NGƯỜI DÒM LỖ KHOÁ (Phần 1)

    Tác giả truyện ngắn dưới đây là của một vị Hiệu trưởng. Ông có cuộc đời bất hạnh ly kỳ, nghe như cuộc đời của một vị đạo sĩ ẩn dật. Ở ông pha trộn sắc thái của nhiều dạng người, nhiều giai tầng trong xã hội. Quen biết ông nhiều năm, có lúc tôi thấy ông đạo mạo như một vị “cha cố”. Có lúc lại thấy ông ngang ngạnh như một gã “cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ”. Có lúc ông lại “lừ đừ như ông Từ vào Đền”. Nhưng trong truyện ngắn “Người dòm lỗ khóa” tôi lại hình dung ông như một người nghe ngóng lịch sử ở bên lề. Mà nói thế thì trừu tượng quá! Xin độc giả cứ hình dung ông như cái “tháp chuông rè” ở Nhà thờ Đức Bà. Cái tháp ấy tưởng chừng như vô hồn nhưng lại phát ra thứ âm thanh trầm buồn, vang dội vào cõi hư vô. Thế mà nó không bi ai, bạc nhược… mà có tình- một thứ tình tự dân tộc. Cái khéo léo của ông là biết hóa trang vào từng nhân vật trong từng tác phẩm. Ông đứng ở ngã ba đường để nhìn ngó các bên đang trong thời kỳ chiến tranh từ 1945 đến 1975 + 1- theo cách tính thời gian của ông.

      Trong tác phẩm “Người dòm lỗ khóa”, ông mượn nhân vật bà quản gia để khắc họa những biến động của thời cuộc trong những ngày đầu 30 tháng 04-1975 qua cái lỗ khóa- qua con mắt tò mò của một bà đày tớ già. Cái lỗ khóa tưởng chỉ để khóa cửa, mở cửa thế mà nó lại có một góc nhìn độc đáo mà hiếm người nào phát hiện ra- kể cả các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch với trí tưởng tượng đầy bay bổng, lãng mạng. Người dòm lỗ khóa ấy đã thấy gì? Nghe gì? Xin qúy độc giả hãy để dành thời gian xem qua để nhớ lại những ngày chuyển động trời đất trong một góc trời của nhân loại!.

x
x x

     Chuông nhà thờ đổ dồn. Khu phố bị khua động! Người đàn ông đứng tuổi trong ngôi biệt thự màu rêu xanh ngồi nhổm dậy. Một luồng gió lạnh thoảng qua. Người đàn ông ưỡn xuống ngực, há to mồm rồi thở ra một hơi. Ông ta bước về phía cánh cửa sổ. Từ trên lầu, ông nghiêng đầu nhìn ra cánh cổng sắt đang hé mở, mồm lầm bầm:

– Chả nhẽ đêm qua lại như thế này!

     Ông  nheo mắt.

Có tiếng chân sột soạt – Một cụ già từ ngoài cửa bước vào đứng nép bên trong cánh cổng. Ông lại lẩm bẩm

– “ À! Cái bà này!”

     Một giọng nói của bà cụ từ dưới vọng lên:

– Ông thức dậy rồi đấy à…!!! Sớm thế!

     Cái giọng nói chanh chua nhừa nhựa như kiểu cơm nhão. Khiến người đàn ông chẳng buồn trả lời.

– Ông à! Ngoài đường mấy ổng đang chạy bộ, trông khí thế lắm!

     Người đàn ông đưa hai cánh tay lên trời, hít một hơi thật mạnh ra trò. Xong! Khom mình lại, ông bèn co chân chạy lúp xúp như anh phu xe kéo.

– Chả ăn thua! Ông phải ra ngoài kia trông vào “mấy ổng đấy”.

     Người đàn ông vẫn im lặng.

Mấy ổng đi dọc Trường Sơn”, về đến đây vẫn còn khí thế! chả trách mấy bố “tiểu tư sản” thành thị như ông. “Chỉ dài lưng tốn vải”, trông chán phèo phèo!!!

     Người đàn ông vẫn giữ gương mặt lầm lì chẳng buồn nghe cái giọng nói nghe như mẹ người ta!chạm nọc” rồi đây!

