Một số đề xuất CHUẨN HOÁ THUẬT NGỮ BÁO CHÍ tiếng Việt

Một số đề xuất CHUẨN HOÁ THUẬT NGỮ BÁO CHÍ tiếng Việt

QUÁCH THỊ GẤM
(ThS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

   Thuật ngữ (TN) là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ phản ánh trình độ khoa học của một đất nước. Vì vậy, chuẩn hoá TN là một vấn đề rất quan trọng. Trong hệ thống TN báo chí tiếng Việt hiện nay, số lượng TN chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết của TN chuẩn mực chiếm tỉ lệ khá lớn với 24,9% tổng số các TN được khảo sát (830/3330 TN). Công việc chuẩn hoá TN báo chí tiếng Việt cần phải dựa trên một số cơ sở khoa học quan trọng như: dựa vào các tiêu chuẩn của TN (tính chính xác, tính hệ thống, tính ngắn gọn); dựa vào đặc trưng của tiếng Việt (quy luật tiết kiệm trong ngôn ngữ; trật tự ghép theo cú pháp tiếng Việt, ngữ âm, chính tả phù hợp với tiếng nói, chữ viết của dân tộc, sử dụng các từ Hán Việt tạo ra các cấu trúc chặt chẽ với ý nghĩa trừu tượng, khái quát, v.v.); dựa vào nội dung của khoa học báo chí, thói quen của những người làm báo, v.v.

     Dưới đây là một số đề xuất chuẩn hoá TN báo chí tiếng Việt cụ thể.

1. Chuẩn hoá các TN mơ hồ, chưa gọi tên chính xác khái niệm

     TN là đơn vị định danh khái niệm nên chúng phải có tính trung hoà trong mọi ngữ cảnh, nội dung của TN không phụ thuộc vào ngữ cảnh và không bị ngữ cảnh chi phối. Một số TN báo chí mơ hồ, chưa gọi tên chính xác khái niệm là các TN do đã bị rút gọn yếu tố hư, nhưng sự rút gọn này đã vi phạm tính chính xác của TN bởi vì nếu tách khỏi ngữ cảnh sẽ tạo ra cách hiểu mơ hồ về nội dung TN. Chẳng hạn, các TN: chụp phim màu, chụp phim đen trắng sau khi đã lược bớt hư từ chúng ta sẽ hiểu phim màu và phim đen trắng là đối tượng của hành động. Tuy nhiên, thực tế phim màu và phim đen trắng là phương tiện của hành động mới chính xác và hợp logic. Vậy, đối với những trường hợp kiểu này, chúng ta không thể đề cao tính ngắn gọn một cách máy móc mà làm mất đi tính chính xác của TN. Do đó, chúng tôi đề nghị trong các TN này bắt buộc phải có giới từ để cho TN được chính xác, rõ nghĩa. Cụ thể: chụp phim màu, chụp phim đen trắng, chụp đèn điện tử cần thêm giới từ bằng: chụp bằng phim màu, chụp bằngphim đen trắng, chụp bằng đèn điện tử để khu biệt phương tiện của hành động; chụp góc độ cao, chụp góc độ thấp cần thêm giới từ ở chụp ở góc độ cao, chụp ở góc độ thấp: để khu biệt vị trí của hành động.

     Như vậy, trong trường hợp trên, giới từ có vai trò rất quan trọng trong việc làm nên tính chính xác của TN, chúng là một yếu tố không thể thiếu trong thành phần cấu tạo của một số TN.

2. Chuẩn hoá các TN dư thừa các yếu tố không cần thiết

     Các TN chứa các yếu tố không cần thiết, bao gồm yếu tố hư (nhiều nhất là của, cho, trong, các, ở, v.v.), yếu tố có nghĩa thực nhưng không phải là yếu tố căn bản và một số dấu câu. Để chuẩn hoá các TN này, chúng tôi xin đề xuất cho từng nhóm cụ thể như sau:

     2.1. Đối với các TN dư thừa yếu tố hư, chỉ cần bỏ yếu tố hư để đảm bảo tính ngắn gọn nếu chúng không ảnh hưởng đến độ chính xác của TN.

     Trong số các TN báo chí có chứa yếu tố hư, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có thể loại bỏ chúng để kết cấu TN chặt chẽ hơn, hàm súc hơn mà không ảnh hưởng đến tính chính xác của TN. Ví dụ: chủ đềcủa phóng sự → chủ đề phóng sựđề tài cho tác phẩm bình luận → đề tài tác phẩm bình luận.

