NGUYỄN HẠNH1
Phó giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÙNG – người được biết đến nhiều trong giới sử học và văn hóa học Việt Nam thông qua Bộ tư liệu Kỹ thuật người An Nam – (Technique du Peuple Annamite) của HENRI OGER2 vào những năm 1908-1909 tại Hà Nội. Kỹ thuật người An Nam gồm 4.577 bức ký họa (bằng bút lông) đã được chuyển thể thành tranh khắc gỗ về nhiều mặt xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và được chú giải Hán Nôm và tiếng Pháp tại mỗi bức tranh. Công trình nói trên đã bị chôn vùi gần một thế kỷ kể từ năm 1909 cho đến ngày Nhà sưu tầm NGUYỄN MẠNH HÙNG công bố chính thức tại Hà Nội (1986).
Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) tiếp nhận và mời GS. ĐINH XUÂN LÂM3 hướng dẫn để giúp ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ sử học4. Từ sự phát hiện vào những năm 1962 tại Thư viện khảo cổ Sài Gòn và giới thiệu với Hãng phim Alpha5 để chụp vi phim và công bố rộng rãi trên khắp thế giới. Từ đó bộ vi phim được cung cấp qua giấy ảnh để gửi đến các học giả Việt Nam và quốc tế, (vi phim này được nhà sưu tập còn đang cất giữ làm tư liệu gốc để nghiên cứu từ năm 1962 đến nay tại Sài Gòn).
Tác giả bộ sưu tập công trình nói trên hiện đang tiếp tục làm việc – và còn hơn thế nữa – ông đã cùng với Tạp chí Xưa và Nay – Hội Sử học Việt Nam5 giới thiệu nhiều công trình sưu tập khác như – Bộ sưu tập Sắc phong Triều Nguyễn, Bộ sưu tập Sài Gòn xưa, Hà Nội xưa, Huế xưa, Việt Nam xưa 1, Việt Nam xưa 2, vv…
Cũng thật bất ngờ, gần đây tác giả cũng đã cho xuất bản Tập truyện ngắn “Con Kền kền và Thằng bé” 6, tái hiện nạn đói năm Ất Dậu (1945-1946) xãy ra tại nhiều khu vực miền Bắc thông qua phương pháp ẩn dụ bằng loại ngôn ngữ mượn lớp vỏ triết lý để dẫn dắt người đọc bước vào nhiều trang tư liệu quý báu về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc.
Đầu năm 2011, tác giả lại cho xuất bản Bộ Từ điển KANJI-Hán–Nhật-Việt đầu tiên của Việt Nam. Trong đó ông nêu lên vấn đề chữ Nôm Nhật Bản mà ông đã viết hơn 15 năm kể từ năm 1969 khi còn là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tác phẩm được ấn hành thô sơ bằng tay vào năm 1973 và qua 4 năm 1988-1992 giảng dạy tại Khoa Thái Việt, Đại Học Ngoại Ngữ Osaka7, Nhật Bản.
Tác giả đã hoàn tất thêm 2 Bộ Từ điển khác: Từ điển Thư pháp chữ Hán-Nhật và Từ điển giải mã Thư pháp. Đây là Bộ Từ điển đặc biệt lấy từ Thư khố Nhật Bản do Nhà nghiên cứu của Trường Đại học Mỹ để lại từ đầu thế kỷ. Toàn bộ 3 quyển Từ điển đã được Viện Từ điển Bách Khoa Việt Nam ấn hành chung thành một bộ duy nhất.
Chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả những đóng góp của TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Ông ví bản thân mình như “Con ngựa thồ” trong ngành giáo dục ra sức xây dựng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng8 Việt Nam.
MỜI XEM:
◊ Lời tựa số 1: LỜI GIỚI THIỆU ICONOGRAPHIE Historique de l’INDOCHINE Française.
CHÚ THÍCH:
1: NGUYỄN HẠNH, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay.
2: … đang cập nhật …
GHI CHÚ:
◊ Nguồn: VIỆT NAM XƯA, Vietnam in Ancient Time, PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG, Nhà Xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2012.
◊ Các chú thích, chữ nghiêng, chữ màu do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.