– Cũng được, ít ra ông cũng chịu khó! Thời buổi này phải lao động đấy!

     Người đàn ông trông chừng cũng đã mệt mỏi. Ông tì hai tay lên cánh cửa sổ. Đôi mắt cứ nhìn đăm đăm ra cái cổng sắt.

     Bên dưới, bà cụ lom khom khép cánh cổng lại. Nhìn bà ta rõ đã già! Và cái thứ âm thanh lèo nhèo do bà ta phát ra – Kể từ sáng hôm sau, ngày ấy nghe khó chịu chẳng khác nào “lấy vợ già, ở nhà hướng tây!”

– Trông ông cũng tiến bộ! Có tiếp thu sửa chữa! Có phấn đấu vươn lên! Này ông ạ! Bỏ lối sống trưởng giả đi! Chẳng còn“Sâm banh, sữa bò!”nữa đâu. Có“bo bo rồi đấy!”.

     Vừa nói bà ta vừa quay lưng lại, bước vào trong, để lộ cái lưng cong như con tôm.

     Người đàn ông để mắt theo dõi cái lưng vốn đã khòm khòm ấy! Nó đã tật nguyền kể từ cái ngày còn ở Hà Nội – những năm tháng khi ông còn là cậu bé con từ trước những năm 45.

*
* *

     Đó là cái lưng mà ông đã từng đeo bám và đong đưa phía sau như con khỉ con. Khi ấy bà ngồi cặm cụi bên bếp lò với 2 tay 3 bếp. Cái mùi bã mía trộn lẫn rơm rạ hay mớ lá dương liễu trong làn tro ủ nóng đã bốc ra. Có khi lại thêm củ khoai lang lùi – đã bay vào mũi cậu bé. Những đốm lửa kêu tí tách – bùng ra như ngòi pháo chuột – đã đổ vào tai cậu bé. Nhưng tất cả đều có thể lãng quên đi nếu không có cái ống thổi lửa mà bà đã ra tay đẽo gọt, nắn nót, xoa xoa, ngửi ngửi. Đó là cái ống tre già ngăn ngắn – trông như cái ống sáo mà chẳng có cái lỗ nào. Vì bà không phải là nhạc sĩ để cần cho ra âm thanh đưa đẩy những “bản nhạc vàng” âm u thời ấy – mà bà hay ngân nga như bày tỏ nỗi lòng.

      Có khi bà im lặng nhìn vào khoảng trời xanh rồi thỏ thẻ một mình như tự tâm sự nỗi lòng. Đất nước đã rơi vào tay giặc Pháp. Lâu đài, dinh thự, con sông, bến nước … đã bị chiếm đoạt.  Những nghệ sĩ đã không còn lấy đâu ra những non sông gấm vóc để làm của riêng mình. Chỉ còn trông vào những ánh trăng, những ngọn gió mà kẻ thù còn chưa kịp cướp lấy để chợt cho ra những vầng thơ, nốt nhạc với những câu ca ai oán, hoang tưởng theo hồn bướm mơ tiên. Đó là cái cõi không gian ẩn kín trong tận đáy con tim những tâm hồn nghệ sĩ u uất – mà kẻ thù còn chưa kịp ruồng bố đến. Hay chợt trông thấy người thôn nữ cô quạnh trong khe suối mà làm bài ca si tình. “Thôn nữ ơi! – Đời ta như cánh chim chiều”. Hay lim dim đôi mắt, chim chíp bờ môi! chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, có nàng thôn nữ đẹp như trăng”. Hay mơ màng theo giọt thời gian“chiều chưa đi màn đêm buông xuống… đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông...”  được rót vào tai những giai điệu êm ả ấy để đặt cho cái tên “nhạc vàng” đầy mộng mơ tựa như tiếng ru con ngọt ngào đã rót vào tai cậu bé. Thằng bé đã ngủ gật trên lưng. Này con! Thức dậy đi mà nghe những vần thơ, những giai điệu nhạc mà ai đã trét cho nó lớp sơn màu vàng. Bà ta lẩm bẩm một mình như trút nỗi niềm ai oán vào tai ông chủ nhỏ còn bé thơ ngày ấy. Con ạ! những bản nhạc vàng đó – bản thân nó có tự  phết cái màu vàng vọt xanh xao bệnh hoạn, đồi trụy bao giờ! Nó đang gieo hạt cho cánh đồng mơ ước được đượm một màu vàng của lúa chín để che khuất tầm nhìn của kẻ thù hồng nuôi dưỡng tình yêu đồng bào, tình yêu trai gái để bước vào cuộc kháng chiến ngày mai từ trong giây phút bi ai này. Rồi bà ta ngậm ngùi lấy cánh tay quẹt lên hai mắt. Cái khoảnh khắc ngắn ngủi và cái xó bếp nhỏ hẹp đầy thơ mộng ấy đã trôi đi. Ngọn lửa hồng nồng ấm, cái ống thổi lửa đen bóng … đã rời xa, nhưng hình ảnh chân quê mộc mạc vẫn còn vương vấn trong lòng cậu bé. Giờ đây, cái còn lại là tấm lưng còm cọm thoang thoảng mùi khói hoà quyện cùng mồ hôi đẫm ướt trên lưng bà, thấm dần trên đôi cánh tay gầy guộc mà nay đã trổ hoa đồi mồi. Rồi như bất chợt có lúc bà tỏ ra giận dữ, thề nguyền. Khi đất nước phải chia hai, con đường dân tộc đã phân cách thành đôi bờ dãy giang sơn. Cái lưng còm đã theo ông chủ nhỏ theo tàu há mồm vào Nam.

