NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI của NGƯỜI HOA Quảng Đông ở  Thành phố Hồ Chí Minh

NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI của NGƯỜI HOA Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh

TRẦN HẠNH MINH PHƯƠNG
(Trường Đại học Thủ Dầu Một)

     Nghi lễ chuyển đổi là “các nghi thức đi kèm bất kỳ một sự thay đổi nào về địa điểm, trạng thái, địa vị xã hội và tuổi tác” [10: 327] . Nghi lễ chuyển đổi đánh dấu sự chuyển đổi của cá nhân trong suốt vòng đời, hợp nhất những kinh nghiệm của con người và kinh nghiệm văn hóa với vận số sinh học: ra đời, trưởng thành, kết hôn, lên lão và chết đi. Mỗi một nghi lễ chuyển đổi, mỗi người chỉ trải qua một lần trong đời, nên nghi lễ này rất quan trọng và đáng nhớ, được tổ chức chu đáo, phản ánh sâu sắc bản chất văn hoá của từng tộc người và “những nghi lễ này có liên quan đến lịch sử và cấu trúc của một xã hội nhất định” [4: 5]. Nghi lễ chứa đựng dồi dào thông tin mang tính biểu tượng về thế giới văn hóa và xã hội của những người tham gia” [9: 410]. Do đó, nghiên cứu nghi lễ chuyển đổi là nghiên cứu phần cốt lõi nhất của văn hóa tộc người và qua đó khái quát hệ thống giá trị đạo đức, cấu trúc xã hội của cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

1. Về “Nghi lễ chuyển đổi” của Arnold van Gennep

     Nghi lễ chuyển đổi được nhà nhân học người Bỉ Arnold Van Gennep (1873 – 1975) phân tích có hệ thống trong tác phẩm bằng tiếng Pháp Les rites de passage, năm 1909. Arnold Van Gennep cho rằng “những thay đổi trạng thái (của con người) làm khuấy động cuộc sống xã hội và cuộc sống cá nhân, và chính làm giảm thiểu các tác động có hại của những thay đổi đó mà một số nghi thức chuyển tiếp ra đời” [1: 13]. Tất cả các hoạt động liên quan đến nghi lễ được nghiên cứu có thể chia thành ba giai đoạn chính: nghi thức phân ly (trước ngưỡng), nghi thức chuyển tiếp (trong ngưỡng) và nghi thức hội nhập (sau ngưỡng).

     Những sự việc được Anorld van Gennep xem là cần phải trải qua nghi lễ chuyển đổi: Sự chuyển đổi lãnh thổ [territorial passage], những cá nhân gia nhập nhóm, thụ thai và sinh con [prenancy and childbirth], ra đời và tuổi niên thiếu, thành đinh, đính hôn và kết hôn, lễ tang, lễ động thổ và khánh thành, cắt tóc lần đầu, mọc cái răng đầu tiên, bước đi đầu tiên, lần kinh nguyệt đầu tiên, những nghi lễ gắn với sự thay đổi của tháng, mùa, năm, lễ tha thứ, thức giao mùa, nghi lễ liên quan đến chu kỳ mặt trăng.

2. Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa (nhóm ngôn ngữ Quảng Đông) ở Thành phố Hồ Chí Minh

      Đối với người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, nghi lễ chuyển đổi của một cá nhân từ khi được sinh ra đến lúc mất đi bao gồm lễ đầy tháng, lễ khai học, lễ cưới, mừng thọ lễ tang.