     Ngoài ra, việc loại bỏ một số hư từ không cần thiết không những đảm bảo cho kết cấu TN ngắn gọn, chặt chẽ mà nghĩa của TN mang tính khái quát hơn. Ví dụ: quảng cáo trên các tạp chí → quảng cáo trên tạp chíthư mục các ấn phẩm → thư mục ấn phẩmxây dựng một chương trình phát thanh → xây dựng chương trình phát thanh.

     Tuy nhiên cần lưu ý một số trường hợp không thể bỏ hư từ vì nếu loại bỏ chúng sẽ làm cho TN trở nên mơ hồ, không rõ nghĩa. Chẳng hạn: ảnh chụp bằng ánh sáng xuôi, bài bình luận theo chủ đề, bố cục theo hướng chụp nếu lược bỏ bằngtheo sẽ dẫn đến việc hiểu sai TN: từ phương tiện, phương thức của hành động trở thành đối tượng của hành động.

     Như vậy, việc loại bỏ các yếu tố hư giúp cho TN mang tính ngắn gọn, góp phần bảo đảm tính chính xác của TN. Tuy nhiên, cũng phải xem xét đến từng trường hợp để tránh việc loại bỏ hư từ lại làm giảm tính chính xác của TN.

     2.2. Đối với các TN thừa yếu tố thực không cần thiết hoặc mang tính miêu tả, loại bỏ một số yếu tố thực không cần thiết; thay thế bằng các yếu tố đồng nghĩa và có thể cấu tạo lại TN để đảm bảo tính ngắn gọn, chính xác và tính hệ thống. Cụ thể:

     – Loại bỏ yếu tố gần nghĩa hoặc đồng nghĩa có quan hệ đẳng lập trong các TN là cụm từ. Chẳng hạn với yếu tố “lựa” trong  lựa chọn chương trình, lựa chọn thông tin, lựa chọn hình ảnh, lựa chọn sóng phát thanh, v.v. có thể rút gọn để trở thành các TN ngắn gọn hơn: chọn chương trình, chọn thông tin, chọn hình ảnh, chọn sóng phát thanh, v.v. tạo nên tính hệ thống với một loạt các TN như chọn ảnh, chọn cảnh, chọn góc độ, chọn nhạc, v.v.

     Bên cạnh đó, một số yếu tố không căn bản của TN báo chí có thể nhận biết rõ về mặt hình thức đó là các yếu tố được đặt trong dấu ngoặc đơn để danh hoá như các từ sự, việc hoặc các từ, cụm từ nhằm giải thích rõ thêm nghĩa của TN. Các yếu tố này làm cho TN có xu hướng trở thành các ngữ giải thích khái niệm hơn là gọi tên khái niệm. Điều này, làm cho quan hệ các yếu tố trong TN lỏng lẻo, không đạt tính khoa học, từ đó gây khó khăn, lúng túng trong việc sử dụng. Đi vào cụ thể, chúng tôi đề nghị:

     – Bỏ yếu tố có chức năng danh hoá TN như sự trong (sự) chuyển thể kịch bản thành chuyển thể kịch bản. Tương tự, bỏ sự trong các TN (sự) ghi âm tự động, (sự) ghi âm từ xa, sự lên khuôn điện tử, (sự) chọn chữ, (sự) đặt mua ấn phẩm định kì thành ghi âm tự động, ghi âm từ xa, lên khuôn điện tử, chọn chữ, đặt mua ấn phẩm định kì… Theo nguồn tư liệu, hầu hết các TN có sự hiện diện của yếu tố có chức năng danh hoá được dịch từ tiếng nước ngoài và xuất hiện trong các từ điển. Tuy nhiên, trên thực tế tính từ và động từ cũng là những từ loại có tư cách tham gia vào việc định danh TN. Cho nên việc thêm yếu tố để danh hoá TN là dư thừa, không cần thiết.

     – Bỏ các yếu tố là từ, cụm từ có chức năng giải thích rõ thêm nghĩa của TN, đồng thời trong một số trường hợp phải cấu tạo lại hoặc thay đổi các yếu tố để tạo thành TN ngắn gọn mang tính định danh. Chẳng hạn:

     + Bỏ lại trong cảnh ngược lại thành cảnh ngược (tạo nên tính hệ thống với các TN chuẩn như cảnh tĩnh, cảnh động, cảnh đôi, cảnh hỗn hợp).

