NÉT TƯƠNG ĐỒNG trong PHONG TỤC TẬP QUÁN ngày TẾT các dân tộc

NGUYỄN THỊ NGA*

TÓM TẮT

     Bức tranh văn hóa Việt Nam được dệt nên từ những sợi chỉ màu đa sắc của các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt khi tết đến xuân về, những phong tục, tập quán độc đáo ngày tết lại có dịp được “trở lại”, được lưu giữ, phát huy, góp phần tạo nên hồn cốt, bản sắc riêng của mỗi tộc người. Tuy nhiên trong sự vận động, giao thoa của các nền văn hóa cũng đã tạo nên những nét tương đồng trong phong tục, tập quán giữa các tộc người. Điều này làm cho văn hóa các dân tộc xích lại gần nhau, gắn kết và thấu hiểu nhau hơn.

Từ khóa: Phong tục tập quán, ngày tết.

1. Nội dung

     1.1 Tục lấy nước đầu năm

     Lấy nước đầu năm là phong tục độc đáo, mang nhiều giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của nhiều tộc người anh em như dân tộc H’mông, Tày, Nùng, Thái, Khơ mú, Mường… Họ đều quan niệm giọt nước mát đầu năm là nước vàng, nước bạc, là điều may mắn, là nguồn sống của con người. Vì vậy khi thời khắc chuyển sang năm mới hoặc trước khi trời sáng, tùy theo tộc người mà có thể là người đàn ông, người phụ nữ hoặc thanh niên chưa vợ, chưa chồng sẽ mang ống đi lấy nước ở nơi đầu nguồn hoặc nơi thật trong sạch. Với ý nghĩa đưa nước về nhà là bước khởi thủy năm mới tài lộc sẽ vào như nước, may mắn, mọi việc đều hanh thông, mùa màng tươi tốt, gia đình thuận hòa yên ấm.

     Sau khi lấy nước về, các gia đình sẽ đun ấm nước pha trà hoặc đặt lá đào trên bát nước mới lấy về dâng lên bàn thờ mời ông bà tổ tiên dùng chén nước đầu năm. Và các thành viên trong gia đình mỗi người cũng uống một ngụm nước mới để lấy may và dùng để rửa mặt. Bởi theo quan niệm của các đồng bào, uống giọt nước tinh khiết đầu năm sẽ giúp thanh lọc cơ thể, “đuổi” bệnh tật và rửa mặt, rửa tay để tẩy rửa đi những điều không tốt, không may của năm cũ, hy vọng năm mới vạn sự tốt lành, mát trong như nguồn nước.

     Đồng thời phong tục lấy nước đầu năm còn thể hiện cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, sự trân quý nguồn nước trong cuộc sống. Và việc lưu giữ phong tục lấy nước đầu năm qua bao đời là cách để thế hệ trước giáo dục cho con cháu phải có ý thức bảo vệ môi sinh của cộng đồng.

     1.2. Phong tục giữ lửa ngày tết

     Nhiều tộc người anh em như dân tộc H’mông, Tày, Nùng, Thái, Sán Dìu, hay dân tộc Chứt… đều quan niệm lửa có màu đỏ lại đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người như nấu chín thức ăn, sưởi ấm, bảo vệ người dân trước thú rừng nên quan niệm để bếp luôn đỏ lửa hay đỏ than suốt ba ngày tết sẽ mang lại vận đỏ, may mắn cho gia đình trong năm mới. Đồng thời đỏ lửa để nhà luôn sáng sủa, ấm áp nhằm xua đi bóng tối, mọi sự xui xẻo và truyền những điều tốt đẹp từ năm cũ qua năm mới. Không những thế, nhiều tộc người còn cho rằng, ngày tết vua bếp đã lên thiên đình báo cáo các sự việc ở dương gian nên lửa phải đỏ để thần lửa bảo vệ, che chở cho gia đình những ngày vua bếp đi vắng. Nên trong ba ngày tết nếu để lửa tắt, bếp lạnh lẽo thì gia đình và bản làng năm đó sẽ gặp nhiều điều không may như bệnh tật, mùa màng thất bát. Vì vậy, trước tết họ phải chuẩn bị rất nhiều củi, các khúc gỗ lớn, cháy mạnh nhưng tuyệt đối không được dính những thứ tạp nham, bẩn thỉu để đủ củi cháy đỏ trong ba ngày tết hoặc đỏ bếp cho tới rằm tháng giêng. Còn những gia đình đã chuyển sang nấu bếp ga thì khi tết đến xuân về họ vẫn phải cho than hồng vào cái lò để giữ lửa. Và các gia đình tuyệt đối không cho lửa đầu năm, bởi theo quan niệm nếu cho lửa là đã cho đi vận đỏ, may mắn của năm đó. Đây cũng là phong tục của tất cả các dân tộc anh em trong ngày tết.

