LÊ MINH KHUÊ1 (Nhà văn)
Lời vào sách
Những đối thoại có sức gợi nói về rất nhiều vấn đề thiên nhiên bị tàn phá, xuất xứ của loài người và sự mất nhân tính của con người, sự mất tự trọng sự tàn ác giữa con người với nhau, con người và thiên nhiên… Tất cả những câu thoại có cảm giác rời rạc và như là tác giả gặp đâu viết đấy ấy, lại có những liên tưởng chặt chẽ và kết nối chặt chẽ. Ám ảnh về bức ảnh dẫn tác giả tới cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu. Đây là phần trung tâm và chủ yếu của cuốn sách. Bằng những trích dẫn từ sách báo, bằng những câu chuyện nghe được, bằng suy luận và liên tưởng, tác giả nhắc lại những ngày đen tối khi người dân đồng bằng Bắc Bộ kiệt sức và gục ngã trên chính đất đai của mình. Những đoạn văn thật đau xót. “Ban ngày xóm làng trong bề ngoài thật yên tĩnh, nhưng đến đêm, nhất là vào đêm khuya, người đói trằn trọc, tìm cách chửi rủa và đánh nhau và la hét. Gặp trời rét quá phải đốt nhà để sưởi, chỉ dành một góc để vợ chồng con cái còn chui rúc…” Đã lâu không ai nhắc lại rất chi tiết cảnh cùng khổ ấy và tác giả chỉ cần vài dòng đã vẽ nên cảnh địa ngục và chúng ta từng nghe. Ban đêm cái đói gay gắt, con người xông vào cắn xé nhau và la hét để tự trấn an. nNhững đoạn viết gửi mở và có cảm xúc như thế không nhiều nhưng tác giả ở chỗ này hoặc chỗ kia trong tác phẩm đã là người viết có tư duy văn học Ông không thể viết tiếp những cảm xúc về cuộc sống như thế. Bao nhiêu cảnh tượng của năm Ất Dậu được tác giả cố gắng khai thác. Ví như cái đói làm người ta mất tự trọng ở chợ, người ta làm thịt trẻ con để bán, rồi trẻ con không đi ăn xin được vì bé quá, người ta phải cho nó ăn một cục gạch. Trong khung cảnh đó người giàu cũng không sống yên. Có ít người phởn phơ. Nhưng phần lớn người ta phải xúm vào đẩy lùi cái chết chóc. Tác giả đã kéo cả linh hồn ông TRẦN TRỌNG KIM vào để ông công bố số người chết đói. Sở dĩ nói dài về cái đói năm Ất Dậu vì theo tác giả cái đói còn đeo đẳng tất cả chúng ta, rất dễ xảy ra cái đói trên khắp hành tinh này chứ không riêng gì một vùng châu Phi, vùng đảo Thái Bình Dương, một vùng Châu Á.
Cái đói không của riêng ai!
Tác giả đã sử dụng những chi tiết đắt lấy từ các tư liệu lưu trữ chữ như người ta thuê người dọn xác chết trước cửa nhà mình, có bọn bất lương khiên xác ở nhà người thuê chúng dọn sang nhà người khác để lấy tiền công, hoặc khi nhiều xác quá bọn xác cắt tai người xấu số nộp nhà chức trách để lấy tiền… Từ những đau khổ của đồng loại, con người không có lương tâm vẫn tìm cách để trục lợi. Từ những trang viết ấy cho đến những trang sau, tác giả nói tới cái độc ác, cái vô đạo tồn tại trong xã hội chúng ta cho đến ngày nay. Con kền kền là nhân vật xuyên suốt tác phẩm . Nó là kẻ chứng kiến sự vô đạo và nó cũng có thể là kẻ dọn dẹp những ô uế của cuộc sống. Một câu chuyện có bề ngoài như là những bàn luận rất vô tình nhưng có ý tưởng xuyên suốt : cảnh tỉnh con người trước cái tai họa, cảnh tỉnh cái ác trong mỗi con người, cảnh tỉnh con người trước sự trừng phạt của thiên nhiên. Ý tưởng đó làm cho cuốn sách có thể đứng được và đọc hấp dẫn dù cho tác giả, do mới viết, đôi khi dàn trải và làm mỏng ý. Và cuốn sách là các đối thoại nhưng nếu các đối thoại nhiều hàm ý hơn, kín đáo và gợi mở hơn thì cách viết này cũng là đáng nể. Chúc mừng tác giả LÊ PHONG2 – Tiến sĩ Sử học – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Chờ đợi các tác phẩm mới của ông.
Lời dẫn truyện
LÊ PHONG2
Khi xem bức ảnh “Con kền kền đứng bên cạnh thằng bé” để chờ ăn thịt của một nhà nhiếp ảnh quốc tế để ghi lại hình ảnh khốn cùng của vùng đất nghèo Châu Phi, tôi đã chạnh lòng và nghĩ ngợi về thằng bé như đang đứng bên cạnh Tử Thần.
Rồi khi được thăm dự một cuộc hội thảo về nạn đói năm Ất Dậu 1945, và đọc qua nhiều tài liệu tham khảo khác nữa – tôi càng liên tưởng thấy thằng bé trong tấm ảnh trên như đang rơi vào trung tâm của nạn đói.
Tôi không yên lòng trong thời gian dài và phải tự mình ghi chép lại những cảm xúc luôn mông lung trong cuộc chiến đấu Sống – Chết này.
Nạn đói đã ảnh hưởng đến công cuộc kháng chiến trong giai đoạn mở đầu, ảnh hưởng đến phẩm giá con người trong đời sống bình dị của dân tộc.
Hãy để cho câu chuyện mà tôi đã viết ra được gửi đến người đọc như tìm chút yên tĩnh trong cơn bão tố đầy biến động chính trị của xã hội Việt Nam thời ấy.
Cảm ơn những nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh, nhà chính trị… đã để lại những tư liệu quý đã 70 năm qua mà tôi đã mượn lời những nhân vật trong truyện để sao chép lại vóc dáng một giai đoạn ngắn về lịch sử văn hóa thời kỳ rất đặc biệt này: (17/4/1945 – 15/8/1945).
CHÚ THÍCH:
1: LÊ MINH KHUÊ (6/12/1949, Lan Châu, Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa – …) là nhà văn nữ Việt Nam chuyên viết truyện ngắn, truyện vừa. Truyện của LÊ MINH KHUÊ được dịch và xuất bản tại các nước Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Italia và Hàn Quốc.
LÊ MINH KHUÊ có những bài báo đầu tiên (năm 1967) và bắt đầu viết văn từ năm 1969. Đề tài chính của thời kỳ chiến tranh trong sáng tác của LÊ MINH KHUÊ là đời sống cuộc chiến, máu lửa nhưng con người được tinh thần lạc quan liên kết. Từ 1984 LÊ MINH KHUÊ thay đổi sang các đề tài khác trong cuộc sống hòa bình.
LÊ MINH KHUÊ còn là phóng viên Báo Tiền phong, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn (từ 1978 đến khi nghỉ hưu). MỜI XEM chi tiết đầy đủ: LÊ MINH KHUÊ.
2: LÊ PHONG, bút danh của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG. MỜI XEM chi tiết đầy đủ: PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG.
GHI CHÚ:
◊ Nguồn: LÊ PHONG, Con Kền Kền và Thằng Bé, NXB. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2009.
◊ Các chú thích, chữ màu và hình ảnh sêpia hóa do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.