      2.1 Lễ đầy tháng

       Nghi lễ chuyển đổi bắt đầu một đời người là lễ đầy tháng. Lễ đầy tháng đánh dấu đứa bé đã qua thời “trứng nước” mong manh, và sản phụ kết thúc giai đoạn kiêng khem ở cữ. Lễ đầy tháng là nghi lễ chuyển đổi một đứa trẻ còn mơ hồ về sự tồn tại của bé sang một sự tồn tại chắc chắn. Nếu trước lễ đầy tháng, tuổi của đứa bé được tính bằng ngày thì sau lễ đầy tháng tuổi được tính bằng tháng, khoảng cách lớn hơn. Lễ đầy tháng còn mang ý nghĩa chuyển đổi không gian sinh hoạt của người mẹ và đứa bé [mà theo Anorld van Gennep là chuyển đổi lãnh thổ: territorial passage] từ một không gian hẹp nhất (phòng ngủ) ra một không gian rộng hơn (mọi vị trí trong nhà), từ việc hạn chế tiếp xúc với người khác đến chỗ được giao tiếp với mọi người đến nhà. Trước lễ đầy tháng, mẹ và bé không ra phòng khách, không đứng trước bàn thờ, vì người Hoa Quảng Đông quan niệm rằng: trong một tháng sau khi sinh, người mẹ và bé mang khí dơ trong người sẽ làm ô uế bậc tổ tiên đáng kính. Sản phụ và đứa bé rất hạn chế tiếp xúc người ngoài vì có thể họ sẽ mang đến những điều không. Nếu người đang có tang hay dự lễ tang về tiếp xúc với bé, bé sẽ bị “sài” (khóc quấy cả ngày lẫn đêm, không chịu bú sữa, thân hình gầy gò yếu ớt hay ốm đau).

     Lễ đầy tháng đánh dấu sự thay đổi về các thành viên trong gia đình bằng việc công nhận sự hiện diện của một thành viên mới. Sự hiện diện đó được gia đình, họ hàng, lối xóm và tổ tiên thừa nhận thông qua việc nhận lễ vật đầy tháng do gia đình biếu tặng và dâng cúng. Lễ đầy tháng còn mang ý nghĩa phòng vệ, cầu chúc cho đứa bé khỏe mạnh, mau lớn trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, đó còn là dịp thể hiện tình cảm của gia đình đối với đứa bé.

      2.2 Lễ khai học

          Lễ khai học được thực hiện trước ngày trẻ đi học. Hiện nay nghi lễ này không còn phổ biến. Chỉ những gia đình còn ông bà am hiểu và yêu thích gìn giữ những phong tục cổ truyền, hay bố mẹ muốn giữ nét đẹp truyền thống làm lễ khai học cho con hay cháu. Lễ được thực hiện trước ngày trẻ đi học lớp một. Người mẹ sẽ chuẩn bị lễ vật gồm: hoa quả, bánh, nhang đèn để bà đưa cháu (không còn bà nội mẹ sẽ đưa con) đến vái vị thần văn chương – thần Văn Xương ở miếu thờ Quan Công (Nghĩa An Hội Quán) với mong muốn được vị thần này phù hộ thông minh, chăm chỉ, học giỏi. Lễ khai học đánh dấu sự chuyển đổi môi trường, tính chất hoạt động, mối quan hệ của đứa trẻ. Từ môi trường hẹp (ở nhà hay ở trường mẫu giáo) sang môi trường rộng lớn hơn, từ việc đến trường mẫu giáo được chăm sóc ăn ngủ và vui chơi, chỉ học múa, học hát, giờ đến trường để học chữ, từ môi trường ít cạnh tranh sang môi trường có sự cạnh tranh về năng lực. Năm học đầu đời có ý nghĩa đặc biệt đối với tuổi học sinh, có ảnh hưởng lớn đến quãng đường học tập của đứa trẻ, nó sẽ tạo dấu ấn khiến trẻ yêu thích đến trường hay chán ghét trường học. Lễ khai học tạo cho trẻ một niềm tin rằng trẻ đã được sự phù hộ của vị thần văn chương, sẽ học hành đỗ đạt, vị thần văn chương Văn Xương (do hiện nay không có đền thờ Khổng Tử và trong miếu của người Hoa Quảng Đông cũng không thờ Khổng Tử, nên người dân chỉ nghĩ đến Văn Xương – vị thần sẽ đồng hành đứa trẻ trên bước đường học tập, giúp trẻ giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng, bồn chồn ở môi trường mới).

