TS. TRỊNH ĐỨC THÁI
(Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, ĐH Ngoại ngữ, ĐH QG Hà Nội)
1. Đặt vấn đề
Chúng tôi nghiên cứu các ngữ đoạn mở đầu vì đây là các ngữ đoạn có tính “nghi lễ” nhất của một hội thoại [2, 37]. Ngữ đoạn mở đầu hội thoại bao gồm một số tham thoại và một số yếu tố cho phép các thành viên tham thoại quản lí chung toàn bộ hội thoại. Các ngữ đoạn phụ thuộc vào các yếu tố mà Goffman gọi là các nghi lễ giới thiệu “rites de présentation” [1, 86]. Các cuộc hội thoại thường có các ngữ đoạn dành cho các nghi lễ trong đó các hình thức ngôn ngữ thay đổi theo các thành viên tham gia hội thoại và tình huống giao tiếp.
Tổ chức nội tại của các ngữ đoạn này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: loại hình giao tiếp, và bối cảnh: mục đích, thời gian, ngữ cảnh, tần suất gặp gỡ giữa các thành viên tham gia giao tiếp, mức độ quen biết giữa họ, và mối quan hệ liên nhân… Các ngữ đoạn này cũng biến đổi theo các nền văn hoá, nhưng trong tất cả các cộng đồng ngôn ngữ, luôn tồn tại các hình thức nghi lễ đặc thù cho ngữ đoạn mở đầu cuộc giao tiếp.
Với chức năng chủ yếu là tạo mối quan hệ, một cấu trúc rất đặc thù và một số lượng các trao thoại tương đối hạn chế, không có gì ngạc nhiên khi ngữ đoạn bao gồm các ứng xử nghi lễ này được nghiên cứu nhiều nhất. Các chức năng của ngữ đoạn mở đầu rất đa chiều và đa dạng: đồng thời tạo điều kiện cho giao tiếp có thể xảy ra và khởi động nó. Nhiệm vụ của các thành viên tham thoại trong ngữ đoạn này là đảm bảo khai thông các kênh giao tiếp, hình thành các tiếp xúc thể chất và tâm lí, làm quen với đối tác hay thể hiện sự nhận biết người khác, đưa ra sắc thái, định nghĩa ban đầu về tình huống giao tiếp, nhưng có tính quyết định. Tổng hợp các trao thoại của ngữ đoạn mở đầu là một dạng đơn vị có tính chủ đề và ngữ dụng cao, mục đích là phá vỡ tảng băng “briser la glace” ngăn cách và thực hiện việc tiếp cận, cho phép mở đầu giao tiếp.
Chúng tôi nghiên cứu ở đây các giao dịch mua bán, để muốn tìm hiểu xem trong hoạt động giao tiếp này các ngữ đoạn mở đầu có xuất hiện một cách hệ thống không? Các yếu tố cấu thành của các ngữ đoạn mở đầu? Và sự khác biệt giữa các ngữ đoạn mở đầu trong giao tiếp của người Pháp và trong giao tiếp của người Việt? Chúng tôi đã tiến hành ghi âm các cuộc giao dịch mua bán trong 4 cửa hàng nhỏ và một khu chợ tại Pháp, 4 cửa hàng nhỏ và một khu chợ tại Việt Nam.
Ngữ đoạn mở đầu thường gồm các phát ngôn chào hỏi thuần tuý và các hành động phát ngôn chào hỏi phụ trợ.
2. Những nghiên cứu về phát ngôn hỏi chào trong tiếng Pháp và tiếng Việt
2.1. Phát ngôn hỏi chào trong tiếng Pháp
2.1.1. Phát ngôn hỏi chào thuần túy
Các lời chào hỏi thuần tuý trong tiếng Pháp là bonjour, bonsoir, salut. Giá trị của lời chào là người chào thể hiện rằng anh ta ý thức được sự hiện diện của đối tác và sẵn sàng tham gia giao tiếp với đối tác dù là rất nhanh, và nếu đối tác là người quen biết, người chào còn thể hiện mình đã nhận ra đối tác (đối với các đối tác không quen biết, lời chào hỏi là bắt buộc trong một số ngữ cảnh đặc biệt như: cửa hàng, thang máy, taxi…). Lời chào khởi đầu, về nguyên tắc sẽ được kế tiếp bằng lời chào đáp lại.