     Nhưng kể từ cái đêm hôm ấy – cái đêm ba mươi tháng tư – năm một chín bảy lăm! Cái lưng còm đã trút bỏ hết những bản nhạc vàng để trổi lên những ca khúc khải hoàn. Bản ca khúc ấy do đoàn quân kéo ra từ bưng biền vào thành phố tiếp quản vùng đất Sài Gòn – Gia Định này.

*
*  *

     Bà ta làm “quản gia” – hay nói sát vào tai – không để ai nghe trong tình thế này – là đi ở đợ cho gia đình ông! Kể từ khi ông còn mặc quần thủng đáy chạy quanh phố phường Hà Nội. Suốt đời bà chỉ biết cúi đầu vâng vâng! Dạ dạ!. Nhưng bây giờ đã biết hất hàm, vênh mặt!

     Bà ta vừa đi vừa nói theo hướng vào cái gara nuôi lợn, chứa đầy cám heo! Trông bà dạo này mồm như chim sẻ, cứ chăm bẳm vào ông chủ nhà kể từ cái chiều ấy. Cái chiều mà trời đất bắt đầu rung chuyển… – Sống làm sao nổi với cái bà này! Khi bà khuất vào trong, con lợn reo lên như được “cơm thừa tập thể”. Người đàn ông mở đôi mắt hít luồng không khí vào đầy phổi rồi gật gù: cũng không đến nỗi nào! Có sai phạm thì bà ta mới có lời răn đe. Có răn đe thì có uốn nắn. Có uốn nắn thì có động viên. Trông cứ như cái kịch bản tuồng chèo”.

      Bây giờ người đàn ông như cảm thấy phấn chấn hẳn lên! Còn cái bà trông tuềnh toàng thế! Vậy mà đáng sợ. Coi chừng đấy! Cũng may bà ta là người nhà. Nếu không ông đã bị đẩy đi “kinh tế mới” hay  “vào khu giản dân” từ lâu rồi!.

     Nghĩ ngợi lung tung quá!. Gương mặt ông trông như khô khốc. Thật đáng hổ thẹn cái thân phận trí thức. Cái thân phận như đang bị giam lỏng bên trong ngôi biệt thự tăm tối ẩn mình trong cổng sắt thù lù xám xịt. Kể từ cái đêm hôm ấy, cái đêm dài vô tận như phân chia ra thành hai thế giới đối nghịch. Một thế giới bên ngoài đang cuồn cuộn như dòng thác đổ: tiếng người, tiếng chân dồn dập, tiếng hoan hô – Còn bên trong cái tháp ngà màu rêu, một thế giới thầm lặng.

*
*  *

– Ông ơi! Người ta hô hào nộp hết sách báo “phản động, đồi trụy”.