     2.3 Lễ cưới

      Nghi lễ chuyển đổi quan trọng nhất của đời người nên được tổ chức chu đáo và long trọng. Tùy theo điều kiện kinh tế quy mô lễ cưới khác nhau nhưng các bước nghi thức tương đối giống nhau và cùng mang một ý nghĩa đánh dấu sự chuyển đổi của người con trai, con gái từ những người độc thân thành người đã có gia đình riêng.

      Vào đầu thế kỷ XX, lễ cưới bao gồm sáu nghi thức: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ và thân nghinh. Nhưng hiện nay, đôi nam nữ đã có điều kiện quen nhau trước [khác với trước đây do mai mối] để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, lễ cưới chỉ còn ba nghi thức: nạp trưng (giạm hỏi), thỉnh kỳ (lễ hỏi), thân nghinh (đón dâu).

     Hôn lễ đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng của  một đời người. Chuyển đổi hai cá nhân độc thân, hợp nhất thành một đôi được pháp luật và xã hội thừa nhận. Sự hợp nhất đó không gì có thể phân chia – nhất là hôn nhân Công giáo. Người con trai và con gái sẽ rời xa cha mẹ mình, không còn lệ thuộc cha mẹ để sống với nhau. Theo Arnold van Gennep “Hôn nhân cấu thành điều quan trọng nhất trong sự chuyển tiếp từ tình trạng xã hội này sang tình trạng xã hội khác, bởi vì ít nhất một cặp hôn phối có liên quan đến sự thay đổi gia đình, thị tộc, làng và bộ lạc, và đôi khi một cặp vợ chồng mới đến định cư trong ngôi nhà mới” [1:116]. Sự chuyển đổi trong hôn lễ có liên quan đến sự chuyển đổi lãnh thổ. Người con gái sẽ từ giã gia đình mình đến sống ở nhà chồng, (hoặc hai vợ chồng mới cưới sẽ ra sống riêng). Phần đông, trong gia đình người Hoa con dâu được gọi theo danh xưng của chồng cô, họ chồng, hay theo vai vế của con họ sau này, ít khi gọi tên riêng của cô dâu. Sau lễ cưới, người phụ nữ buộc phải cố gắng gia nhập, hòa hợp vào nếp sống của gia đình chồng, và gia đình trẻ sẽ có vấn đề khi người con dâu không thể hòa nhập với gia đình nhà chồng. Về mặt luật pháp sự chuyển đổi thể hiện ở việc người con gái sẽ cắt hộ khẩu ở nhà mình và nhập hộ khẩu vào nhà chồng. Người con gái sẽ không còn là thành viên của chính gia đình của mình mà trở thành thành viên của gia đình chồng. Sự chuyển đổi trong lễ kết hôn là “để kết hôn phải chuyển từ nhóm của những đứa trẻ, thanh thiếu niên vào nhóm của người lớn, từ thị tộc này sang thị tộc khác, từ gia đình này sang gia đình khác, chuyển từ làng này sang làng khác, mối quan hệ của cá nhân với gia đình mình mờ nhạt đi nhưng mối quan hệ đó được củng cố ở gia đình chồng. Sự giảm sút mối quan hệ với gia đình mình thể hiện sự giảm sút quyền hành trong gia đình, địa vị kinh tế và cảm xúc [1: 124]. Tuy nhiên, đối với xã hội hiện đại ngày nay, sự chuyển đổi trong hôn lễ không gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống của đôi nam nữ mới kết hôn do hai cá nhân đã quen nhau từ trước, đã có giai đoạn chuẩn bị tâm lý, kinh tế, xác lập các mối quan hệ hai bên gia đình của nhau. Không chỉ Arnold van Gennep, mà Geoffrey P. Miller cũng xếp “lễ cưới được xếp vào nghi lễ làm thay đổi địa vị của một người. Lễ cưới là nghi lễ gần như phổ quát của xã hội loài người. Lễ cưới được xếp vào nghi lễ làm thay đổi địa vị của đời người, nếu thành sự, nghi lễ tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi về địa vị xã hội dễ dàng: cô dâu và chú rể giã từ trạng thái “độc thân” và thừa nhận vai trò “kết hôn” [3: 12] và “lễ cưới có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thay đổi địa vị của người nam và người nữ có liên quan đến những đặc tính cơ bản của tổ chức xã hội như thân tộc hay sự phân chia tài sản”[3: 12].

