Nâng cao TÍNH CHỦ ĐỘNG – SÁNG TẠO của sinh viên ngành MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP

Nâng cao TÍNH CHỦ ĐỘNG – SÁNG TẠO của sinh viên ngành MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP

HỒ THỊ KIM QUỲ
(Họa sĩ, Giảng viên Mỹ Thuật – Trường ĐHQT Hồng Bàng, Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội Mỹ Thuật TP. HCM, Hội Nữ Họa sĩ Kobalt – Đức, Hội Nghệ thuật IAP – Mỹ)

     Mỹ thuật là một ngành nghệ thuật phản ảnh thế giới khách quan và thế giới nội tâm của con người qua hình ảnh và màu sắc, còn được gọi là khoa học của màu sắc được thể hiện qua các hình thái trang trí vật thể nhân loại…

     Thế giới khách quan thì muôn màu, muôn vẻ; còn thế giới nội tâm của con người thì đa dạng, nhiều chiều nên để phản ánh được nó; đòi hỏi người nghệ sĩ phải có con mắt quan sát tinh tế đồng thời cũng phải có đầu óc sáng tạo mới có thể có được những tác phẩm hay, có giá trị, mới phản ảnh được thế giới một cách sinh động và đồng thời cũng mang
được tính giáo dục đối với xã hội.

     Thời gian qua công tác đào tạo sinh viên ngành Mỹ thuật ở các trường Đại học còn có nhiều hạn chế, chất lượng sinh viên ra trường còn bất cập về nhiều mặt, trong đó điều hạn chế nhất là tính chủ động và sáng tạo của những họa sĩ, nhà thiết kế trẻ.

     Các tác phẩm của các họa sĩ trẻ còn rập khuôn theo các tác phẩm của những người đi trước, chưa thể hiện được cái riêng của bản thân mình, thậm chí có nhiều em khi ra trường vẫn không thể tự sáng tác được và chỉ là những người sao chép mà thôi…

     Vì vậy việc nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên ngành Mỹ thuật là một đòi hỏi vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài đối với ngành Giáo dục.

     Chúng ta phải làm gì để nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên ngành Mỹ thuật ở các trường Đại học hiện nay?.

    Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm – trong đó lực lượng giảng viên chuyên ngành không phải thiếu nhưng để họ biết quan tâm, nâng đỡ tài năng trẻ thì điều kiện tiên quyết là họ phải quên cái TÔI rất lớn của riêng cá nhân để tự hoàn thiện, nâng cấp chuyên môn, cập nhật thông tin của thếgiới quan hầu có thể gần gũi gắn bó và cuốn hút được học trò của mình…

     Bằng những kinh nghiệm của bảnthân và của các đồng nghiệp đã tham gia qua công tác giảng dạy nhiều năm ở các trường đại học, Tôi xin nêu một số vấn đề đã nghiên cứu…

     Trước hết người Thầy phải đạt các chuẩn mực về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực mình giảng dạy, điều này cũng giống như yêu cầu đối với mọi giảng viên thuộc các ngành khác. Họ cũng phải luôn luôn tự nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình và không bao giờ tự thỏa mãn với kiến thức mình đã có và chính điều này sẽ là tấm gương tốt cho sinh viên noi theo. Cũng chính qua việc tự nâng cao trình độ của mình mà củng cố thêm sự tự tin khi giảng dạy cho sinh viên.

     Có những vấn đề mà trước đây khi những người Thầy còn là sinh viên của thời đại họ sống, họ cũng chưa được học hoặc chưa có trong chương trình giảng dạy, nhưng nay do sự phát triển của ngành Mỹ thuật mới có thì việc cập nhật những kiến thức này là vô cùng
cần thiết để giảng dạy cho sinh viên và cũng để tự khẳng định mình có đủ tầm trong công việc đào tạo. Không luôn tự  nâng cao trình độ về mọi mặt, người Thầy sẽ đánh mất chỗ đứng của mình trong sinh viên, niềm tin và sự kính phục sẽ chỉ là mang tính hình thức…

