TS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT
Ngay từ những buổi đầu vào Nam Bộ, người Hoa đã xây dựng nhiều công trình công cộng trong đó có các hội quán, cơ sở tín ngưỡng dân gian… Những công trình tín ngưỡng người Hoa được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII cho tới đầu thế kỷ XX, một số ít được xây mới từ giữa thế kỷ XX cho đến trước năm 1975. Sau năm 1975, một số cơ sở tín ngưỡng người Hoa được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, lộng lẫy. Những loại hình kiến trúc tín ngưỡng phổ biến như: đình, miếu, cung, tự, nghĩa từ. Nhưng phổ biến nhất vẫn là “miếu” mà dân gian thường quen gọi là “chùa”. Đồng Nai có trên 60 cơ sở tín ngưỡng dân gian người Hoa, thành phố Biên Hòa là nơi tập trung nhiều và gần như đủ các loại hình kiến trúc tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai. Ngoài chức năng là nơi thờ tự, sinh hoạt cộng đồng, các cơ sở tín ngưỡng này còn chứa đựng nhiều giá trị mỹ thuật, đặc biệt về kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật trang trí dân gian…
Tại các đình, miếu của người Hoa ở Đồng Nai, từ ngoại thất đến nội thất của công trình, nơi đâu người ta cũng bắt gặp nghệ thuật chạm khắc và trang trí kiến trúc độc đáo. Từ những bức tường ngoài sân đình miếu, hệ mái kiến trúc đến các cánh cửa, vòm cửa, kèo cột, hoành phi, câu đối, bao lam, hương án… đều được chạm trổ những mảng đề tài miêu tả thiên nhiên, đất nước, con người Trung Hoa và Việt Nam. Nghệ thuật trang trí kiến trúc tại đình, miếu của người Hoa ở Đồng Nai rất phong phú và đa dạng, đó là sự kết hợp giữa văn hóa tín ngưỡng tôn giáo với cuộc sống hiện tại của người Hoa ở địa phương.
Nghệ thuật trang trí trên các kiến trúc tín ngưỡng người Hoa được thể hiện qua chất liệu, kỹ thuật, đề tài và màu sắc trang trí.
1. Chất liệu trang trí
Chất liệu sử dụng trong nghệ thuật trang trí đình, miếu người Hoa ở Đồng Nai rất đa dạng như: đá, gỗ, đồng, gốm, thạch cao, xi măng… Người Hoa sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như đá xanh granít khai thác ở Bửu Long, gỗ khai thác từ rừng, sản phẩm gốm từ các lò gốm Cây Mai và gốm Biên Hòa, thạch cao hoặc xi măng để tạo nên những mảng trang trí đắp nổi hoặc phù điêu trên cổng và nóc mái, các bệ thờ trong chánh điện.
2. Kỹ thuật trang trí
Nghệ thuật trang trí kiến trúc tín ngưỡng thông qua các kỹ thuật như: điêu khắc đá và gỗ, tạo hình đồ gốm, cẩn ghép sành sứ, đắp nổi xi –măng, sơn màu trang trí.
* Điêu khắc
Điêu khắc được sử dụng đối với những chất liệu là đá và gỗ. Chạm khắc trên đá là nhhững mảng phù điêu khắc họa chi tiết một mặt làm nổi các họa tiết trang trí. Bên cạnh đó, chạm khắc đá và gỗ còn được tạo hình với những cột, vì kèo, đá táng kè chân cột hay những tượng thờ (điêu khắc tượng tròn), bàn thờ, chân đèn, lư hương, bình bông… Đặc biệt, kỹ thuật chạm khắc được sử dụng trên gỗ là chạm bong, chạm lộng để tạo nên những mảng trang trí sáng tối theo những đề tài thể hiện. Chạm lộng được sử dụng rất phổ biến để trang trí những bao lam gỗ đầy mỹ thuật trước chánh điện trong các đình, miếu người Hoa.
Bao lam gỗ trang trí trong Thất Phủ Cổ miếu được chạm khắc lộng với các đề tài: rồng chầu mặt trời, tứ linh, hoa điểu, cửu long, bát tiên, bách phước, múa hát cung đình, long vân, dây hoa lá, sóng nước… được sơn son thếp vàng rất sắc sảo, mỹ thuật và lộng lẫy. Bên cạnh bao lam, còn có các cặp hoành phi liễn đối chữ Hán bằng gỗ sơn đen thếp vàng với hoa văn trang trí rất cổ kính.