2.1.2. Phát ngôn hỏi chào phụ trợ
André-Larochebouvy (1984, tr. 69), phân biệt bốn chức năng của các phát ngôn chào hỏi phụ trợ:
1) Thay thế lời chào hỏi thuần tuý khi mà các thành viên tham thoại có mối quan hệ gần gũi và không hình thức;
2) Đi kèm vớilời chào hỏi thuần tuý;
3) Dùng khởi động cho sự phát triển một chủ đề (sức khoẻ, thời tiết) đó sẽ là chủ đề duy nhất của giao tiếp;
4) Dùng để khởi động một sự phát triển chủ đề có tính khai mào trước khi đề cập đến các chủ đề khác ít vô hại hơn. Theo Kerbrat-Orecchioni (2001, 10) các phát ngôn như là: Comment ça va? (Bạn khỏe không?) và các biến thể của nó, thân mật hơn: Ça va? (khỏe chứ?); Ça boume? (Ổn chứ?); Ça baigne? (Ngon lành chứ?) hay xa cách hơn: Comment allez-vous? (Ông/ bà khỏe không ạ?) cùng có các đặc tính như sau:
– Bề ngoài của chúng giống như những câu hỏi liên quan đến sức khoẻ của đối tác, hay rộng hơn, chung hơn là tình trạng ổn hay không ổn (về thể chất hay tâm lí).
– Chúng nằm trong ngữ đoạn mở đầu của giao tiếp, thường ngay sau lời chào thuần tuý.
Các phát ngôn như vậy hoạt động đồng thời như một câu hỏi yêu cầu một câu trả lời và cũng như một sự mở rộng của lời chào hỏi trước đó có đòi hỏi một lời chào phụ trợ.
Các phát ngôn này bao gồm hai yếu tố lồng vào nhau mà liều lượng phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau: tình huống mà phát ngôn diễn ra, hình thức thể hiện đơn giản hay cầu kì (câu Comment vas-tu? giữ được tốt hơn giá trị câu hỏi so với câu Ça va?, còn câu Comment ça va? giữ vị trí trung gian) và các thông tin trước đó mà các thành viên tham thoại biết về đối tác.
Các phát ngôn khẳng định cũng được người Pháp dùng như các (mở đầu = ouvreurs) đế mở màn cho một giao tiếp, chẳng hạn như nói về hình thức bên ngoài của đối tác, về hoạt động đối tác đang thực hiện (Chúng tôi sẽ bàn đến ở phần sau).
2.2. Phát ngôn hỏi chào trong tiếng Việt
Trong luận án của mình (1995), Phạm Thị Thành nghiên cứu các hành động ngôn ngữ chào hỏi mở đầu, cám ơn và xin lỗi. Tác giả phân biệt các hành động chào hỏi tường minh và hàm ẩn (1995, tr. 75-90). Theo tác giả, trong ngữ đoạn mở đầu, các hành động chào hỏi được diễn đạt bằng động từ chào. Chúng thường được sử dụng trong các tình huống trang trọng, đặc biệt đối với người không quen biết. Các hành động chào hỏi được coi là hàm ẩn khi vắng mặt động từ chào. Phạm Thị Thành giới thiệu một danh sách khá đầy đủ các cấu trúc khác nhau của mỗi loại hành động chào hỏi. Chúng tôi xin được tóm tắt như sau (trong danh sách này, ĐTGT là viết tắt của cụm từ “Đối tượng giao tiếp” và CTGT là “Chủ thể giao tiếp”):
Về hành động chào hỏi tường minh:
1) Cấu trúc 1: Xin chào
– Xin chào
2) Cấu trúc 2: Chào ĐTGT
– Chào Hoa
3) Cấu trúc 3: ĐTGT
– Ông ạ!
4) Cấu trúc 4: ĐTGT (hình thức thu gọn của 3)
– Ông!
5) Cấu trúc 5: CTGT xin gửi tới ĐTGT lời chào trân trọng; hay: Cho phép CTGT được gửi tới ĐTGT lời chào trân trọng.
