hà Nội và các dấu vết kiến trúc xuất lộ trong lòng đất tại khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã phản ánh phần nào lịch sử kiến trúc thời kì Thăng Long và tiền Thăng Long qua suốt 13 thế kỉ phát triển liên tục với tính truyền thống kế thừa liên tục, sự trưởng thành vượt bậc, tính sáng tạo và quy mô to lớn phản ánh trình độ phát triển cao, chặt chẽ, quy củ của các vương triều Việt Nam. Trong hơn 10 năm nghiên cứu tổng thể các nhà nghiên cứu đã khái quát được lịch sử phát triển kinh đô, lịch sử văn hoá kinh đô qua từng lớp văn hoá, từng di tích kiến trúc, từng loại hình di vật. Đặc biệt những nghiên cứu tại địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là phát hiện có tính đột phá trong việc tìm hiểu và nhận biết về Thăng Long một nghìn năm tuổi.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có giá trị to lớn, giá trị của khu di tích không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc giá trị của nhân loại. Sau gần 5 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ ngành có liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản, hướng đến mục tiêu gìn giữ Di sản cho các thế hệ sau, thực hiện tinh thần mà UNESCO đã tuyên bố: Di sản trong tay và trong tim thế hệ trẻ.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Chiếu dời đô, Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ Q. 2, tr. 2b, Bản dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 241.
2. Đại Việt sử kí toàn thư, Ngoại kỉ, Q.5, tr.14b-15a.
3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967, tr. 190.
4. Tống Trung Tín – Phạm Văn Triệu, Tiến thêm một bước trong việc nhận diện mặt bằng các di tích kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (2004-2008), Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế: Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008), 2008.
5. Trần Quốc Vượng vài nhận xét nhỏ về những viên gạch “Giang Tây quân”, Nghiên cứu Lịch sử, số 83: 49 và 64, 1966.