     Lại cũng cái giọng răn đe của bà ta!.

Người đàn ông như gà bị cắt tiết. Mặt ông tái ngắt, người ông run lên, bấn loạn.

– Này ! Này ! Bà cứ đem nộp hết đi!

– Dại à! Tự mình vạch áo cho người xem lưng. Lão sẽ cho nấu nước sôi hết. Ông cứ lục ra xem thứ nào có chữ Tây, chữ Mỹ. Còn thứ nào khiêu dâm tôi làm củi cho chụm trước.

– Làm gì có khiêu dâm, mấy cái hình họa nghệ thuật đấy !

– Nghệ thuật gì mà trần truồng như nhộng! Học tập cải tạo cả lũ.

     Kể từ đó! Cái nồi nước sôi của bà cứ sôi sục trong nhiều ngày tháng. Khi sôi lên thì phải được dốc cạn cả vào ống cống để thay nước mới. Như vậy mới đủ sức làm bay mấy cái tủ sách bìa cứng mạ vàng mà ông hay ấp vào mũi mỗi khi lấy ra đọc.

     Có lần, bà lại to mồm:

– Này ! Ông ạ !

     Bà ta gọi! Lại có chuyện rồi đây!.

– Cái chuông điện ngoài cổng nên thay đổi đi ông ạ! Cứ mỗi lần nó reo lên là tôi muốn nhổm người dậy.

– Được thôi! Nhưng có bè bạn đến thăm thì phải làm sao đây!.

– “Ta thay thế bằng cái chuông giựt”.

     Người đàn bà nói xong thì tắt tiếng như sợi dây đàn bị đứt ngang. Rồi lại được kết nối, lên dây, so âm từ mềm nhũn tăng dần độ căng cứng.

– “Nghĩ cũng hay đấy ông ạ! Cái gì bây giờ cũng phải phát huy lao động tay chân. Có thế thì mới tồn tại ông ạ!

     Rồi lại một hôm bà quản gia hớt hải từ ngoài chạy bay vào, bảo nhỏ vào tai ông: “đêm qua họp tổ dân phố!. Người ta phê bình nhà mình còn treo cái bảng “coi chừng chó dữ”.

     Ông bình thản :

– Con “Lắc Ki” đã thay đổi tính nết rồi!. Nó còn dám dữ dằn như trước nữa đâu! Bà khỏi phải lo!.

– Ừ đúng đấy! Bà ta tỏ vẻ đắc ý – “Bây giờ bọn trẻ có đứa nào còn dám ngổ ngáo chọc phá. Chúng vào đoàn, đội cả rồi” .

     Bà quản gia gật gù!. Hồi trước, cứ trưa nào ngon giấc là bọn chúng đi ngang qua, bấm chơi mấy cái rồi cười hú hí xô nhau chạy. Có đứa lại chơi có kỹ thuật hơn, lấy một nắm đất sét đắp vào cái chuông cho nó réo ỏm tỏi dài dài. Thế là con Lắc Ki nhảy xổm lên! Há hốc mõm sủa vang trời đất.

– Những cái bảng ấy nên thay đổi chứ!.

     Bà hất hàm về phía ông như đặt ra câu “trả lời” sẵn!

– Nên thế lắm bà Hai ạ!

– Nên thế là nên thế nào, chả nhẽ sửa lại là “coi chừng chó dại” để thay cho “coi chừng chó dữ!”. “Dại” nghĩa là “khờ”! “Khờ” thì còn sợ gì nữa!.

     Ông im lặng! Đã đến lúc chơi chữ rồi đây!. Nhưng cái đầu ông giờ này trông giống như đầu cái máy hát đĩa cổ “hiệu con chó” bị rè kim nên gật gật:

– Thế là yên chí lớn!

– Chưa hẳn đã yên đâu ông ạ!

– Gỡ nó xuống đi ông! Úp vào xó bếp .”Chó dại” còn đáng sợ hơn!

– Thế bà vừa mới nói “dại” là tốt rồi còn gì!