– Chúng tôi xin gửi tới ngài lời chào trân trọng!
Đối với các hành động chào hỏi hàm ẩn:
1) Cấu trúc 1: ĐTGT! = Allocutaire! (thực hiện với ngữ điệu hay nhấn âm)
– Tuấn!
2) Cấu trúc 2: Một câu hỏi (cấu trúc này rất hay được sử dụng)
– Anh đi đâu đấy?
3) Cấu trúc 3: ĐTGT + hoạt động (nhằm khẳng định)
– Ông nấu cơm!
4) Cấu trúc 4: nhằm mời đối tác
– Anh chị vào chơi!
5) Cấu trúc 5: nhằm chúc mừng đối tác
– Chúc mừng nhé, đẻ con trai hả?
6) Cấu trúc 6: nhằm khen ngợi đối tác
– Áo mới nhé!
7) Cấu trúc 7: nhằm thông báo cho đối tác
– Biết gì chưa? Ông giám đốc sắp về hưu rồi.
Chúng tôi cho rằng cách trình bày này là tương đối khó hiểu đối với các độc giả Pháp. Chúng tôi muốn trình bày các cấu trúc này một cách đơn giản hơn:
Trong tiếng Việt, động từ chào là hạt nhân trong phát ngôn chào hỏi và nó thường đi kèm một từ xưng hô chỉ đối tác. Vậy chúng ta có cấu trúc gốc sau:
Chào + từ xưng hô chỉ đối tác. Cấu trúc này tương đương với cấu trúc trong tiếng Pháp:
Bonjour + từ xưng hô chỉ đối tác.
Cấu trúc này có thể sử dụng để chào hỏi tất cả các đối tượng giao tiếp: bề trên, ngang bằng hay bề dưới: Chào ông!; Chào Tuấn!; hay Chào cháu.
Trong phát ngôn chào hỏi này, người ta có thể thêm động từ xin vào trước chào để tăng mức độ trang trọng, chẳng hạn:
– Xin chào!
Hoặc:
Xin chào + từ xưng hô chỉ đối tác!
Người ta cũng có thể thêm vào kính ngữ trong các tình huống trang trọng, lịch sự.
Chúng ta có cấu trúc sau:
Xin kính chào + từ xưng hô chỉ đối tác!
Các từ xưng hô chỉ đối tác trong cấu trúc này thường là những từ biểu thị sự kính trọng như: ngài, quý vị, ông, bà…
Trong các cấu trúc trên, người nói có thể tự xưng (hay không):
– (Cháu) chào (chú).
Và ngược lại, để cho hành động này có tính thân mật hơn, người ta sử dụng các hình thức giản lược khi đó chỉ còn từ xưng hô chỉ đối tác:
– Ông.
Hay động từ “chào”
– Chào.
Và để chào hỏi đối tác bề trên, người ta thường sử dụng kèm theo tiểu từ thể hiện sự tôn trọng.
– Ông ạ!
Và các phát ngôn chào hỏi hàm ẩn do tác giả đưa ra có một số vấn đề:
1) Không thể phân biệt cấu trúc chỉ có một từ xưng hô chỉ đối tác và cấu trúc có một thán từ kết hợp một từ xưng hô chỉ đối tác. Và cùng không nên xếp chúng vào hai nhóm khác nhau: một là tường minh hai là hàm ẩn. Theo chúng tôi đó chỉ là các cấu trúc của phát ngôn chào hỏi thuần tuý giản lược.
2) Không nên xếp câu hỏi biểu đạt lời chào vào cùng một nhóm với câu hỏi biểu đạt lời khẳng định, hoặc lời mời, lời chúc mừng, lời khen ngợi.
Đối với câu hỏi để biểu đạt lời chào như là Anh đấy à?, Đi đâu đấy?, Anh ăn cơm chưa?, chúng tôi đồng ý với Kerbrat-Orecchioni khi nói rằng các phát ngôn này bao gồm hai thành tố lồng vào nhau (một câu hỏi và một lời chào) và ở đó liều lượng thay đổi theo những yếu tố khác nhau.