     + Nên rút gọn đi trong phóng viên truyền hình đi lưu động thành phóng viên truyền hình lưu động vì trong yếu tố lưu động đã bao hàm đi. Cũng như vậy, nên rút gọn thể loại trong câu hỏi trong thể loại phỏng vấn thành câu hỏi trong phỏng vấn bởi phỏng vấn chính là một thể loại báo chí giống như phóng sự, bình luận, v.v. nên không cần thiết phải thể hiện trên chữ viết.

     + Bỏ yếu tố được và cụm từ phân biệt với tin nhận hoặc lấy từ nguồn nước ngoài trong bản tin được sản xuất trong nước (phân biệt với tin nhận hoặc lấy từ nguồn nước ngoài) thành bản tin sản xuất trong nước.Có thể thấy, sự loại bỏ các yếu tố dư thừa trên giúp cho các TN có xu hướng là các ngữ giải thích khái niệm trở thành các TN chuẩn: định danh khái niệm.

     Ngoài ra, đối với các TN kiểu như tiêu đề được đóng khung chúng tôi đề nghị bỏ yếu tố được để đảm báo tính ngắn gọn, tính định danh của TN và thay tiêu đề bằng yếu tố đồng nghĩa phiên âm tít tạo thành TN tít đóng khung để đảm bảo tính hệ thống với các TN chuẩn khác như tít dài, tít ngắn, tít bổ sung, tít giản lược, tít phụ trên, tít phụ dưới…

     – Tương tự, thay thế yếu tố truyền thanhthu thanh bằng yếu tố phát thanhquốc gia bằng trung ươngvà bỏ hư từ để đảm bảo tính hệ thống, tính chính xác trong các TN: ngôn ngữ trong câu chuyện truyền thanh→ ngôn ngữ câu chuyện phát thanh; hiệu quả của tường thuật thu thanh→ hiệu quả tường thuật phát thanh; đài phát thanh của quốc gia → đài phát thanh trung ương.

     – Thay yếu tố video bằng hình ảnh nhằm bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt trong TN: dải tần số của tín hiệu video→ dải tần số tín hiệu hình ảnh.

     2.3. Đối với các TN thừa dấu câu: bỏ các dấu câu để tạo thành TN hoàn chỉnh. Đây là các TN mang tính liên kết thành một khái niệm tổng hợp. Vì vậy, cần bỏ các dấu câu để tạo nên các TN hoàn chỉnh và có kết cấu chặt chẽ về mặt hình thức. Các TN này chiếm tỉ lệ rất thấp. Chẳng hạn: phóng sự – điều tra → phóng sự điều tra[băng] catset → băng catset.

3. Chuẩn hoá TN kép

     Về hình thức đó là những TN thường chứa liên từ , hoặc dấu phẩy, dấu gạch chéo, gạch ngang. Về nội dung chúng thường biểu thị hai hoặc hơn hai khái niệm, đối tượng khác nhau, trong khi tiêu chuẩn về tính chính xác của TN đòi hỏi mỗi TN chỉ tương ứng với một khái niệm, đối tượng. Vì vậy, giải pháp đối với các TN ghép cũng khá đơn giản chỉ cần bỏ các dấu câu (dấu phẩy, dấu gạch chéo…), liên từ và, hoặc trong các TN kép để tách thành các TN đơn khái niệm. Ví dụ: Anten phát và thu cần bỏ liên từ và để tách thành hai TN: (1) anten phát (2) anten thu;cầu phát thanh/truyền hình cần bỏ dấu gạch chéo để tách thành hai TN: (1) cầu phát thanh (2) cầu truyền hình…

4. Chuẩn hoá các TN phiên âm chưa thống nhất

     Để chuẩn hoá các TN phiên âm, về cơ bản vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc phiên TN nước ngoài ra tiếng Việt đã được thừa nhận và công bố năm 1983 [xem [10]]; và sự tuân thủ này là cần thiết bởi đó là cơ sở khoa học và pháp lí duy nhất hiện nay. Hình thức chính tả của các TN phiên được quy định là: thống nhất cách viết liền các âm tiết, giữa các âm tiết không gạch nối, đồng thời bỏ dấu thanh ở các TN phiên. Bên cạnh đó, có thể lược bớt một số âm tiết cuối nếu như không vi phạm tính chính xác của TN để đảm bảo tính ngắn gọn, giúp cho người học tiếp cận TN dễ dàng và phù hợp với quy luật ngữ pháp tiếng Việt.