     Mặt khác, trong ngày tết bên ánh lửa bập bùng, gia đình quây quần bên nhau ôn lại những kỉ niệm, các con cháu nghe ông bà, bố mẹ căn dặn những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Và ánh lửa đỏ còn phần nào xua đi cái giá rét mùa đông nơi vùng cao, làm cho ngôi nhà ấm áp hơn, cái tết ý vị hơn. Chính những ý nghĩa này mà phong tục giữ lửa ngày tết đã được truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa ngày tết của các dân tộc thêm rực rỡ.

     1.3. Tục “trọng” phụ nữ ngày tết

     Mặc dù không thuộc chế độ mẫu hệ song nhiều tộc người vẫn luôn xem trọng phụ nữ do ảnh hưởng bởi văn hóa trọng nữ từ ngàn xưa của dân tộc. Đặc biệt là các dân tộc như Nùng, Tày, H’mông còn có tập tục rất nhân văn trong ngày tết, đấy là tục tôn vinh người phụ nữ. Bởi “nửa kia” quanh năm vất vả với công việc bếp núc, thêu thùa, đồng áng, nương rẫy, chăn nuôi, chăm sóc con cái… nên ngày tết là thời gian họ được nghỉ ngơi, vui chơi, rũ bỏ mọi vất vả thường nhật, thẫm chí là được xem như “bà hoàng”. Và để tạo điều kiện cho người mẹ, người vợ được nghỉ ngơi ngày tết thì người chồng, người con trai sẽ đảm trách công việc của người phụ nữ. Họ dậy sớm lo công việc bếp núc, dọn mâm cỗ để cúng ông bà tổ tiên ngày tết và mọi việc được làm hết sức nhẹ nhàng để tránh gây tiếng động ảnh hưởng tới giấc ngủ của phái nữ. Đồng thời công việc chăm lo đàn lợn, gà, vịt, trâu, bò… cũng do “nửa kia” gánh vác. Mặc dù công việc vất vả lại làm ba ngày tết nhưng người chồng, người con trai đều làm việc với tinh thần tự nguyện và hết sức vui vẻ. Bởi nó được xem như lời cảm ơn tới người vợ, người mẹ quanh năm đã vất vả vì gia đình. Vì vậy tết là khoảng thời gian thư thái nhất của chị em phụ nữ dân tộc Nùng, Tày, H’mông, họ chỉ chăm sóc con cháu, người già và nghỉ ngơi, đi chơi. Thẫm chí một số nơi thuộc dân tộc Nùng, sáng mai sau khi làm lễ cúng ông bà tổ tiên, người đàn ông còn nấu nước nóng, pha nước vào chậu rửa mặt rồi mời những người phụ nữ trong gia đình dậy rửa mặt và ngồi vào mâm cỗ đã được dọn sẵn. Trong lúc ăn nếu gia đình có khách thì người phụ nữ cũng chỉ rót rượu, gắp thức ăn mời khách mà không phải đứng dậy bưng bê. Sau khi ăn xong họ lại mặc quần áo đẹp, sửa soạn đi chơi và đến giờ về ăn cơm. Trước khi đi ngủ, các đấng mày râu trong gia đình lại đun nước cho mẹ, vợ, con gái, cháu gái rửa tay chân. Như vậy, ba ngày tết người phụ nữ được trở thành “bà hoàng” để bù đắp cho những vất vả thường nhật trong năm. Và ta thấy tập tục “trọng vợ” của các dân tộc đã chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự yêu thương, trân trọng người mẹ, người bạn đời của mình. Đồng thời qua đây, người đàn ông sẽ thấu hiểu hơn nỗi vất vả nhọc nhằn của người phụ nữ để cảm thông, chia sẻ những vất vả trong công việc, cuộc sống và từ đây góp phần vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no.

