Lời giới thiệu Bộ từ điển KANJI Hán – Nhật Việt

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

     Khi bắt đầu bước chân vào Viện Đại học Sài Gòn – những năm 1965 – 1970, tôi đam mê học chữ Nhật tại trường ngoại ngữ Sư phạm Sài Gòn. Tại sao lại nói là “đam mê”? Vì lúc ấy tại Đại học Văn Khoa – qua những lớp học về chữ Nôm Việt Nam tôi đã cảm thấy có điều gì đó đã xảy ra cho Nhật Bản (lúc ấy tôi không quan tâm đến Hàn Quốc). Điều gì đó đã lôi cuốn tôi bước vào nghiên cứu, tìm hiểu, để đối chiếu so sánh giữa hai loại hình ngôn ngữ của Việt Nam và Nhật Bản – mà giới ngôn ngữ học đã phân loại là ngôn ngữ chắp dính (Nhật Bản), ngôn ngữ đơn lập (Việt Nam).

     Chữ Hán du nhập vào Việt Nam (sớm hơn là vào Nhật Bản) và vào qua đường lối cai trị của các quan chức nhà Hán. Trong khi đó, chữ Hán bước vào Nhật Bản qua con đường Triều Tiên để du nhập đạo Khổng (sau Công Nguyên). Đường lối xâm nhập khác biệt này đã thúc đẩy tôi tìm hiểu về sự hấp thụ nền văn minh, văn hoá Trung Quốc của hai dân tộc thông qua di sản văn hoá ngoại lai đã để lại đến nay từ các nguồn thư khố, thư tịch và những dấu vết ngôn ngữ đang còn được sử dụng trong tầng lớp dân chúng.

     Lúc ấy khi học chữ Nhật, tôi lại có quan tâm riêng về lĩnh vực hình thành Bộ từ điển Hán Nhật (gọi là Từ điển Kanji) mà trước đó chưa thấy ấn phẩm nào trên thị trường sách hay trong thư viện. Chỉ có người học chữ Hán của Trung Quốc thì thuận lợi hơn do đã có hai tác giả nổi tiếng về từ điển Hán Việt Thiều Chửu Đào Duy Anh. Một người giải thích nghĩa của từng từ Hán (Cụ Thiều Chửu) còn một người vừa giải thích vừa ghép từ để thuyết minh (Cụ Đào Duy Anh).

     Tôi đã bước đi trong khó khăn khi viết bộ từ điển KANJI này mặc dù đã được tham khảo hai bộ từ điển Hán Việt đầy tâm phúc đã nêu trên. Trong suốt 6 năm chìm trong cuộc sống tăm tối, tôi đã đọc từng trang, từng chữ của Bộ từ điển Hán Hoà (tức là từ điển Hán Nhật) của Trung Quốc để theo dõi cách thuyết minh ngữ nghĩavà cũng kiểm chứng qua một số từ điển của Nhật – đặc biệt là Bộ đại từ điển UEDA’S DAIJITEN (a Japanese ditionary). Từ đó tôi đã phát hiện ra nhiều điều thú vị trong cách người Nhật sử dụng chữ Hán như thế nào để tạo chữ Hán Nhật và cũng từ đó tôi đã đối chiếu với chữ Hán Nôm Việt Nam. Tôi cảm thấy thú vị trong công cuộc đeo đuổi nghiên cứu của mình mà quên đi nỗi bất hạnh của cuộc đời. Tuy nhiên công cụ chính mà tôi đã sử dụng (ngoài khoảng hơn 100 bộ Từ điển khác nhau) chính là bộ từ điển UEDA’S DAIJITEN của American edition (Đại từ điển UEDA của Harvard University Press – Cambridge – Massachussetts – 1942 in tại Hoa Kỳ và quyển THE MODERN READER’S JAPANESE – ENGLISH CHARACTER DICTIONARY của Andrew N. Nelson xuất bản tại Tokyo – Nhật Bản (Copyright in Japan 1962).