* Chế tác đồ gốm
Qui trình sản xuất đồ gốm từ tạo hình, trang trí, chấm men và nung chín sản phẩm trên nguyên liệu đất sét dùng làm gốm. Đồ gốm được tạo hình với tượng thờ, tượng người, tượng thú, các mảnh khuôn hoa văn trang trí, các đồ thờ cúng như: bình bông, bát nhang là chất liệu gốm, các mảng gốm gắn trang trí trên đình, miếu xưa của người Hoa.
* Cẩn ghép mảnh sành sứ
Nghệ thuật khảm sành sứ có cội nguồn từ đời sống bình dân, từ xa xưa người dân ở các làng quê đã dùng những mảnh sành sứ từ các bình gốm vỡ để trang trí khảm ghép. Kỹ thuật khảm sành sứ được sử dụng trong việc cẩn các mảng hoa văn, đề tài trang trí hình long mã của bình phong trước đình Tân Lân.
* Đắp nổi xi-măng
Nhiều hạng mục trang trí trên đình, chùa, miếu người Hoa ở Đồng Nai hiện nay được thực hiện bằng kỹ thuật đắp nổi xi-măng vừa đẹp, vừa bền vững. Những sản phẩm thường thấy như: phù điêu hay mảng trang trí đắp nổi lưỡng long chầu nhật nguyệt, các hoa văn dây lá cúc cách điệu trên các gờ mái rất mỹ thuật và làm mềm mại cho kiến trúc đình, chùa, miếu.
* Sơn màu
Sơn được dùng để vẽ hoặc trang trí tạo những mảng màu làm thể hiện rõ những chi tiết trong đề tài trang trí tả thực. Sơn vẽ những bức họa trên tường, trên cánh cổng, cánh cửa chánh điện (hình vẽ Môn thần). Những loại sơn được sử dụng là sơn nước dùng sơn tường hoặc sơn dầu có ánh kim để tô điểm những bức họa trên tường, những bức phù điêu đắp nổi dưới chân các bệ thờ trong đình, miếu. Sơn còn được dùng để vẽ những họa tiết trang trí trên các đầu hồi bên hông chánh điện hoặc trên các đầu cột làm nổi các hình ảnh hoặc họa tiết trang trí.
3. Đề tài trang trí
Đặc trưng mỹ thuật đình, miếu người Hoa là ở các mảng trang trí với các đề tài cụ thể. Những chi tiết trang trí kiến trúc ban đầu trên các di tích thường là những đồ án cổ điển của Trung Hoa như:
* Điển cố
Gồm những họa tiết như bát tiên, bát bửu, long mã hà đồ, lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật; các tích truyện của Trung Quốc như: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Bát Tiên… Trang trí mặt tiền của Thất Phủ cổ miếu là những bức tranh thể hiện điển tích văn hóa Trung Hoa như: Bát tiên, tùng hạc, cúc trĩ, giang sơn cẩm tú. Dưới xà ngang chạm khắc nổi họa tiết dây lá nho và dây lá cúc cách điệu thể hiện sự kết hợp mỹ thuật Trung Hoa và Việt Nam. Bên trong tiền điện với các bức tranh liên quan đến điển tích Tam Quốc chí như: Đào viên kết nghĩa, Quan Công phò nhị tẩu, Quan Công tha Tào Tháo. Toàn thể cụm trang trí trên nóc tiền mái được bố cục thành hai tầng: trên là cõi không với cá vượt vũ môn- cá hóa rồng- phụng hàm thư; còn dưới là cụm tiểu tượng cảnh sinh hoạt của con người. Trang trí mặt tiền Thiên Hậu cổ miếu là những tiểu tượng có nội dung rất phong phú thường là các điển tích Trung Quốc như: lưỡng long tranh châu, kỳ lân, cảnh thiếu nữ gieo cầu, diễn võ đài, cảnh triều bái, rước xách, tiễn đưa, diễn hí-tấu nhạc, cảnh vinh quy, cảnh uống rượu đánh cờ, cảnh đề thơ ngâm vịnh, bát tiên cưỡi mây lướt gió, cảnh thiên đình đang hội triều…
Nghi môn bằng gỗ chạm nổi điển tích Trung Quốc với những hình người ở nhiều lầu gác, đây là tác phẩm nghệ thuật được dòng họ Trương thỉnh từ Trung Quốc cúng cho miếu trên 200 năm.
