Truyện dân gian An Nam – Người Chết Sống Lại – Cậu Bỉnh (Maitre Bỉnh)

Truyện dân gian An Nam – Người Chết Sống Lại – Cậu Bỉnh (Maitre Bỉnh)

ĐỖ NGỌC GIAO 1
             (Bài viết được tác giả dịch từ bài Maitre Bỉnh – nguyên tác tiếng Pháp – được trích từ trong sách Contes et Legendes Annamites2 của Antony Landes3, Sài Gòn 1886)

      Sa Đéc có một anh khùng khùng điên điên tên là Bỉnh. Ảnh không làm gì ai hết, hễ nhà nào có đám ma thì tới xin đồ tang về bận. Đứa nhỏ nào bị bịnh, ốm o, kêu ảnh tới vỗ trên người mấy cái là nó khỏe như thường. Bỉnh ở đó mấy năm thì ông phủ Phongngười Mỏ Cày – được bổ tới làm quan phủ Tân Thành, đem theo bà má. Bà này bị bịnh, yếu lắm, uống thuốc chi cũng không khỏi.

    Ngày nọ bịnh trở nặng, bả chết. Nhưng trong bụng bả như còn âm ấm, nên người ta chưa chôn. Qua một đêm, bả sống lại, kể với con trai như vầy: “Lính của Diêm vương bắt má lôi đi. Được nửa đàng, má thấy một anh chừng mười sáu mười bảy chi đó, ngồi trên ngựa, có một đám đông theo sau. Ảnh kêu tụi lính đang bắt má lại, biểu: ‘Bà này là má của ông phủ chỗ ta đang ở. Thả bả ra đi, đừng bắt bả nữa.’ Rồi ảnh ra lịnh cho tụi kia đem má trở về. Má tính quỳ lạy, nhưng ảnh không cho, nói má về cho con hay: ‘Ảnh là con của Diêm vương, đang ở Sa Đéc, tên là Bỉnh đó’.”

     Ông phủ cho mời Bỉnh tới, nhưng anh này vẫn điên điên như mọi khi. Ông phủ cho tiền và quần áo thì nhứt định không lấy. Ông phủ nói: “Cái xác là Bỉnh, mà làm cho nó cục cựa là hồn của thái tử – con của Diêm vương.” Ổng cấm mọi người mai mốt không được gọi ảnh là ‘thằng Bỉnh’ mà từ giờ trở đi phải kêu bằng ‘cậu Bỉnh’.

CHÚ  THÍCH :
1:  Nguồn:  Bài viết – được trích từ Bài Antony Landes Với Chuyện Dân Gian Người Việt của ĐỖ NGỌC GIAO – do tác giả gửi bài qua email bantuthu1965@gmail.com

2:  ANTONY CHARLES LANDES (1850–1893) là học giả đầu tiên (ở nửa cuối thế kỷ thứ 19) quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép những câu chuyện dân gian của người Việt. Sang thế kỷ thứ 20, onng vẫn nối tiếp công việc ấy với Nguyễn văn Ngọc (1890–1942), Nguyễn Đổng Chi (1915–1984), Tô Nguyệt Đình (1920–1988), Lê Hương (1922–1976) và Sơn Nam (1926–2008). Những vị này đã góp công rất lớn giúp tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu trong nhà nghe được nữa’. LANDES viết bằng tiếng Pháp để cho người Phápngười Âu đọc được, nên người Việt ít ai biết tới!

3:  Cuốn sách CONTES ET LEGENDES ANNAMITES do Landes ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, do hai người kể chuyện – một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar) – đều là dân tỉnh đó.
    Cuốn sách có 2 phần: Phần 1 có 127 câu chuyện đời xưa và truyền thuyết được ghi theo nguyên văn của lời kể: Phần 2 có 22 câu chuyện cười được ghi đại ý theo lời kể. Kèm theo những câu chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm Văn hóa Việt. Cuốn sách được xuất bản do Nhà in Imprimerie Coloniale tại Sài Gòn năm 1886.

GHI CHÚ :
◊  Những chữ nghiêng, chữ in, chú giải và hình ảnh do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thực hiện.

MỜI XEM :
◊  Nguyên bản tiếng PhápCONTES ET LEGENDES ANNAMITES – Maître Bỉnh.

BAN TU THƯ
04 /2022

(Visited 24 times, 1 visits today)