     Kết quả đã đem lại cho tôi một phần thưởng quý báu là tập sách đã được Sài Gòn cho xuất bản công khai với tựa đề KANJI TỪ ĐIỂN với bút danh là Chính Văn (ấn hành khoảng năm 1973) tại Sài Gòn. Sau này trong thời gian giảng dạy ở Nhật (1988-1992), tôi đã được một nữ kí giả Nhật tên là TSUYU phỏng vấn và đăng trên Nhật báo Kinh tế Nhật như là người Việt Nam đầu tiên viết từ điển Hán Nhật.

     Toà soạn của báo, văn phòng Đại học Ngoại ngữ Osaka và đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo đều lo ngại khi bài báo ra đời – nhưng thật may mắn vì tôi có đem theo một bản gốc đã in thô sơ bằng tay do lúc đó tôi đã tự tạo bộ chữ Kanji bằng thủ công để chứng minh (từ năm 1973 tại Sài Gòn – như đã trình bày) và có hai Việt Kiều tại Tokyo gọi điện đến đại sứ quán xác nhận đã từng sử dụng tác phẩm thô sơ ấy của tôi.

x
x  x

     Người nữ kí giả đã đặt cho tôi những câu hỏi mang tính chuyên môn:

1. Tôi nghiên cứu chữ Nhật để làm gì?

     – Vì chữ Nhật và chữ Việt Nam đều mượn chữ Hán để tạo chữ viết cho mình trong thế giới hóa giải chữ Hán và tôi muốn tìm hiểu hai nước này đã mượn theo cách riêng nào?!

2. Cách riêng nào đó có gì đáng lưu ý cho giới nghiên cứu ngôn ngữ của hai nước?

     – Việt Nam sử dụng chữ Hán theo cách riêng của loại ngôn ngữ đơn lập nên phải nén chữ Hán lại để cho phát ra một âm thanh có ý nghĩa.

     – Còn Nhật Bản loại hình đa âm chắp dính nên đã trải âm thanh ra thành chuỗi như một đoàn tàu hỏa lắp ráp các bằng toa xe.

3. Kết quả nghiên cứu đó cho thấy điều gì?

     – Cho thấy những điều tương phản. Một là chữ Nhật đã du nhập chữ Hán với sự ngưỡng mộ sùng kính (Nhật Bản chưa từng tiếp nhận cuộc chiến tranh quân sự và chiếm đóng lâu dài nào của Trung Quốc).

     – Trong khi đó chữ Hán vào Việt Nam cũng có sự tôn sùng (vì chữ Hán từ hàng ngàn năm trước là thứ chữ đẹp về hình thức và mang ý nghĩa triết học về nội dung). Nhưng những từ ngữ nào của Hán ngữ mà Việt Nam đã có sẵn ngữ nghĩa tương đương, Việt Nam không cần vay mượn (Việt Nam từng chịu đựng sự đô hộ của nhà Hán nên có sự phản ứng). Trong khi đó, Nhật Bản dù bản thân đã có lớp từ riêng (âm KUN) nhưng vẫn không từ chối tiếp nhận thêm lớp từ Hán (âm ON) để cùng sống chung bên cạnh. Do đó hai lớp từ này đều được song hành trong đời sống văn hoá, ngôn ngữ Nhật Bản. Ta có thể mượn một ví dụ như là Việt Nam có từ Tim (cứ tạm gọi là âm Nôm Việt Nam) để gọi trái tim (từ vật chất) nên không mượn từ Hán Việt là Tâm tức là “trái tim” mà mượn từ Tâm để tạo từ ghép (từ tinh thần) như tâm hồn, tâm trạng, tâm tính… bình tâm, an tâm… đắc nhân tâm… Nhật Bản có âm KUN (âm Nôm) là Kokoro (trái tim). Nhật Bản vẫn còn “tham lam” khi vay mượn từ Hán Nhật là SHIN – vừa để đặt ra những lớp từ mang ý nghĩa tinh thần lại
vừa sử dụng ý nghĩa vật chất là “trái tim” (theo KENKYUSHA).