      Sự chuyển đổi trong hôn nhân về cơ bản là giống nhau, nhưng tùy điều kiện kinh tế, hoàn cảnh sống, cá tính của người chồng, nền nếp của từng gia đình, mà bản thân cô dâu sẽ cảm nhận sự chuyển đổi theo chiều hướng dễ chịu cho cô dâu hay quá khó khăn đối với cô.

     Một phụ nữ đã kết hôn vào cuối thế kỷ XX kể lại sự thay đổi rất lớn sau kết hôn là mất hết tự do cá nhân, hoàn toàn lệ thuộc người chồng từ kinh tế đến sinh hoạt thường ngày :

     Khi lấy chồng tôi mất hoàn toàn tự do từ việc đi lại với bạn bè, đến trang phục tôi mặc cũng do chồng chọn mua, trong gia đình người chồng quản lý tiền bạn, chồng dạy con. Từ sau khi lấy chồng, họ hàng và láng giềng không gọi tên tôi nữa mà gọi theo họ chồng tôi (bà Trần). Tôi là người Quảng Đông nhưng chồng tôi là người Tiều (Triều Châu), trong gia đình tôi phải theo tất cả phong tục người Tiều.

[T.B.Y (51 tuổi), Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, ngày 16/9/2010, NKĐD]

     Đối với những đôi nam nữ có điều kiện quen trước, và hai người đã có sự  chuẩn bị cho lễ cưới, sự chuyển đổi trong hôn nhân không là “cú sốc” lớn.

     Tôi thấy tôi hạnh phúc may mắn. Tôi thấy không có sự chuyển biến gì, trước và sau đám cưới tôi thấy cũng vậy vì tôi đã chuẩn bị 10 năm trước. Cảm xúc lúc đó là “suy nghĩ kỹ chưa, hết được lựa chọn rồi”.

[D.Đ.M (51 tuổi), Lương Nhữ Học, phường 11, quận 5, ngày 24-3-2010, NKĐD]

      Lễ cưới được xếp vào nghi lễ chuyển đổi vì “lễ cưới giảm thiểu sự không chắc chắn về sự chuyển tiếp vai trò vợ chồng” [7 : 592]. Lễ cưới đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng trong hầu hết các gia đình. Trong lễ cưới cha mẹ “trao” cô dâu cho chú rể, tượng trưng cho việc họ để con gái rời gia đình. “Với lễ cưới người nam, người nữ được công nhận hoàn toàn độc lập và lễ cưới đánh dấu sự bắt đầu của một gia đình hạt nhân. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái thay đổi như là một hệ quả của lễ cưới. Đôi nam nữ (sau lễ cưới) không còn phụ thuộc bố mẹ, họ đi nghỉ tuần trăng mật và bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau. Cộng đồng được mời đến để chứng kiến lễ cưới và công nhận, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chuyển đổi của đôi trẻ. Theo cách này, lễ cưới có ý nghĩa làm thay đổi địa vị của cô dâu và chú rể, hai người bắt đầu tạo dựng một đơn vị gia đình mới. Lễ cưới phân ranh giới một cách rõ ràng giữa địa vị cũ và địa vị mới của đôi trẻ”[6 : 4].

