NGUYỄN VĂN SƠN
BÙI THỊ THU PHƯƠNG
(1. TS, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội
2. TS, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội)
1. Mở đầu
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào ngày 31/7/2010. Khu di tích gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và thành cổ Hà Nội. Khu di tích nằm trong địa bàn trung tâm lịch sử và văn hoá của thủ đô Hà Nội, giữa các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn (trừ khu vực xây dựng Nhà Quốc hội), Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương. Với vị thế đó, vùng đất này sớm trở thành một trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng. Từ thành Vạn Xuân, kinh đô của nhà nước độc lập do Lí Nam Đế thành lập vào thế kỉ VI, rồi phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỉ VII – IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê với các mốc lịch sử quan trọng sau:
Mùa thu, tháng 7 năm Giáp Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra “thành Đại La” là “đô cũ của Cao Vương” và đổi tên là thành Thăng Long.
Thành Thăng Long dưới triều Lý (1009 – 1226) từ năm 1010 đến đầu năm 1226, triều Trần (1226 – 1400) từ năm 1226 đến năm 1397.
– Năm 1397 đổi tên là Đông Đô vào những năm cuối triều Trần, rồi triều Hồ (1400 – 1407).
– Năm 1407 là thủ phủ của chính quyền đô hộ nhà Minh (1407 – 1427) với tên gọi là phủ thành Giao Chỉ, thường gọi là thành Đông Quan.
– Năm 1430 đổi tên là thành Đông Kinh, dưới triều Lê sơ (1428 – 1527) rồi triều Mạc (1527 – 1592), triều Lê Trung hưng (1593 – 1788). Trong thời gian này, tên Thăng Long vẫn được sử dụng và thế kỉ XVII-XVIII còn có tên mang tính dân dã là Kẻ Chợ.
2. Hiện trạng khu di sản Hoàng thành Thăng Long:
Di tích Hoàng thành Thăng Long gồm khu Thành cổ Hà Nội và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
2.1. Khu thành cổ Hà Nội: Đây là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long và thành Hà Nội thời Nguyễn. Trên mặt đất còn bảo tồn một số di tích của Cấm thành và thành Hà Nội như:
Di tích Đoan Môn: Là cửa phía Nam của Cấm thành. Theo các nguồn tư liệu lịch sử vị trí Đoan Môn từ thời Lý, qua thời Trần đến thời Lê không thay đổi. Qua kết quả khảo cổ học xác nhận kiến trúc này được xây dựng thời Lê sơ (thế kỉ XV) trên nền Đoan Môn thời Lý, Trần thông qua các dấu tích di tích và di vật.
Di tích Điện Kính Thiên: Đây là kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương triều, là nơi thiết triều của nhà vua và cử hành các nghi lễ quốc gia tiêu biểu, ở vào vị trí trung tâm của Cấm thành và xây dựng trên núi Nùng mang ý nghĩa phong thuỷ linh thiêng. Vì vậy điện Càn Nguyên, Thiên An và Kính Thiên đều xây dựng trên một địa điểm là Núi Nùng. Nền điện Kính Thiên hiện nay do nhà Lê xây dựng năm 1428 và bậc thềm 9 bậc trên mặt đất và còn một số bậc chìm dưới mặt đất với lan can đá chạm rồng dựng năm 1467. Kiến trúc đã bị phá huỷ năm 1886 nhưng nền điện với bậc thềm đá vẫn còn được bảo tồn đến nay.
Di tích Cửa Bắc: Thành Hà Nội được xây dựng theo kiểu Vauban của Pháp, thành hình vuông mỗi bề chừng 1 cây số, xung quanh là hào nước sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với 4 con phố hiện nay là Phan Đình Phùng ở phía Bắc, Lí Nam Đế ở phía Đông, Trần Phú ở phía Nam và Hùng Vương ở phía Tây. Thành mở ra 5 cửa gồm: Cửa Đông (tương ứng phố Cửa Đông bây giờ), cửa Tây (tương ứng đường Hùng Vương), cửa Bắc và cửa Tây Nam (tương ứng với đoạn giao phố Nguyễn Thái Học và Chu Văn An), cửa Đông Nam (tương ứng đoạn giao phố Nguyễn Thái Học và Điện Biên Phủ). Cửa Bắc là cổng thành phía Bắc, cổng thành duy nhất còn sót lại của thành cổ Hà Nội thời Nguyễn. Đây là công trình được xây dựng giai đoạn từ 1803 đến 1805 dưới thời vua Gia Long (1805).
Di tích Cột Cờ (tức Kì đài) do nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền cửa Tam Môn thời Lý là cửa phía ngoài của Đoan Môn.
2.2. Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
Từ cuối năm 2002, khu di tích khảo cổ học18 Hoàng Diệu đã được tiến hành khai quật với tổng số diện tích khoảng trên 33.000m2 chia thành 5 khu A, B, C, D, E.
Các cuộc khai quật đã phát lộ nhiều di tích, di vật dưới lòng đất chính là các di tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long với chiều dài lịch sử khoảng 13 thế kỉ, gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỉ VII-IX thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng cuối thế kỉ XVIII. Trên địa tầng khu vực khai quật, các lớp đất văn hoá gần như thống nhất từ trên xuống như sau:
– Lớp đất thời hiện đại: Từ mặt đất hiện đại đến độ sâu 0,8m-1,0m.
– Tầng văn hoá thời Nguyễn (khoảng thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX): Độ sâu khoảng 80cm đến 1,0m.
– Tầng văn hoá thời Lê (thế kỉ XV-XVIII): từ độ sâu 1,0m đến 1,5m-2m.
