Lời vào sách của Nhà Văn LÊ MINH KHUÊ – tiểu thuyết CON KỀN KỀN và THẰNG BÉ

LỜI VÀO SÁCH 

Những đối thoại có sức gợi nói về rất nhiều vấn đề. Thiên nhiên bị tàn phá, xuất xứ của loài người và sự mất nhân tính của con người, sự mất tự trọng, sự tàn ác giữa con người với nhau, con người và thiên nhiên… Tất cả những câu thoại có cảm giác rời rạc và, như là tác giả gặp đâu viết đấy ấy, lại có những liên tưởng chặt chẽ và kết nối chặt chẽ. Ám ảnh về bức ảnh dẫn tác giả tới cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu. Đây là phần trung tâm và chủ yếu của cuốn sách. Bằng những trích dẫn từ sách báo, bằng những câu chuyện nghe được, bằng suy luận và liên tưởng, tác giả nhắc lại những ngày đen tối khi người dân đồng bằng Bắc Bộ kiệt sức và gục ngã trên chính đất đai của mình. Những đoạn văn thật đau xót. “Ban ngày, xóm làng trông bề ngoài thật yên tĩnh, nhưng đến đêm, nhất là vào đêm khuya, người đói trằn trọc, tìm cách chửi rủa và đánh nhau và la hét. Gặp trời rét quá phải đốt nhà để sưởi. Chỉ dành một góc để vợ chồng con cái còn chui rúc…” Đã lâu không ai nhắc lại rất chi tiết cảnh cùng khổ ấy và tác giả chỉ cần vài dòng đã vẽ nên cảnh địa ngục mà chúng ta từng nghe. Ban đêm cái đói gay gắt, con người xông vào cắn xé nhau và la hét để tự trấn an.

Những đoạn viết gợi mở và có cảm xúc như thế không nhiều nhưng tác giả ở chỗ này hoặc chỗ kia trong tác phẩm đã là người viết có tư duy văn học. Ông có thể viết tiếp những cảm xúc về cuộc sống như thế. Bao nhiêu cảnh tượng của năm Ất Dậu được tác giả cố gắng khai thác. Ví như cái đói làm người ta mất tự trọng, ở chợ người ta làm thịt trẻ con để bán. Rồi trẻ con không đi ăn xin được vì bé quá, người ta phải cho nó ăn một cục gạch… Trong khung cảnh đó người giàu cũng không sống yên. Có ít người phởn phơ nhưng phần lớn người ta phải xúm vào đẩy lùi chết chóc. Tác giả đã kéo cả linh hồn ông Trần Trọng Kim vào để ông công bố số người chết đói… Sở dĩ nói dài về cái đói năm Ất Dậu vì theo tác giả, cái đói còn đeo đẳng tất cả chúng ta, rất dễ xảy ra cái đói trên khắp hành tinh này chứ không riêng gì một vùng châu Phi, một vùng đảo Thái Bình Dương, một vùng châu Á.

Cái đói không của riêng ai!

Tác giả đã sử dụng những chi tiết đắt lấy từ các tư liệu lưu trữ, như người ta thuê người dọn xác chết trước cửa nhà mình, có bọn bất lương khiêng xác ở nhà người thuê chúng dọn sang nhà người khác để lấy tiền công, hoặc khi nhiều xác quá bọn dọn xác cắt tai người xấu số nộp nhà chức trách để lấy tiền… Từ những đau khổ của đồng loại, con người không có lương tâm vẫn tìm cách để trục lợi. Từ những trang viết ấy cho đến những trang sau, tác giả nói tới cái độc ác, cái vô đạo tồn tại trong xã hội chúng ta cho đến ngày nay. Con kền kền là nhân vật xuyên suốt tác phẩm. Nó là kẻ chứng kiến sự vô đạo và nó cũng có thể là kẻ dọn dẹp những ô uế của cuộc sống.

Một câu chuyện có bề ngoài như là những bàn luận rất vô tình nhưng có ý tưởng xuyên suốt: cảnh tỉnh con người trước các tai hoạ, cảnh tỉnh cái ác trong mỗi con người, cảnh tỉnh con người trước sự trừng phạt của thiên nhiên. Ý tưởng đó làm cho cuốn sách có thể đứng được và đọc hấp dẫn dù cho tác giả, do mới viết, đôi khi dàn trải và làm mỏng ý. Và cuốn sách là các đối thoại nhưng nếu các đối thoại nhiều hàm ý hơn, kín đáo và gợi mở hơn thì cách viết này cũng là đáng nể.

Chúc mừng tác giả Lê Phong. Xin chờ đợi các tác phẩm mới của ông với cái chất giọng khá lạnh lùng và ấm áp này

Lê Minh Khuê (nhà văn)

 

(Visited 7 times, 1 visits today)