      2.4 Lễ mừng thọ

     Lễ mừng thọ của người Hoa đã có từ thời Xuân Thu chiến quốc [2 : 146]. Theo Thượng Thư- Hồng Phạm trong ngũ phúc [thọ, phú, khang ninh, du hiếu, khảo chung mệnh], thọ đứng đầu, và sống trường thọ là điều con người nói chung, đặc biệt là người Hoa luôn mong muốn được hưởng. Khổng Tử viết “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi hoặc, ngũ thập nhi tri mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận” [2 : 125] (con người đến 30 tuổi mới có thể tự lập, 40 tuổi mới có thể hiểu được lý lẽ trong thiên hạ, 50 tuổi mới có thể hiểu được mệnh trời, 60 tuổi mới có đủ học vấn và kinh nghiệm chín muồi). Ngày nay, người Hoa thường tổ chức mừng thọ ở tuổi 60 (nam), 61 (nữ) –  độ tuổi chín muồi về kinh nghiệm sống, thành đạt trong sự nghiệp và nuôi dạy con cái trưởng thành, hoàn thành bổn “làm người” của một con người.

     Tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, tiệc mừng thọ sẽ được tổ chức linh đình, mời nhiều họ hàng, bạn bè hay chỉ là bữa cơm gia đình nhưng lễ mừng thọ vẫn giống nhau về trình tự và ý nghĩa.

     2.5 Lễ tang

     Những nghi thức tang lễ là những hành động của người sống để tách hồn người chết ra khỏi thi thể và thu hồn vào bài vị (đặt ở bàn thờ tổ tiên). Nghi lễ giúp xoa dịu nỗi đau của người sống và giúp linh hồn người chết được siêu thoát. Về trình tự, lý do của các lớp nghi lễ là giống nhau nhưng khác nhau về chi tiết: nghi thức liệm, cầu an, động quan, hạ huyệt – sự khác nhau ấy do yếu tố tôn giáo. Tùy theo tôn giáo của người quá cố mà tang lễ sẽ do thầy tụng, đạo sĩ, nhà sư hay linh mục làm chủ lễ, tang lễ sẽ được tiến hành theo nghi thức Đạo giáo, Phật giáo hay Công giáo.

     Hình thức tang lễ rất phong phú, do sự khác nhau về tôn giáo, giới tính, tuổi, điều kiện kinh tế, địa vị của người quá cố, nhưng trình tự và mục đích của nghi thức giống nhau với ba nhóm nghi thức chính: phân ly, chuyển tiếp và hội nhập.

     Nghi thức phân ly người chết với thế giới người sống bằng nghi thức tẩn liệm, thi hài người chết được đưa vào chỗ dành riêng cho người chết. Những lời kinh của nhà sư, đạo sĩ hay linh mục giúp linh hồn người chết biết rằng mình đã chết, không thể lưu luyến trần gian, sớm trở về thế giới bên kia. Nghi thức “xả tịnh” giúp người chết giũ bỏ những lưu luyến trần gian để ra đi thanh thản.

      Khi người chồng chết trước người vợ bẻ cây lượt (cây lượt vốn được dùng trong lễ chải đầu- lễ cưới) làm đôi: nửa bỏ vào quan tài, nửa bỏ ra ngoài với ý nghĩa tình vợ chồng đã chia ly, người ở trần gian, kẻ về cõi hư vô, không nên lưu luyến nữa.