     Ngày nay, không còn những quan điểm cũ xưa, cổ điển về việc giảng dạy như ông thầy đồ, cho chữ nào biết chữ nấy…người Thầy phải luôn biết lắng nghe ý kiến của Trò, đặc biệt là Trò ở trình độ trên Trung học, đặc biệt hơn là Trò đã ra đời, đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội… nếu người Thầy biết lắng nghe, vận dụng kiến thức uyên bác của mình để đưa vào công tác Giáo dục Mỹ thuật thì sự thành công sẽ nhất định có trong tầm tay…Điều đặc biệt quan trọng mà Tôi muốn đề cập đối với người Thầy ở đây chính là tính sáng tạo của họ xuyên qua những công việc họ đã và đang làm trong lĩnh vực chuyên
môn của mình, các tác phẩm nghệ thuật, các công trình nội thất, kiến trúc, các tác phẩm mang tính ứng dụng cao, các sáng tác tạo dáng sản phẩm phụcvụ nhu cầu xã hội công nghiệp…đã và đang thực hiện, trưng bày trong hoặc ngoài nước, hoặc được sản xuất theo
nhu cầu thị trường… là điểm son để sinh viên ngưỡng mộ tài năng trong yếu tốsáng tạo của người Thầy.

     Họ – những người Thầy – chỉ khi đó mới hiểu được sự sáng tạo thực sự trong nghệ thuật là gì và có như vậy họ mới có thể truyền đạt cho sinh viên của mình sự say mê trong sáng tạo.

     Đây chính là điểm yếu của đội ngũ giảng dạy về môn Mỹ thuật hiện nay…

     Ví dụ, Thầy có năng lực chuyên môn thì thiếu kinh nghiệm sư phạm, Thầy có học vị nhưng chưa hề có một tác phẩm nghệ thuật nào trình bày trước công chúng, Thầy có kinh nghiệm về chuyên môn nhưng không tự nâng cấp theo thời đại công nghệ thông tin… đôi khi vì lý do nào đó chúng ta đã tuyển giảng viên cho ngành Mỹ thuật mà không chú ý đến tiêu chuẩn này dẫn đến tình trạng người Thầy chỉ dạy cho sinh viên những điều đã có sẵn trong sách Giáo khoa một cách cứng nhắc, không nêu được tính sáng tạo trong Mỹ thuật mà điều này lại là điều sinh viên cần được biết đến nhiều nhất, là khát khao cháy bỏng của sinh viên Mỹ thuật…
Mỹ thuật là một ngành đòi hỏi người học phải có năng khiếu mặc dù năng khiếu chỉ chiếm 1% trong tài năng của người nghệ sĩ, 99% còn lại là sự khổ luyện; nhưng cái1 % đó cũng vô cùng quan trọng. Quan trọng ở chỗ các em phải có niềm say mê khi chọn ngành,
phải thật sự yêu cái nghề mình đã chọn, phải có quyết tâm theo đuổi đến cùng.

     Vì vậy trước khi thi vào ngành Mỹ thuật của các trường Đại học, sinh viên phải tự lượng sức mình và họ phải vượt qua những bài kiểm tra có tính chất “thử tài”.

     Các bài thi phải đạt được yêu cầu là phát hiện được khả năng ban đầu của sinh viên muốn theo học ngành Mỹ thuật. Đây chính là bước đầu quan trọng để có được lớp sinh viên mà chúng ta cần đào tạo, tuy nhiên đó chưa đủ để đánh giá họ có thể trở thành những họa sĩ, nhà thiết kế có tính sáng tạo trong nghệ thuật hay không, nhưng nó cũng là bộ lọc cần thiết để tuyển chọn những sinh viên cho ngành Mỹ thuật.