     1.4. Phong tục cho gia súc, nông cụ sản xuất “nghỉ ngơi” ngày tết

     Với người nông dân thì con trâu là “đầu cơ nghiệp” và các nông cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, xuổng, dao, rựa là những “người bạn đồng hành” đã cùng mình vất vả quanh năm trên đồng ruộng để có được những hạt cơm, hạt bắp dẻo thơm. Vì vậy rất nhiều dân tộc như H’mông, Tày, Mường, Lô Lô… cho trâu bò “ăn tết” và thờ nông cụ sản xuất vào ngày tết.

     Với quan niệm trâu, bò hay các vật dụng sản xuất cũng như con người cần được nghỉ ngơi sau một năm vất vả (thẫm chí với dân tộc H’mông thì công cụ sản xuất còn thể hiện cho sức mạnh của người đàn ông vì vậy trong gia đình dụng cụ lao động càng sắc, bền thì chứng tỏ người đàn ông siêng năng, sức khỏe càng tốt vì vậy họ xem các công cụ như những người thân và luôn trân quý). Nên dịp tết là thời gian để những “người bạn” đã cùng con người làm việc quanh năm, giúp con người có của ăn của để cũng được nghỉ ngơi. Do đó từ ngày 25, 26 tháng chạp khi con người đã dừng việc nương rẫy chuẩn bị dọn dẹp đón tết, các gia đình sẽ mang các dụng cụ lao động ra chùi rửa sạch sẽ và quấn giấy màu đỏ, vàng, hoặc trắng với ý nghĩa để mỗi dụng cụ có một cái tên, sau đó sẽ cất vào một chỗ gần bàn thờ để cúng. Và ba ngày tết các gia đình còn treo các loại bánh vào các nông cụ như một lời mời các nông cụ hưởng tết cùng con người.

     Và đối với trâu, bò, đây là những “người bạn” đặc biệt của nhà nông. Vì vậy để “tri ân” công lao “người bạn” của mình quanh năm vất vả cày kéo nên ngày đầu năm gia chủ cũng nấu cháo để “mời” “ông đầu cơ nghiệp” ăn tết. Đặc biệt, dân tộc Mường còn có tục gọi vía trâu sau lễ đón giao thừa. Nghi thức được thực hiện như sau: tối giao thừa các gia đình đốt đuốc, cầm mõ ra đường dạo quanh ngõ vài vòng và dừng lại giả vờ đếm “1, 2, 3, 4…” rồi tự bảo mình “Trâu nhà tôi đủ rồi” và trở về nhà. Theo quan niệm của dân tộc, con trâu rất quan trọng và gần gũi trong đời sống lao động, bởi vậy tục gọi vía trâu là để bày tỏ sự biết ơn, trả công của gia chủ và cầu mong năm  mới con trâu tiếp tục đồng hành cùng nhà nông cày cấy để thóc, bắp đầy kho.

     Và phong tục cho gia súc, nông cụ sản xuất “ăn tết”, “nghỉ ngơi” còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, sự biết ơn của bà con đối với những “ông đầu cơ nghiệp” những “người bạn” luôn gần gũi, phụ giúp nhà nông trong sản xuất. Không những thế, đây cũng là cách thức để ông cha đi trước giáo dục con em về giá trị đạo đức trong cuộc sống đó là sự biết ơn.

2. Kết luận

     Như vậy, phong tục ngày tết của các dân tộc anh em có nhiều nét tương đồng thể hiện sự giao lưu và tiếp nhận văn hóa của nhau giữa các tộc người, nhờ đó văn hóa các dân tộc thêm phong phú, đa dạng. Đồng thời góp phần làm cho bức tranh văn hóa Việt Nam thêm đa sắc và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trọng Báu (chủ biên) (2005), Truyện kể về phong tục các dân tộc Việt Nam”, Nxb Giáo dụcHà Nội.

2. Nguyễn Trọng Báu (2012), Phong tục tập quán và lễ hội của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Thích Thanh Duệ (2012), Phong tục và lễ nghi cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Trích dẫn: Trường Đại học Khánh Hòa

Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)
Ảnh đại diệnBan Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.
Ảnh chỉ mang tính chất tô điểm. Tone màu ảnh: Nocturnal. 

                                                                          

                                                                                                                                      

(Visited 217 times, 1 visits today)