– Tầng văn hoá thời Lý (thế kỉ XI-XIV) và Trần (thế kỉ XIII-XIV): Từ độ sâu 1,5m-2m đến 2,5m-3m. Lớp văn hoá Lý và Trần nhiều khi hoà lẫn vào nhau. Một số vị trí dưới cùng của lớp này là dấu tích văn hoá thế kỉ X.
– Tầng văn hoá thời Đại La (thế kỉ VII-IX): Từ độ sâu 2,5m-3m đến khoảng 4m.
Hệ thống di tích kiến trúc và di vật các thời kì: Tại những khu hiện đang bảo tồn (trừ khu E đã xây dựng công trình Nhà Quốc hội), các di tích ở các lớp văn hoá khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại của các di tích. Và một hiện tượng phổ biến là trong cùng một lớp văn hoá, các di tích cùng thời cùng chồng xếp cắt phá lẫn nhau. Đây là những bằng chứng mang tính khoa học cao để xác định niên đại sớm muộn của di tích.
Sơ đồ khu khai quật Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
Hệ thống dấu tích kiến trúc và di vật thời Đại La (Thế kỉ VII-IX)
Đây là những dấu vết kiến trúc xuất lộ sớm nhất tại khu di tích. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ gọi thành Đại La là “đô cũ của Cao Vương”. Đó là phủ thành An Nam do Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng năm 866 trên cơ sở các phủ thành trước: “Thành mang tên La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (6,139km), cao 2 trượng 6 thước (8,06m), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (8,06m), bốn mặt xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc (1,70m), 55 địch lâu (lầu quan sát địch), 5 môn lâu (lầu cửa), 6 ủng môn (cửa ống), 3 cửa nước, 34 đường bộ, lại đắp đê chu vi 2125 trượng 8 thước (6,589km), cao 1 trượng 5 thước (4,65m), chân rộng 3 trượng (9,30), lại dựng hơn 5000 gian nhà” 1. Tại các hố khai quật khu E và một số hố khu A, B, C, D như A20, B3, B16, D2, D4 hình thành một tầng văn hoá thời Đại La dày trên dưới 1m, trong đó xuất lộ một hệ thống dấu vết kiến trúc gồm: 4 dấu tích mặt bằng kiến trúc, 3 dấu tích nền gạch, 6 dấu tích đường cống nước, 3 dấu tích giếng nước 2. Hệ thống vật liệu kiến trúc gồm những đầu ngói ống trang trí mặt linh thú, trang trí hoa sen, những viên gạch lát nền hình vuông trang trí hoa văn hình cá sấu trong sóng nước, hình bông hoa sen, những phù điêu trang trí nóc mái,… đặc biệt những viên Gạch Giang Tây quân – những viên gạch có chữ có niên đại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Bằng khảo chứng thư tịch cổ, cố GS. Trần Quốc Vượng cho rằng đây là gạch của binh lính nhà Đường đóng góp nhằm phục vụ việc xây thành Đại La, niên đại vào khoảng cuối thế kỉ IX 3.
___________
1. Đại Việt sử kí toàn thư, Ngoại kỉ, Q.5, tr.14b-15a.
2. Tống Trung Tín, Phạm Văn Triệu, 2008, Nhận diện mặt bằng các di tích kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (2004-2008), Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004 – 2008).
3. Trần Quốc Vượng vài nhận xét nhỏ về những viên gạch “Giang Tây quân”, Nghiên cứu Lịch sử, số 83: 49 và 64, 1966.
Hệ thống dấu tích kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê (Thế kỉ X)
Trong quá trình khai quật đã phát hiện được một số di vật của thời kì này, đó là những viên gạch màu đỏ có in nổi chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, tượng uyên ương có niên đại nửa cuối thế kỉ X, đầu thế kỉ XI. Đó là các loại hình vật liệu được sử dụng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc, do đó tuy chưa phát hiện được các dấu tích kiến trúc thời kì Đinh – tiền Lê nhưng các nhà khảo cổ học cho rằng vào thời kì này cũng có các công trình kiến trúc lớn được xây dựng ở khu vực này.
Hệ thống dấu tích kiến trúc thời Lý (Thế kỉ XI-XII)
Ngay sau khi lên ngôi vua được 1 năm, Lí Công Uẩn đã xuống chiếu dời đô về thành Đại La: “… ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời…”. Khi về đến Đại La, nhà vua thấy rồng vàng hiện ra trước thuyền bèn đổi tên thành Thăng Long 1.
Vương triều Lý để lại những dấu tích kiến trúc dày đặc nhất trên toàn bộ diện tích khu di tích khảo cổ học, đó là 50 di tích mặt bằng kiến trúc, 02 di tích giếng nước, 03 di tích móng đường/ tường, 12 đường cống nước.
Hệ thống vật liệu kiến trúc thời Lý tương đối phong phú với các loại hình gạch hình chữ nhật, gạch hình vuông trang trí hoa sen, hoa mẫu đơn, ngói ống lợp diềm mái trang trí hoa sen, trang trí hình rồng và sự xuất hiện của những mô típ lá đề mang dấu ấn Phật giáo. Đặc biệt xuất lộ một số viên gạch có in chữ Hán như: Gạch Lí gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo sản xuất năm 1057 năm thứ ba thời Lý Thánh Tông, gạch Lí gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo sản xuất năm 1065 năm thứ ba thời Lý Thánh Tông.
___________
1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967, tr. 190.
Còn tiếp, vui lòng xem: Khu Di sản HOÀNG THÀNH THĂNG LONG: HIỆN TRẠNG và những PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN và PHÁT HUY GIÁ TRỊ (Phần 2)