* Linh vật, biểu tượng
Cốn thư, ống bút, kiếm quạt, bầu rượu, túi thơ, bình hoa là những linh vật và biểu tượng văn hóa của người Hoa. Hai bên đầu đao ở tầng dưới có hai tượng ông Nhật và bà Nguyệt là hai nhân vật nam và nữ đứng thẳng mỗi người tay cầm một chiếc gương tròn (có chữ Hán) giơ lên cao, bên trong chiếc gương của Ông Nhật là chữ “Nhật” (日) và Bà Nguyệt là chữ “Nguyệt” (月), nếu ghép hai chữ này lại thành chữ “Minh” (明), ngụ ý hoài vọng về nhà Minh của nhóm người Hoa Minh Hương với lý tưởng “Bài Mãn phục Minh”. Bên trong chánh điện chạm lộng những đề tài như: tứ linh, lộc hổ, mai điểu, trúc tước, bầu rượu, lệnh kiếm, cuốn thư, tứ quí, cúc điểu, long mã… mang đậm mỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Các bệ thờ cũng được trang trí mỹ thuật có ý nghĩa. Dưới bệ thờ Phúc Đức Chính thần là mảng phù điêu trang trí mô-típ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như cá chép vàng tượng trưng cho sự dư thừa, phong phú và sung túc; biểu hiện của Thần Tài, Phúc Đức Chính thần. Dưới bệ thờ Mã Đầu Tướng quân là phù điêu chăn giữ ngựa liên quan gần gũi với đối tượng tôn thờ. Dưới bệ thờ Quan Âm là hoa sen, biểu tượng của mỹ thuật Phật giáo.
* Thực vật
Trang trí thực vật gồm quả đào, quả lựu, quả phật thủ, hoa cúc, hoa mẫu đơn… dần dần cũng thay đổi hoặc có thêm nhiều môtíp trang trí mới, gắn liền với thiên nhiên, con người, động thực vật của đất nước Việt Nam. Xen lẫn với những tiểu tượng là các khuôn trang trí đề tài: bình hoa, mai điểu, trúc tước, hồ điệp, hoa văn dây lá cúc, quả lựu… Xen lẫn các tiểu tượng là các khuôn trang trí bình hoa mai, quả đào xung quanh có hoa văn dây lá cúc cách điệu rất mềm mại. Những họa tiết dây lá, hoa cúc, hoa điểu… chạm trổ lộng được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy và rực rỡ trên nền cột tròn màu đỏ tạo nên nét trưng cho miếu người Hoa.
Đặc biệt, mảng trang trí gốm trước mặt tiền và vẽ trang trí ở các đầu hồi còn có các đề tài trang trí là các loại thực vật như: hoa mai thể hiện loài hoa tiêu biểu vào mùa xuân ở Nam bộ, quả đào, dây lá cúc cách điệu, cây thông, hoa mẫu đơn, hoa sen… Những đề tài thực vật vừa là sự phản ánh các đề tài Trung Hoa nhưng đồng thời còn là sự kết hợp với các đề tài thiên nhiên ở Việt Nam.
* Các loài động vật
Những loài động vật như: rồng, lân, phượng, hổ, cá hóa long… nằm trong “ tứ linh” được trang trí với những màu sắc thâm trầm, cổ kính đặc sắc của gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Đối xứng hai đầu đao là tượng lý ngư hóa long tượng trưng cho sự thành công, thịnh vượng. Ngoài cùng đầu nóc là tượng phụng hàm thư xòe cánh bay lên bên hoa phù dung… Bên trong tiền đình, trên các xà ngang và các đầu cột được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn. Các cột đá trước cửa chạm những bức liễn đối, bên trên trang trí con dơi biểu hiện sự phúc – tốt lành, may mắn.