     Ba tố chất sau đây sẽ cho chúng ta hi vọng có được những sinh viên màchúng ta mong muốn:

     Trước hết người sinh viên phải yêu nghề mình đã chọn. Sự yêu nghề này phải là tự giác và ngày càng được củng cố thêm qua sự truyền đạt của những người Thầy. Chỉ có sự yêu nghề mình đã chọn mới có thể giúp họ vượt qua được những khó khăn trong học tập và rèn luyện sau này. Đã có nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng bởi vì khi gặp khó họ không vượt qua được, họ chính là những người không thực sự yêu nghề mình đã chọn lúc ban đầu.

     Thứ hai là người sinh viên phải có tính cần cù, tỉ mỉ và chịu khó, bởi vì trước khi có được sự sáng tạo trong Mỹ thuật; người sinh viên phải nắm vững những kiến thức cơ bản trong ngành, phải nắm vững những quy tắc đã thành kinh điển mà việc nắm vững này không có cách nào khác ngoài sự khổ luyện.

     Thứ ba là người sinh viên phải có óc quan sát tinh tế, biết so sánh và phải có trí tượng phong phú vì đây chính là tố chất giúp cho sinh viên dễ dàng tiếp thu cái mới và có nhiều sáng tạo trong một khối lượng kiến thức cơ bản từ nền tảng giáo dục Mỹ thuật.

    Việc tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản vững chắc là nhiệm vụ hàng đầu của giảng viên bởi vì đây là những hành trang để họ có thể đi tiếp trên con đường sáng tác nghệ thuật lâu dài của mình.

     Người Thầy sẽ không những phải truyền đạt hết các nội dung của giáo trình mà hơn thế nữa phải tập cho sinh viên biết cách thu thập các tư liệu chuyên ngành qua các ấn phẩm hoặc qua các website có trên internet… đi thực tế, và học ở các bảo tàng nghệ thuật.

     Người Thầy hoàn toàn không nên giữ tủ các tài liệu mà mình đã biết đối với sinh viên vì điều đó sẽ giúp sinh viên đỡ tốn thời gian mặt khác lại tạo được uy tín cho mình.

     Việc này như đã nói về năng lực của giảng viên, chắc chắn họ có thể làm một cách dễ dàng bởi chính họ cũng đang cần phải thường xuyên bổ sung và nâng cao kiến thức của mình.

     Người Thầy giỏi là người phải tạo được không khí vui vẻ trong lớp học của mình. Chính trong không khí vui vẻ thì việc tiếp thu kiến thức của sinh viên mới dễ dàng hơn, từ việc tiếp thu dễ dàng đó sẽ làm cho sinh viên tự tin hơn về khả năng của họ.

     Để làm được việc đó không gì tốt hơn là người Thầy phải chứng tỏ được kiến thức và tay nghề vững vàng của mình trước sinh viên chứ không phải bằng những lời răn đe hay những hình thức kỷ luật này khác.

     Sinh viên là những học sinh lớn, họ đã đủ khôn để có thể đánh giá và nhận xét Thầy Cô của mình. Cách chấm bài công khai có phân tích điểm đạt và không đạt của từng sinh viên một cách công bằng, minh bạch để các sinh viên có thể tham khảo lẫn nhau cũng sẽ tạo được sự phấn khởi hứng thú trong học tập của họ.

    Trong các trình tự chấm bài, nên có sự tham gia của các giảng viên cùng chuyên ngành để không còn sự ngăn cách Thầy – Bạn – Trò và để không có sự thiếu công bằng, bởi Nghệ thuật là một môn học có cảm tính cao, tuy nhiên với năng lực người Thầy được
sinh viên tin yêu và kính phục thì sẽ không xảy ra hiện tượng tiêu cực về điểm số… có như vậy sinh viên mới tự tin về năng lực của bản thân và phấn đấu hơn.