Với các cấu trúc khác, chúng tôi cho rằng tác giả đã coi tất cả các phát ngôn bắt đầu một cuộc giao tiếp là lời chào. Nhưng theo chúng tôi, phải đặt chúng trong nhóm rộng hơn của các phát ngôn mở đầu (des ouvreurs). Theo Traverso (2001, 17) hành động mở đầu cuộc giao tiếp có thể là phi ngôn ngữ (một cái nhìn, gật đầu, nụ cười) hay được thực hiện bằng một lời chào, một câu hỏi, một nhận xét… và hành động đó mở đầu cho giao tiếp thực sự. Như vậy lời chào hỏi chỉ là một trong những nhóm nhỏ trong các phát ngôn mở đầu.
Chúng tôi muốn trình bày thêm ở đây nghiên cứu của Nguyễn Vân Dung: Nguyễn Vân Dung, [4, 75-76], trong luận án của mình, bảo vệ năm 2000, tác giả đưa ra ba sơ đồ của ngữ đoạn mở đầu. Theo tác giả, ngữ đoạn mở đầu bao gồm hai thành tố: nhậnbiết và chào hỏi:
O = R + S
O = S + R (phi ngôn ngữ)
O = R
(trong đó O = ngữ đoạn mở đầu, S = chào hỏi và R = nhận biết)
1) Đây là cách thể hiện hoàn chỉnh nhất của phát ngôn chào. Lời chào thuần tuý với sự xuất hiện của động từ chào hay dạng câu hỏi chào (greeting questions) sẽ đi kèm với sự nhận biết tường minh được thể hiện bằng danh từ xưng hô chỉ đối tác quen biết hay không quen biết.
2) Lời chào hỏi thuần tuý, các câu hỏi chào, lời khẳng định – chào thường đi kèm các hành động nhận biết nhưng thực hiện một cách hàm ẩn bằng một hành động phi ngôn ngữ: gật đầu, động tác tay, mỉm cười… nhằm thông báo cho đối tác là họ đã được nhận ra.
3) Một hành động nhận biết tường minh nhằm gọi đối tác và khẳng định đã nhận biết đối tác như:
– Anh sang chơi.
– Tâm đấy à?
– Xin lỗi có phải nhà Thuỷ không ạ?
Chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về các công trình trên:
1) Lời chào hỏi thuần tuý bằng động từ chào nhưng trong các cấu trúc giản lược (chỉ có một từ xưng hô) giá trị chào hỏi sẽ không mạnh và rõ ràng bằng.
2) Lời chào hỏi phụ trợ được chia làm hai nhóm nhỏ:
– Câu hỏi chào (greeting questions);
– Lời khẳng định.
Chúng ta có thể cho rằng các câu hỏi chào là các phát ngôn hàm ẩn có quy ước vì trong tiếng Việt bên cạnh động từ chào còn có động từ chào hỏi. Có thể nói hỏi cũng là một hình thức chào. Nhưng trong các câu hỏi chào, giá trị hỏi và chào thay đổi theo nhiều yếu tố.
3) Lời khẳng định có thể xếp vào loại lời chào hàm ẩn không có quy ước.
4) Một vấn đề khác là người Việt thường thích dùng lời chào hỏi phụ trợ hơn lời chào hỏi thuần tuý. Đó là kết luận trong nghiên cứu của nhiều tác giả như Phạm Thị Thành, Nguyễn Vân Dung. Trong khi đó, trong tiếng Pháp, “Công thức thông dụng nhất của lời chào hỏi là Bonjour =la formule la plus courante pour la salutation est Bonjour” (Traverso, 1996, tr. 69].
Như vậy có sự khác nhau trong cách dùng các loại hình chào hỏi trong hai cộng đồng. Tại Việt Nam, câu hỏi – chào (greeting questions) và lời khẳng định – chào có tần số sử dụng cao hơn rất nhiều so với lời chào với động từ chào. Chúng tôi tạm gọi là phát ngôn hỏi – chào phụ trợ để không phức tạp hoá vấn đề vốn đã rất phức tạp.