     Căn cứ vào các nguyên tắc trên, chúng tôi đề nghị hình thức phiên thống nhất đối với các TN báo chí như sau: antenne →anten; offset → opset; typogrphie → tipo; manchette → mangsetmicrophone → micromaquette → maket; lazer → lazeseries → seri.

     Có thể thấy các TN báo chí phiên âm phần lớn là các thuật ngữ chỉ thao tác, kĩ thuật mang tính chuyên sâu và chủ yếu được các nhà báo sử dụng, công chúng ít khi tiếp xúc với các TN này. Việc phiên TN theo hình thức trên là phù hợp, không chỉ đảm bảo tính ngắn gọn, thống nhất của TN mà vẫn giữ được tính quốc tế, không xa rời với hình thức nguyên bản của TN phương Tây. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu quốc tế và tham khảo tài liệu nước ngoài trong xu thế hội nhập ngày càng phát triển hiện nay.

5. Chuẩn hoá các TN đồng nghĩa

Chúng tôi đã phân loại được 9 nhóm TN đồng nghĩa, dưới đây là một số đề xuất chuẩn hoá TN đối với từng nhóm cụ thể:

     Nhóm 1: Đồng nghĩa do một trong hai TN chứa yếu tố phụ không cần thiết (phần lớn là hư từ). Để chuẩn hoá TN nhóm này khá đơn giản bởi vì chúng ta chỉ cần loại bỏ các TN chứa các yếu tố phụ không cần thiết và giữ lại TN ngắn gọn, không chứa yếu tố dư thừa. Ví dụ: ảnh phóng sự/ ảnh của phóng sự/ ảnh trong phóng sự chỉ giữ lại ảnh phóng sự (loại bỏ 2 TN chứa hư từ). Tương tự: tít phóng sự/ tít trong phóng sự → tit phóng sự; truyền hình trả tiền/ truyền hình phải trả tiền (thuê bao) → truyền hình trả tiền.

     Nhóm 2: Đồng nghĩa do một trong hai TN mang tính miêu tả, giải thích khái niệm. Đối với nhóm này, việc chuẩn hoá TN cũng khá dễ dàng vì chúng ta cũng chỉ cần loại bỏ các TN mang tính miêu tả, giải thích khái niệm và giữ lại TN ngắn gọn. Chẳng hạn: báo chuyên biệt và báo cho các tầng lớp, các giới nên chọn TN báo chuyên biệt (loại bỏ TN mang tính miêu tả: báo cho các tầng lớp, các giới; báo phổ thông và báo chung cho toàn dân nên chọn TN báo phổ thông (loại bỏ TN mang tính miêu tả báo chung cho toàn dân). Tương tự, nên chọn TN giờ vàng hơn là TN giờ có đông khán giả theo dõi chương trình.

     Nhóm 3: Đồng nghĩa do một TN ở dạng rút gọn còn một TN ở dạng đầy đủ. Đối với nhóm này, nên lựa chọn các TN ở dạng rút gọn, nhằm phù hợp với tính tiết kiệm trong ngôn ngữ và tính ngắn gọn của TN, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính chính xác cũng như diễn đạt đúng khái niệm mà TN biểu thị, bởi các yếu tố được rút gọn thường là các yếu tố mang tính chất mặc định. Chẳng hạn: ảnh sự kiệnảnh thông tin sự kiện → ảnh sự kiện (chọn TN rút gọn) vì trong yếu tố sự kiện đã bao hàm là một loại thông tin và ở đây là thông tin về sự kiện. Tương tự: ảnh bìa, ảnh trang bìa → ảnh bìa (chọn TN rút gọn). Trong yếu tố bìa đã mang ý nghĩa chỉ vị trí của một loại trang, nên cũng không cần thiết phải có thêm yếu tố tranghiện diện trong TN này.