     Khi đã tạo được sự tự tin và hứng thú trong học tập đối với sinh viên thì bước tiếp theo, người Thầy phải hướng tới việc là làm cho sinh viên của mình có tính chủ động và sáng tạo…

     Tất nhiên việc này không đơn giản, phải đi từ thấp đến cao, từ việc nhỏ đến việc lớn.
Ví dụ, để tạo tính chủ động cho sinh viên, người Thầy chỉ cần nêu tên một cuốn sách, một tác giả trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó thì sinh viên sẽ phải biết tự tìm lấy. Họ phải tự đọc và sẽ trình bày trước lớp những nhận xét của mình. Đây chỉ là một việc làm nhỏ nhưng sẽ giúp sinh viên biết chủ động tìm kiếm thông tin để bổ sung cho những kiến thức còn hạn chế của mình.

     Để khuyến khích sinh viên sáng tạo trong học tập người Thầy sẽ không hạn chế hay gò bó sinh viên trong các khuôn sáo hay công thức cứng nhắc mà luôn động viên họ phải biết tìm ra nhiều hình thức khác nhau để thể hiện cùng một nội dung hay một chủ đề của một bài tập nào đó.

     Phải động viên kịp thời và đánh giá một cách khách quan những phần sáng tạo của sinh viên. đây là một việc không phải lúc nào cũng dễ nhận ra vì tâm lý người Thầy bao giờ cũng tự cho mình là giỏi, là có nhiều kinh nghiệm nên dễ phủ nhận sự sáng tạo của sinh viên và chính điều này vô tình đã dập tắt những sự hứng thú sáng tạo còn đang trong giai đoạn trứng nước của sinh viên.

     Người Thầy giỏi là người tìm thấy được sự sáng tạo tuy mới còn non nớt, chưa rõ nét của sinh viên để động viên kịp thời làm cho mầm non đó mau chóng phát triển vững chắc.

     Hãy để cho sinh viên được tự trình bày các ý kiến về phần họ cho là sáng tạo riêng của họ và nhiệm vụ của người Thầy là hãy đánh giá một cách công bằng mức độ sáng tạo của họ. Nếu sự đánh giá đó là đúng thì không những động viên được nguồn sáng tạo của họ
mà còn nâng cao được uy tín của người Thầy lên rất nhiều.

     Việc nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật trong tình hình hiện nay cũng như lâu dài là một đòi hỏi của xã hội, để làm được việc này là một quá trình phấn đấu về nhiều mặt của ngành Giáo dục.

     Trong phần đúc kết kinh nghiệm của bản thân và của các đồng nghiệp, Tôi chỉ xin đề cập tới một vài khía cạnh mà Tôi cho là tâm đắc nhất, nó không nằm ngoài những nguyên lý chung trong giáo dục, đó là những sinh viên tốt sau khi ra trường thì phải tuân thủ một điều: Thầy là Thầy và Trò là Trò, cho dù thời gian có đi qua, nhưng khi Ta đã được ươm mầm đào tạo từ dưới mái trường thì mãi mãi phải ghi nhớ: Khi được làm Thầy, Ta ngày xưa đã từng là Trò.

     Và riêng với các trường Đại học Cao Đẳng có đào tạo ngành Mỹ thuật thì: Nhà trường nên giữ lại những sinh viên ưu tú, có chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt để tạo điều kiện cho họ có nhiều cơ hội trong giáo dục sáng tạo, nên mở thêm lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng và cấp chứng chỉ để họ được tham gia công tác giảng dạy Mỹ thuật, đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ là một nhu cầu cần thiết nhằm kế thừa và thay thế cho lực lượng giảng dạy cổ điển đã có mộtthời vang bóng…

     Nhà trường nên giới thiệu sinh viên được tham gia công tác ở những đơn vị chuyên nghiệp & làm kinh tế… giúp sinh viên cơ hội việc làm phát triển tài năng chuyên môn. là những nhà thiết kế trẻ nhiệt tình, có năng lực, có sức khỏe, năng động… đây là một lực lượng không nhỏ có thề đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển của một xã hội công nghiệp.

BAN TU THƯ
09/2019

Nguồn: Tạp chí Đại học Quốc tế Hồng Bàng – Số 1 (Tháng 4/ 2012)
Hình ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập – (Nguồn: Khoa MTCN ĐHQT Hồng Bàng năm 2012)

(Visited 57 times, 1 visits today)