     Bà ta nói thế nào cũng hay cả – kể từ sau cái ngày ấy cái ngày ngọn “sóng thần” liếm sạch tàn dư của một chế độ.! Và giờ đây bà ta chính là “cái cửa ngõ văn hóa với kiểu dáng mới. Kiểu dáng của một “luồng gió lạ” bắt đầu thổi vào từ cái đêm không ngủ ấy – Cái đêm mà ông luôn ghi nhớ trong ký ức – Khi trời đất vỡ toang làm đôi! Đã lôi xuống vực thẳm những tháp ngà, dinh thự, lâu đài xa hoa phù phiếm. Cái mà giới tư sản đã từng thừa hưởng như một “đế chế”. Thì giờ đây nó đã trở thành “vô dụng”. Tất cả đã biến đổi – trông rõ – từ cái sáng hôm sau đó.

      Nhưng cái sáng dù đã biến động! Nhưng vẫn giữ đường nét cũ bằng tiếng chuông nhà thờ quen thuộc còn vang vọng từ xa. Rồi tiếng rao vẫn cất lên văng vẳng của bọn trẻ bán báo. Tiếng gồng gánh, tiếng lách cách của người phu xích lô lãng tử … Bà quản gia bật dậy, bước ra cánh cổng sắt đặt mắt vào cái ổ khoá. Bên ngoài nghe có tiếng chân người rầm rập, rồi tiếng reo hò vang dội.

      Bỗng dưng! Những ký ức đã gợi nhớ trong trí bà, trông rõ như ban ngày đã xuất hiện –Từ khi theo tàu há mồm cùng với bố mẹ ông bác sĩ di cư vào Nam. Bà quản gia cùng gia đình ông bác sĩ – khi còn chân ướt chân ráo! – chỉ sống trong một căn phố thuộc khu dân cư đông đúc – ở xóm mới Gò Vấp – thuộc vùng Gia Định – Sài Gòn. Nói là căn phố nhưng cũng chưa được xây bằng tường gạch. Nhà này cách nhà kia bằng những tấm ván gỗ đóng sát vào nhau. Lâu ngày, những tấm ván rút lại để lộ ra những kẽ hở. Người hai bên nhà dán kín bằng những tấm giấy “nhựt trình”. Đó là những tờ báo ngày thời đó để che lấp. Riêng nhà bố mẹ ông bác sĩ thì được dán bằng những tấm giấy báo Tây có màu sắc – trông như những bức tranh sặc sỡ. Nhà này nói gì thì nhà kia nghe rõ cả. Chuyện cãi cọ nhau đã đành mà chuyện tâm tình to nhỏ cùng nhau có khi cũng nghe rõ mồn một.

      Vì thế mà bà cũng hay tò mò nhìn qua kẽ vách để xem chừng những cặp vợ chồng bên kia làm gì? Hay trông những đám con cái ngỗ nghịch mà bà cảm thấy thú vị! Lúc mới vào Nam, có chiều tối, có một bên nhà hát to lên bất chợt một câu ca nghe lạ tai: “Đêm nay thế nào cũng mưa, không mưa ít thì cũng mưa nhiều”. Thực ra! Đêm hôm đó chả có mưa gió gì cả! Về sau bà mới hiểu ra đó là người ta chộ nhau: “Đêm nay chắc là có hai vợ chồng ân ái với nhau!”. Bà xấu hổ làm sao! Khi đi hỏi han và được trả lời như thế. Đó là cảnh sinh hoạt ở những khu phố vào những năm 60, của nền văn minh văn hoá cộng đồng chật chội của miền Nam. Bà thấy nó ngộ nghĩnh làm sao!

     Nhưng khoảng 10 năm sau đó, gia đình bố mẹ bác sĩ tìm được căn biệt thự ở cái phố sang trọng này bằng số vàng đem vào từ miền Bắc. Còn ông bác sĩ được đưa đi sang Pháp du học thành tài. Rồi ông trở về lập gia đình! Môn đăng hộ đối!

     Đời sống tại khu vực sang trọng này có khác! Nhà ai nấy ở – Không nghe tiếng động của nhau, chỉ nghe tiếng chó sủa bên này sang bên kia và bên kia sang bên nọ. Hai nhà cũng không nhìn thấy nhau vì cách nhau bằng vách tường gạchnhững hàng cây trang trí bằng những cây cau, những cây bông giấy… đủ màu sắc.