     Nhóm 4: Đồng nghĩa do một TN được đặt theo lối Hán Việt còn TN kia đặt theo lối thuần Việt. Đối với nhóm này chúng tôi đề xuất nên chọn hầu hết các TN được đặt theo lối Hán Việt và loại bỏ các TN đặt theo lối thuần Việt bởi các yếu tố Hán Việt chúng thường mang tính trừu tượng, khái quát nên phù hợp với đặc điểm và ý nghĩa của TN hơn.Ví dụ: bình luận viên, nhà bình luận, người bình luận → bình luận viên; đồng biên tập, người cùng biên tập → đồng biên tập; trang nhất, trang đầu → trang nhất.

     Nhóm 5: Đồng nghĩa do một trong hai TN đảo yếu tố. Đối với nhóm này, việc chuẩn hoá TN chúng tôi đề nghị nên căn cứ vào trật tự cú pháp tiếng Việt để lựa chọn TN. Cụ thể, TN được lựa chọn là TN được cấu tạo theo cú pháp tiếng Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau. Chẳng hạn: thể loại và loại thể nên chọn thể loại làm TN chuẩn. TN này không chỉ phù hợp với cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt mà còn được sử dụng khá nhất quán trong các tài liệu báo chí hiện nay. Còn loại thể xuất hiện chủ yếu trong các tài liệu báo chí trước kia và xuất hiện với tần số thấp. Tương tự: báo chí chính luận và chính luận báo chí nên chọn báo chí chính luận.

     Nhóm 6: Đồng nghĩa do một TN được vay mượn theo hình thức giữ nguyên dạng hoặc phiên âm còn TN kia là sao phỏng. Để thống nhất TN nhóm này, lí tưởng là lựa chọn TN sao phỏng. Tuy nhiên, tư liệu cho thấy, một số TN vay mượn theo dạng giữ nguyên dạng hoặc phiên âm lại là các TN đã được sử dụng quen thuộc với người sử dụng hơn là các TN sao phỏng, thậm chí các TN sao phỏng lại thường chứa các biến thể đồng nghĩa. Vì vậy, ở nhóm đồng nghĩa này, phần lớn chọn các TN vay mượn theo lối nguyên dạng và phiên âm. Ví dụ, trong các TN tít/ tiêu đề, đầu đề nên chọn tit làm TN chuẩn. Đề xuất của chúng tôi cũng tương tự với ý kiến của Vũ Quang Hào [4, 138]. Tác giả đề nghị và chấp nhận dùng TN tit (vốn mượn từ tiếng Pháp Titre và tiếng Anh Title) bởi vì đây vừa là một TN báo chí, lại vừa là một từ nghề nghiệp, nó được dùng rất phổ biến và quen thuộc trong làng báo Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX. Mặt khác, TN này có khả năng phái sinh cao, nói cách khác, nó tiện lợi cho việc gọi tên các khái niệm phát sinh từ khái niệm gốc (ví dụ: tit chính, tit phụ, tit dẫn, tit đầu trang…) và tiện lợi cho việc gọi tên các thao tác xử lí tit (ví dụ: rút tit, đặt tit, chạy tit). Tương tự: bản bông/ bản in thử → bản bôngmakét trình bày → maket.

     Nhóm 7: Đồng nghĩa do các TN được cấu tạo bằng những yếu tố đồng nghĩa. Nhóm TN này chiếm số khá lớn. Đi vào cụ thể, nhóm này chứa các yếu tố đồng nghĩa như: đồng nghĩa giữa yếu tố mang tính khái quát – cụ thể; đồng nghĩa giữa yếu tố Hán Việt – thuần Việt; đồng nghĩa giữa yếu tố thuộc phong cách viết – nói, đồng nghĩa giữa yếu tố mang tính phổ biến – ít phổ biến, v.v. Tất cả các yếu tố được nói đến đầu tiên: khái quát, Hán Việt, thuộc phong cách viết, mang tính phổ biến đều phù hợp với các tính chất của TN hơn. Chính vì vậy, để chuẩn hoá, thống nhất TN nhóm này, chúng ta nên:

     Lựa chọn TN chứa yếu tố mang tính khái quát và loại bỏ TN mang yếu tố cụ thể. Ví dụ: hoà âm/trộn âm → hoà âm; cảnh đặc tả/ cảnh chi tiết → cảnh chi tiết; tạp chí lược thuật/ tạp chí tóm tắt → tạp chí lược thuật; báo bán rong/ báo bán rạo → báo bán rong, v.v.