5) Ngữ đoạn mở đầu cũng có thể giới hạn bằng lời chào hỏi nhưng cũng có thể mở rộng với các trao thoại có tính nghi lễ về nhiều chủ đề và cùng có chức năng tiền dẫn nhập cho một cuộc giao tiếp. Ở Việt Nam, trong ngữ đoạn mở đầu của các cuộc trò chuyện luôn có lời mời uống trà hay ăn trầu do vậy có thành ngữ Miếng trầu làm đầu câu chuyện. Vì vậy, Kham Vorapheth (1997) đưa ra một lời khuyên cho các thương gia phương Tây làm việc tại Việt Nam mà chúng tôi thấy rất lí thú:
“Trong mỗi cuộc gặp gỡ với đối tác, các bạn nên dành năm đến mười phút để trao đổi về các vấn đề ngoài lề trước khi đề cập tới các chủ đề nghiêm túc. Không bao giờ nên vào thẳng vấn đề mà không uống một tách trà hay một cốc nước được mời trước đó. Sự vội vàng luôn bị người phương Đông coi là không biết cách sống” [5, 120].
Nhưng trong các cuộc mua bán nhỏ lẻ, trực tiếp, chúng ta sẽ thấy người Việt thường không chú ý đến ngữ đoạn này. Sau đây là những phân tích ngữ liệu đã thu thập.
3. Phân tích ngữ liệu
Chúng tôi sẽ phân tích ngữ đoạn mở đầu trong các cuộc mua bán tại Pháp và Việt Nam trên hai khía cạnh: tần số xuất hiện lời chào hỏi và cấu trúc thành tố để trả lời cho hai câu hỏi:
1. Lời chào hỏi trong ngữ đoạn mở đầu có mang tính hệ thống không?
2. Ngữ đoạn này có các thành tố nào?
Chúng tôi có 131 ngữ đoạn để phân tích trong đó là 60 ngữ đoạn tiếng Pháp và 74 ngữ đoạn tiếng Việt. Và trong phân tích này, chúng tôi không thể phân tích các hành động chào hỏi phi ngôn ngữ như: động tác, nụ cười…
3.1. Sự có mặt hay vắng mặt của lời chào hỏi
Sự có mặt của hành động chào hỏi trong ngữ liệu tiếng Pháp
Phạm vi giao tiếp | Có mặt | Vắng mặt | Tỉ lệ phần trăm có mặt |
Cửa hàng giày dép | 11 | 03 | 78,6 % |
Cửa hàng hoa | 11 | 04 | 73,5 % |
Cửa hàng thịt | 10 | 01 | 91,0 % |
Chợ trời | 02 | 18 | 10,0 % |
Tổng cộng | 34 | 26 | 56,6 % |
Sự có mặt của hành động chào hỏi trong ngữ liệu tiếng Việt
Phạm vi giao tiếp | Có mặt | Vắng mặt | Tỉ lệ phần trăm có mặt |
Cửa hàng giày dép | 00 | 12 | 00,0 % |
Cửa hàng khung tranh nghệ thuật | 02 | 12 | 14,2 % |
Chợ hoa Tết | 00 | 30 | 00,0 % |
Chợ thực phẩm | 04 | 14 | 22,2 % |
Tổng cộng | 06 | 68 | 08,1 % |
Qua các kết quả trình bày trong hai bảng trên, chúng tôi có một số nhận xét sau đây:
1) Ngữ đoạn mở đầu không xuất hiện một cách hệ thống trong các giao dịch thương mại trong các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong dữ liệu tiếng Pháp, có 56,6% các giao tiếp có ngữ đoạn này và trong dữ liệu tiếng Việt, chỉ có 8,1%.
2) Tần số xuất hiện của ngữ đoạn này thay đổi rõ nét theo loại hình buôn bán. Tại chợ trời, chỉ có 10% giao tiếp có ngữ đoạn này (điều đó làm giảm mạnh tỉ lệ chung trong dữ liệu tiếng Pháp). Trái lại ở ba nơi khác, đều là cửa hàng, tỉ lệ này là rất cao: 73,5% tại cửa hàng hoa; 78,6% ở cửa hàng giày dép; 91,0% tại cửa hàng thịt. Hơn thế nữa, dữ liệu ghi tại cửa hàng hoa được ghi ở hai nơi thì trong cửa hiệu 100% các giao tiếp được bắt đầu bằng ngữ đoạn mở đầu còn ở ngoài chợ chỉ có 30%. Có thể nói rằng tại Pháp, sự xuất hiện của ngữ đoạn này là có hệ thống trong cửa hàng còn không hệ thống ở chợ.