* Sinh hoạt văn hóa dân gian
Những quần thể tiểu tượng trên bờ nóc và đỉnh mái diễn tả những tuồng tích cổ điển trong các tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa như Tam quốc diễn nghĩa, Bát Tiên… Mảng phù điêu cùng những tiểu cảnh rước xách, cờ lọng, người ngồi kiệu; hai bên là cụm tiểu tượng gốm đề tài vui chơi múa hát, đá cầu, sinh hoạt trong lễ hội theo điển tích Trung Hoa. Thực vật với những tàng cây tùng bách cổ thụ tỏa bóng mát. Ngoài ra, bức tranh “Bốn mùa” và “Ngư tiều canh mục” cũng là sự kết hợp đề tài trang trí giữa mỹ thuật Trung Hoa và Việt Nam.
4. Màu sắc trang trí
Màu sắc truyền thống của đình, miếu người Hoa bao giờ cũng là màu đỏ với ý nghĩa tốt lành, may mắn là màu sắc đặc trưng của chùa, miếu người Hoa. Có thể nói, nếu màu vàng được xem là màu chủ đạo cho trang trí đình, chùa Việt thì màu đỏ là màu đặc trưng của văn hóa người Hoa. Màu đỏ được người Hoa sơn phết tô điểm từ ngoài cổng, tường rào vào tới trong chánh điện. Do vậy, nhìn từ xa nếu thấy toàn một màu đỏ người ta cũng dễ dàng nhận biết đó là kiến trúc tín ngưỡng của người Hoa. Bên cạnh đó, còn có những mảng trang trí với màu sắc sơn son thếp vàng trên các bao lam, hoành phi, liễn đối làm cho không gian trang trí thêm cổ kính, linh thiêng, rực rỡ và lộng lẫy.
Ngoài màu đỏ là chủ yếu; thì trên đình, miếu người Hoa ở Đồng Nai còn một số các bức phù điêu đá gắn trên các đà ngang trước tiền điện miếu được sơn các màu màu xanh, hồng, nâu, xanh lá cây, vàng… rất sặc sỡ tạo nên các họa tiết nổi bật của “hoa cúc, đào tiên, phật thủ, lê, lựu” thêm sống động và tươi mát.
Những bức tranh gốm họa tiết hoa sen hoặc cá chép với các màu hồng, xanh, vàng… rất đượm màu sắc. Màu sắc chủ đạo của gốm Cây Mai và gốm mỹ nghệ Biên Hòa trang trí trên các quần thể tiểu tượng tiền mái đình, miếu là màu xanh lục đậu, xanh đồng, xanh cobalt, trắng ta, vàng và nâu với vẻ thâm trầm, cổ kính và đầy quyến rũ. Các tượng gốm tạo nên một sắc thái chủ thể gọi chung là “men lưu ly” hòa vào màu thiên thanh của bầu trời, nắng tươi sắc màu dưới nắng trời nhiệt đới.
Những bức tranh và phù điêu dưới các bệ thờ sơn các màu cam vàng, xanh lục, đen, trắng, đỏ, nâu… nhưng được pha chế bột nhũ tạo nên màu ánh kim vừa sang trọng, vừa thâm trầm mà không rực rỡ; phản ánh được ý nghĩa và thể hiện rõ nội dung của đề tài trang trí. Những bức tranh sơn thủy, đề tài Bát tiên và ngư tiều canh mục, bốn mùa… với màu sắc trang trí phù hợp như: nâu, hồng, đen, xanh lục, xanh da trời, vàng, trắng… tạo nên những mảng phù điêu sáng tối làm cho các bức tranh thêm phần sống động và đầy vẻ nghệ thuật.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí trên các kiến trúc tín ngưỡng người Hoa ở Đồng Nai, thể hiện trên tất cả các hạng mục kiến trúc từ xây dựng cơ bản tới trang trí nội ngoại thất chánh điện. Tất cả những yếu tố trang trí thể hiện tính chất mỹ thuật của truyền thống Trung Hoa bên cạnh sự giao lưu hội nhập với mỹ thuật dân gian Việt Nam tạo nên sự độc đáo, tiêu biểu, nhưng cũng rất gần gũi với cộng đồng các dân tộc ở địa phương.
Trích dẫn: Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai
Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)
Ảnh đại diện: Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập.
Ảnh chỉ mang tính chất tô điểm. Tone màu ảnh: Nocturnal.