      Nếu trước kia, còn ở nhà vách, bà có thể theo dõi bên ngoài bằng kẽ ván. Còn bây giờ cái căn biệt thự sang trọng này không có kẽ hở. Ngay cả cái cổng sắt cũng được bít kín và sơn lên lớp sơn giả cổ màu xanh lá cây đậm, thỉnh thoảng phết lên màu đen. Nó kín như bưng! Như vậy bà chỉ còn nhìn ra đường bằng cái lỗ khóa duy nhất.

     Cái lỗ khoá hàng ngày bà vẫn khoá nó và mở nó- Nhưng hôm nay bà mới nhận dạng được. Đó cũng là cái lỗ cong ở phần trên như cái vòm. Còn ở dưới như cái chân đế. Nó nhỏ nhoi! Xoàng xĩnh! Nhưng hôm nay nó cực kỳ quan trọng trông như cái chốt cửa ải!

     Thật! Chả phải xấu hổ gì cả – vì cái lỗ khóa nhìn ra đường – nơi mà các loại người – giàu có, sang hèn, già cả, bé lớn, … đều đi ngang qua đó. Cái lỗ khóa ấy không phải là cái lỗ khóa của các cánh cửa khách sạn – nơi mà – các anh, chị bồi phòng có thể theo dõi khách bên trong. Họ mặc đồ hớ hênh hay thay quần áo đều có thể trông rõ vài giây phút. Bất chợt những quyển tiểu thuyết lãng mạn ra đời từ cái di sản văn hoá thuộc địa Pháp. Nó thường cũng hay mô tả cảnh tượng bên trong cái lỗ khóa cũng như bên kia kẽ vách của phòng tắm hay trông qua cánh cửa sổ ở nhà đối diện – Những chàng trai ở nhà trọ không để lỡ cơ hội này! Tất cả những cảnh sinh hoạt thành thị ấy ít nhiều cũng được những nhà báo lá cải để ý đến. Sách bán cũng chạy vì những mối tình lãng mạn, vụng trộm làm rung động trái tim các cô tiểu thư, các nhà tiểu tư sản, các nghệ sĩ không nhà. Những loại tiểu thuyết ấy cũng không kém gì những sản phẩm phiêu lưu đi tìm vàng hay những sản phẩm chuyên về truyện trinh thám!… Chàng phóng viên đêm khuya gõ gót giầy trên đường phố vắng Hà Nội để đi theo dấu vết thủ phạm…

     Trở về với cái lỗ khóa của nhà bà quản gia. Rõ ràng cái lỗ khóa ấy“cái ống dòm” của bà. Khách đến! Nghe tiếng gõ cửa! Chẳng cần biết là ai? Cứ dòm lỗ khóa để xác định người quen hay lạ! Nếu quen! Cửa mở! Xin mời vào. Còn lạ, xin hỏi tên tuổi, đến gặp ai làm gì? Xin chờ đấy!

     Thời buổi nhiễu nhương! Nhà cửa phải kín cổng cao tường. Còn bên ngoài cổng lại còn có cái biển “Coi chừng chó dữ” với hình con chó “bẹc-zê” là để hù doạ – cũng có hiệu quả! Để ngăn chặn bọn xấu!

     Nhưng sáng hôm ấy! Cái sáng lịch sử – trùng với ngày lễ lao động – cái lỗ khóa nhà bà trở nên quan trọng. Nó là cái “lỗ thông hơi” duy nhất để theo dõi hơi thở của thế giới bên ngoài trong thời buổi đang thay đổi đột ngột để chuyển mùa này!.

     Bà quản gia bước từ từ đến – tưởng chừng như nơi đó hiện có con mắt dò xét đang dòm ngược vào! Bên ngoài lúc này có tiếng chân nhiều người nện mạnh trên nền đất. Rồi tiếng xe, tiếng hoan hô…. rầm rập.

     Bà vội chạy ngay đến cái lỗ khóa và dán mắt vào đó.