     – Một điều nữa là – Việt Nam có thể từ bỏ chữ Hán dễ dàng khi có thời cơ. Người Pháp xâm lược đã đem vào chữ Latinh. Do chữ Việt Nam không phải là chữ tượng hình nên ghi âm theo lối chữ Latinh thật thuận lợi. Và do có thanh điệu (6 thanh) nên ít xảy ra nhầm lẫn trong văn bản. Trong khi chữ Nhật không có thế mạnh này. Mặc dù có thời kì Nhật Bản sử dụng toàn chữ Latinh – Họ đã thất bại trong quá khứ khi không thể nhận dạng qua văn bản.

     – Người Nhật mượn chữ Hán theo cách của Nhật, người Việt Nam mượn chữ Hán theo cách của mình. Do đó chữ Hán của Nhật (Hán Nhật) và chữ Hán Việt Nam (Hán Việt) chỉ có 30% là đồng nghĩa. Lợi dụng sự trùng hợp này mà nhà cách mạng Phan Bội Châu có thể bút đàm để hiểu nhau một phần nào (vào thời trước đây) – Nhưng phần còn lại là dị nghĩa. Do đó giữa hai dân tộc đã xảy ra những trường hợp hiểu nhầm nhau khá thú vị. Nếu người Nhật Bản viết hai chữ Hán là DAIJIN (大b) đọc theo âm Hán Việt là Đại Thần thì được hiểu là Bộ trưởng. Còn nếu viết hai chữ Hán BUCHÔ (部”’) (Bộ trưởng) thì phải hiểu là Trưởng phòng. Bên cạnh đó từ KAGU (家?具) (Gia Cụ), đối với Trung Quốc là gọi chung những đồ vật trong nhà – từ nhà khách đến nhà bếp, trong khi đó Việt Nam hiểu là đồ sử dụng trong nhà bếp, còn Nhật Bản lại hiểu là đồ trang trí trong phòng khách.

x
x x

     – Vào thời kì Minh Trị Thiên Hoàng – một lớp từ Hán Nhật được Nhật Bản lắp ghép từ những từ đơn của Trung Quốc để sử dụng trong một số lĩnh vực xã hội, chính trị, khoa học quân sự. Kể từ đây Nhật Bản đã xuất khẩu sang Trung Quốc rồi trở ngược sang Việt Nam. Do đó nhiều học giả đã từng hiểu nhầm là từ chính gốc của Trung Quốc du nhập vào hai nước nói trên như những từ như Thủ tục (Te-tsuzuki – 手?±け), Hội xã (kaisha – 会社) nghĩa là công ty…

     – Học chữ Nhật qua lối chữ vuông (in trên báo chí) người học dễ nhận mặt chữ nhưng qua cách viết theo lối bán thảo – thật khó nhận diện – nhất là khi viết theo lối chữ thảo. Do đó chúng tôi ghi chép lại và gia công thêm một bước để hình thành bộ từ điển thứ hai (qua bộ sách của một học giả Mĩ cách đây 90 năm đã lập ra một bộ khoá giải mã các loại chữ Hán nói trên mà tôi đã không còn nhớ tên). Đó là quyển từ điển giải mã – các loại chữ Hán.

     – Bên cạnh đó chúng tôi có sưu tập thêm bộ chữ viết của Trung Quốc sẵn có để giúp người đọc tra cứu thư pháp.

     Do đó Bộ từ điển này, chúng tôi sẽ tập trung ba quyển từ điển nói trên thành Bộ KANJI từ điển mà tôi đã từng học, ghi chép và biên soạn trong nhiều năm khi còn là sinh viên Đại học Sài Gòn những năm trước 1975.

     Sau khi xuất bản bộ KANJI từ điển, chúng tôi sẽ ấn hành tiếp Bộ Chinese – Japanese dictionary – A Japanese dictionary of Chinese characters and Compounds, nhưng tôi cũng chưa biết đến bao giờ vì cuộc sống của tôi vẫn còn bấp bênh, không biết là còn đủ sức và đủ kiên nhẫn để làm công việc này nữa hay không.

    Chúng tôi mong muốn được độc giả xem xét thông cảm cho tác giả đã tự học tiếng Nhật trong điều kiện khó khăn – nên đã để lại nhiều sai sót.

Xin thành thật cảm tạ.

(Visited 1 times, 1 visits today)