     Lựa chọn TN chứa yếu tố Hán Việt và loại bỏ TN mang yếu tố thuần Việt. Ví dụ: bản tin vắn/ bản tin ngắn → bản tin vắn; bản tin nước ngoài/ bản tin quốc tế → bản tin quốc tế, v.v.

    Lựa chọn TN chứa yếu tố thuộc phong cách viết và loại bỏ TN mang yếu tố khẩu ngữ. Ví dụ: in đồng loạt/in hàng loạt→ in đồng loạt; bước sóng cực ngắn/ bước sóng rất ngắn → bước sóng cực ngắn; trợ lí biên tập/ phụ biên tập → trợ lí biên tập, v.v.

     Lựa chọn TN chứa yếu tố mang tính phổ biến và loại bỏ TN mang yếu tố ít phổ biến. Ví dụ: báo chí trung ương, báo chí quốc gia → báo chí trung ương; phát hành báo chí/ ấn hành báo chí → phát hành báo chí; tạm dừng phát sóng/tạm ngưng phát sóng → tạm dừng phát sóng…

     Nhóm 8: Đồng nghĩa do cùng một đặc trưng của khái niệm nhưng đặt tên gọi khác nhau. Đây là nhóm đồng nghĩa khá phức tạp bởi vì chúng ta không dễ dàng tìm thấy có nét chung nào trong các tên gọi này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dựa vào các tiêu chí như tính chính xác, tính hệ thống và tính phổ biến của TN để lựa chọn TN điển hình.

     Ví dụ: ánh sáng chiếu xuôi và ánh sáng thuận nên loại bỏ TN ánh sáng thuận và chọn TN ánh sáng chiếu xuôi để đảm bảo tính hệ thống với TN ánh sáng chiếu ngược. Tương tự: cấu trúc hình tháp thường, cấu trúc hình nón và cấu trúc hình cây thông nên chọn TN cấu trúc hình tháp thường để đảm bảo tính hệ thống với TN cấu trúc hình tháp ngược.

     Đối với các TN dưới đây chúng ta có thể dựa vào thói quen sử dụng để lựa chọn. Ví dụ: tin sâu và tin chi tiết nên chọn TN tin chi tiết vì chúng được sử dụng phổ biến hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tượng tự, nên chọn TN tin bình truyền hình vì chúng được dùng phổ biến hơn so với tin sâu truyền hình. Còn đối với các TN như đóng bìa và vào bìa nên chọn TN đóng bìa vì chúng biểu thị chính xác khái niệm hơn.

     Nhóm 9: Đồng nghĩa do đặt tên TN dựa trên nhiều đặc trưng khác nhau của cùng một khái niệm. Nhóm này chiếm số lượng lớn nhất trong số các TN báo chí đồng nghĩa. Đây cũng là nhóm đồng nghĩa phức tạp nhất bởi vì chúng đồng nghĩa theo nhiều dạng khác nhau. Điều đáng chú ý là một số TN đồng nghĩa ở nhóm này lại thuộc các TN cơ bản.

     Về nguyên tắc định danh, chúng ta chỉ có thể chọn một trong số các đặc trưng để lấy làm tên gọi và đặc trưng đó phải tiêu biểu đủ để phân biệt giữa sự vật này với sự vật khác. Như vậy, các TN này đã vi phạm nguyên tắc định danh bởi vì có quá nhiều đặc trưng cùng được đưa vào trong tên gọi. Vì vậy, để chuẩn hoá các TN này không chỉ dựa vào tính chính xác, tính hệ thống, tính ngắn gọn của TN mà còn phải dựa trên nội dung chuyên môn của ngành báo chí và thói quen sử dụng của các nhà báo. Chẳng hạn, đối với các TN báo in, báo viết, báo giấy nên chọn TN báo in làm TN chuẩn. Tên gọi này biểu thị chính xác nội dung khái niệm nhất bởi vì đây là loại hình báo chí “được thực hiện bằng phương tiện in” [5, 270]. Trong Điều 3, Chương I của Luật báo chí và trong Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí cũng ghi TN báo in (mà không dùng các TN báo viết, báo giấy) [5, 258]. Ngoài ra, theo thống kê của chúng tôi, tần số xuất hiện của TN báo in rất lớn. Thậm chí trong nhiều giáo trình và chuyên khảo báo chí hiện nay đã sử dụng nhất quán TN báo in [3],[4],[5],[7],[11].