[Lễ tang của L.T, tại nhà tang lễ Quảng Đông, ngày 3-7-2010, NKĐD]

      Trong thời gian để tang, cả người chết và sống đều ở tình trạng ngưỡng. Người chết đang bồng bềnh giữa thế giới sống và thế giới bên kia. Người thân trong gia đình người quá cố ở tình trạng nửa không muốn mất người thân, nửa không muốn thể hiện sự quyến luyến để người thân thanh thản ra đi, nửa đau buồn vì mất người thân, nửa muốn người thân sớm trở về thiêng đàng. Người sống đang vượt những cảm xúc đau buồn nhất trong cuộc đời (nếu người quá cố là đấng sinh thành). Theo Freud khi gia đình có tang các thành viên trong gia đình “đau buồn tột bực, không màn đến thế giới xung quanh, mất đi khả năng thể hiện sự yêu thương và ngưng trệ tất cả các hoạt động” [9 : 43].Thời gian này người sống phải thực hiện một số kiêng kỵ: không tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, lễ cưới, không ăn ngon mặc đẹp. Hiện nay, giai đoạn ngưỡng được rút ngắn (ngày xưa con cái phải để tang ba mẹ ba năm, nhưng hiện nay chỉ có 49 ngày, hoặc xả tang ngay sau khi chôn).

       Sự hội nhập của người sống sau lễ tang là nghi thức xả tang, sau thời gian gián đoạn với những hoạt động, người có tang trở lại sinh hoạt bình thường.

3. Cấu trúc xã hội người Hoa là quan hệ thứ bậc tôn ti

      Các phạm trù lớn-nhỏ, già-trẻ, trai – gái, nội-ngoại, giàu-nghèo, truyền thống-hiện đại; mối quan hệ gia đình-dòng tộc, bang, nhóm vẫn được phản ánh rõ nét trong các nghi lễ chuyển đổi.

     Quan niệm “trọng nam khinh nữ” không còn rõ nét như xưa, hầu hết những người được phỏng vấn đều trả lời họ “không có sự phân biệt con trai và con gái- con nào cũng quý” nhưng lại nói thêm một câu (giọng trầm xuống và nhanh hơn cố ý làm giảm sự chú ý của người đối thoại) “có con trai đầu lòng thì vui hơn”.

     Xã hội truyền thống người Hoa quy định “Nghĩa vụ đạo đức của hôn nhân trong xã hội truyền thống Trung Hoa là sinh ra những đứa con trai nối dõi tông đường cho người cha, nhiều cuộc hôn nhân được sự sắp xếp của hai bên gia đình” và “…đối với  một người con gái, ý nghĩa của hôn nhân gắn chặt với việc sinh những đứa con trai truyền thừa cho người chồng. Những đứa con gái không bao giờ được trở thành thành viên của dòng họ nội [5: 44,49].

     Phụ nữ người Hoa hiện nay đã tham gia các hoạt động ngoài xã hội như nam giới nhưng trong gia đình họ vẫn cam chịu, nhẫn nhịn, thủy chung để giữ gìn gia đình mình vì họ quan niệm vợ chồng chia tay nhau là điều bất hạnh, và bị xã hội lên án. Dù không ý thức, hệ tư tưởng Nho giáo quy định “tam tòng, tứ đức” vẫn ràng buộc và chi phối nhận thức, thái độ và hành vi của họ trong các mối quan hệ.

     Đối với người Hoa “hôn nhân không phải là sự kết hợp giữa hai cá nhân mà là công việc của cả gia đình, dòng họ” [8: 21]. Số lượng bánh nhà trai mang sang nhà gái tùy thuộc mối quan hệ của nhà gái nhiều hay ít. Nhà gái càng có nhiều bà con họ hàng, láng giềng, bạn bè thân thiết, số lượng bánh nhà trai mang qua nhà gái càng nhiều. Tổ chức lễ cưới của một thành viên trong gia đình không phải chỉ là công việc của bố mẹ và anh chị em ruột của người đó mà có sự giúp đỡ của họ hàng.

      Đối với thế hệ được sinh vào đầu thế kỷ XX phân biệt về giới thể hiện rất rõ trong gia đình và xã hội của người Hoa: trong phân công công việc, trách nhiệm, vai trò và vị thế của con trai-con gái, vợ-chồng trong gia đình, không gian sinh hoạt trong gia đình, nhưng hiện nay cả vợ và chồng đều tham gia công việc xã hội, nên cả hai vợ chồng đều cùng chia sẻ công việc nhà.