Chúng ta có thể giải thích sự khác nhau này như sau:
Trước hết sự khác nhau liên quan đến nơi diễn ra giao tiếp: Một nơi công cộng hay tư nhân. Traverso (1996) nhận định:
“Sự khác nhau quan trọng giữa các nơi công cộng và các nơi tư nhân và các quy tắc đặc thù cứ mỗi loại sẽ áp đặt lên các thành viên tham thoại” (1996, tr. 10).
Goffman nhấn mạnh sự khó khăn trong giao tiếp trong những hoàn cảnh nhất định và đưa ra hai hệ thống quy tắc: hệ thống của quan hệ (mỗi cá nhân phải có những ứng xử nhất định vì anh ta đang đối thoại với một cá nhân nào đó) và hệ thống các khung cảnh (Các cách ứng xử phải phù hợp với khung cảnh mà ở đó chúng đang diễn ra) [1]. Và Kerbrat-Orecchioni (1995, tr.77) phân biệt hai phương diện khác nhau của địa điểm diễn ra giao tiếp. Chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến giao tiếp: các phương diện hoàn toàn mang tính chất vật lí (mở hay đóng, công cộng hay tư nhân, rộng hay hẹp…) và chức năng xã hội hay thể chế.
Các đặc tính của địa điểm quy định cấu trúc của giao tiếp và kịch bản của nó. Theo chúng tôi, địa điểm càng có tính sở hữu tư nhân thì các nghi lễ càng trở nên bắt buộc vì đi vào một nơi thuộc sở hữu cá nhân là một sự đe dọa lãnh thổ, một hành động mang nhiều tính đe doạ. Do vậy phải có cách ứng xử thế nào của hai phía để giảm đi tính đe doạ này. Hãy bắt đầu bằng ngôi nhà, một nơi điển hình về sở hữu cá nhân, nơi mà chào hỏi là bắt buộc, đến cửa hàng nơi mà cách tổ chức nội thất cho phép biến một nơi sở hữu tư nhân và khép kín thành một nơi công cộng hơn và có tính mở hơn. Mọi người vào cửa hàng chỉ là khách hàng tiềm năng, họ có thể đi vào, đi quanh cửa hàng, ngắm hàng hoá rồi đi ra không cần nói câu nào. Nhưng mỗi khi người bán nhìn thấy một dấu hiệu nào đó là người mua muốn trao đổi, người bán sẽ tiếp cận và lúc đó chào hỏi sẽ diễn ra nhưng không bắt buộc như trong nhà vì giao tiếp có thể bắt đầu bằng một câu hỏi về giá cả của một mặt hàng và người bán trả lời sau đó họ tiếp tục công việc trao đổi. Trong trường hợp đó, họ hoàn toàn có thể bỏ qua nghi lễ chào hỏi. Tiếp tục với địa điểm chợ, nơi này thường được tổ chức ở các nơi công cộng, mở rộng và các quầy hàng ở giữa trời. Tất cả những đặc điểm đó cho phép các cá nhân đi dạo, ngắm hàng hoá, thậm chí sờ vào hàng hoá mà không cần trao đổi với chủ hàng. Thường là người mua bắt đầu bằng câu hỏi liên quan đến mặt hàng anh ta muốn mua. Hơn nữa các giao tiếp tại chợ thường diễn ra rất nhanh vì các khách hàng tiềm năng rất đông. Các nghi lễ thường rất đơn giản và thậm chí được bỏ qua.
Mời xem tiếp:
NGỮ ĐOẠN MỞ ĐẦU trong GIAO DỊCH MUA BÁN ở Việt Nam và Pháp (Phần 2)
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 10 năm 2012
Ảnh đại diện: Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập. Ảnh chỉ mang tính chất tô điểm
Ban Tu Thư (https://vietnamhoc.net)