     Trong các TN: báo nói/ báo phát thanh/báo truyền thanh/ truyền thanh/phát thanh/ báo radio/ báo tiếng/ báo điện tử phát thanh,v.v. nên chọn phát thanh làm TN chuẩn. Khảo sát hệ thống TN báo chí chúng tôi thấy rằng, từ TN phát thanh là thuật gốc đã tạo ra khoảng gần 100 TN có phát thanh làm hạt nhân như: phát thanh AM, phát thanh địa phương, phát thanh trung ương, phát thanh chuyên biệt, phát thanh lưu động, phát thanh qua vệ tinh, ấn phẩm phát thanh, biên kịch viên phát thanh, chương trình phát thanh, v.v. Trong khi đó TN truyền thanh làm hạt nhân chỉ có vài TN. Còn các TN báo nói/ báo phát thanh/ báo radio, báo tiếng, báo điện tử phát thanh thì không có mối liên hệ với bất kì TN nào trong hệ thống TN báo chí.

     Tương tự, trong số các TN báo hình/ truyền hình/ báo truyền hình nên chọn truyền hình làm TN chuẩn. TN này ngắn gọn hơn TN báo truyền hình, hơn nữa khi nói đến truyền hình chúng ta hiểu ngay là một loại hình báo nên không cần hiển ngôn thêm yếu tố “báo” này. Cũng giống như TN phát thanh, TN truyền hình làm hạt nhân đã tạo ra hàng loạt TN như: truyền hình cáp, truyền hình lưu động, truyền hình màu, truyền hình thương mại, truyền hình trực tiếp, truyền hình tương tác, cộng tác viên truyền hình, khách hàng truyền hình, phóng sự truyền hình, trường quay truyền hình, v.v. trong khi đó không có TN nào có mối liên hệ với TN báo hình.

     Trong số các TN báo mạng/ báo điện tử/ báo mạng điện tử internet/ báo trực tuyến/ báo online/ báo mạng điện tử/ báo điện tử (on-line)/ báo internet nên chọn báo mạng điện tử vì TN này tương đối ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt TN này biểu thị chính xác khái niệm nhất so với các TN còn lại. Đây cũng là TN đã được cơ quan đào tạo báo chí và một số chuyên khảo, giáo trình chuyên ngành chính thức lựa chọn và sử dụng: “Báo mạng điện tử” đây là sự kết hợp các tên gọi có nội dung riêng biệt như: báo, mạng, điện tử. Chính vì vậy, tên gọi này thoả mãn được các yếu tố: Việt hoá, đặc trưng khu biệt của loại hình báo chí mới, khắc phục được sự thiếu về nghĩa, sư máy móc của từ ngoại lai” [3, 53].

     Trên đây là một số đề xuất về chuẩn hoá TN báo chí tiếng Việt. Hi vọng với những giải pháp chúng tôi đưa ra sẽ giúp ích tích cực vào việc thống nhất TN báo chí, qua đó góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.  Nguyễn Văn Dũng (chủ biên), Báo phát thanh, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.

2. Nguyễn Thị Trường Giang, Báo mạng điện tử – những vấn đề cơ bản, NXB Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2011.

3. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, NXB Thông tấn (in lần thứ tư), Hà Nội, 2009.

4. Phạm Thành Hưng, TN báo chí-truyền thông, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2007.

5. Đinh Văn Hường, Các thể loại báo chí thông tấn, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.

6. Đinh Văn Hường, Tổ chức và hoạt động toà soạn, In lần 3, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2007.

7. Nguyễn Văn Khang, Chuẩn hoá thuật ngữ, nhìn lại từ góc độ bối cảnh xã hội, Ngôn ngữ, số 1, 2000, tr. 46-54.

8. Nguyễn Đình Lương, Nghề báo nói, NXB Văn hoá Thông tin, Trung tâm Đào tạo phát thanh truyền hình Việt Nam, Hà Nội, 1993.

9. Nguyễn Tiến Mão, Cơ sở lí luận ảnh báo chí, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006.

10. Nhà xuất bản Giáo dục, Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ, Hà Nội, 1984.

11. Dương Xuân Sơn, Giáo trình báo chí truyền hình, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2009.

12. Tạp chí Người làm báo, năm 2011, 2012, 2013.

(Visited 225 times, 1 visits today)