KẾT LUẬN

      Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là lễ đầy tháng, lễ khai học, lễ cưới, lễ mừng thọ và lễ tang. Lễ đầy tháng chính thức thừa nhận đứa bé trở thành thành viên của gia đình và kết thúc giai đoạn ở cữ của người mẹ và đứa bé. Lễ khai học đánh dấu sự bắt đầu quá trình học tập của đứa trẻ. Lễ cưới kết thúc tình trạng độc thân, chưa trưởng thành còn lệ thuộc bố mẹ của thanh niên nam, nữ để trở thành người trưởng thành, có gia đình riêng hoàn toàn độc lập khỏi bố mẹ. Lễ mừng thọ là việc thể hiện thành tựu của một đời người về việc nuôi dạy con cái trưởng thành, cuộc đời đã trải qua quãng thời gian trên 60 năm, được công nhận là bậc trưởng bối trong các mối quan hệ xã hội (từ gia đình, dòng họ, láng giềng). Lễ tang kết thúc một đời người.

      Văn hóa người Hoa đã có nhiều biến đổi cho phù hợp với điều kiện hiện nay nhưng về cơ bản hệ giá trị Nho giáo vẫn được bảo lưu, được phản ánh trong nghi lễ chuyển đổi: Chữ hiếu vẫn được đề cao dù nội hàm chữ hiếu có thay đổi. Hiếu là đứa con biết vâng lời cha mẹ, thành gia thất để trưởng thành là điều bố mẹ luôn mong đợi nơi con cái. Hiếu là vợ chồng hòa thuận, anh em yêu thương nhau, là con cái nhớ được ngày sinh nhật bố mẹ. Người Hoa coi trọng chữ Phước: gia đình còn đủ vợ chồng, có cuộc sống hạnh phúc, gia đình ăn nên làm ra, cuộc sống sung túc, con cái đông đủ và nhất là có con trai nối dõi tông đường. Các cấu trúc nam-nữ, già-trẻ, lớn-nhỏ, tiền bối-hậu sinh, thân tộc-láng giềng, tôn ti thứ bậc vẫn chi phối các hành vi ứng xử trong nghi lễ chuyển đổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Arnold van Gennep (1960), The Rites of passage, Routledge & Kegan Paul.

2. Thiệu Á Đông (2010), Phong tục dân gian tuổi thọ, Nxb Thời Đại.

3. Geoffrey P.Miller, Legal function of ritual, Bepress Legal Series, 2004 (bản điện tử).

4. Http://www.britannica.com, Function of ritual (Chức năng của nghi lễ).

5. Janice E. Sockard (2002), Marriage in culture:Practice and meaning across Diverse Society , United States: Wadsworth.

6. John D. Friesen (1962), “Rituals and Family Strength”, trong The American Journal of Sociology, 67, No. 4 (Jan., 1962), pp. 379-396 (article consists of 18 pages), The University of Chicago Press, Stable URL: http://www.jstor.org/stable/2775138.

7. Matthijs Kalmijn (2004), Marriage Rituals as Reinforcers of Role Transitions: An Analysis of Weddings in The Netherlands, Journal of Marriage and Family, N0 66 (August 2004).

8. Radcliffe- Brown (1922), The Andaman Islanders: a study in social anthropology, The University of Chicago Press.

9. Thomas Barfield (1997), The Dictionary of Anthropology, Publisher Blackwell.

10. Victor Turner, Betxixt and Between: The Liminal Period in the Rite de Passage, tr.4 – 20 trong kỷ yếu Hội thảo về Những cách tiếp cận mới để nghiên cứu tôn giáo, Hội thảo Dân tộc học Mỹ (1964). Trong “ Ngô Đức Thịnh, Frank Prochan (chủ biên) (2005), Folklore thế giới: Một số công trình cơ bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

(Visited 738 times, 1 visits today)