     Một đoàn người kéo nhau đi qua. Rồi lại đoàn khác tiếp tục đến, có mấy thằng bé con! Guốc dép, chân đất lộn xộn. Cái “anh xích lô”, cái anh “xe ba gác” chở đầy nhóc “người là người” như đi dự hội. Hoan hô! Hoan hô! … Đả đảo! Đả đảo!…

     Bà giụi mắt! Như cố để trông cho rõ. Ơ kìa! Cái con bán chè đậu. Nhìn cái lưng là bà biết ngay là mày, hôm nay mày không bán chè à! Mày ngồi chễm chệ trên cái xe ba gác, mày theo phe mấy ổng à?! Bà nói thầm! Nó có là gì đối với bà! Cứ mỗi lần đi chợ – trên đường về nhà – cứ y như rằng là gặp nó! Để gánh chè xuống là nó chào hàng: “Dì Tư! mua cho con mấy đồng! Hôm nay bán ế quá!”

– Sao lúc này! Chị hay than vãn thế!

– Thưa bà! Bị cảnh sát đuổi hoài – Con gánh chạy từ đường này sang đường kia – Khách đang ăn cũng bỏ chạy đi mất!

     Cái bài ca cẩm như thế! Nghe như 6 câu vọng cổ – cứ lặp đi lặp lại.

– Ừ! thì chị đem đến nhà. Để tao lấy bát ra! Chả là khi đi chợ! Bà có dành tí tiền lẻ như là của bỏ túi riêng. Bà hay mua đồng quà, đồng bánh, hay đồng chè… Tất cả để dành cho hai cháu bé trong nhà. Mà ông bác sĩ cũng hay hỏi bà mỗi khi thức dậy buổi trưa. Bà Hai có cái gì ăn không? – Có chứ! Có là có bát chè đậu này! – À! Mà bà không quên xin cho ít nước dừa đổ đầy chén!

     Có lúc! Vào cái ngày có biểu tình, người chạy tán loạn! Cảnh sát dùng dùi cui, lựu đạn cay rượt đuổi -Gánh chè còn nửa nồi và thêm hai dòng nước mắt. Dì Ba phải gánh hết trọn gói. Thế mà! Bây giờ bà trông thấy nó có mặt trong đoàn người – Gương mặt nó sáng rỡ lạ thường! Bà đã hiểu ra! Chắc nó là “người bên kia” rồi! Rõ rồi! Đáng ngại thật! Nó “nằm vùng”! Không biết nó còn nhìn ra “cái mặt” mình không? hay nó nhìn ra “cái khác”. Trống ngực bà đập mạnh -đập như muốn vỡ đi, vỡ hơn cái ngày bà bước chân xuống tàu há mồm để đi vào Nam.

     Bà vội nheo mắt lại, rồi lấy ngón tay cái bịt chặt vào cái lỗ khoá như bịt bớt sự rung động! Nhưng tiếng rộn rịp bên ngoài lại thôi thúc ngược lại. Bà tự nhủ: thế mình đã làm nên tội ác gì để phải bị ngược đãi. Có gì phải lo sợ! Nghĩ vậy! Bà bèn mở ngón tay ra. Cái lỗ khoá như trong suốt rọi vào mắt bà. Ơ kìa! Bà dụi mắt để nhìn cho rõ. Cái thằng đánh giày! Mày từ đâu ra thế! Trời đất ạ! Nó từng ăn xin bà mấy bát cơm!

     Cứ chiều chiều! Nó ngồi bệt trước cổng – Con chó nhà hục hặc! Bà bước ra thì y như rằng nó ngồi chờ sẵn. Biết là đến giờ cơm chiều! Bà mở cửa lén dẫn nó vào trong bếp cho một tô cơm đầy. Con chó một phần. Còn nó phải 1 phần hơn vì có thịt thà.

– Ăn đi con! Lúc này mày ốm lắm!

– Ông chủ tiệm phở không cho con vào đánh giày nữa!

– Ông nói làm sao?

– Nói con ăn mặc rách rưới quá! Làm xấu cửa tiệm của ông.

– Thì  bà cho con một bộ lành lặn hơn! 

Truyện ngắn đã được đăng trên Doanh nghiệp & Thương hiệu – Số tháng 5 – 2013.

Đón đọc phần tiếp theo!

NGUYỄN MẠNH HÙNG 1

___________
1. PGS, tiến sĩ sử học.

(Visited 22 times, 1 visits today)